Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 10 năm 2018 | 14:16

Tiêu chuẩn quốc gia về thịt lợn mát phải rõ nguồn gốc

Đại diện Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, lợn nguyên liệu theo Tiêu chuẩn Việt Nam dành cho thịt mát được yêu cầu phải có nguồn gốc rõ ràng, do cơ quan kiểm tra thú y xác nhận.

Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (NAFIQAD- Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa thông tin về việc Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia đối với thịt mát.

Đây là sự kiện quan trọng nhằm giúp ngành chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp có đủ điều kiện tiến tới xuất khẩu thịt lợn. 

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, hiện nay chất lượng thịt lợn còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù đã có các tiêu chuẩn về thịt tươi, thịt muối..., nhưng so với các chuẩn mực quốc tế thì thịt lợn của Việt Nam chưa có tiêu chuẩn mà quốc tế đang áp dụng.

Gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ có quy mô lớn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn chưa có. 

Chăn nuôi lợn đang chiếm hơn 60% giá trị ngành chăn nuôi Việt Nam và thịt lợn chiếm gần 70% trong số các loại thịt có trong bữa ăn hàng ngày của người tiêu dùng. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn sử dụng dạng thịt nóng ngay sau giết mổ, loại thịt mà sẽ ngay lập tức bị giảm chất lượng do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật và enzyme, khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm.

NAFIQAD ước tính, có đến 90% lượng thịt lợn bán trên thị trường nội địa hằng ngày là thịt nóng. Theo đó, NAFIQAD được cơ quan chức năng giao là đơn vị chủ trì xây dựng tiêu chuẩn thịt lợn mát của Việt Nam.

Mới đây, sau nhiều lần đưa ra dự thảo góp ý, chỉnh sửa, lấy ý kiến lần cuối về góp ý đối với tiêu chuẩn quốc gia về thịt mát, NAFIQAD đã gửi Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định trước khi trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký quyết định công bố.

Cụ thể, thịt mát theo tiêu chuẩn Việt Nam là thân thịt ngay sau khi giết mổ được qua quy trình làm mát để hạ nhiệt độ tâm thịt đến nhiệt độ từ 0 độ C đến 4 độ C trong một thời gian nhất định (khoảng 16 giờ đến 24 giờ) để cho trạng thái của thịt chuyển sang giai đoạn chín sinh hóa (Aging), sau đó mới được đem đi pha lọc. Toàn bộ quá trình vận chuyển, bảo quản, phân phối sản phẩm thịt mát đều bảo đảm ở điều kiện nhiệt độ từ 0 độ C đến 4 độ C.

Quá trình bảo quản này giúp ức chế hoạt động của hệ vi sinh vật trên miếng thịt, trong khi đó vẫn đảm bảo các quá trình sinh hóa của thân thịt (chết mềm, tê cứng, chín sinh hóa) diễn ra và đảm bảo miếng thịt tới tay người tiêu dùng ở trạng thái sinh hóa tốt nhất mà vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cách thức sản xuất, bảo quản và kinh doanh dạng thịt lợn này đã phổ biến từ lâu và được chuẩn hóa trên thế giới (chilled meat)...
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thịt mát là giải pháp khoa học, khi làm mát đúng quy trình sẽ làm giảm và kìm hãm toàn bộ vi sinh vật gây hại; đồng thời giúp cho thời gian lưu giữ thịt lớn hơn (7 ngày) mà không ảnh hưởng đến chất lượng.

 

1.jpg
Chế biến thịt lợn tại lò giết mổ. (Ảnh: TTXVN)

 

Tạm thời chưa tái xuất lúa mỳ nhiễm cỏ kế đồng

Cục Bảo vệ thực vật vừa họp với các nhà khoa học, doanh nghiệp về vấn đề xử lý lúa mỳ nhập khẩu có nhiễm cỏ kế đồng (Cirsium Arvense). Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, tạm thời chưa áp dụng biện pháp tái xuất lúa mỳ nhập khẩu có nhiễm cỏ kế đồng từ 1/11/2018.

Cục sẽ làm việc với các doanh nghiệp cũng như các nước xuất khẩu lúa mỳ sang Việt Nam để tìm ra giải pháp, đặc biệt với 3 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lúa mỳ lớn là Hoa Kỳ, Nga và Canada.

Cục sẽ đàm phán, bàn giải pháp để có thể đạt được phương án giải quyết hiệu quả. Nếu các giải pháp đưa ra không giải quyết được, Cục sẽ phải áp dụng biện pháp tái xuất và sẽ thông báo cho doanh nghiệp biết trước 1 tháng.

Được biết, từ tháng 5/2018 đến nay, 1,6 tấn lúa mỳ nhập khẩu về Việt Nam bị nhiễm cỏ kế đồng trong tổng số gần 4 triệu tấn lúa mỳ nhập khẩu.

Theo ông Hoàng Trung, lúa mỳ bị nhiễm cỏ kế đồng là vấn đề của kiểm dịch thực vật chứ không phải an toàn thực phẩm. Nếu cỏ này có ở Việt Nam, có nguy cơ các thị trường nhập khẩu nông sản "đóng cửa" với lúa mỳ Việt hoặc các nước sẽ áp dụng biện pháp kiểm dịch cao hơn. Trong khi đó, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu trên 20 tỷ USD sản phẩm trồng trọt.

“Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có văn bản nào cấm nhập khẩu hoặc ngừng nhập khẩu mặt hàng này. Cục đang cố gắng cùng các doanh nghiệp áp dụng biện pháp khả thi nhất. Nếu phải áp dụng biện pháp tái xuất thì cũng rất bình thường," ông Hoàng Trung nhấn mạnh.

Ông Dương Minh Tú - Giám đốc Trung tâm Giám định kiểm dịch thực vật cho biết cỏ kế đồng là loài cỏ có khả năng xâm hại cao, có thể gây hại nghiêm trọng cho hơn 27 loại cây trồng (ngô, đậu tương, các loại đậu đỗ, hành, tỏi, ơt, các loại dưa, bông, cải bắp, cà rốt, các loại cây họ hoa thập tự, bầu bí, cà chu, khoai tây, cà, nho….), xâm lấn đồng cỏ chăn nuôi tại 40 quốc gia.

Chính vì vậy, nhiều nước và vùng lãnh thổ xếp loại cỏ này là đối tượng kiểm dịch thực vật phải kiểm soát nghiêm ngặt để không cho xâm nhập, lây lan theo hàng hóa nhập khẩu vào trong nước.

Ngay tại Hoa Kỳ, loài cỏ này được xếp vào danh sách nhóm 1 - các loài cỏ gây hại nguy hiểm và xâm hại vì rất khó phòng trừ (phải dùng các loại thuốc trừ cỏ như Paraquat, Glyphosate…) và khả năng lây lan rất nhanh, sức chống chịu và thích nghi với môi trường rất tốt.

Trước những tác hại của loại cỏ này, ông Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật cho rằng đây là đối tượng kiểm dịch loại 1 của Việt Nam.

Cần phải có các biện pháp để không cho loại cỏ này vào Việt Nam, ông Liêm nhấn mạnh.

 

2.jpg
Ảnh minh họa. 

 

Tháng 9/2018 xuất khẩu gạo sụt giảm rất mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo sau khi tăng mạnh trong tháng 8/2018 (tăng 36,5% về lượng và tăng 33,8% về kim ngạch so với tháng 7/2018), thì sang tháng 9/2018 lại sụt giảm rất mạnh 40,6% về lượng và giảm 41,4% về kim ngạch, đạt 360.188 tấn, thu về 173,94 triệu USD. So với tháng 9/2017 giảm 30,2% về lượng và giảm 26,4% về kim ngạch. Nhưng tính chung trong cả 9 tháng đầu năm 2018 lượng gạo xuất khẩu của cả nước vẫn tăng 5,9% về lượng và tăng 20,5% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 4,89 triệu tấn, tương đương 2,46 tỷ USD.

Giá gạo xuất khẩu trung bình trong tháng 9/2018 giảm 1,3% so với tháng 8/2018 nhưng tăng 5,4% so với tháng 9/2017, đạt 482,9 USD/tấn. Tính trung bình trong 9 tháng đầu năm đạt 502,8 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo tháng 9/2018 giảm mạnh do hầu hết các thị trường chính đều giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam.

 

3.jpg
Bốc xếp gạo phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: IT)

 

Xuất khẩu tôm sang EU được dự báo sẽ tăng trở lại vào cuối năm

Theo Bộ Công Thương, đầu tháng 10/2018, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang và Cần Thơ ổn định. Theo đó, giá cá tra tại Cần Thơ ở mức 35.000 - 35.500 đồng/kg (kích cỡ 700 - 800 g/con); tại An Giang, giá cá tra nguyên liệu ổn định ở mức 32.000- 35.000 đ/kg.

Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 8/2018 lượng tôm các loại xuất khẩu đạt 31 nghìn tấn, trị giá 295 triệu USD, tăng 16,2% về lượng và tăng 13,7% về trị giá so với tháng 7/2018, tăng 8,6% về lượng, nhưng giảm 0,3% về trị giá so với tháng 8/2017. Tính chung 8 tháng năm 2018, lượng tôm các loại xuất khẩu đạt 188,8 nghìn tấn, trị giá 1,86 tỷ USD, tăng 10,2% về lượng và tăng 5,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Tháng 8/2018 và 8 tháng năm 2018, xuất khẩu tôm các loại sang hầu hết các thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2017.

EU là thị trường xuất khẩu tôm các loại lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng năm 2018. Tuy nhiên, sau khi tăng mạnh trong các tháng đầu năm, trong 2 tháng gần đây xuất khẩu tôm sang thị trường EU giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong các tháng cuối năm, Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tăng trở lại do nhu cầu thị trường dịp Giáng sinh tăng.

 

4.jpg
Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: MH)

 

Khóc ròng vì sầu riêng đặc sản chết khô vì ngập nặng

Nhiều vườn sầu riêng đặc sản của người dân ở hai ấp Tân Bắc và Tân Tây (xã Tân Phú, huyện Châu Thành, Bến Tre) rụng lá, chết khô hàng loạt do ảnh hưởng sự cố vỡ đê gây ngập nặng của đợt triều cường vừa qua. Nông dân khóc ròng vì trắng tay.

Sầu riêng là loại cây đặc sản và là cây trồng chủ lực của nhiều hộ dân ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, với diện tích trên 700ha.  Hàng năm loại trái cây đặc sản này đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho người dân. Trước đó vào từ ngày 5 đến  ngày 8-10, triều cường dâng đã gây vỡ nhiều tuyến đê, khiến 80ha sầu riêng của người dân ở xã Tân Phú bị chìm trong biển nước.

Theo người dân địa phương, để tái sản xuất lại vườn sầu riêng thì phải đốn bỏ toàn bộ cây bị chết. Nếu trồng lại thì đến hơn 5 năm sau mới có thu hoạch. Khó khăn là hiện nay đa phần người dân đều mất trắng vụ sầu riêng, mất thu nhập, trong khi đó thị trường cây giống sầu riêng hiện đang rất cao, trung bình từ 120.000 – 150.000 đồng/cây giống. Để tái sản xuất lại vườn sầu riêng hiện nay đối với người dân nơi đây là điều rất khó khăn.

 

5.jpg
Gần 1ha sầu riêng của hộ nông dân tại Bến Tre chết khô hoàn toàn. (Ảnh: Đông Hà)

 

Trứng vịt rớt giá

Trong 10 ngày qua, giá trứng vịt ở các tỉnh miền Tây rớt giá chưa từng thấy. Nông dân nuôi vịt chạy đồng mùa lũ bán cho thương lái tại Cần Thơ bình quân 1.600 - 1.700 đồng/quả, rẻ hơn 1 ly trá đá.

Thậm chí những đàn vịt mới đẻ lứa đầu trứng so bán lẻ 1.000 đồng/quả. Trong khi giá thành trứng vịt nuôi tại một số trang trại khoảng 1.600 - 1.700 đồng/quả, còn giá thành nông dân nuôi vịt chạy đồng khoảng 1.300 - 1.400 đồng/quả.

Theo một số doanh nghiệp và cơ sở thu mua, trứng vịt bán trong mùa bánh Trung thu được giá 3.000 đồng/quả khiến người nuôi vịt tái đàn mạnh. Mùa nước nổi, thức ăn dồi dào, vịt chạy đồng mau lớn, tới lứa đẻ nhiều nhưng sức tiêu thụ trứng tươi và trứng muối trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu đều giảm.

 

6.JPG
Ảnh minh họa.

 

Thanh long trở lại thời “có giá”

Sau 2 tuần giá tụt xuống đáy, ngày 15/10, tại Long An, giá thanh long đã tăng khá cao. Theo đó, giá thanh long ruột đỏ loại 1 có giá tại vườn là 33 ngàn đồng/kg, loại 2 là 23 ngàn đồng/kg. Riêng thanh long ruột trắng giá từ 8-10 ngàn đồng/kg.

Còn giá thanh long ruột đỏ loại thương lái mua về bán lại hưởng chênh lệch mỗi ký 6 ngàn đồng (ruột đỏ loại 1 giá 39 ngàn đồng, loại 2 là 29 ngàn đồng/kg).

Theo các nhà vườn, thanh long đang hút hàng, nhưng không có nhiều để bán, khoảng 1 tuần nữa mới có thanh long hàng điện. Hiện chỉ có một lượng nhỏ hàng thanh long điện thu hoạch sớm. Thương lái đang ráo riết vào tận vườn tìm thu mua bói trái sớm.

Dự báo từ nay đến cuối năm, giá thanh long có thể tiếp tục tăng hoặc ổn định từ 35-40 ngàn đồng/kg.

7.jpg
Thu hoạch thanh long chín. (Ảnh: IT)./.

 

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top