Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 9 năm 2018 | 13:51

Tín dụng chính sách, “chiếc nôi” nuôi dưỡng tài năng

Chương trình vốn tín dụng chính sách cho học sinh, sinh viên (HSSV) không chỉ là nhịp cầu nâng cánh ước mơ đến trường cho bao HSSV hiếu học mà còn là “chiếc nôi” nuôi dưỡng những tài năng biết vươn lên...

tr5.jpg
Chị Lê Thị Diễm khẳng định, với sự chung sức của Chính phủ trong chương trình tín dụng ưu đãi dành cho HSSV, không lo thiếu tiền, chỉ lo thiếu quyết tâm đi học.

 

Chương trình vốn tín dụng chính sách cho học sinh, sinh viên (HSSV) không chỉ là nhịp cầu nâng cánh ước mơ đến trường cho bao HSSV hiếu học mà còn là “chiếc nôi” nuôi dưỡng những tài năng biết vươn lên, vượt qua mọi khó khăn để tích lũy kiến thức, xây tương lai sáng ngời và tạo dựng “trái ngọt” cho xã hội.

Của để danh là kiến thức làm vốn

Ở xã Tân Hội (Đức Trọng - Lâm Đồng), hộ bà Yaga (sinh năm 1962) và ông KĐốt (sinh năm 1955), dân tộc K’Ho, là gia đình đặc biệt, được nhiều gia đình trong xã học hỏi. Nói “đặc biệt” là bởi ông bà đã không chịu buông xuôi trước khó khăn và đã thổi được ý chí quyết tâm đó vào 6 người con gái.

“Vợ chồng tôi nói với các con, bố mẹ làm lụng để các con được học chữ, lấy đó làm vốn kiến thức. Sau này, con chữ sẽ giúp các con thoát nghèo, thoát khổ, vững bước đi ra đời, sống tốt hơn cuộc sống của bố mẹ”, bà Yaga tâm sự.

Nói thế thôi, nhưng mỗi khi cô con gái nào có giấy gọi đi học, vợ chồng bà cũng trăn trở nhiều ngày. Nhà chỉ có 8 sào cà phê với 1 mẫu ruộng 2 vụ/năm, nuôi thêm mấy con heo, ăn mặc thôi cũng nay hụt, mai thiếu, lo chi trả cho con cái học hành xa nhà cách nào đây? “Hằng ngày nhìn nước mắt các con, vợ chồng tôi lại quyết tâm, để sau này các con có hy vọng bứt lên, đời các con không còn cảnh khổ phải khóc vì không được đến trường nữa”, ông KĐốt kể.

 

tr5a.jpg

Nhờ có chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ mà vợ chồng ông bà Yaga nuôi 6 người con học đại học, cao đẳng.

 

Không phụ công ông bà, giờ cả 6 cô con gái đã bước được những bước đầu tiên vững chắc ra phía cuộc sống rộng mở, mà hành trang chính là con chữ do bố mẹ tặng từ mồ hôi nước mắt, và từ sự sẻ chia nhân văn của chương trình tín dụng chính sách dành cho HSSV. Trong đó, cô con gái lớn Ma Va Liên, sinh năm 1983, giờ là bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng Nai; cô con gái thứ ba Ma Ri Na, tốt nghiệp Đại học Y Tây Nguyên, đang làm ở Bệnh viện Hoàn Mỹ. Các cô con gái  Ma Va Lia, Ma Va Ria tốt nghiệp ngành Sư phạm. Hai cô con gái nhỏ của ông bà là Ma Ri Diễm học Đại học Đà Lạt và Ma Ri Hạnh đang học Học viện mật mã TP. Hồ Chí Minh.

“Nhờ có tiền vốn chính sách dành cho HSSV, gia đình tôi bớt gánh nặng. Do đó, vợ chồng tôi mới gom góp chắt chiu nuôi các con đi học. Bản thân các con cũng ý thức được ý nghĩa của khoản tiền này, nên sau khi học xong, vừa lo thu xếp công việc nuôi mình, giúp bố mẹ nuôi em, các con cũng quan tâm trả nợ để các bạn khác cũng được đi học. Đến nay, cơ bản nợ nần đã thu xếp xong, vợ chồng tôi càng thấy quyết định cho con kiến thức là vô cùng đúng đắn và sự khổ cực cố gắng của cả gia đình thật là ý nghĩa”, bà Yaga nói.

Đầu tư cho tương lai

Cần mẫn công việc hằng ngày bên những nong tằm, chị Lê Thị Diễm, ở thôn Tân Phú 2, xã Đinh Lạc (Di Linh - Lâm Đồng) khoe những lứa tằm này là miếng cơm, manh áo hằng ngày của gia đình chị. Vừa là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời cũng là hộ vay, nên chị Diễm ý thức rất rõ việc phải sử dụng vốn chính sách thế nào cho hiệu quả và làm thế nào để quản lý được việc sử dụng vốn của các thành viên trong tổ.

“Tôi có 6 sào cà phê, cũng đang vay vốn chính sách để đầu tư vào rẫy cà phê và triển khai nuôi tằm. Nuôi tằm vừa ổn định, có đầu ra, công việc lại nhẹ nhàng, phù hợp với phụ nữ, là phương thức phát triển kinh tế bền vững và quan trọng hơn là có đủ tiền trang trải để cho con đi học đại học”, chị Diễm cho hay.

“Nhà tôi vay 60 triệu đồng từ chương trình HSSV cho con gái  Đinh Ngọc Như Quỳnh đi học. Giờ cháu đang học năm thứ 2, Khoa Ngữ văn Đức, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Là Tổ trưởng, tôi cũng động viên các gia đình có cùng hoàn cảnh, cố gắng thu xếp để con cái có thể đi học. Chi phí học tập chừng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã cho vay 1,5 triệu đồng, còn lại bố mẹ hỗ trợ thêm. Mà nhà nào khó khăn thì ý thức của con cái về việc học tập chuyên môn và làm thêm kiếm tiền đi học cũng rất nghiêm túc”, chị Diễm chia sẻ.

Cũng ở xã Đinh Lạc, ông KBRóp, được coi là  người tiên phong khi ông mạnh dạn “bứt” khỏi nơi ở cũ để mở rộng canh tác tại vùng đất mới. Có nhiều đất, cộng với tính tình chăm chỉ, cuộc sống của gia đình ông KBRóp  từ đói nghèo vươn lên cuộc sống khấm khá hơn.

Với tư cách là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông KBRóp luôn định hướng cho gia đình và các thành viên trong tổ cũng như hàng xóm láng giềng về tư duy phải cho con cái đi học để biết cách tính toán thu xếp cuộc sống. “Không phải nói suông đâu cô ạ, anh em nhà tôi và nhiều gia đình tôi biết, cuộc sống khá lên rõ lắm. Bởi phải đi học mới làm được, không thì không biết tính toán thu xếp thế nào mà làm được đâu”, ông KBRóp tâm sự.

Gia đình ông KBRóp cũng vay mấy chục triệu từ chương trình tín dụng dành cho HSSV để nuôi hai cô con gái là Ka Hảo và Ka Huỳn đang là sinh viên Đại học Đà Lạt. “Vợ chồng tôi chăm sóc vườn cà phê và tiêu để lấy tiền giúp con trang trải chi phí, cũng còn vất vả. Khoản tiền Nhà nước cho vay đi học vừa san bớt gánh nặng trên vai chúng tôi, vừa tạo cho con cái ý thức về trách nhiệm đối với việc học và kế hoạch sống của các cháu”, ông KBRóp nói.

Tạo cơ chế “mở”

Trong báo cáo kết quả triển khai thực hiện Quyết định 157/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV từ năm 2012 - 2018 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Nguyễn Thị Huệ cho hay, triển khai cho vay từ tháng 9/2007 đến nay, doanh số cho vay đạt gần 431 tỷ đồng, với 51.953 lượt HSSV được vay vốn. Doanh số thu nợ từ 1/1/2012 đến 31/8/2018 là 698 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 31/8/2018 là gần 281 tỷ đồng, với 10.333 hộ gia đình vay vốn, tương ứng 11.936 HSSV đang thụ hưởng.

Như vậy, có thể thấy, thông qua hệ thống NHCSXH, nguồn vốn của Nhà nước đã và đang được chuyển tải đến với các hộ có hoàn cảnh khó khăn có con theo học tại các trường đại học, cao đẳng, học nghề. Vốn tín dụng HSSV đã góp phần giúp cho hàng chục nghìn hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, có chi phí cho con học tập. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho nhiều hộ không phải quá lo lắng về chi phí cho con đi học, nhờ vậy đã yên tâm đầu tư vào sản xuất, nâng cao đời sống gia đình và góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Thông qua việc cho vay học nghề đã giải quyết được việc làm cho người lao động, đặc biệt là lực lượng thanh niên ở khu vực nông thôn. Qua đó, tạo thêm nguồn nhân lực có tri thức, có tay nghề, góp phần làm đồng bộ hóa các giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những kết quả đó cho thấy hiệu quả xã hội và tính nhân văn sâu sắc của chương trình tín dụng ưu đãi dành cho HSSV. Tuy nhiên, vẫn còn những trăn trở hằn sâu trên gương mặt những ông bố, bà mẹ lam lũ ở các huyện, thành phố của Lâm Đồng. “Trong điều kiện giá cả sinh hoạt tăng cao như hiện nay, với mức cho vay 1,5 triệu đồng/tháng/HSSV so với chi phí thực tế HSSV phải chi trả còn thấp, nên chúng tôi, nhất là những gia đình có 2 - 3 con trở lên cùng đi học, vẫn bị áp lực lắm. Chúng tôi mong Nhà nước nâng mức cho vay lên để tương đối phù hợp với chi phí thực tế con em chúng tôi phải chi trả”, chị Lê Thị Diễm chia sẻ tâm sự của các gia đình thành viên trong Tổ tiết kiệm và vay vốn của mình.

Ông KBRóp và nhiều hộ khác cũng đề xuất mong muốn Nhà nước mở rộng đối tượng cho vay đối với HSSV là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở các xã thuộc vùng khó khăn, bổ sung đối tượng cho vay đối với gia đình có từ 2 HSSV trở lên đang theo học tại các trường, cơ sở đào tạo chưa thuộc đối tượng vay vốn theo quy định hiện nay, với mức cho vay bằng mức cho vay theo quy định chung đối với tín dụng HSSV.

“Chúng tôi có thể chấp nhận mức lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà con em chúng tôi hiện đang được hưởng để đỡ gánh nặng của ngân sách Nhà nước, nhưng mong có cơ chế “mở” hơn để chương trình tác động nhiều hơn đến cuộc sống người dân”, ông KBRóp nói.

Còn khi tiếp xúc tại địa phương, đa số lãnh đạo UBND các xã khi nói về tác động của chương trình tín dụng ưu đãi dành cho HSSV đều mong muốn các cơ quan hữu trách có biện pháp nào đó giới thiệu các em đã vay vốn, sau khi tốt nghiệp có thể về công tác tại địa phương, nhất là đối với HSSV là người DTTS, đưa ra các chính sách đãi ngộ thích hợp thu hút HSSV tốt nghiệp loại giỏi, loại khá trở về địa phương công tác, không để “miền núi nai lưng nuôi người tài cho thành phố”…

 

 

 

Hoàng Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top