Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 11 năm 2017 | 2:49

Thu trăm triệu đồng/năm từ trồng thanh long trên đất đồi

Từ mảnh đất đồi cằn cỗi, nhưng bằng sự cần cù, chịu thương chịu khó mà anh Hoàng Văn Hùng ở thôn Sơn Thượng, xã Mai Sơn (Lục Yên - Yên Bái) đã thành công với mô hình trồng thanh long ruột đỏ.

Anh Hùng trong vườn thanh long ruột đỏ của gia đình.

Trên diện tích 3 sào (1 sào = 360m2) đất đồi của gia đình, trước đây anh Hùng trồng một số loại cây màu, vất vả sớm tối nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Sau thời gian nghiên cứu, tham quan các mô hình đã thành công ở tỉnh Hưng Yên, năm 2007, anh thuyết phục gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ. Theo chia sẻ của anh, thanh long nặng vốn đầu tư (trụ bê tông và giống ban đầu, khoảng 200.000 đồng/gốc), còn công chăm sóc, phân bón thì không đáng kể. Cây có sức đề kháng cao nên ít bị sâu bệnh, một năm chỉ phun một lần thuốc phòng, trừ bệnh thán thư vào tháng 2, tháng 3 khi có mưa ẩm. Vì trụ cây bằng bê tông, tán cây không cao nên ít bị ảnh hưởng của thời tiết, nhất là mưa bão. Tuy thời gian từ khi trồng đến khi được thu hoạch mất hơn một năm nhưng một năm có thể thu được 4 - 5 lứa quả, hàng chục năm mới phải trồng lại.

Đến nay, 200 gốc thanh long ruột đỏ của gia đình anh Hùng đã thu hoạch được 6 năm, trung bình mỗi trụ cho thu khoảng 15-20kg, mỗi năm anh thu khoảng 2,5 tấn, với giá thị trường từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Hùng thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Anh Hùng cho biết: “Từ khi bén duyên với loại cây trồng này, đời sống gia đình tôi đã cải thiện rõ rệt, nếu điều kiện thuận lợi, trong thời gian tới tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng thanh long ruột đỏ”.

Ở xã Mai Sơn, anh Hùng là một trong những hộ đầu tiên trồng thanh long nên thị trường tiêu thụ đang khá ổn định, ngoài việc bán tại gia đình, thương lái còn đến tận vườn mua và vận chuyển đi các xã lân cận để bán. Thanh long nhà anh còn xuất ra các địa phương khác như: thành phố Yên Bái, Hà Nội… bởi đây là mặt hàng được nhiều người ưa thích do ít dùng thuốc bảo vệ thực vật, luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Không chỉ bán quả, khoảng 3 năm trở lại đây, anh Hùng còn bán cây giống cho nông dân trong và ngoài xã, mỗi năm thu trên dưới 20 triệu đồng.

Ngoài làm giàu cho bản thân, anh còn nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm cho bà con nhân dân trong xã về cách chăm sóc, phát triển thanh long ruột đỏ.

Ông Nguyễn Văn Tình, Chủ tịch UBND xã Mai Sơn khẳng định: “Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh Hoàng Văn Hùng được đánh giá là khá hiệu quả, đang được bà con ưa chuộng. Giống thanh long này rất ngon, ngọt, kỹ thuật trồng chăm sóc đảm bảo theo tiêu chuẩn. Mô hình đang được chúng tôi tuyên truyền sâu rộng tới nhân dân để nhân rộng nhằm tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác”.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, gia đình anh Hùng đã thành công với thanh long ruột đỏ. Nhìn những trụ thanh long cho quả sai trĩu trịt, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí, sự cần cù, chịu khó của người nông dân đã bắt “đất cằn nở hoa”. Thành công từ mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Hùng là kinh nghiệm quý cho nhiều nông dân khác trên địa bàn huyện học tập và làm theo, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Khắc Điệp

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top