Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2019 | 15:33

Tin NN Tây Bắc: Thái Niên bán ra thị trường 5 tấn dưa/ngày

Vụ dưa năm nay giá bán bình quân cao hơn năm trước khoảng 3.000 đồng/kg giúp người trồng lãi trên 2.000.000 đồng/sào.

dua.jpg

Nông dân xã Thái Niên thu hoạch dưa. Ảnh Báo Lào Cai

 

Theo thống kê, vụ dưa năm 2019, người dân Thái Niên trồng trên 17 ha dưa các loại trong tổng số 29 ha đất ruộng chuyển sang trồng màu chuyên canh; trong đó, dưa lê chiếm khoảng 90% diện tích, còn lại là dưa hấu và dưa bở. Địa bàn trồng dưa chủ yếu tập trung ở các thôn: Đo Ngoài (khoảng 13 ha, hơn 60 hộ trồng), Báu (1,5 ha, hơn 20 hộ trồng), Mom Đào (1,2 ha, 20 hộ trồng) và Hải Niên (0,8 ha, 12 hộ trồng).

Theo đánh giá, so với năm ngoái, sản lượng dưa không cao hơn, do sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt, song bù lại, giá khá cao và dễ bán. Thương lái đến thu mua tại ruộng, bình quân dưa lê dao động từ 14.000 - 17.000 đồng/kg; dưa hấu khoảng 10.000 đồng/kg; dưa bở từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, giá bán cao hơn khoảng 3.000 đồng/kg so với năm trước. Ở thời điểm chính vụ, trung bình mỗi ngày, người dân Thái Niên bán ra thị trường trên 5 tấn quả dưa các loại, trừ mọi chi phí thu lãi ròng trên 2.000.000 đồng/sào.

Noong Hẻo tập trung thu hoạch lúa đông xuân

Vượt qua những bất lợi về thời tiết và sâu bệnh, diện tích lúa đông xuân của xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) đã cho thu hoạch với năng suất cao.

 

lua.JPG

Vụ lúa đông xuân năm nay, xã Noong Hẻo gieo cấy 380ha lúa với cơ cấu giống nếp 97, 98, hương thơm số 1, bắc thơm số 7. Trên cây lúa xuất hiện một số loại sâu bệnh hại: đạo ôn, sâu cuốn lá, rầy, một số diện tích thiếu nước. Với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương và cán bộ cơ quan chuyên môn huyện hướng dẫn, nông dân tiến hành phun phòng trừ kịp thời, do đó năng suất đạt cao: 47,5 tạ/ha. Hiện, nông dân đã hoàn thành thu hoạch trà sớm với khoảng 20% diện tích, phấn đấu đến ngày 20/5 sẽ hoàn thành toàn bộ diện tích.

Ông Lù Văn Cưởi – Chủ tịch UBND xã Noong Hẻo cho biết: Mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn nước phục vụ tưới tiêu cũng như phòng trừ dịch bệnh trên cây lúa nhưng đến thời điểm hiện tại chúng tôi khẳng định vụ lúa đông xuân năm nay đã thắng lợi với sản lượng ước đạt 1.805 tấn. Đảm bảo khung thời vụ, xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông và trưởng các bản tập trung chỉ đạo bà con khẩn trương thu hoạch diện tích đã chín, thu gom xử lý rơm rạ, làm đất chuẩn bị sản xuất vụ mùa sắp tới. Thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng tập trung sử dụng 1 -2 giống lúa trong vụ mùa năm 2019, chúng tôi sẽ triển khai tại 14 bản với giống lúa IR64. Xã cùng với cơ quan chuyên môn của huyện đã tổ chức họp bản tuyên truyền, triển khai những lợi ích từ cánh đồng tập trung, đồng thời tổ chức hỗ trợ giống lúa, vôi theo quyết định hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Dự kiến, các hộ được hỗ trợ 3.865kg giống lúa IR64 và 2.205kg vôi trong vụ mùa.

Vụ lúa chiêm xuân thắng lợi là cơ sở để Nhân dân trong xã tự tin ứng phó với dịch bệnh gây hại và những biến đổi bất thường của thời tiết để có thêm vụ mùa bội thu.

Mường La xây dựng và giữ vững thương hiệu cá lòng hồ

Phát huy lợi thế vùng lòng hồ thủy điện Sơn La và các công trình thủy lợi khác trên địa bàn, những năm gần đây, huyện Mường La, Sơn La tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng tại các xã ven vùng lòng hồ, bước đầu mang lại hiệu quả, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

 

nuoi-ca.JPG

Mô hình nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La của Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam - Sơn La. Ảnh: Phan Trang

 

Mường La hiện có gần 4.000 ha mặt nước lòng hồ các công trình thủy điện, từ lợi thế này, huyện Mường La đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân các xã ven vùng lòng hồ khai thác thế mạnh mặt nước để chuyển hướng sang nuôi trồng thủy sản gắn với chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Đồng thời, huyện tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản phát triển.

Hiện, nhân dân các xã trong huyện đang khai thác 139 ha mặt nước để nuôi trồng thủy sản, với gần 800 lồng nuôi cá, trong đó 159 lồng cá tầm và trên 640 lồng các giống cá truyền thống địa phương; 1 doanh nghiệp và 4 HTX hoạt động lĩnh vực thủy sản. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện ước 180 tấn, trong đó sản lượng cá tầm xuất bán ra thị trường khoảng 35 tấn.

Để phát triển nuôi cá lồng sông Đà theo hướng hiệu quả, bền vững, thời gian tới, huyện Mường La tiếp tục khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi thủy sản. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các hợp tác xã thủy sản đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị sản phẩm, giúp thành viên các HTX, các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện yên tâm mở rộng quy mô nuôi, từng bước đưa thương hiệu cá lòng hồ sông Đà vươn ra các thị trường trong nước, ngoài nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Người đưa chuối tây sấy dẻo Kim Bình đến với thị trường

Kim Bình (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) hiện có 500 ha chuối, sản lượng chuối mỗi năm lên đến cả chục ngàn tấn. Hiện nay, sản phẩm chuối Kim Bình đều được xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng lại có rất ít đơn vị, doanh nghiệp thu mua để chế biến.

 

khoi-nghiep-1.JPG

Chị Nguyễn Huyền Trang tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp do hội LHPN tỉnh tổ chức, tháng 10 - 2018. Ảnh: Báo Tuyên Quang

 

Chị Nguyễn Huyền Trang, thôn Đồng Cột, xã Kim Bình cho biết, sau khi tìm hiểu các tài liệu, nghiên cứu khoa học, chị nhận thấy quả chuối là thực phẩm giàu vitamin và có thể chế biến được nhiều sản phẩm đa dạng như tinh dầu chuối, chuối sấy, mứt, bánh kẹo… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có Rượu chuối Kim Bình được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu độc quyền là sản phẩm duy nhất từ cây chuối được công nhận.

Vì không muốn lãng phí nguồn nguyên liệu dồi dào, chị Trang đã thử chọn lọc chuối chín, ngon để sấy thử một vài mẻ, bán quanh khu vực xã Kim Bình. Nhận thấy sản phẩm có tiềm năng khi đưa ra ngoài thị trường, chị Trang cùng gia đình đầu tư xây dựng lò sấy bằng củi cách nhiệt. Để có được vị chuối sấy thơm ngon, phải chọn quả chuối đủ già, quả to, tròn cạnh, rụng hết râu. Chuối sau khi lột vỏ, ngâm muối và xếp vào các khay rồi đem sấy ngay sau khi sơ chế. Khi chuối sấy lên mật, dẻo dính, thơm và ngọt, đóng gói chân không để tăng thời gian bảo quản lên 6 tháng. 1 tạ chuối tươi sau khi sấy thu được khoảng 20 kg chuối khô. Trung bình 2 ngày sẽ được 1 mẻ chuối sấy dẻo, mỗi mẻ thu được khoảng 60 kg chuối khô.

Theo chị Trang, so với sấy bằng điện hoặc hơi, chuối sấy bằng củi cách nhiệt có vị thơm đậm đà hơn, ngọt hơn, nên mặc dù mất nhiều thời gian hơn, gia đình chị vẫn lựa chọn công nghệ này để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện lò sấy của gia đình chị Trang có công suất 50 khay, mỗi khay khoảng 2 kg. Giá bán hiện tại là 80 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo chị Trang, về lâu dài, khi thị trường đã được ổn định, gia đình chị sẽ tính đến việc xây dựng lò sấy bằng điện để tiết kiệm thời gian và nhiên liệu.

Hiện nay, chị Nguyễn Huyền Trang đang chuẩn bị các thủ tục để cấp chứng nhận nhãn hiệu và dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm chuối tây sấy dẻo của gia đình.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top