Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 6 tháng 10 năm 2018 | 11:33

Tin NN Tây Bắc: Yên Bái sản xuất vụ đông với mục tiêu đạt 300 tỷ đồng

Vụ đông 2018, Yên Bái dự kiến trồng trên 10.000ha cây trồng các loại, phấn đấu tổng giá trị sản phẩm đạt trên 300 tỷ đồng.

san-xuat-vu-dong.jpg

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái, vụ đông năm 2017 toàn tỉnh gieo trồng 9.848 ha cây các loại; trong đó, trồng 5.337 ha cây ngô, sản lượng 16.741 tấn; 1.109 ha khoai lang, sản lượng 5.922 tấn; rau, đậu các loại 3.385 ha, sản lượng 40.484 tấn.

Những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng phát triển cây vụ đông, đặc biệt trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng năm, tỉnh luôn phát động phong trào thi đua sản xuất cây vụ đông. Cùng đó, từ năm 2016 tỉnh thực hiện Đề án Hỗ trợ sản xuất ngô đông trên đất vụ lúa; trong đó, hỗ trợ 20% giá giống ngô lai cho hộ sản xuất ngô đông trên đất 2 vụ lúa. Từ đó, đã khuyến khích nhiều nông dân sản xuất vụ đông.

Theo kế hoạch vụ đông 2018, tỉnh dự kiến trồng trên 10.000ha cây trồng các loại, phấn đấu tổng giá trị sản phẩm đạt trên 300 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh yêu cầu các ngành, tổ chức, đoàn thể tích cực tuyên truyền, động viên nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa, làm đất theo phương châm "sáng lúa, chiều ngô”.

Bảo Yên trồng mới 20 ha ớt cao sản

Vụ Thu Đông năm 2018, huyện Bảo Yên (Lào Cai) triển khai trồng 20 ha ớt giống GM-40 xuất khẩu, tại 4 xã: Bảo Hà (7 ha), Kim Sơn (4,65 ha), Cam Cọn (4,65 ha), Thượng Hà (3,7 ha).

ot.jpg

Tổng mức đầu tư gần 1,2 triệu đồng/sào ớt, trong đó doanh nghiệp ứng trước giống, phân bón (trị giá 600.000 đồng), người dân đối ứng 600.000 đồng (phân bón, ni lông phủ luống). Công ty TNHH Nam dược Đông Nam Á cam kết bao tiêu toàn bộ ớt thương phẩm theo giá thị trường, khi giá thị trường giảm, công ty vẫn thu mua không thấp hơn 7.000 đồng/kg ớt quả.

Theo tính toán, mỗi sào ớt cho thu từ 700 - 800 kg quả. Nếu công ty mua với giá tối thiểu (7.000 đồng/kg), thì người trồng có thu nhập từ 4,9 - 5,6 triệu đồng/sào; trừ chi phí, mỗi sào ớt cho thu lãi từ 3,7 - 4,4 triệu đồng.

Lai Châu: Hiệu quả mô hình trồng chanh leo

Cuối tháng 3 vừa qua, xã Bản Bo (Tam Đường) triển khai mô hình trồng chanh leo tím thí điểm theo chuỗi liên kết giữa người dân bản Hưng Phong, Nà Ly (xã Bản Bo) với Công ty Cổ phần NaFoods Tây Bắc (có trụ sở tại thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Đến nay, mô hình chanh leo đã cho thu hoạch, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân nâng cao thu nhập.

chanh-leo.jpg

Ngày đầu triển khai mô hình, người dân xã Bản Bo không đồng thuận với việc tham gia trồng chanh leo do giống cây trồng mới (ghép mắt) cần diện tích đất rộng. Người dân lo chanh leo không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương. Để người dân tiếp cận giống, kỹ thuật vào chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao, xã phân công cán bộ lựa chọn địa điểm đất đồi, tơi xốp. Đồng thời, vận động 3 nhóm với 25 hộ dân ở bản Hưng Phong, Nà Ly tham gia mô hình trồng 3ha chanh leo tím. Bà con tận dụng cây gỗ, đổ cột bêtông, căng giàn thép vững chắc cho chanh leo. Nhờ trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, mô hình có tỷ lệ cây sống đạt 98%, sinh trưởng, phát triển đảm bảo.

Từ đầu tháng 9 đến nay, các hộ đã và đang thu hoạch vụ chanh leo đầu tiên, thu nhập 8 triệu đồng/tháng (cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa). Mô hình chanh leo tím phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Đây là cây cho thu hoạch quả liên tục trong thời gian 3 năm; năng suất bình quân đạt từ 20 - 25 tấn/ha/năm. 

Mường Than sản xuất rau màu an toàn, tập trung

Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Than Uyên (Lai Châu), cụ thể là “Chương trình sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, giai đoạn 2015-2020”, xã Mường Than chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, thâm canh, tăng vụ; trong đó quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất rau màu an toàn, tập trung với diện tích 55ha/75ha của toàn huyện tại các bản: Sen Đông 1, 2, Phương Quang.

rat.jpg

Đến nay, trên diện tích 17ha sản xuất rau an toàn, Nhân dân 3 bản trồng cả 3 vụ (đông, xuân-hè, thu- đông) với đa dạng các loại rau có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng như: cà chua, cải các loại, mướp, bầu, bí,…

Khuyến khích các hộ dân thực hiện có hiệu quả vùng sản xuất rau an toàn, xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; cách sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục; tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng ủ bón cho rau. Khuyến cáo bà con thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh nhằm hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng thuốc có trong danh mục, đảm bảo liều lượng theo đúng yêu cầu. 

Tuy nhiên, việc mở rộng và phát triển vùng sản xuất rau màu an toàn, tập trung ở xã Mường Than còn gặp nhiều khó khăn, do bà con sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ; các sản phẩm rau màu không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng thường xuyên với những đơn vị lớn như: nhà hàng, doanh nghiệp. Chưa có sự liên kết giữa ba nhà “nhà khoa học - nhà nông - nhà doanh nghiệp”.

Nghiên cứu thành công dàn trồng rau thủy canh

Công nghệ trồng rau thủy canh được Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn nghiên cứu và  đã trồng thử nghiệm thành công và hiệu quả, sản phẩm rau xanh đã được người tiêu dùng sử dụng.

 

thuy-canh.jpg

Dàn chữ A trồng rau thủy canh cho già đình từ 4-8 người, ưu điểm trồng được nhiều loại rau trên  giàn


Với nhiều ưu điểm như tiện lợi khi lắp đặt, người dân có thể trồng rau xanh an toàn tại nhà mà không cần đất. Công nghệ trồng rau thủy canh mô hình hộ gia đình là một giải pháp khả thi, Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, nhận đặt hàng sản xuất với các kích cỡ và quy mô.

Công nghệ trồng rau thủy canh nhiều ưu điểm về quy mô và kỹ thuật sản xuất, có thể linh hoat lắp đặt với nhiều địa hình. Hiện Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất cho hộ gia đình. Thiết kế giàn chữ A hoặc giàn treo tường phù hợp theo khảo sát thực tế từng hộ. Chi phí dao động khoảng 5-6 triệu đồng.

Mường Chà được mùa ngô xuân hè

Ông Bùi Tuấn Thanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Chà (Điện Biên Phủ) cho biết: Vụ xuân hè năm 2018, nông dân phấn khởi vì ngô được mùa, được giá nhưng với cơ quan chuyên môn, quản lý Nhà nước thì vụ ngô này thắng lợi trên cả 3 phương diện: Tăng diện tích, tăng năng suất và tăng giá. Vụ sản xuất này, toàn huyện gieo trồng 2.932ha ngô, đạt 101,5% kế hoạch giao, tăng 2ha so với cùng kỳ năm 2017.

ngo.jpg

Diện tích trồng vượt kế hoạch là thắng lợi của huyện, bởi vì đầu vụ, tại những xã có diện tích ngô lớn như: Pa Ham, Nậm Nèn, Sá Tổng, Na Sang, người dân có xu hướng giảm diện tích trồng ngô để trồng dong riềng và dứa. Năm nay, thời tiết thuận lợi, người dân đã thay thế giống ngô địa phương kém năng suất, chất lượng bằng các giống ngô lai, như: LVN10, CP885 kết hợp ứng dụng KHKT vào sản xuất nên năng suất ngô đạt 19,8 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với năm 2017; sản lượng ngô toàn huyện đạt 5.805,4 tấn (tăng 179,68 tấn). Ðầu vụ thu hoạch, ngô được thương lái thu mua với giá 6.500 đồng/kg, về cuối vụ giá giảm xuống 6.000 đồng/kg nhưng nhìn chung vẫn cao hơn năm 2017 từ 1.000 - 1.500 đồng/kg.

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top