Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 26 tháng 8 năm 2018 | 11:42

Tin NN Tây Bắc: Hồng không hạt Bảo Hà vào mùa

Hiện, xã Bảo Hà có 40ha cây hồng không hạt đang vào vụ. Năng suất bình quân 1ha đạt 50 tấn quả, với giá bán tại vườn 10.000 đồng/kg mang lại nguồn thu cho người dân 500 triệu đồng/ha.

hong-lao-cai.jpg
Ảnh: Báo Lào Cai

Xã Bảo Hà hiện có trên 200 gốc hồng không hạt cổ thụ đều đặn mỗi năm cho mùa quả trĩu cành. Ông Phạm Văn Diền, bản Liên Hà 6 (Bảo Hà, Bảo Yên, Lào Cai) là một trong những người đang sở hữu vườn hồng cổ thụ gần 40 năm cho biết, từ 2 cây hồng gốc ban đầu bố ông để lại, đến nay gia đình ông đã nhân trồng được một vườn hồng không hạt, mỗi năm cho thu 40 - 50 triệu đồng.

Trong câu chuyện về vườn hồng không hạt, ông Diền say sưa kể cho chúng tôi nghe về 2 cây hồng trồng đầu tiên trong vườn nhà: Ngày nhỏ, bố tôi trồng được 2 cây hồng ăn quả, cũng chỉ thấy các cụ dạo trước truyền tai nhau kể lại là đều được lấy giống từ bên Khe Tép, giống cây cho quả ăn rất ngon, năm nào cũng ra quả, không mất mùa bao giờ. Nhưng năm 1971, sau đận lũ to, cả vùng ven sông Hồng ngập lụt nên một cây hồng bị chết, chỉ còn lại một cây sau này là “của để dành” bố tôi để lại cho con cháu.

Vì cũng không biết làm thế nào để nhân trồng, cây hồng duy nhất ấy cứ cho gia đình ông Diền thu hái những mùa quả giòn ngọt đều đặn mỗi độ thu sang. Tình cờ, trong một lần làm vườn, rẫy cỏ vun gốc, không may ông Diền đào vào rễ cây hồng, sau đó thấy từ rễ cây ấy nảy nầm. Ông Diền bèn mang đi giâm thấy lên cây. Từ đấy, ông bắt đầu nhân trồng từ cách “chặt rễ” và chia giống cho mọi người trong làng cùng trồng. Lâu dần, cả làng đến lấy giống từ cây hồng bố ông Diền để lại.

Ông Diền tâm sự: Loại hồng quả này có thể ăn theo hai cách, nhưng chủ yếu vẫn là hồng ngâm vì ăn giòn ngọt, lại dễ vận chuyển đi xa. Còn không để hồng chín trên cây ăn rất ngọt hoặc khi quả hồng già trảy xuống giấm bằng hương cũng cho quả hồng chín ngọt rất ngon. Tuy nhiên, mọi người vẫn ưa chuộng hồng ngâm hơn cả. Kỹ thuật ngâm hồng rất đơn giản, hồng trảy xuống ngâm trong nước lã vài ngày là chín. Ấy vậy nhưng ngâm hồng cũng phải có kỹ thuật. Kinh nghiệm của ông Diền và nhiều người dân Bảo Hà cho thấy giống hồng quả không hạt Bảo Hà chỉ ngâm được bằng nước giếng trong khoảng 3 ngày, 4 đêm (nếu pha thêm phèn chua thì thời gian rút ngắn khoảng 2 ngày, 3 đêm). Đặc biệt, giống hồng không hạt này mà ngâm bằng nước mưa hoặc thứ nước khác không sạch đều “hỏng ăn” ngay, hoặc thối quả hoặc chát không thể nào ăn được.

Chia sẻ về sản phẩm cây ăn quả đặc sản của địa phương, ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Bảo Hà cho biết: Hiện, xã Bảo Hà có 40ha cây hồng không hạt đang cho thu hoạch (khoảng 250 cây/ha); diện tích mới trồng chưa cho thu hoạch khoảng 20ha. Năng suất bình quân 1 ha đạt 50 tấn quả, với giá bán tại vườn 10.000 đồng/kg mang lại nguồn thu cho người dân 500 triệu đồng/ha. Trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây, được ngành nông nghiệp hướng dẫn, người dân Bảo Hà đã thực hiện cải tạo vườn hồng, đốn tỉa, chăm sóc đúng kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, do đó sản phẩm hồng ngâm không hạt Bảo Hà bán được giá, được thị trường tiêu thụ mạnh. Vào đầu vụ, giá bán hồng quả tại vườn là 20.000 đồng/kg; giữa vụ khoảng 12.000 - 15.000 đồng/kg. Bình quân 1 cây thu hoạch đạt khoảng 2 - 2,5 tạ quả mỗi vụ, cá biệt có nhiều cây lâu năm, đạt từ 4 - 5 tạ quả. 

Từ năm 2017, sản phẩm hồng không hạt Bảo Hà đã có bao bì nhãn mác nên được thị trường ưa chuộng, có những ngày cao điểm, người dân Bảo Hà tiêu thụ được 15 - 20 tấn quả. Quả hồng không hạt Bảo Hà thường chín vào đúng lễ hội đền Bảo Hà cho đến Tết Trung thu hằng năm; là sản phẩm được nhiều du khách thập phương đến chiêm bái đền Bảo Hà chọn mua dâng lễ và mang về làm quà.

Để phát huy thế mạnh cây ăn quả đặc sản, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh tại địa phương, năm 2018, huyện Bảo Yên tiến hành trồng mới 50 ha cây hồng không hạt, trong đó trồng 48 ha tại xã Bảo Hà và trồng thử nghiệm 2 ha tại 2 xã Kim Sơn và Cam Cọn; phấn đấu đến năm 2020 sẽ xây dựng vùng trồng hồng không hạt Bảo Hà khoảng 300 ha.

Ông Hà Văn Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên phấn phởi khoe với chúng tôi: Sản phẩm hồng không hạt Bảo Hà được ngành nông nghiệp lựa chọn là một sản phẩm đưa vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” cấp tỉnh. Đặc biệt, trong lễ hội đền Bảo Hà năm nay, huyện Bảo Yên sẽ tổ chức công bố thương hiệu hồng không hạt Bảo Hà, tổ chức gian hàng trưng bày sản phẩm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể và xây dựng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc điện tử... Thông qua đó, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng yên tâm khi biết rõ mức độ an toàn và nguồn gốc của sản phẩm. Ngay sau dịp lễ hội đền Bảo Hà năm nay, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên sẽ phối hợp với Khoa Công nghệ thực phẩm - Học viện Nông nghiệp Việt Nam thử nghiệm hướng dẫn người dân Bảo Hà sấy hồng quả theo 2 phương pháp (sấy giòn và sấy dẻo). Đây là công việc đón đầu để phát triển bền vững thương hiệu hồng không hạt Bảo Hà trong tương lai khi mở rộng vùng trồng lên 300 ha vào năm 2020. Đặc biệt, sản phẩm hồng sấy còn phục vụ du khách khi đến lễ đền Bảo Hà, đền Tân An bất kể thời gian nào trong năm đều có thể thưởng thức được đặc sản mang thương hiệu vùng miền.

Sơn La công bố nhãn hiệu chứng nhận Na Mai Sơn

Sơn La xây dựng thương hiệu Na Mai Sơn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều hộ gia đình trồng Na có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Nằm trong khuôn khổ Ngày hội nông sản Mai Sơn năm 2018 từ 25 đến 26/8, tối 25/8, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chính thức công bố nhãn hiệu chứng nhận “Na Mai Sơn”. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tới tham quan, trao đổi và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La.

 

na-son-la.jpg
Ngày hội nông sản đã thu hút 15 gian hàng giới thiệu quả na cùng nhiều gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc sắc của huyện Mai Sơn

 

Từ năm 2004, cây Na bắt đầu phát triển mạnh trên địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, được rất nhiều người dùng trong nước ưa chuộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ gia đình trồng Na có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Mai Sơn đã tập trung tuyên truyền, vận động thành lập các hợp tác xã trồng Na và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã về vốn, về khoa học kỹ thuật, kiểm định chất lượng và xây dựng thương hiệu Na Mai Sơn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: “Các chuỗi sản xuất trong quá trình sản xuất, liên kết sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong việc này thì việc liên kết sản xuất rồi chế biến, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm là một trong những nhiệm vụ rất là quan trọng để sản phẩm tới tay người tiêu dùng luôn có chất lượng cao nhất, từ đấy thì các sản phẩm của Mai Sơn mới tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong trước mắt cũng như thời gian tới”.

Hiện, đang là thời điểm chính của vụ thu hoạch Na với tổng diện tích của huyện Mai Sơn trên 200 ha, người trồng Na đang tập trung gặt hái thành quả lao động sản xuất của mình trong một năm lao động. Hơn nữa, sản phẩm Na Mai Sơn được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đã ghi nhận xứng đáng cho sự nỗ lực, cố gắng của những người trồng Na trong toàn huyện, là cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

“Ngày hôm nay, các hộ rất là phấn khởi, vui mừng,sản phẩm của mình đã được bà con đến cổ động viên, đón tiếp rất là nhiệt tình và sản phẩm của mình cũng được chào đón rất là ưu ái, từ đó thì các nhà sản xuất sẽ rút kinh nghiệm để các sản phẩm ngày càng đẹp hơn và chất lượng hơn”, bà Nguyễn Thị Lan, thành viên hợp tác xã Na Thanh Sơn nói.

Nông dân xã Tây Phong trồng cam an toàn thực phẩm

Mô hình trồng cam an toàn thực phẩm được T.Ư Hội Nông dân hỗ trợ kể từ tháng 2/2017 tại phố Bằng và các xóm Bằng, Lãi, xã Tây Phong (Cao Phong, Hòa Bình). Mục tiêu của mô hình là thông qua hỗ trợ vốn, định hướng sản xuất sẽ tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của bà con về nông nghiệp sạch.

 

camhoabinh.jpg
Ảnh: Báo Hòa Bình

Vườn cam của bà Ngô Thị Nguyệt, một trong số 20 hộ hội viên nông dân tham gia thực hiện mô hình. Bà Nguyệt phấn khởi cho biết: Năm ngoái, tôi được vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân T.ư 70 triệu đồng. Vốn vay được gia đình đầu tư đúng mục đích là mua phân bón vi sinh và thuốc BVTV. Với diện tích hơn 3 ha, trong đó 1, 3ha đã cho thu hoạch ở niên vụ cam 2017 - 2018, tôi thu được 15 tấn cam, gồm 4 tấn cam V2, còn lại là cam Canh. So sánh về năng suất, sản lượng tăng hơn niên vụ trước. Mặt khác, nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo các điều kiện về ATTP theo định hướng của mô hình nên cam có mẫu mã đẹp, chất lượng đảm bảo, tiêu thụ tốt, nhất là đợt đầu vụ cam V2 được bán với giá 40.000 đồng/kg. Cam Canh cho thu hoạch muộn hơn bán tại vườn dao động trên, dưới 20.000 đồng/kg.

Vườn cam của ông Đỗ Hồng Lâm ở xóm Bằng có tổng diện tích hơn 2 ha trong mô hình. Quá trình tham gia, ông được hỗ trợ mua phân bón, thuốc BVTV, đồng thời được hướng dẫn, huấn luyện sản xuất an toàn thực phẩm theo quy trình. Cũng từ đây, với nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng của khâu sản xuất đảm bảo an toàn vì sức khỏe gia đình, người tiêu dùng và môi trường bền vững, ông đã lựa chọn sản phẩm phân bón vi sinh để chăm sóc cam. Hiện nay, diện tích cam của gia đình ông phát triển tốt và đã bước vào đầu thời kỳ cho quả, dự kiến mang lại sản lượng khá, đảm bảo chất lượng an toàn VietGAP khi đưa ra thị trường.

Cạnh vườn cam nhà ông Lâm là vườn cam của bà Bùi Thị Gọn có diện tích hơn 1ha. Từ nguồn vốn vay, bà Gọn tập trung cải tạo đất, dùng phân bón sinh học và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch đã được chuyển giao. Vườn cam đang cho lứa quả bói, cây, quả phát triển đồng đều.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong Bùi Văn Biên, cho biết: Sau hơn 1 năm mô hình được đưa vào thực hiện, giải ngân đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Đối tượng tham gia mô hình là hội viên nông dân đang đầu tư phát triển cây cam trong điều kiện còn không ít khó khăn về vốn, kỹ thuật, định hướng sản xuất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu cũng như đòi hỏi ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn nông sản sạch. Đến nay, từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân T.ư đã dành 1,5 tỷ đồng cho 20 hộ tham gia mô hình vay với lãi suất ưu đãi trong giai đoạn từ 2017 - 2019, bình quân mỗi hộ được vay từ 50 - 100 triệu đồng. Mô hình cũng thúc đẩy hộ dân mạnh dạn đầu tư, huy động vốn tự có để triển khai sản xuất đúng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch. ước tính, hội viên trong mô hình đã bỏ thêm hơn 3 tỷ đồng đầu tư mua phân bón, thuốc BVTV để chăm sóc, bảo vệ cây trồng. Mô hình không những phát huy hiệu quả đồng vốn hỗ trợ hội viên nông dân trong sản xuất mà còn đã và đang góp phần mở rộng vùng trồng cam an toàn VietGAP, phát triển thương hiệu và nâng cao giá trị, uy tín cam Cao Phong.

Lào Cai: Trên 30ha lúa, hoa màu bị hư hại do mưa lũ

Liên tiếp trong 2 đêm 23 và 24/8, 3 huyện vùng cao Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai đã xảy ra mưa lớn gây nhiều thiệt hại về tài sản.

 

sima-cai.JPG

Cánh đồng xã Cán Hồ ngập sâu trong biển nước. Ảnh Báo Lào Cai

 

Cụ thể, có 41 nhà bị hư hỏng do lũ ống, sạt lở đất đá, trong đó Mường Khương bị 13 nhà, Bắc Hà bị 7 nhà, Si Ma Cai bị 21 nhà. Trên 30 ha lúa, hoa màu bị hư hại do lũ cuốn và ngập úng; một số chuồng trại chăn nuôi bị ảnh hưởng thiệt hại.

Mưa lũ cũng khiến một số công trình hạ tầng trường học, công trình thủy lợi và đường giao thông bị hư hỏng. Ước thiệt hại do 2 trận mưa gây ra vào khoảng 9,5 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Si Ma Cai, trận mưa kéo dài trong nhiều giờ đêm 24/8 đã gây thiệt hại trên 3 tỷ đồng.

Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ tới hỗ trợ người dân sơ tán nhà cửa, khắc phục thiệt hại, khôi phục đời sống sản xuất.

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top