Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 8 năm 2018 | 10:50

TT cá tra cuối năm: Khả quan nhưng... cần nắm bắt diễn biến thị trường

Nửa đầu năm 2018, cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cả về diện tích nuôi và sản lượng. Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng và dự báo thị trường cá tra tiếp tục khả quan ở nửa cuối năm, nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc.

ca-tra.jpg

Xuất khẩu có thể đạt 1,8 tỷ USD trở lên

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 7/2018, giá cá tra giảm mạnh, hiện chỉ còn 26.000-27.000 đồng/kg, nguyên nhân là do các thị trường nhập khẩu đã giảm nhu cầu. Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL 7 tháng năm qua ước đạt 782 nghìn tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn như: Đồng Tháp 274,5 nghìn tấn, tăng 9,4%; An Giang 190,4 nghìn tấn, tăng 17,4%; Cần Thơ  95,7 nghìn tấn, tăng 18,6%.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA), cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm, kim ngạch xuất khẩu cá tra khả năng đạt khá, cả năm 2018 có thể đạt từ 1,8 tỷ USD trở lên, tăng hơn năm ngoái. Riêng thị trường đứng đầu là Trung Quốc vẫn có dấu hiệu khả quan vì  nhập hàng nhiều, và nước này đã giảm thuế nhập khẩu cá tra Việt Nam từ 12% xuống còn 7%.

Theo VINAPA, hoạt động xúc tiến sang Trung Quốc không chỉ ở vùng duyên hải nữa mà đã vào sâu bên trong nội địa (Hồ Bắc, Tứ Xuyên). Tại Trung Quốc, xu hướng ưa chuộng sản phẩm cá tra Việt Nam ngày càng rộng rãi, với các khẩu vị món ăn đa dạng và phong phú.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Cá tra Thới An (Cần Thơ), cho rằng, nếu kiểm soát kỹ thì trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc (cả tiểu ngạch lẫn chính ngạch) có thể chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Theo ông Hải, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc thường tăng, do cuối năm là mùa đông nên hoạt động chăn nuôi sẽ khó khăn, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc sẽ có xu hướng tích cực.

Khó dự đoán

Tuy nhiên, ông Hải cũng lưu ý, trong thương mại với thị trường Trung Quốc, sản lượng không phải là vấn đề, mà là sự ổn định.

Thông tin về việc Trung Quốc mới đây tạm ngưng thu mua cá tra để tiêu thụ hết lượng hàng nhập trước đó, ông Quốc cho rằng, về mặt thị trường, có khi ngưng để giải quyết hàng rồi mua tiếp là chuyện bình thường, trong mua bán có lúc dừng lại vậy thôi, có thể về mặt thị trường chứ không phải cấm nhập. “Thị trường này vẫn rất khó dự đoán vì hiện nay cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khó lường, tình hình bình thường thì tốt nhưng đã mang tính cuộc chiến thì không dám chắc được, nếu có vấn đề thì mình cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Quốc nói.

Một khó khăn khác theo ông Quốc là thị trường châu Âu (EU), xuất khẩu cá tra Việt Nam sang đây giảm sâu vì EU đưa ra nhiều hàng rào kỹ thuật.

Với thị trường Mỹ, sau khi bị áp thuế chống bán phá giá lần cuối cùng trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR13) của Mỹ, Việt Nam vẫn có hai DN được hưởng mức thuế tốt, trong đó một DN có mức thuế 0,19 USD/kg và một DN được miễn thuế. Nhờ vậy, xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn tăng, 5 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường này đạt 146 triệu USD (tăng 19% so với cùng kỳ).                               

 

 

 

 

P.V
Ý kiến bạn đọc
Top