Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 10 năm 2018 | 13:33

Thủ tướng dự họp báo chung với các nhà lãnh đạo Mekong-Nhật Bản

Trưa nay (9/10), tại Nhà khách Chính phủ Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng các nước Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan và Cố vấn Nhà nước Myanmar đã có cuộc họp báo chung sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Cố vấn Nhà nước Myanmar tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
 
Phát biểu tại họp báo, các nhà lãnh đạo đều cho rằng, Hội nghị đạt kết quả tốt đẹp với việc thông qua Chiến lược Tokyo 2018 gồm 3 trụ cột là kết nối linh hoạt và hiệu quả; xã hội lấy người dân làm trung tâm; hiện thực hóa mục tiêu Mekong xanh. Lãnh đạo 6 nước (5 nước Mekong và Nhật Bản) đều khẳng định quyết tâm chung cùng nhau triển khai hiệu quả các chương trình dự án trên cả 3 trụ cột hợp tác.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hợp tác Mekong-Nhật Bản đã đạt được những thành tựu quan trọng trong thập kỷ qua, giúp mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và các nước Mekong, đem lại thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực tại khu vực Mekong và tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp của các nước thành viên. “Tất cả đều hướng về người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, là mục tiêu vừa qua cũng như sắp tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Với hàng trăm dự án được triển khai thành công, hợp tác Mekong-Nhật Bản đã khẳng định vị trí là một trong những cơ hội hợp tác thiết thực, hiệu quả hàng đầu ở khu vực Mekong. Những thành công này có được là nhờ một phần quan trọng ở sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ và người dân Nhật Bản dành cho các nước Mekong nói chung, trong đó, có Việt Nam.

Hội nghị cũng nhận định trong môi trường phát triển có nhiều biến động, việc tăng cường kết nối kinh tế giữa Nhật Bản và các nước Mekong mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác nhiều mặt là thực sự cần thiết vì lợi ích chung của tất cả các bên. Vì vậy, quyết định nâng cấp hợp tác Mekong-Nhật Bản là hoàn toàn phù hợp, vừa phản ánh được nội dung và mục tiêu của mối quan hệ đồng thời đặt cơ sở cho sự phát triển của hợp tác trong tương lai. “Tôi tin tưởng rằng, những định hướng hợp tác quan trọng của Chiến lược Tokyo 2018 vừa được Hội nghị thông qua sẽ tạo ra xung lực và khí thế mới cho hợp tác Mekong-Nhật Bản”, Thủ tướng nói.

Một quyết định quan trọng nữa của hội nghị lần này là khẳng định sự cần thiết phải tăng cường phối hợp các khuôn khổ hợp tác toàn cầu, khu vực và tiểu vùng. Điều này xuất phát từ nhận thức rằng hợp tác Mekong-Nhật Bản sẽ mạnh mẽ hơn, thành công hơn khi kết hợp tiềm năng và thế mạnh của mình với những cơ chế hợp tác có cùng mục tiêu và tầm nhìn.

Thủ tướng khẳng định cam kết của Việt Nam đối với hợp tác Mekong-Nhật Bản và đánh giá cao vai trò của Nhật Bản ở khu vực vì mục tiêu hội nhập, phát triển bền vững, bao trùm, thịnh vượng, hòa bình. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Nhật Bản và các nước Mekong xây dựng hợp tác ngày càng thành công, đáp ứng đúng mong mỏi của các nước thành viên, góp phần đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng chung của khu vực.

Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng, hội nghị đạt nhiều kết quả, rất có ý nghĩa đối với Mekong, khu vực có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tại hội nghị lần này, các bên đều khẳng định mối quan hệ Mekong-Nhật Bản là quan hệ Đối tác chiến lược. Chiến lược Tokyo 2018 sẽ là kim chỉ nam mới để các nước có thể đạt được tương lai thịnh vượng cùng nhauTheo Thủ tướng Nhật Bản, các nước sẽ đẩy mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, tạo xung lực mới cho việc di chuyển của người dân và hàng hóa; tăng cường kết nối số, giao lưu nhân dân. “Chúng tôi sẽ huy động sự đầu tư từ khu vực tư nhân để đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế”, Thủ tướng Abe cho biết.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp báo chung sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen khẳng định, với hợp tác trong tương lai, Campuchia chú trọng việc kết nối công nghiệp, kết nối ngành để có thể đối phó thách thức do cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng Campuchia bày tỏ vui mừng khi các công ty Nhật Bản cam kết sẽ đầu tư vào ngành dịch vụ, chế tạo tại tiểu vùng Mekong.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với Mekong, Thủ tướng Lào Thongluon Sisoulith cho biết, Chiến lược Tokyo 2018 vừa được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của các nước trong khu vực này.

Theo Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Myanmar được hưởng lợi nhiều từ các dự án song phương và khoảng 100 dự án đa phương nằm trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Nhật Bản. Với 3 trụ cột trong Chiến lược Tokyo 2018, Myanmar sẽ tập trung hơn vào giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa. Cố vấn Nhà nước Myanmar bày tỏ mong muốn đầu tư của Nhật Bản sẽ hướng vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp dược.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, Thái Lan rất coi trọng phát triển cơ sở hạ tầng, đây là cách tăng cường kết nối giữa người dân các nước vì người dân là trung tâm, là động lực cho phát triển. “Họ chính là chìa khóa để chúng ta có được tăng trưởng và phát triển chất lượng”, Thủ tướng Thái Lan nói. Hội nghị đã nhất trí năm tới sẽ là năm giao lưu Nhật Bản-Mekong và cả khu vực công, khu vực tư đã lên kế hoạch cho sự kiện này với 6 diễn đàn do Thái Lan và Nhật Bản đồng tổ chức.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top