Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 9 năm 2018 | 16:21

Trung Quốc "siết" kiểm tra các sản phẩm thủy sản mới nhập từ Việt Nam

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) vừa ban hành công văn số 1822/QLCL-CL1 về việc đăng ký xuất khẩu (xk) sản phẩm thủy sản mới sang Trung Quốc.

3.jpg

Chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: Internet)

 

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức làm việc với Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan Trung Quốc). Trong quá trình làm việc, phía Trung Quốc đã làm rõ quy định của nước này đối với việc nhập khẩu (NK) sản phẩm thủy sản mới, lần đầu tiên XK vào Trung Quốc cần phải đăng ký để đánh giá nguy cơ an toàn thực phẩm theo quy trình: NAFIQAD có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu Trung Quốc đăng ký XK sản phẩm thủy sản mới vào Trung Quốc; phía Trung Quốc sẽ cung cấp cho phía Việt Nam phiếu điều tra thông tin về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đăng ký XK để hoàn thiện, gửi lại cho phía Trung Quốc; phía Trung Quốc tổ chức đánh giá thực tế tại Việt Nam và sẽ có văn bản thông báo cho phép NK sản phẩm mới nếu kết quả đạt yêu cầu. Trường hợp Việt Nam có bằng chứng cụ thể về việc sản phẩm đã từng được giao thương giữa 2 nước, phía Trung Quốc sẽ xem xét, cho phép NK mà không bắt buộc phải đánh giá nguy cơ ATTP.

NAFIQAD đã đề nghị và phía Trung Quốc thông báo sẽ cung cấp danh mục các loài/sản phẩm thủy sản được phép XK vào Trung Quốc qua Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, đến thời điểm này NAFIQAD vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi từ phía bạn.

Do vậy, NAFIQAD yêu cầu các DN chế biến thủy sản XK sang Trung Quốc chủ động trao đổi với nhà NK Trung Quốc khi XK các sản phẩm mới phải thực hiện đăng ký để đánh giá nguy cơ ATTP theo quy định của Trung Quốc, gửi văn bản về NAFIQAD để tổng hợp đăng ký với Cục ATTP XNK Trung Quốc, trong văn bản nêu rõ tên thương mại, tên khoa học của loài thủy sản và dạng sản phẩm (đông lạnh, khô…).

Đối với các trường hợp đã từng giao thương trước đây mà nay bị từ chối NK với lý do sản phẩm mới cần đánh giá nguy cơ ATTP, DN cung cấp đầy đủ hồ sơ bằng chứng đã giao thương gửi NAFIQAD để tổng hợp, gửi phía Trung Quốc đề nghị xem xét, cho phép NK.

Nguồn cung hồi phục, không lo sốt giá thịt lợn từ nay đến cuối năm

Giá thịt lợn sẽ không đáng ngại bởi nguồn cung thịt lợn trong nước đã phục hồi và dự báo sẽ tăng 1,9% trong quý III/2018.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Nguyên nhân giá thịt lợn tăng là do thiếu hụt nguồn cung cục bộ, chứ tổng cung thịt lợn trên thị trường là không thiếu. Các mức giá này đã tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2018. Nguyên nhân tăng giá được các tiểu thương lý giải là do giá lợn hơi và giá thịt lợn mảnh đã tăng gấp đôi, đặc biệt giá thịt lợn mảnh có lúc lên tới 74.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, đến thời điểm này, tổng nguồn cung thịt lợn đang phục hồi, chủ yếu đến từ các hộ lớn, trang trại và doanh nghiệp. Dự kiến, trong quý III/2018 tổng nguồn cung thịt lợn cả nước sẽ tăng 1,9%, nhiều khả năng sẽ tăng 2,5% vào cuối quý III. Nhìn chung, tổng nguồn cung thịt lợn cả năm có thể tăng gần 2%.

Theo Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi hiện dao động từ 49.000 - 51.000 đồng/kg tại khu vực phía Nam, 48.000- 50.000 đồng/kg tại khu vực miền Trung. Tại miền Bắc, giá lợn hơi nhỉnh hơn ở mức 50.000 - 51.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, mức giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ không đáng lo ngại. Mức giá 45.000 - 50.000 đồng/kg lợn hơi được kỳ vọng sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa để người chăn nuôi có thể bù đắp thua lỗ của năm 2017 và tái đầu tư cho năm 2019.

 

5.jpg
Nhân viên thú y kiểm tra và đóng dấu thịt lợn an toàn tại lò giết mổ lợn. (Ảnh: IT)

 

Hoa Kỳ giảm thuế chống bán phá cho tôm Việt Nam trong POR12

Theo nguồn tin từ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa thông báo kết quả cuối cùng vụ kiện chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) từ ngày 1/2/2016-31/1/2017.

Cụ thể, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) - bị đơn bắt buộc duy nhất của đợt xem xét hành chính lần này có mức thuế là 4,58% - mức thuế áp dụng cho hơn 30 doanh nghiệp tôm Việt Nam còn lại là bị đơn của vụ kiện.

Như vậy, so với mức thuế sơ bộ của POR12 được DOC đưa ra hồi đầu tháng 3/2018 là 25,76%, mức thuế cuối cùng này đã được giảm đáng kể.

Mức thuế POR12 này cũng có chút cải thiện so mức thuế 4,78% trong POR11. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam bán tôm vào thị trường Hoa Kỳ theo giá DDP (giao hàng đã trả thuế hoặc đã thông quan nhập khẩu) đã đặt cọc tiền thuế theo mức 4,78% thì có thể thanh khoản, thu hồi được một khoản tiền, tuy không lớn.

Theo các nhà xuất khẩu tôm ở ĐBSCL, mức thuế này là một sự thành công bước đầu. Các DN tôm VN an tâm đẩy mạnh bán hàng vào Hoa Kỳ, nhất là tới đây là giai đoạn tập trung mua hàng từ các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Tất cả nguồn lực sẽ tập trung vào PR13 và gần như chắc chắn mức thuế ở PR13 (niên độ bán hàng 2017, lấy tròn) sẽ được cải thiện triệt để.

 

7.jpg
Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: HM)

 

Thẻ vàng IUU làm giảm tăng trưởng xuất khẩu hải sản

XK hải sản từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng, nhưng mức tăng đã giảm so với những năm trước. Mà nguyên nhân quan trọng là tác động của thẻ vàng IUU.

Theo bà Lê Hằng, PGĐ Trung tâm VASEP.PRO, trong giai đoạn 2013-2017, XK hải sản liên tục tăng trưởng, với mức tăng bình quân gần 8%/năm. Trong 6 tháng đầu năm nay, XK hải sản tiếp tục tăng trưởng, nhưng mức tăng đã giảm xuống còn khoảng 7% và đạt giá trị 1,35 tỷ USD. Dự báo trong 6 tháng cuối năm, XK hải sản đạt trên 1,8 tỷ USD. Như vậy, XK hải sản cả năm nay sẽ đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2017.

Tăng trưởng XK hải sản bị giảm, có nguyên nhân quan trọng từ thẻ vàng IUU. Kể từ sau khi bị thẻ vàng IUU, XK hải sản Việt Nam sang EU có chiều hướng giảm sâu và liên tục.

Bà Lê Hằng cho rằng thẻ vàng IUU đã tác động giảm XK hải sản khai thác sang EU trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những tháng còn lại của năm nay. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới XK hải sản nói chung. Trong các mặt hàng hải sản XK sang EU, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU.

Nhìn chung, việc EC thẻ vàng IUU với hải sản Việt Nam đã gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu sang thị trường EU, thậm chí có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền tại nhiều thị trường xuất khẩu khác. Trước mắt lượng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ giảm. Về lâu dài, các khách hàng ở EU sẽ có tâm lý e ngại sản phẩm của Việt Nam và có thể ngừng mua hải sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, với việc bị rút thẻ vàng IUU, hải sản của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng từ các thị trường xuất khẩu khác. Các thị trường này có thể sẽ áp dụng các chương trình kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với các nước bị thẻ vàng.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được cơ chế chỉ đạo, điều hành kịp thời, thông suốt từ trung ương đến địa phương để đảm bảo thực thi hiệu quả chống khai thác IUU; chưa có biện pháp phát hiện, xử lý kịp thời, hiệu quả tàu cá Việt Nam vi phạm trong vùng biển nước ngoài; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa kiểm soát chặt chẽ được tàu thuyền ta vào cảng, hoạt động của tàu thuyền trên biển và công tác xác nhận loài, sản lượng cập bến; việc xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cũng chưa đáp ứng được quy định của châu Âu về kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Trước tình hình đó, để giữ được thị trường EU, ngoài những nỗ lực chống khai thác IUU từ trung ương tới các địa phương, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chuẩn bị giấy xác nhận nguồn gốc một cách trung thực, khách quan đối với tất cả những lô hàng hải sản xuất khẩu sang châu Âu, để tạo niềm tin của thị trường này đối với hải sản Việt Nam.

 

8.jpg
Vận chuyển cá ngừ đại dương đến nơi chế biến. (Ảnh: TTXVN)

 

40% chất thải chăn nuôi chưa qua xử lý, thải ra môi trường

Số liệu trên được đưa ra tại hội thảo "Giải pháp bảo vệ môi trường khu dân cư và nơi công cộng khu vực nông thôn" do Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức sáng 12-9.

Theo đó, khu vực nông thôn hiện có khoảng 12 triệu hộ chăn nuôi với tổng đàn là 385,5 triệu con gia cầm, 27,4 triệu con lợn và 8,1 triệu con trâu, bò, dê... Quá trình chăn nuôi đã phát sinh chất thải, khí thải, nước thải, trong đó có 40% chất thải từ hoạt động chăn nuôi chưa qua xử lý, thải ra môi trường đã tác động tới môi trường, sức khỏe con người và vật nuôi...

Tại hội thảo, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề xuất một số giải pháp để cải thiện môi trường chăn nuôi như: Xem xét xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi quy mô lớn; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng chất thải chăn nuôi để làm phân bón; nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trong dự án Luật Chăn nuôi để kiểm soát và sử dụng hiệu quả nguồn chất thải từ hoạt động chăn nuôi.

9.jpg
Nguy cơ ô nhiễm từ các chất thải trong chăn nuôi chưa qua xử lý. (Ảnh: Internet)

 

Tiêu hủy thịt heo, xúc xích “xách tay” từ Trung Quốc để tránh dịch bệnh

Ngoài kiểm soát tình trạng buôn lậu, ngăn ngừa lây lan dịch bệnh, các sản phẩm thịt heo, kể cả thịt đã chế biến chín dạng quà biếu, “xách tay” từ Trung Quốc sẽ bị tiêu hủy.

Theo ông Đàm Xuân Thành, sở dĩ Việt Nam không cấm nhập khẩu thịt heo và sản phẩm thịt heo từ Trung Quốc khi nước này xảy ra dịch tả heo châu Phi (ASF) vì Việt Nam chưa cho phép nhập khẩu chính ngạch với thịt heo Trung Quốc.

"Việc nhập khẩu các mặt hàng này từ Trung Quốc trước giờ đều là nhập lậu. Để chặn dịch ASF xâm nhập, cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát biên giới. Tất cả sản phẩm thịt heo, sản phẩm chế biến từ thịt heo từ Trung Quốc đưa vào Việt Nam, kể cả dưới hình thức quà tặng của cư dân biên giới đều bị bắt giữ và xử lý, tiêu hủy. Trước khi tiêu hủy, sản phẩm sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm virus ASF" – ông Thành nhấn mạnh

Theo cảnh báo từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), thịt heo, kể cả các sản phẩm thịt đã nấu chín là một trong những nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh. Thực tế, Hàn Quốc đã ghi nhận một hành khách từ Trung Quốc đi đường hàng không mang theo 150 kg thịt heo đã qua chế biến (xúc xích) nhưng khi xét nghiệm mẫu đã phát hiện virus ASF trong sản phẩm.

Các chuyên gia đánh giá các dạng thịt heo và sản phẩm chế biến từ heo được "xách tay" từ vùng dịch về Việt Nam là mối nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Trước tình hình trên, Cục Thú y đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải và các hãng hàng không yêu cầu hành khách đi trên các phương tiện giao thông từ các nước đang có dịch ASF phải khai báo và tiêu hủy sản phẩm thịt heo nếu họ mang theo.

 

4.jpg
Ảnh minh họa.

Đề xuất cấm nhập gà không đầu, không chân... vào Việt Nam

Tại buổi hội thảo góp ý Dự thảo Luật Chăn nuôi do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 11-9, ông Trần Quốc Tú, đại diện Sở Tư Pháp TP.HCM cho rằng cần cân nhắc cấm nhập các sản phẩm vật nuôi loại thải như gà không đầu, gà dai thải loại… mà một số nước chỉ dùng làm thức ăn cho thú cưng hoặc phân bón. Lý do là những sản phẩm này có nguy cơ tồn dư kháng sinh, chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng trong nước.

Ngoài ra, ông Tú cũng đề xuất cấm nhập khẩu, phát tán các sinh vật ngoại lai như ốc bươu vàng, rùa tai đỏ … gây tổn hại đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới sức khỏe, môi trường và an ninh lương thực. Bởi các loài sinh vật ngoại lai xâm hại được coi là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất.

Việc nuôi vật nuôi làm kiểng quy mô trang trại, nuôi vật nuôi trong phòng thí nghiệm trong khu dân cư, ông Tú cũng góp ý cần quy định cấm trong dự thảo luật này. Lý giải cho đề xuất của mình, ông Tú chỉ ra nguy cơ dịch bệnh của vật nuôi làm kiểng như gà, chó kiểng quy mô trang trại trong khu dân cư cũng không khác gì nuôi gà, nuôi chó thường.

"Đối với nuôi vật nuôi trong phòng thí nghiệm, những vật nuôi này dễ mang mầm bệnh, virus… nếu để sổng chuồng thì nguy cơ phát tán dịch bệnh trong khu dân cư rất cao" - ông Tú nói.

Tuy nhiên, phía đại diện Chi cục Thú y vùng 6 cho rằng nếu quy định cấm các sản phẩm vật nuôi loại thải rất khó thực hiện vì có thể vi phạm quy định của WTO. Mặt khác vị đại diện này cho biết gà dai, gà không đầu hay nội tạng trong nước vẫn có nhu cầu và sản phẩm nhập khẩu vào được kiểm dịch, kiểm tra điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo thì vẫn cho nhập bình thường.

10.jpg
Nguy cơ tồn dư kháng sinh, chất cấm từ gà thải loại nhập khẩu. (Ảnh: Internet)./.

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top