Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 9 năm 2016 | 9:22

Thủ tướng: Thanh Hóa cần tiếp tục suy nghĩ để phát huy tiềm năng, lợi thế của một Việt Nam thu nhỏ

Chiều 26/9, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa tại Trụ sở Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bên cạnh yêu cầu tỉnh phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Thanh Hóa cần giữ gìn đoàn kết, đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, “sân trước, sân sau”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thời gian qua, tỉnh có nhiều nỗ lực, phát triển nhanh, toàn diện, có nhiều công trình mới được xây dựng. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, tỉnh phấn đấu đạt, vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2016.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng là tỉnh lớn với dân số trên 3,5 triệu người, quy mô kinh tế của Thanh Hóa còn nhỏ và vẫn cần trợ cấp từ ngân sách Trung ương tới 50%. Nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh mới bằng 75% mức bình quân của cả nước. Tính bình quân 475 người dân mới có một doanh nghiệp trong khi tỉ lệ này của cả nước là 160 người dân có một doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở Thanh Hóa chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ.

Thủ tướng nhấn mạnh: Thanh Hóa phải phát huy truyền thống quý báu của mình, tự lực, tự cường, phấn đấu trở thành một tỉnh khá. Từ lợi thế so sánh, tỉnh cần chuẩn bị điều kiện để hội nhập tốt hơn nữa. “Một câu hỏi đặt ra là khi hội nhập, nhất là khi có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì người dân, doanh nghiệp Thanh Hóa phát triển theo hướng nào? Nếu không trả lời được thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng cho rằng, Thanh Hóa cần làm tốt quy hoạch để không có sự mâu thuẫn trong phát triển. Trong lãnh đạo, điều hành, chú ý bảo đảm nguyên tắc của kinh tế thị trường. Xã hội hóa mạnh mẽ mọi nguồn lực, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đổi mới tư duy phát triển, tìm mô hình phù hợp, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, quan tâm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế đi liền với ổn định xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội. Giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm môi trường sống bình yên cho nhân dân.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, tăng giá trị chăn nuôi, phát triển thủy sản, đưa doanh nghiệp về nông thôn. Triển khai các biện pháp để phát triển vùng miền Tây Thanh Hóa hiện còn nghèo khó. Phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo ở Thanh Hóa xuống dưới mức bình quân của cả nước.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, Thủ tướng cho rằng, một tỉnh có đội ngũ cán bộ tốt, cơ chế tốt sẽ phát triển tốt. Phải chống tiêu cực, tham nhũng, chống tình trạng “sân trước, sân sau”, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết. Sự đoàn kết này phải từ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, trong UBND, trong các huyện, thành phố của Thanh Hóa, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thanh Hóa cần nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, xây dựng nền hành chính liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của người dân, doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển. Quản lý chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết không phê duyệt và khởi công mới các dự án khi chưa xác định được nguồn vốn, không để phát sinh nợ mới; quản lý chặt chẽ ngân sách, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của nhà nước.

“Cần tiếp tục suy nghĩ để phát huy tiềm năng, lợi thế của một Việt Nam thu nhỏ”, Thủ tướng bày tỏ và yêu cầu Thanh Hóa tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực hoàn thành cao nhất mục tiêu đã đề ra cho năm 2016 và các năm tiếp theo.

PV.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top