Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 23 tháng 9 năm 2018 | 8:39

Trái cây sạch cho thị trường nội địa: Nền tảng thúc đẩy xuất khẩu

Trong những năm qua, với thành quả đạt được của ngành chế biến, xuất khẩu trái cây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cùng các địa phương thực hiện sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác để cung ứng cho thị trường.

trai_cay2.jpg
Một cơ sở sản xuất rau sạch ở huyện Đức Trọng.(Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Cả nước hiện có hơn 300.000ha sản xuất trái cây. Trong những năm qua, với thành quả đạt được của ngành chế biến, xuất khẩu trái cây, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cùng các địa phương thực hiện sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác để cung ứng cho thị trường.

Hiện trên cả nước đã có bảy dự án đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến nông sản đang được xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành trong năm 2018.

Ổn định thị trường trong nước

Ngay từ những năm đầu triển khai, người sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP đã gặp không ít khó khăn vì phải thay đổi tập quán sản xuất, từ cách chăm sóc, ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép, chế độ cách ly đúng với quy định an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi thu hoạch, chi phí đăng ký chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và nhiều tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khác...

Thế nhưng, sau khi thấy được hiệu quả từ sản xuất trái cây sạch, sản phẩm làm ra được thị trường nồng nhiệt đón nhận, hầu hết người sản xuất đồng thuận sản xuất trái cây sạch cho thị trường.

Theo Cục Trồng trọt, sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn khác ngày càng được chú trọng, vì giúp người sản xuất thu được lợi nhuận cao hơn. Những vụ đầu tiên, chỉ vài địa phương sản xuất rải rác tiêu chuẩn VietGAP và tiêu chuẩn sạch, nên có sự tranh chấp giữa sản phẩm trái cây sạch và trái cây canh tác thông thường.

Người tiêu dùng ngày càng thông minh, nên họ sẵn sàng lựa chọn những sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này chính là sự sàng lọc sản phẩm chất lượng tốt, an toàn trong khâu tiêu dùng, giúp cho sản phẩm sạch, tiêu chuẩn VietGAP có chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.

Các Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước bắt đầu có hiệu lực, cũng là lúc trái cây Việt "gồng mình ứng phó" với sự hiện diện của trái cây nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo thống kê, mỗi năm, người tiêu dùng Việt Nam tốn hơn 1 tỷ USD để tiêu thụ trái cây nhập khẩu. Ngoài những chủng loại trái cây chỉ có ở nước ngoài, người tiêu dùng Việt cũng đang tiêu thụ trái cây cùng loại với Việt Nam, được nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ... bởi những loại này được dán tem kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến 15/9, Việt Nam đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu trái cây từ các nước trên thế giới. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 2,8 tỷ USD năm 2017.

Khâu khử trùng, tuyển chọn chuối xuất khẩu tại Trang trại chuối xuất khẩu Huy Long An (Ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh).(Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)


Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng quản lý vận hành cơ chế một cửa quốc gia và Asean (Tổng cục Hải quan) giải thích, gần chín tháng qua, các thương nhân chủ yếu nhập khẩu trái cây Thái Lan rồi tái xuất sang thị trường Trung Quốc. Như vậy, tỷ lệ nhập khẩu và xuất khẩu trái cây đều tăng, nhìn chung không gây tác động lớn đến việc tiêu thụ trái cây Việt tại thị trường nội địa.

Điều quan trọng giữ vững thị trường nội địa là người sản xuất và doanh nghiệp chế biến trái cây phải làm ra sản phẩm chất lượng cao, gây dựng lòng tin vững chắc, khiến người tiêu dùng nội địa mạnh dạn, tự tin khi lựa chọn trái cây Việt trước kệ trưng bày đa chủng loại trái cây nhập ngoại chất lượng cao. 

Nền tảng thúc đẩy xuất khẩu

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, trái cây trong nước đồng đều về chất lượng, được quản lý tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm, sẽ không phát sinh việc lựa chọn. Các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong thu mua. Hơn nữa, nếu người tiêu dùng trong nước được sử dụng những loại trái cây chất lượng cao, sẽ tạo uy tín lớn đối với thị trường quốc tế.

Chất lượng quyết định sự thành bại của sản phẩm khi đi vào các thị trường "khó tính". Muốn thuyết phục nông dân hợp tác với doanh nghiệp, sản xuất theo quy chuẩn khắt khe thì nông dân phải có niềm tin với doanh nghiệp. Niềm tin đó là uy tín trong thanh toán, mua hàng ổn định, luôn có lợi nhuận tốt so với trồng thông thường và bán cho thương lái.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty T&T Vina, khẳng định mỗi năm, Vina T&T xuất khẩu gần 1.000 container các loại trái cây đạt chuẩn GlobalGAP như thanh long, nhãn, chôm chôm... Để có được chất lượng này, doanh nghiệp phải có hướng sản xuất quy mô thương mại, liên kết với nông dân trên diện tích ít nhất là 100ha. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính mới làm nổi.

Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế chia sẻ, trong một chuỗi liên kết, doanh nghiệp không chỉ là đơn vị mua đi bán lại. Đây là cầu nối để gieo “thương hiệu” chất lượng đến các thị trường. Với những sản phẩm chất lượng cao, được tiêu thụ mạnh mẽ ở thị trường trong nước, sẽ là nền tảng uy tín khi sản phẩm được xuất khẩu.

Ngành sản xuất, chế biến trái cây hiện cũng không nằm ngoài quy luật này. Các nhà máy chế biến rất cần nguồn nguyên liệu sạch. Ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Lavifood, cho biết ngoài cung ứng thị trường nội địa, sản phẩm trái cây chế biến của Lavifood sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc... Do đó, các địa phương sản xuất nguồn nguyên liệu trái cây sạch là “viên gạch nền” cho sản phẩm chế biến sạch. Mỗi doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây đều cần vùng nguyên liệu lớn. Ước tính, Lavifood đang cần vùng nguyên liệu trái cây sạch khoảng 100ha để phục vụ cho công suất của nhà máy.

Ngành trái cây muốn đáp ứng các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản..., thì bản thân thị trường nội địa phải là một thị trường khó tính để kiểm chứng chất lượng sản phẩm.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, chia sẻ để vào được các thị trường khó tính và cung cấp sản phẩm chất lượng cho thị trường nội địa, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề gồm kiểm dịch, an toàn (không được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) trái cây.

Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải, và đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng bảy nhà máy chế biến với quy mô vùng và khu vực./.

 

 

Hồng Nhung
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

    Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

    Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo.

  • Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Điện Biên hoàn thành chương trình làm nhà đại đoàn kết cho 5.000 hộ nghèo

    Chiều 28/3, Tỉnh ủy Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức tổng kết thực hiện Đề án hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đây là Đề án do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành ngày 25/4/2023 (Đề án 09) nhằm vận động nguồn lực hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề "Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc".

  • Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất

    Trong bối cảnh tình trạng lợi dụng tham gia đấu giá, sau đó thắng thầu bỏ cọc để "thổi giá đất" thì việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất là cần thiết.

  • Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Hành trình đưa cam ruột đỏ về Điện Biên

    Về Điện Biên những ngày đầu tháng 3, chủ ý đi ngắm hoa ban trắng và tham quan vùng đất anh hùng, nhưng đi loanh quanh thế nào lại gặp nhân duyên, đó là bà chủ farm Nguyễn Thị Lan Hương, người sáng lập Cara Farm ở bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên).

  • Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Giám đốc HTX ở Hà Tĩnh “mê” làm nông nghiệp hữu cơ

    Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.

  • Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Nuôi cá đặc sản trong bể lót bạt thu hàng tỷ đồng mỗi vụ

    Mô hình nuôi cá chạch lấu kết hợp với cá heo đuôi đỏ trong bể cá lót bạt đặt trong vườn xoài đã mang về hàng tỷ đồng mỗi vụ cho gia đình anh Nguyễn Chí Tâm ở phường 6 (Cao Lãnh - Đồng Tháp).

Top