Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 11 năm 2018 | 16:12

Thủ tướng lưu ý Thanh Hóa 7 vấn đề

Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ chuyển lời khen ngợi Thanh Hóa về 7 nội dung và đề nghị Thanh Hóa quan tâm 7 vấn đề.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chuyển lời của Thủ tướng Chính phủ khen ngợi Thanh Hóa về 7 vấn đề như tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt mức kỷ lục, đồng thời đề nghị tỉnh quan tâm hơn 7 nội dung, mà trước hết là siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính, khắc phục triệt để hiện tượng “quan lộ thần tốc”.

 

thu tuong luu y thanh hoa 7 van de hinh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm việc Tỉnh Thanh Hóa

 

Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng từ đầu nhiệm kỳ là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, việc thành lập Tổ công tác nhằm giúp Thủ tướng đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương để tất cả các nhiệm vụ được quan tâm hoàn thành toàn diện. Đây là cuộc kiểm tra thứ 60 của Tổ công tác.

Bộ trưởng nêu rõ, Thanh Hóa có diện tích rất rộng, dân số đông, sự ổn định và tăng trưởng của Thanh Hóa góp phần rất tích cực vào kết quả chung của cả nước.

Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Chính phủ chuyển lời khen ngợi Thanh Hóa về 7 nội dung và đề nghị Thanh Hóa quan tâm 7 vấn đề. Thanh Hóa đã cố gắng rất lớn nhưng với yêu cầu cao hơn, cần tập trung quyết liệt hơn nữa, nhất là ở cuối nhiệm kỳ.

Cụ thể, trước hết Thủ tướng đánh giá rất cao việc vừa qua tỉnh đã tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan đến các dự án lớn, đã có những dự án hoàn thành, sản xuất ổn định, đặc biệt là dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn. Trong đó, quan tâm giải quyết vấn đề liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước.

Thứ 2, năm 2018, tỉnh đã có tăng trưởng rất tốt, GRDP tăng khoảng 15%, trong khi cả nước tăng khoảng 6,7-6,8%. “Đây là kết quả rất đáng ngưỡng mộ, không phải tỉnh nào cũng được như vậy”, Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh. Nhìn lại lịch sử của Thanh Hóa, năm tăng trưởng cao nhất là năm 2010 cũng khoảng 13%.

Trong đó, sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng khoảng 34% so với cùng kỳ. Thu ngân sách đạt kết quả vượt trội, năm ngoái đạt 13.000 tỷ thì năm nay gần 22.000 tỷ đồng. Du lịch tăng trưởng cao, số khách đến tăng hơn 32%.

Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thanh Hóa nằm trong tốp đầu cả nước, đã đạt 98,9%.  “Khi chúng tôi báo cáo điều này, Thủ tướng rất mừng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Thứ 3, tỉnh tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin. 100% sở, ngành, huyện thực hiện gửi nhận văn bản điện tử. “Sáng nay chúng tôi có đi kiểm tra Trung tâm Hành chính công của tỉnh, người dân đánh giá rất cao thái độ thực thi công vụ, tỷ lệ trả hồ sơ trước hạn đạt rất tốt, như có đơn vị nhận 2.000 hồ sơ mà có 1.800 hồ sơ trả trước hạn”, Tổ trưởng Tổ công tác nêu.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, cần lượng hóa, công khai thời gian và chi phí mà người dân và doanh nghiệp tiết kiệm được nhờ cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

 

thu tuong luu y thanh hoa 7 van de hinh 2
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thăm Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa. Ảnh VGP/Nhật Bắc

 

Thứ 4, Thanh Hóa làm tốt tinh giản biên chế, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, xử lý nhanh các trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm sai.

Thứ 5, tỉnh có chuyển biến nhất định về môi trường đầu tư kinh doanh. Năm 2018 có khoảng 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, tỉnh cũng thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn tới đầu tư. Đây là một sự cố gắng.

Thứ 6, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường được tăng cường. Tỉnh đã đóng cửa mỏ các nơi khai thác kém hiệu quả, thu hồi 26 dự án...

Thứ 7, tỉnh xây dựng nông thôn mới rất quyết liệt, các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc được triển khai đồng bộ. Có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, khoảng 283 xã đạt nông thôn mới.

“Tuy nhiên, mong đợi của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, Chính phủ, Thủ tướng còn rất nhiều”, Bộ trưởng phát biểu và cho biết Thủ tướng nêu 7 vấn đề, đề nghị tỉnh cần rất quan tâm.

Thứ nhất, củng cố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính. Thủ tướng nhấn mạnh như vậy, đặc biệt là cần khắc phục triệt để hiện tượng “quan lộ thần tốc” gây bức xúc trong thời gian vừa qua. Hiện tượng này đã được khắc phục nhưng phải thường xuyên kiểm tra, khắc phục tốt hơn.

Thứ 2, đề nghị tỉnh quyết liệt, sâu sắc hơn công tác cải cách hành chính, tránh đùn đẩy né tránh. Chỉ số cải cách hành chính của Thanh Hóa chưa ổn định, nhiều năm qua còn giảm bậc, trong khi cải cách tốt thì Thanh Hóa sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn. Trung tâm hành chính công đã đạt kết quả ban đầu, nhưng phải hoạt động hiệu quả hơn, tiến tới phải nhận, thẩm định, xét duyệt, trả hồ sơ toàn bộ trên nền điện tử.

“Dân đánh giá thẳng, thái độ của công chức Trung tâm Hành chính công rất tốt,  rất hài lòng, trả kết quả sớm nhưng không phải đi gặp trước ai cả. Đã quyết liệt rồi, cần quyết liệt hơn”, Bộ trưởng phát biểu.

Thứ 3, đẩy mạnh liên thông các thủ tục hành chính, trong đó thực hiện tốt Quyết định 1380 của Thủ tướng về việc phê duyệt "Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí".

“Trước đây chết lâu lắm mới được xóa tên, mới nhận được tiền mai táng, cần cải cách làm sao chỉ một cán bộ tư pháp xã có thể xử lý tất cả các việc này”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Thứ 4, quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư mạnh hơn.

Thứ 5, quan tâm quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

Thứ 6, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý tài nguyên rừng, khoáng sản, quy hoạch.

Thứ 7, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo về tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao; công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước; vấn đề cải cách thủ tục hành chính; triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông; vấn đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giải trình về các vấn đề còn tồn tại, bất cập mà Thủ tướng yêu cầu báo cáo, chấn chỉnh, khắc phục.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng cho biết tỉnh đã quyết định cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết so với quy định đối với tất cả các thủ tục hành chính; cắt giảm tối thiểu 50% thời gian giải quyết so với quy định với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017...

 

thu tuong luu y thanh hoa 7 van de hinh 3
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc.

 

Đặc biệt, từ giữa năm 2017, Chủ tịch tỉnh tiếp doanh nghiệp hằng tháng, thay vì mỗi năm một lần như trước đây. ‘Công việc của doanh nghiệp là hằng ngày, nên Chủ tịch tỉnh phải dành thời gian tiếp, không để công việc chậm. Sở nào, huyện nào trục trặc thì chúng tôi giải quyết ngay”, ông Nguyễn Đình Xứng nói.

Ông cũng cho biết vừa qua qua thanh tra đã kỷ luật hàng loạt cán bộ, trong đó có hai Chủ tịch huyện đương chức. Ban hành các quy định để hạn chế việc tùy tiện bổ nhiệm, như mỗi phòng có tối đa bao nhiêu cấp phó, mỗi sở, huyện có tổng cộng bao nhiêu phó trưởng phòng...

Chủ tịch Thanh Hóa cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan tới biên chế giáo viên, biên chế công chức; các vướng mắc về thủ tục, quy định giải phóng mặt bằng...

“Thanh Hóa có dân số đứng thứ ba cả nước, có số đơn vị hành chính cấp huyện, xã lớn nhất cả nước, nhưng số lượng cấp phó các sở không quá 3 người, nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ”, ông Xứng nêu thực tế.

Phát biểu kết luận, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng đánh giá cao các báo cáo của tỉnh, trong đó đã ban hành chương trình hành động ngay trong tháng 1/2018 để thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ. Còn hơn một tháng là hết năm, Bộ trưởng đề nghị tỉnh rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu, mục tiêu, các nhiệm vụ được giao để hoàn thành toàn diện, không có nhiệm vụ quá hạn.

Về 7 vấn đề Thủ tướng nêu, tỉnh cần có giải pháp thực hiện tốt hơn, đặc biệt là về môi trường đầu tư, không chỉ riêng thủ tục hành chính mà còn về chất lượng nguồn nhân lực, giải phóng mặt bằng... “Cách làm của tỉnh là giao chỉ tiêu giải phóng mặt bằng cho từng sở, huyện, năm 2018 làm được 3.000 ha là cố gắng rất lớn”, Bộ trưởng nhận định.

Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, ví dụ có thể nộp hồ sơ ở huyện, không cần phải lên tỉnh dù thẩm quyền giải quyết của tỉnh, kết quả trả qua bưu điện... Bộ trưởng gợi ý tỉnh tiên phong thực hiện thanh toán điện tử với địa bàn rộng, dân số đông.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng gợi ý nhiều nội dung về công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước. “Ví dụ, đừng ngại việc cấp nước giao cho tư nhân, giá nước thì HĐND tỉnh quyết định, chất lượng thì doanh nghiệp phải lo. Tỉnh nên có quyết định mạnh mẽ với các vấn đề tương tự”, Tổ trưởng Tổ công tác nói và đề nghị tỉnh huy động mạnh mẽ nguồn lực trong dân, nguồn lực của doanh nghiệp.

Ghi nhận các ý kiến, Bộ trưởng khẳng định quan điểm của Thủ tướng về tinh giản biên chế là “có học sinh là phải trường, có trường là phải có giáo viên” chứ không cắt giảm cơ học.

Bộ trưởng cũng cho rằng, địa phương cần bàn giao mặt bằng sạch thì mới thu hút được nhà đầu tư và cho biết, Trung ương, Bộ Chính trị đã cho phép tiến hành thí điểm các giải pháp mới nếu chưa có quy định hoặc các quy định không phù hợp với thực tiễn.

Nội dung buổi kiểm tra và các kiến nghị sẽ được Tổ công tác tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ, trong đó có việc sửa đổi các quy định chưa phù hợp./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top