Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 8 năm 2018 | 14:38

Thi công làm sụt, lở nhà dân - chính quyền tắc trách?

Doanh nghiệp ngang nhiên tổ chức thi công, cải tạo ao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền bàn giao mốc giới; không có phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân sống gần khu vực thi công, để xảy ra sạt lở nhà dân.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi người dân đang phải sống trong nguy cơ sập nhà bất cứ lúc nào!?

 

tr15da.jpg

Thi công khi chưa bàn giao mốc giới

Một hộ dân sinh sống tại xóm Bộ, thôn Phù Đổng 2, xã Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) tìm đến tòa soạn Báo Kinh tế nông thôn phản ánh việc chính quyền xã để cho doanh nghiệp ngang nhiên đào, múc đất gây sạt, lở nhà khiến cho cuộc sống của gia đình ông phải sống trong hoang mang, lo sợ vì căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào.

Theo thông tin người dân cung cấp, vào khoảng đầu tháng 8/2018, Công ty TNHH Hồng Trường đưa máy móc đến khu vực ao trên để đào móng kè ao, tuy nhiên, đơn vị trên cùng chủ đầu tư lại không hề thông báo với các hộ dân sinh sống quanh khu vực  biết về việc xây dựng dự án kè ao. Trong quá trình đào, múc đã làm ảnh hưởng đến các nhà dân lân cận. 

Tiếp nhận phản ánh trên, phóng viên đã có mặt tại khu vực ao mà người dân phản ánh. Được biết, đây là dự án kè ao do UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư và thuê đơn vị thi công là Công ty TNHH Hồng Trường có trụ sở tại 619 Nguyễn Văn Linh (Long Biên, Hà Nội).

Mặc dù đây là dự án do UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư nhưng lại tổ chức thi công đào, múc ao khi chưa được cơ quan chức năng bàn giao mốc giới, kiểm đếm tài sản trên đất. Thậm chí là không hề có phương án đảm bảo an toàn cho các nhà dân sống lân cận với khu vực thi công dẫn đến tình trạng lún, sụt nhà đe dọa an toàn tính mạng của người dân.

tr15d.jpg
Hiện trường tại dự án kè ao do UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư.

“Vừa kết thúc đợt mưa kéo dài thời gian qua, người dân ở đây ngỡ ngàng khi thấy chiếc máy xúc từ đâu đưa đến, cứ thế đào, múc, chỗ sâu nhất phải đến 5m. Thấy thế, chúng tôi gặng hỏi thì mới biết là thi công dự án kè ao, hồ gì đó”, người dân ở đây cho biết.

Chính quyền “làm ngơ”?

Khi trao đổi với phóng viên, nhiều người dân còn bức xúc cho biết, sau khi doanh nghiệp tiến hành đào, múc; nhận thấy có dấu hiệu của việc lún, nứt phần diện tích sân trước nhà, người dân trực tiếp điện thoại cầu cứu Chủ tịch UBND xã Phù Đổng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người thân trong gia đình và bảo vệ tài sản, nhưng không được vị lãnh đạo này quan tâm.

“Trong lúc người ta đào, múc sát với phần đất nhà tôi, nhận thấy có dấu hiệu bị lún, nứt tường rào, sân trước nhà, tôi phản ánh ngay với Chủ tịch xã để vị này nắm được và có biện pháp ngăn chặn yêu cầu dừng thi công nhưng chẳng hiểu sao, cả ngày hôm đó không có bất kỳ cán bộ nào có mặt nên doanh nghiệp vẫn vô tư thi công khiến nhà tôi bị đổ mất một phần sân và tường rào. Đây là việc làm vô trách nhiệm của chính quyền địa phường”, bác Lưu Văn Gi, bức xúc nói.

Trước phản ánh của người dân, ngày 7/8/2018, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có buổi làm việc với ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng. Tại buổi làm việc, ông Tĩnh cho hay: “Đúng là hiện nay Công ty Hồng Trường đang thi công dự án kè hồ trên địa bàn xã, tại khu vực ao 6 sào (1 sào = 360m2) chỉ là một trong số 32 tuyến mà đơn vị này thực hiện thôi.

Do chủ đầu tư là UBND huyện nên chúng tôi chỉ làm trách nhiệm giám sát cộng đồng, sau khi nhận được phản ánh, tôi đã cử cán bộ xuống hiện trường lập biên bản và yêu cầu dừng thi công để khắc phục rồi, còn việc bàn giao mốc giới và kiểm đếm tài sản thì tới đây sẽ cho tiến hành luôn”.

Như vậy, những gì mà người dân phản ánh là hoàn toàn có cơ sở và câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao chưa được địa phương bàn giao mốc giới mà đơn vị thi công vẫn ngang nhiên tiến hành đào, múc dẫn đến hậu quả làm lún, nứt nhà dân? Tại sao một công trình đào, múc sâu tới 5m nằm sát bên nhà ở của dân mà chính quyền địa phương lại không hề lên phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân? Vai trò của chính quyền ở đâu khi doanh nghiệp tiến hành thi công khi chưa đủ thủ tục pháp lý? Phải chăng có sự “làm ngơ” cho doanh nghiệp từ các cấp chính quyền?

Đề nghị UBND TP.Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm sớm kiểm tra làm rõ sự việc trên, đồng thời yêu cầu đơn vị thi công sớm khắc phục đền bù cho người dân, có phương án đảm bảo an toàn để bà con yên tâm sinh sống.

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top