Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 6 năm 2017 | 3:44

Tìm giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là cây thuốc đặc hữu của Việt Nam, có nhiều công dụng quý đối với  sức khoẻ con người được xếp vào 1 trong 4 loại sâm tốt nhất thế giới. Ngày 05/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 787/2017/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung sâm Việt Nam vào danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

“Cây thuốc dấu”

Hơn 30 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại sâm quý hiếm và tốt nhất thế giới hiện nay, bên cạnh sâm Triều Tiên, sâm Trung Quốc và sâm Mỹ. Sâm Ngọc Linh có tác dụng như loại thuốc tăng lực, chống lão hóa, hồi dương, tăng cường sức đề kháng, chống độc tố, kích thích điều hòa cơ chế miễn dịch của cơ thể và hỗ trợ phòng bệnh ung thư... Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có là tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường… Người dân ví sâm Ngọc Linh là “cây thuốc dấu”.

Với tính chất đặc hữu nổi trội của cây sâm Ngọc Linh dẫn đến loại sâm quý này có nguy cơ cạn kiệt do việc khai thác, mua bán, sử dụng tràn lan. Vì vậy, bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh trở nên cấp bách. Phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh hiện nay còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; việc nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất giống chưa được quan tâm đúng mức; kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch chưa được tiêu chuẩn hóa, ít có sự tham gia của các nhà khoa học; các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến sâu về sản phẩm sâm núi Ngọc Linh phục vụ cho y học, thực phẩm chức năng còn hạn chế…, do đó các sản phẩm từ cây sâm chưa nhiều, giá trị gia tăng thấp. Công tác phối hợp quản lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng cũng như giá trị kinh tế từ sâm Ngọc Linh chưa tốt.

Giải pháp nào để phát triển sâm Ngọc Linh?

Sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia.

Vừa qua, tại TP. Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với báo Nhân dân tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh” nhằm đánh giá thực trạng và kiến nghị, tìm giải pháp khoa học, hợp lý cho phát triển cây sâm Ngọc Linh; bàn giải pháp xây dựng mối liên kết 4 nhà phù hợp, khả thi cho triển khai chiến lược phát triển vùng nguyên liệu sâm 2020- 2030. Qua đó, sẽ tác động đến việc ban hành các chính sách phát triển, thu hút, hỗ trợ các nhà đầu tư vào lĩnh vực này trong thời gian tới. Hội thảo là cơ hội quảng bá sâm Ngọc Linh và kêu gọi đầu tư đến các doanh nghiệp trong, ngoài nước.

Hội thảo tập trung vào các vấn đề: bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh; công tác quản lý nhà nước về sâm Ngọc Linh; phát triển các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh; những khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển cây sâm Ngọc Linh.

Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Tỉnh Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm núi Ngọc Linh giai đoạn 2014 - 2020 và tổ chức quy hoạch diện tích trồng sâm dưới tán rừng trên địa bàn Nam Trà My đến năm 2030 với tổng diện tích trên 15.000ha. Hiện, đã hình thành và xây dựng 2 trạm bảo tồn, nuôi trồng, lưu giữ nguồn gen và phát triển sâm núi Ngọc Linh trên địa bàn huyện với diện tích trên 20ha.

Ông Nguyễn Như Cường, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Hiện, Bộ đang được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các Bộ liên quan xây dựng Nghị định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng và khai thác dược liệu. Đối với cây sâm Ngọc Linh, cần triển khai thêm một số nghiên cứu về nuôi trồng và phát triển giống sâm Ngọc Linh, đặc biệt là điều kiện sinh trưởng phát triển, quy trình nuôi trồng sao cho đạt năng suất, chất lượng, giá trị và hiệu quả cao nhất. Cho phép bổ sung đặc cách giống sâm Ngọc Linh vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh không phải qua khảo nghiệm vì giống đã tồn tại lâu dài và phổ biến...”. 

Hải Yến

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top