Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 21 tháng 6 năm 2018 | 15:27

Thi đua hướng tới nền nông nghiệp - nông thôn hiện đại, bền vững

Cách đây 70 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc với “Tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân” và với ”bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”.

 Diện mạo xã Vĩnh Thanh (Phước Long - Bạc Liêu) hôm nay. Ảnh: PTC.

 

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch chỉ với vẻn vẹn 441 từ, nhưng đã  tạo nên một phong trào lớn, kéo dài đến tận ngày nay và chắc chắn, sẽ còn lâu hơn nữa.

Những phong trào tiêu biểu

Nói về phong trào thi đua ngành nông nghiệp trong 70 năm qua, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh: Việt Nam là đất nước nông nghiệp nên các phong trào thi đua trong nông nghiệp nhiều lúc cũng là phong trào thi đua cách mạng của dân tộc ta. Từ khi ngành nông nghiệp được thành lập, Bác Hồ đã phát động phong trào thi đua “Tấc đất, tất vàng” với mong muốn dân ta giàu, nước ta thịnh. Suốt quá trình đó, phong trào thi đua trong nông nghiệp đều hướng vào thực hiện 2 mục tiêu chiến lược: xây dựng nông thôn Việt Nam, hậu phương vững chắc và đảm bảo an toàn về lương thực thực phẩm cho tiền tuyến. Chúng ta đã hoàn thành rất tốt cả 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng.

Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc (1945-1975), nông nghiệp, nông dân trở thành trục chính của đại đoàn kết dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là động lực cho phát triển nông nghiệp. Chính trên mặt trận nông nghiệp, tinh thần thi đua đã sớm trở thành phong trào phát triển mạnh mẽ và rộng lớn như: “Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công, thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất” và “Ruộng rẫy là chiến trường; Cuốc cày là vũ khí; Nhà nông là chiến sĩ; Hậu phương thi đua với tiền phương”… Các phong trào thi đua này góp phần vào “chiến thắng nạn đói”, tham gia hiệu quả công cuộc kháng chiến, kiến quốc, hoàn thành vẻ vang sứ mệnh của “hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn”.

Ngày 7/12/1945, trong thư “Gửi nông gia Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thực túc thì binh cường”, “Cấy nhiều thì khỏi đói” và “Tấc đất, tấc vàng”… nên Người trực tiếp kêu gọi phải: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do độc lập. Hỡi anh em nhà nông, tiến lên”.

Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, trong 9 năm (1945-1954), dù vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, các phong trào thi đua ngành nông nghiệp đã tích cực được triển khai, khuyến khích phát triển sản xuất. Chính vì vậy, đến năm 1954, sản lượng quy thóc đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946. Lương thực đủ cung cấp cho nhân dân vùng tự do và bộ đội đánh giặc.

Hoà bình lập lại (1954), đất nước chia hai miền, miền Bắc dù “dưới mưa bom bão đạn”, các phong trào thi đua trong nông dân, công nhân nông nghiệp vẫn được triển khai mạnh mẽ với “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “hậu phương thi đua với tiền phương”  hay “tay liềm, tay súng”, “tay cuốc, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “ngày làm không đủ, tranh thủ làm đêm”. Ngư dân bám biển, vươn khơi khai thác hải sản và cung cấp nguồn thực phẩm cho đất nước, bảo vệ an ninh miền biển với “tay lưới, tay súng”.  Ngành Thủy lợi vừa xây dựng, vừa chiến đấu bảo vệ các công trình đầu mối, “địch phá ta xây”, quyết không để đồng khô chờ nước, không để đê vỡ, kiên cường trước địch họa và thiên tai.

Người lao động nông nghiệp dù trong thời bình hay thời chiến, luôn cần cù chịu khó, biết cách vượt qua mọi gian nan thử thách, ngày càng tăng thêm tính chủ động, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp bằng tinh thần đoàn kết và lao động sáng tạo của mình. 

Làm nên những thành tựu kỳ diệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Giờ đây, nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. “Sau hơn 30 năm đổi mới, phong trào thi đua phát triển nông nghiệp, nông thôn với chủ trương nông nghiệp là mặt trận hàng đầu của nhà nước ta, ngành nông nghiệp đã có rất nhiều phong trào thi đua như phong trào cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, phong trào thi đua về “cứng hóa” kênh mương… Các phong trào thi đua này rất cụ thể, thiết thực trong từng giai đoạn nên ngành nông nghiệp đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng. Nhiều mặt hàng nông sản của nước ta đã được bạn bè quốc tế biết đến với thương hiệu ngày càng có uy tín và chất lượng ngày càng cao hơn”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định.

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến là tập thể, cá nhân ở khắp các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc, là tấm gương sáng về lao động sản xuất, công tác, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, góp phần to lớn làm nên những thành tựu kỳ diệu của Ngành Nông nghiệp và PTNT nước ta.

Đã có hàng trăm anh hùng lao động, hàng nghìn chiến sĩ thi đua toàn quốc và hàng nghìn tập thể, cá nhân tiêu biểu được tặng thưởng Huân, Huy chương cao quý của Nhà nước; đặc biệt gần đây, đã có nhiều tập thể, cá nhân có sản phẩm tiêu biểu được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Giải thưởng Bông Lúa Vàng Việt Nam; hàng trăm doanh nghiệp được tặng Danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”; hàng trăm nông dân có sáng kiến, sáng chế trong lao động sản xuất được tôn vinh…

Trong những năm gần đây, phong trào thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được toàn ngành triển khai rộng khắp và thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi, hấp dẫn thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia. Đây vừa là nhiệm vụ then chốt, vừa là giải pháp quan trọng, thường xuyên và lâu dài để gắn kết các phong trào thi đua với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, vì mục tiêu: ”Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tấng kinh tế - xã hội hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được nâng cao”.

Thực hiện mục tiêu chiến lược

Ngành Nông nghiệp và PTNT đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hiện nay, phong trào đã phát triển mạnh mẽ và sâu rộng trong cả nước, được cả hệ thống chính trị tham gia lãnh đạo, nhân dân đồng tình ủng hộ và trực tiếp thực hiện.

Tính đến nay, cả nước đã có 3.346  xã (chiếm 37,48%) đạt chuẩn nông thôn mới với mức bình quân đạt 14,25 tiêu chí/xã; có 52 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới.

Sự quan tâm thường xuyên của Đảng, Nhà nước và cả xã hội tới sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân là sự động viên to lớn và quan trọng nhất đối với toàn ngành để tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước cả về nội dung và phương thức thực hiện; đặc biệt là Phong trào thi đua ”Toàn ngành Nông nghiệp và PTNT chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020". Như vậy, các phong trào thi đua trong nông nghiệp cũng hướng vào thực hiện vào hai công việc rất quan trọng và trọng tâm nhất là tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện được 2 mục tiêu chiến lược này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, mỗi một địa phương, mỗi một vùng miền sẽ có những phong trào thi đua cụ thể. Ví dụ, vùng có điều kiện thì thực hiện phong trào đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp; một số lĩnh vực, một số mặt hàng, một số doanh nghiệp tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;  vùng thì tập trung vào việc xây dựng hợp tác xã (HTX) và cả nước có phong trào xây dựng 15.000 HTX đạt các yêu cầu của Luật HTX; có vùng thực hiện phong trào liên kết 4 nhà, thậm chí hướng đến có nhiều nhà tham gia vào liên kết hơn…

“Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc sẽ mãi mãi là là ánh sáng soi đường cho chúng ta về cách thức tổ chức và động viên lực lượng quần chúng tham gia. Chúng ta tiếp tục thấm nhuần và cụ thể hóa vào thực tiễn để những năm tới sẽ càng có nhiều hơn nữa những tập thể, cá nhân xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.       

 

Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, Hội Làm vườn Việt Nam đã phát động, chỉ đạo, hướng dẫn phong trào phát triển kinh tế gia đình bằng mô hình VAC, góp phần quan trọng trong cải thiện bữa ăn gia đình, tình trạng dinh dưỡng cho mọi thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em, bà mẹ mang thai, người cao tuổi,… Không chỉ vậy, sự phát triển của kinh tế vườn (VAC) với quy mô ngày càng lớn còn giúp tăng thu nhập cho gia đình, địa phương, tạo nên lượng hàng hóa lớn cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, phủ xanh đất trống đồi trọc, tạo môi trường cảnh quan mới cho nhiều vùng đất nước, tạo thêm việc làm.

Từ đây, định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp đã hình thành ở nhiều địa phương. Nhiều đồi vườn, vườn rừng, vườn ruộng,… quy mô lớn ra đời. Và thực tế những năm gần đây đã khẳng định giá trị của kinh tế vườn khi xuất khẩu rau - quả đã vượt cả dầu thô và đang còn tiếp tục có bước phát triển với tốc độ cao, nhất là khi liên kết doanh nghiệp với nông dân, người làm kinh tế vườn được triển khai, tạo điều kiện để áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật và tiếp cận công nghệ thời công nghiệp 4.0.

 

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top