Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 8 năm 2018 | 16:2

Tin NN Tây Bắc: Trồng na mang lại thu nhập khá ở Lào Cai

Cây na hiện đang được các địa phương trong tỉnh Lào Cai khuyến khích trồng ở những vùng quy hoạch cây ăn quả, nhằm thúc đẩy người dân phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao.

na-lao-cai.JPG
Ảnh: Báo Lào Cai

 

Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, toàn huyện hiện có 259 ha cây na, tập trung chủ yếu ở 2 xã Xuân Quang và Phong Niên (chiếm 50% diện tích toàn huyện), còn lại trồng rải rác tại các xã, thị trấn. Năm 2017, sản lượng quả na toàn huyện Bảo Thắng đạt 163 tấn.

Giá bán quả na chín đầu vụ thường từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Hiện, người trồng na đang bắt đầu vào chính vụ thu hoạch quả, giá bán thời điểm hiện tại khoảng 50.000 - 60.000 đồng/kg quả na loại to (3 - 4 quả/kg); 40.000 - 50.000 đồng loại na nhỏ hơn (5 - 6 quả/kg), còn loại nhỏ hơn 30.000 - 35.000 đồng/kg.

Theo nhiều người trồng na ở Xuân Quang cho biết: Na là loại quả chỉ thu hoạch 1 vụ trong năm, trong khoảng thời gian chưa đầy 2 tháng, lại là loại quả ngon, bổ dưỡng, được nhiều người ưa thích, nên giá bán ổn định. Đầu vụ giá cao, chính vụ giá giảm đôi chút, nhưng lại tăng về gần cuối vụ. Những năm gần đây, na đang là cây ăn quả có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập khá cho người trồng. Với năng suất khoảng 3 tấn/ha, bình quân giá bán 30.000 đồng/kg, mỗi ha cũng đem lại nguồn thu gần trăm triệu đồng mỗi vụ cho người trồng na.

Không chỉ ở Bảo Thắng, hiện huyện Bắc Hà cũng trồng 7ha cây na tại 3 xã vùng thấp: Bảo Nhai, Cốc Ly, Cốc Lầu. Mỗi vụ na đem lại thu nhập khá cho người trồng na.

Những mô hình nông nghiệp tiêu biểu ở Mộc Châu

 

moc-chau.JPG

Hệ thống nhà lưới trồng rau màu của HTX rau an toàn Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu).

 

Đó là HTX rau an toàn Tự Nhiên tại bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (Mộc Châu). Theo bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX rau an toàn Tự Nhiên: Hiện, các loại sản phẩm rau của HTX đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn đối với người sử dụng nên được thị trường đón nhận. Để hàng hóa đạt tiêu chuẩn, vào được các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn khó khăn lắm, họ kiểm tra kỹ lưỡng từ lúc còn đang gieo trồng tại vườn đến khi thu hoạch và tổng kiểm tra lần cuối các sản phẩm trước khi đưa vào bày bán. Ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Metro, Vinmart, BigC...

HTX rau an toàn Tự Nhiên được thành lập năm 2015 với 38 thành viên, sản lượng các loại rau màu bình quân đạt trên 1.200 tấn/năm, tạo thu nhập ổn định cho xã viên với mức thu nhập bình quân từ 500 đến 600 triệu đồng/1ha đất sản xuất trong 1 năm.

HTX Cựu chiến binh Mộc Châu chuyên nuôi ong. Hiện, HTX có trên 1.500 đàn ong được nuôi theo quy trình an toàn đã được chứng nhận VietGAP. Sản lượng mật bình quân đạt hơn 300 tấn/năm và được đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lớn trên cả nước; lợi nhuận bình quân đạt từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Đem khoe với chúng tôi một số sản phẩm làm từ ong, như: Mật, sữa ong chúa, phấn hoa...

Ông Trần Trọng Bình, Giám đốc HTX Cựu chiến binh Mộc Châu, chia sẻ: Phát huy lợi thế cao nguyên Mộc Châu trong lành, lại có nhiều rừng cây và đồi cây ăn quả, HTX đã từng bước mở rộng quy mô nuôi ong, vừa chuyển đổi giống ong, vừa phổ biến cho cán bộ, hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm, cung cấp dịch vụ vật tư, con giống, kỹ thuật nuôi ong cho các thành viên trong Hợp tác xã. Vừa qua, các sản phẩm của HTX được tham gia trưng bày sản phẩm tại Hội chợ nông sản sạch thủ đô Hà Nội, chương trình do Trung tâm Xúc tiến thương mại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Tại Hội chợ, nhiều khách hàng yêu thích và tin tưởng mua rất nhiều sản phẩm của chúng tôi.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu có rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu, như: Rau an toàn của Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên; chanh leo của HTX Chanh leo Mộc Châu; mận hậu của Tổ hợp tác sản xuất và tiêu dùng mận an toàn Mộc Châu; hồng giòn và nấm của HTX nấm Thảo Nguyên Mộc Châu; cam... Mộc Châu xác định việc hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm; tạo điều kiện giúp các tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ, nhân rộng chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, từng bước hình thành các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu mang thương hiệu Mộc Châu.

Trồng ớt xuất khẩu ở huyện Lạc Thủy

trong-ơt.jpg

Ông Hoàng Đình Chính, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) cho biết: Thực hiện Quyết định số 1047/QĐ-UBND ngày 17/8/2016 của UBND huyện về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020, năm 2017, UBND huyện giao Phòng NN&PTNT phối hợp với xã An Lạc triển khai trồng 5 ha ớt sừng lai F1 số 20 có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thuộc dự án Liên kết sản xuất và tiêu thụ ớt, bí đỏ tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm huyện Lạc Thủy, giai đoạn 2017- 2018. Mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả và hiện đang nhân rộng trên địa bàn.

Là xã được chọn thực hiện điểm mô hình trồng ớt, xã An Lạc nằm cách trung tâm huyện 18km, có tổng diện tích trên 2.400ha. Diện tích đất nông nghiệp trên 2.130ha với gần 90% dân số trong xã làm nông nghiệp.

Theo ông Hoàng Đình Chính: Nhờ hiệu quả thực tế từ mô hình ở xóm An Phú, bước sang năm 2018, diện tích ớt xuất khẩu đã được người dân trên địa bàn huyện nhân rộng. Xã An Lạc đã mở rộng ra 6 ha, xã Hưng Thi 5 ha, Lạc Long 4 ha và thị trấn Chi Nê 2 ha. Công ty TNHH ớt Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ với UBND huyện Lạc Thủy để phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Đây là động thái tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của huyện, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.

Làm giàu từ nuôi dê

Sở hữu mô hình nuôi dê lớn nhất huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), với số lượng lên đến hàng trăm con, anh Bùi Văn Sỹ ở thôn Bó Pết, xã Yên Thịnh đã từng bước ổn định cuộc sống gia đình, vươn lên làm giàu.

nuoi-de.gif

Trại nuôi dê của vợ chồng anh Bùi Văn Sỹ được chia thành 2, gồm một chuồng dê cái sinh sản và một chuồng dê thương phẩm. Chia sẻ về quá trình lập nghiệp anh Sỹ cho biết: Trước đây anh đã trải qua nhiều nghề vất vả, từ làm ruộng đến nuôi bò, trồng cây ăn quả…nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, anh luôn trăn trở tìm hướng đi phù hợp để thay đổi cuộc sống gia đình. Nhận thấy vùng đất của gia đình xa khu dân cư, thuận lợi về nguồn nước lại là đồi thoải sẵn có nguồn thức ăn dồi dào từ tự nhiên nên rất phù hợp với phát triển chăn nuôi dê. Năm 2015, anh đã bắt tay vào làm chuồng trại, nuôi khởi đầu 25 con dê cái sinh sản. Để đạt hiệu quả cao, anh đã tìm đến học tập kỹ thuật chăm sóc dê với một kỹ sư chuyên ngành và học hỏi kinh nghiệm qua các mô hình chăn nuôi dê ở nhiều địa phương và trên phương tiện truyền thông đại chúng. Đến nay đàn dê của anh có 100 con, lúc đông nhất lên đến 150 con.

2 năm nay, anh Sỹ luôn duy trì nuôi 50 con dê cái sinh sản, mỗi năm dê cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con. Đối với dê đực, sau khi cai sữa anh chăn tách đàn, nhốt chuồng riêng nuôi vỗ béo khoảng 5 tháng mỗi con nặng 25-30kg thì đem bán, giá dê hơi 110.000 đồng/kg, mỗi tháng anh bán từ 5-6 con dê thịt thu về khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập từ nuôi dê của gia đình anh (chưa trừ chi phí đầu tư) đạt khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, anh có điều kiện trang trải cuộc sống gia đình, hướng tới mở rộng quy mô chăn nuôi thành trang trại với số lượng từ 300-400 con.

Triển vọng mới từ mô hình trồng cây bí xanh ở Ngọc Động

Với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ưu đãi, những năm qua, xã Ngọc Động (Quảng Uyên, Cao Bằng) triển khai nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó mô hình trồng bí xanh được nhiều hộ gia đình thực hiện hiệu quả.

bí-xanh.jpg

Anh Nông Văn Duy, xóm Phò Đoỏng, xã Ngọc Động chăm sóc bí xanh.

 

Xã Ngọc Động có 16 xóm, diện tích đất sản xuất nông nghiệp 647,539ha. Nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp trồng cây bí xanh, nhiều năm qua, nhân dân 2 xóm Phò Đoỏng, Lũng Nhàu đã tích cực mở rộng diện tích mô hình trồng 1,3 ha cây bí xanh. 
Khác với bí xanh thông thường có dáng thon dài thì loại bí xanh thơm đặc sản của xã Ngọc Động có hình bầu dục, nặng 1,5 - 4 kg, có hương thơm, ngọt đặc trưng.  Cây bí xanh là loại cây ngắn ngày, dễ trồng, nếu chăm sóc tốt cho khối lượng mỗi quả lên tới 5 - 8 kg. 1 ha có thể cho thu hoạch từ 18 - 20 tấn bí xanh thơm, thu về 20 - 25 triệu đồng/vụ. Giống bí được bà con chọn là những quả to, tròn, hạt mẩy, đặc biệt là những quả đầu tiên kết trái. Khi cây vươn dài khoảng 30 - 40 cm thì dựng giàn để cây dễ phát triển và cho quả. Bón phân chuồng hoai mục, tưới nước thường xuyên, đảm bảo độ ẩm cho cây sinh trưởng, phát triển tốt. 

Để nâng cao năng suất, sản lượng, xã thường xuyên phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Uyên tập huấn kỹ thuật. Qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc, những năm gần đây, mô hình trồng bí xanh được nhân rộng. Trồng bí xanh cho hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác do vốn đầu tư ban đầu ít, độ rủi ro không lớn. Tuy nhiên, bà con cần có sự liên kết "4 nhà" để mô hình được nhân rộng, phát triển bền vững.

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top