Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 12 năm 2018 | 17:21

Tin NN Tây Bắc: Khoảng 2 triệu đồng/kg hạt giống Atiso Sa Pa

Do hiệu quả kinh tế cao, nhiều nơi phát triển mạnh cây dược liệu Atiso, nên gần đây hạt giống Atiso Sa Pa (Lài Cai) tăng cao, khoảng 2 triệu đồng/kg.

hat-atiso-1.JPG

Cây Atiso Sa Pa được người Pháp đưa sang Việt Nam trồng cách đây hơn 100 năm, hiện Sa Pa là nơi còn lưu giữ được giống dược liệu quý hiếm và phù hợp với điều kiện vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng á nhiệt đới gió mùa. Vì vậy, hạt giống Atiso Sa Pa luôn được nhà vườn chọn mua gieo trồng hơn các giống từ nơi khác.

Được biết, muốn cho hoa Atiso đậu hạt và có tỷ lệ nảy mầm cao, người dân Sa Pa đã dùng ni-lon che cho hoa, khi hoa chín già thu hái lấy hạt phơi khô bảo quản cẩn thận, phòng tránh mối, mọt xâm hại.

Hiện, toàn huyện Sa Pa có hàng trăm gia đình trồng Atiso, lá tươi được bán cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Trapaco Sa Pa mang lại thu nhập cao, ổn định.

Giống ngô lai chịu hạn LVN17 và LVN092 cho năng suất cao tại Trạm Tấu và Văn Chấn

Giống ngô lai chịu hạn LVN17 và LVN092 là hai trong 6 giống ngô lai triển vọng cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái của hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Văn Chấn (Yên Bái).

 

ngo.jpg
Ảnh: baoyenbai

Sau 1 năm triển khai trồng thử nghiệm hai giống ngô lai chịu hạn LVN17, LVN092 tại xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu và xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, mới đây, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông đã tổ chức Hội nghị trình diễn và báo cáo kết quả Đề tài khoa học nghiên cứu khả năng thích ứng của 6 giống ngô lai chịu hạn có năng suất tại hai huyện Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Theo báo cáo của Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, hai giống ngô lai chịu hạn LVN17 và LVN092 được trồng thử nghiệm với diện tích 1ha/huyện, thời vụ thu đông 2018 đạt năng suất trung bình 6,5 tấn/ha. 

Hầu hết các giống sinh trưởng, phát triển tốt; mức độ nhiễm sâu bệnh nhẹ; lá vẫn còn xanh khi thu hoạch giúp bà con tận dụng tốt cho chăn nuôi gia súc… 

So sánh với các giống khác ngoài mô hình cùng mức đầu tư thâm canh thì hai giống ngô lai chịu hạn này cho năng suất cao hơn từ 1,5 - 2,3 tấn/ha. Với giá bán khoảng 5.000 đồng/kg thì lãi thuần cao hơn so với ngô ngoài mô hình từ 7,5 - 11 triệu đồng/ha.

Lãnh đạo UBND các huyện Trạm Tấu và Văn Chấn cho biết, để có thể đưa hai giống lúa lai chịu hạn mới này vào thực tế, sản xuất đại trà tại địa phương, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông cần tiếp tục tiến hành khảo nghiệm, thực hiện, đánh giá kết quả, năng suất của hai giống ngô mới này một cách chính xác, đồng đều và thực hiện ít nhất thêm 3 vụ nữa. 

Hòa Bình trồng trên 8.100ha rau, màu vụ đông

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch sắn, mía, dong riềng và rau, đậu vụ hè thu, đồng thời tích cực trồng cây vụ đông trong khung thời vụ cho phép và chăm sóc, thu hoạch rau, đậu thực phẩm vụ đông đến kỳ.

 

rau-vụ-dong.jpg

Nông dân xã dân Chủ (TP Hòa Bình) chăm sóc rau màu vụ đông.Ảnh: baohoabinh

 

Theo đó, đến hết tháng 11, toàn tỉnh đã thu hoạch trên 11.600 ha cây màu vụ hè thu, tăng gần 2.600 ha so với kỳ báo cáo trước. Riêng diện tích rau, đậu các loại đã cơ bản thu hoạch xong.

Cũng trong thời gian này, nông dân các huyện, thành phố đã trồng trên 8.100 ha cây màu vụ đông, tăng gần 1.000 ha so với kỳ báo cáo trước. Trong đó, ngô đông đã trồng 3.470 ha, đạt trên 114% kế hoạch; khoai lang trên 1.400 ha, đạt gần 90% kế hoạch; rau, đậu các loại trên 3.200 ha, đạt trên 92% kế hoạch.

Các địa phương có diện tích trồng cây vụ đông lớn như: huyện Lạc Sơn đã trồng gần 2.800 ha, huyện Kim Bôi trồng gần 1.600 ha, huyện Yên Thủy 800 ha, huyện Kỳ Sơn trên 600 ha.

Quýt Bắc Kạn giá rẻ, nông dân gặp khó

Quýt là một trong những loại cây trồng khá phổ biến tại nhiều xã ở tỉnh Bắc Kạn. Từng được coi là cây xóa đói, giảm nghèo, nhưng vài năm gần đây việc tiêu thụ loại nông sản này gặp nhiều khó khăn khiến người nông dân lo lắng.

 

quyt.jpg

Huyện Bạch Thông là nơi có diện tích quýt lớn nhất tỉnh Bắc Kạn với khoảng 1.400 ha, trong đó có 900 ha đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 10.000 tấn quả, thời điểm giá cao có thể mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm nay thị trường tiêu thụ kém hơn so với trước, giá cả và đầu ra không ổn định nên thu nhập của người trồng quýt rất bấp bênh. Hầu như không có thương lái đến tận vườn thu mua, bà con phải tự đem bán tại các phiên chợ hoặc bày bán ở dọc quốc lộ. Giá bán tại vườn trung bình giao động từ 5.000 - 8.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/3 so với năm ngoái.

Bà Tống Thị Tín, thôn Phiêng An 1, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, cho biết: "Trồng thì vất vả mà bán quả thì rẻ, không đủ tiền phân bón. Giá so với năm 2017, năm nay chỉ được 1/3. Tôi chỉ mong sao bây giờ trồng ra quýt sạch thì bán được giá hợp lý với người trồng là mừng".

Ba Bể: Hơn 175ha diện tích dong được bao tiêu sản phẩm

Vụ dong riềng năm nay, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) trồng được 366,42ha, đạt 130,9% kế hoạch. Hiện nay đã thu hoạch được khoảng 120ha. Huyện Ba Bể đang tích cực chỉ đạo các cơ sở, HTX thu mua dong riềng cho người dân. 

Cụ thể, các doanh nghiệp thu mua dong riềng trên địa bàn huyện đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân: HTX Sang Hà ký hợp đồng tiêu thụ củ dong tại 03 xã với diện tích 77,1ha; doanh nghiệp tư nhân miến dong Huyền Ngân ký hợp đồng tại 5 xã với diện tích 39,97ha; cơ sở miến dong Nhất Thiện ký hợp đồng với xã Mỹ Phương, diện tích là 58,48 ha. Diện tích người dân tự sơ chế là 190,87ha.

 

cu-rong.JPG
Chế biến củ dong tại cơ sở miến dong Nhất Thiện (ảnh-baobackan)

 

Theo đánh giá, việc thu mua dong riềng năm nay còn một số khó khăn đó là, giá thu mua củ dong riềng trên thị trường giảm hơn so với cùng kỳ trong khi các cơ sở, HTX ký kết hợp đồng với người dân với mức giá cao, theo đó cơ sở phải bù lỗ phần chênh lệch giá. 

Mặc dù còn gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và giá cả nhưng với những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương đang tìm những biện pháp đảm bảo tiêu thụ hết sản lượng dong củ và hài hòa lợi ích giữa các cơ sở và người dân.

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top