Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 7 năm 2018 | 16:17

Thị trường Nông nghiệp ĐBSH: Mùa nhãn hứa hẹn thắng lớn, tăng 30%

Chỉ một vài tuần nữa là Hưng Yên bước vào thu hoạch nhãn lồng trà sớm. Theo nhận định của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, năm nay, thời tiết thuận lợi nên nhãn sai hoa, tỷ lệ đậu quả cao, sản lượng dự kiến tăng 30% so với năm 2017.

Hưng Yên: Sản lượng nhãn dự kiến tăng 30%

Theo thống kê, tỉnh Hưng Yên có trên 3.000ha nhãn, trồng nhiều tại huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên. Hiện, nhãn đang ở giai đoạn phát triển quả non, dự kiến cho thu hoạch trà sớm vào nửa cuối tháng 7. 

Nhờ thời tiết thuận lợi nên năm nay nhãn sai hoa, tỷ lệ đậu quả cao, nếu từ nay đến cuối vụ không bị ảnh hưởng của thời tiết bất thuận, dự kiến toàn tỉnh thu được khoảng 41.000 tấn nhãn quả, tăng 30% so với năm 2017.

Điều đáng ghi nhận là, xu hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP ngày càng được người dân hưởng ứng.

Đơn cử như tại Khoái Châu, toàn huyện hiện có khoảng 1.500ha trồng nhãn với các giống chủ yếu như: nhãn Miền Thiết (chiếm trên 80%), nhãn T1, T2, T6, nhãn siêu ngọt… 

Để giúp người dân được tiếp cận các biện pháp kỹ thuật chăm sóc quả non, Phòng NNPTNT huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn nông dân bón phân bảo đảm phân hữu cơ và vô cơ được cân bằng các chất dinh dưỡng; nghiêm ngặt sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng), không được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm và phải bảo đảm cách ly sản phẩm 21 ngày trước thu hoạch.

 

6.jpg
Người trồng nhãn Hưng Yên vui mừng khi nhãn có cơ hội xuất khẩu. Ảnh: Vũ Nguyệt

 

Hiện, tổng diện tích nhãn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Khoái Châu là trên 20ha. Phấn đấu từ nay đến trước vụ thu hoạch nhãn sẽ có thêm trên 200ha nhãn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Để tuyên truyền, quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm nhãn lồng đã được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nhãn và sản phẩm nông sản của Hưng Yên, theo kế hoạch, giữa tháng 7 và đầu tháng 8 tới, Hưng Yên sẽ tổ chức 5 sự kiện, gồm: Hội nghị  kết nối giao thương tiêu thụ nhãn và các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Hưng Yên; Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên năm 2018; Hội nghị Xúc tiến thương mại nhãn và các sản phẩm nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2018; Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên năm 2018 tại Hà Nội; Phiên chợ nhãn lồng tại Khu đô thị Ecopark Văn Giang. 

Hải Dương: Nông dân Chí Linh thu lãi từ 1,2-1,5 triệu đồng/sào lạc

Nông dân thị xã Chí Linh đang thu hoạch lạc, giá bán tại ruộng từ 10.000-11.000 đồng/kg lạc tươi, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với năm trước.

Mặc dù vậy, do năng suất lạc tăng cao, đạt từ 2-2,2 tạ/sào nên người dân thu lãi từ 1,2-1,5 triệu đồng/sào, cao hơn năm trước từ 500.000-700.000 đồng/sào. Ngoài bán lạc tươi, nông dân còn ép lạc lấy dầu bán với giá từ 80.000-85.000 đồng/lít.

9.jpg
Thu hoạch lạc tươi. (Nguồn: Internet)

 
Thị xã Chí Linh có hơn 800ha lạc, được trồng chủ yếu tại các địa phương gặp khó khăn về nguồn nước như Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm, Bắc An, Hoàng Tân, Hoàng Tiến.

Hà Nội: Giá thịt lợn ổn định ở mức cao

Gần 2 tháng nay, giá lợn hơi giữ ở mức cao đang là động lực để nhiều nông hộ yên tâm hơn với việc tái đàn lợn thịt để phục vụ nhu cầu thị trường trong thời gian tới…

Qua khảo sát tại một số vùng chăn nuôi lợn trọng điểm của bàn thành phố Hà Nội là: Ứng Hòa, Thanh Oai, Thạch Thất, Phú Xuyên…, từ đầu tháng 6/2018 đến nay, mức giá lợn hơi được thu mua tại chuồng dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg; tăng gần gấp 2 lần so với thời điểm giá lợn hơi ở mức thấp nhất. Giá lợn giống cũng tăng gấp đôi, thậm chí là 2,5 lần so với đầu năm 2018 nhưng nhiều chủ trang trại hiện vẫn chưa muốn bán ra vì cho rằng giá lợn giống sẽ còn tăng cao do nguồn cung hiện không nhiều.

8.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn và các sản phẩm từ thịt cũng tăng nhanh. Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn đã tăng cao hơn so với hồi đầu năm. Cụ thể, giá thịt vai đang ở mức 85.000 - 90.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, thịt mông khoảng 95.000 – 105.000 đồng/kg; sườn 90.000 - 100.000 đồng/kg…

Nam Định: Người trồng thanh long phấn khởi mùa bội thu

Đến thời điểm hiện tại, thanh long ruột đỏ tại xã Hải Đường (Hải Hậu - Nam Định) đã cho thu hoạch 1 lứa. Với giá bán tại vườn dao động từ 18 đến 30 nghìn đồng/kg, người trồng thanh long khấp khởi hy vọng một mùa vụ thắng lợi.

Theo tính toán của các hộ trồng thanh long ruột đỏ nơi đây, trung bình mỗi vụ thanh long, một trụ cây cho thu về khoảng 30kg quả. Đầu mùa, với mức giá nhập bán cho thương lái tại vườn khoảng 20 nghìn đồng/kg, giữa mùa dao động từ 10-15 nghìn đồng/kg, mỗi vụ thanh long, trừ chi phí chị Khuyên thu về khoảng 90 triệu đồng.

10.png
Thu hoạch thanh long ruột đỏ. (Ảnh: Internet)

 

“Trồng cây thanh long có hiệu quả hơn nhiều lần trồng lúa. Đặc biệt, đây là giống cây không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu ít”, người dân địa phương cho biết. 

Vĩnh Phúc: Triển vọng mới cho sản phẩm na dai Bồ Lý

Mới đây, được sự hỗ trợ của tỉnh, xã Bồ Lý (Tam Đảo) đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm na dai. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn chờ Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định, song động thái tích cực này đã đem lại niềm hy vọng cho người dân xã Bồ Lý trong việc chọn cây na dai để phát triển kinh tế.

Trong vài năm trở lại đây, cùng với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, na dai đã và đang khẳng định vị thế là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao ở Bồ Lý hiện nay với lợi nhuận bình quân 200 – 500 nghìn đồng/gốc na/vụ.

11.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Với giá trị kinh tế mà nó mang lại, cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, tổng diện tích trồng na trên địa bàn xã ngày càng tăng, đạt khoảng 80ha, tập trung chủ yếu ở các thôn: Chùa Bồi, Ngọc Thụ, Trại Bái, Đồng Lụt, Tân Lập. Năm 2017, HTX Nông nghiệp – Dịch vụ và TM Tam Đảo được thành lập, tập hợp các hộ trồng na trong xã Bồ Lý. Hiện HTX có 14 thành viên, bước đầu thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ninh Bình: Nỗi buồn người trồng dứa Đồng Giao

Vụ thu hoạch dứa đã bắt đầu từ hơn nửa tháng nay nhưng hàng trăm tấn dứa của những người nông dân ở thành phố Tam Điệp đang có nguy cơ chín thối trên đồng ruộng vì không có đầu ra. Hàng trăm triệu đồng của những người nông dân nơi đây đầu tư vào dứa cũng đang có nguy cơ mất trắng và họ sẽ lâm vào cảnh nợ nần.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Đội sản xuất Ghềnh, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao cho biết, với 0,6ha đất trồng dứa, vụ này bà đầu tư vốn hết khoảng 90 triệu đồng cho giống và phân bón..., năng suất đạt 35-40 tấn. Nếu như mọi năm gia đình bà cũng được ngót 150 triệu đồng. Nhưng năm nay bà mới chỉ đủ nộp sản lượng đăng ký với Công ty là 12,5 tấn với giá 3.300 đồng/kg. Như vậy doanh thu mới chỉ đạt khoảng 40 triệu đồng. So với số vốn bỏ ra, bà Thủy đã lỗ 50 triệu đồng chưa kể công lao động. 

7.jpg
Bà Nguyễn Thị Thuỷ tại ruộng dứa của gia đình.

Hiện giá dứa tại vườn trung bình chỉ từ 1.000 – 3.000 đồng/kg tùy kích cỡ, còn loại quả nhỏ (dứa bi) không có người thu mua. Nguyên nhân khiến giá dứa thấp một phần do dứa được mùa, một phần khác là do diện tích trồng dứa của người dân năm nay tăng hơn so với mọi năm. Bên cạnh đó, năm nay các thương lái Trung Quốc sang thu mua cũng ít hơn.

 

 

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top