Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 9 tháng 9 năm 2018 | 14:22

Tuyên Quang: Đẩy mạnh sản xuất chè, cam theo hướng hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm đảm bảo hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, đang được các địa phương ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) tích cực thực hiện từ vườn chè, vườn cam của các gia đình.

t-quang-991.jpg

  Mô hình vườn hữu cơ hộ ông Lê Quý Đáng                                                   

Tháng 4-2018, Tuyên Quang là tỉnh đi đầu trong cả nước thành lập Hội Nông nghiệp hữu cơ nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, lợi ích của nông nghiệp hữu cơ trong cuộc sống, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tại huyện Hàm Yên, việc xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được triển khai. Điển hình là mô hình vườn chè hữu cơ của Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành. 

Ông Phạm Văn Luận, Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát cho biết: Hợp tác xã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh lựa chọn sản xuất chè theo định hướng hữu cơ. Việc thay đổi cách thức sản xuất từ truyền thống sang sản xuất hữu cơ được các thành viên trong Hợp tác xã tiếp cận và triển khai tương đối nhanh chóng, đồng bộ.

Trong đó, nhiều vườn chè đã được thay thế phân bón vô cơ bằng  hữu cơ, tận thu các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như mùn, rơm, phối trộn với chế phẩm sinh học làm 7 tấn phân chuồng và phân xanh tạo nguồn phân hữu cơ hoai mục để sử dụng trong quá trình sản xuất.

Ông Luận cho biết, trước khi chuyển hướng sản xuất theo định hướng hữu cơ, các thành viên trong Hợp tác xã đã áp dụng các biện pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, vì vậy các biện pháp kỹ thuật áp dụng trong mô hình hữu cơ không xa lạ và khó thực hiện với các thành viên.

Vườn cam định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của hộ gia đình ông Lê Quý Đáng, thị trấn Tân Yên đang được duy trì thực hiện. Ông Lê Quý Đáng cho biết, năm 2017 ông được tham gia lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp theo định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xã Tân Thành. Sau khi được tập huấn, ông đã thực hiện mô hình trồng cam theo mô hình bón phân hữu cơ vi sinh với 1 ha.

Theo đó, huyện đã phối với các đơn vị hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và ông được Công ty TNHH - XNK Cát Tường (Hà Nội) cung cấp các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh có thành phần từ tỏi, ớt... rất an toàn cho sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Đồng thời, Công ty Cát Tường hỗ trợ 5 tấn phân bò và hỗ trợ cải tạo đất... Kết thúc năm 2017, sản lượng cam thu hoạch tương đương cam ngoài mô hình, nhưng được khách hàng và Công ty Cát Tường thu mua với giá cao hơn so với giá thị trường. 

Ông Đáng chia sẻ, năm 2018, tuy không còn đơn vị nào hỗ trợ nhưng ông nhận thấy việc sản xuất cam theo định hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ rất an toàn cho người sản xuất và môi trường, tạo ra được những quả cam ngon, sạch, đảm bảo chất lượng nên ông tiếp tục duy trì.

Ông đã xây dựng bể chứa ngay tại đồi cam dùng để ủ các loại nguyên liệu làm phân bón cho cam. Từ đầu năm đến nay, ông đã mua 6 tấn bã đỗ tương đem ủ làm 2 đợt, mỗi đợt 3 tấn và đã bón đợt 1 cho cây, sau khi bón loại phân ủ này, cam phát triển rất xanh tốt.

Hiện 3 tấn bã đỗ tương còn lại đã được ủ và sẽ bón thúc cho cây trong tháng 8-2018. Bón phân hữu cơ cây cam phát triển mạnh hơn so với phân vô cơ, cây ra hoa, kết trái nhiều hơn.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đem lại những sản phẩm sạch, an toàn nhưng hiện nay còn vướng mắc. Theo UBND huyện Hàm Yên, nguyên nhân là do hành lang pháp lý trong chứng nhận sản phẩm hữu cơ cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, quỹ đất tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế; nhận thức của người dân và người tiêu dùng trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ chưa đồng bộ. Cần phải tuyên truyền và hướng dẫn người dân cach tác theo hưởng sản xuất hữu cơ ngày càng nhiều để bảo vệ sức khỏe người dân và đồng ruộng.

 

Cần Thơ: Hoa treo trong vườn nhà được người dân ưa chuộng

 Bên cạnh các loại hoa kiểng trồng trực tiếp dưới mặt đất, thị trường hoa kiểng tại TP Cần Thơ những năm gần đây khá nhộn nhịp với các loại hoa treo. Với sắc hoa rực rỡ, lá xanh mướt, dễ di chuyển, phù hợp trang trí nhiều không gian, loại hoa này đã và đang được người dân thành phố ưa chuộng.

 

hoa-treo-891-can-tho.jpg
Khách hàng chọn mua hoa kiểng treo.                

Hoa treo là tên gọi chung để chỉ các loại hoa kiểng được trồng vào chậu và treo lên. Các vị trí được trang trí hoa treo thường là: cửa sổ, tường nhà, giàn hoa, hành lang, ban công, sân thượng,… Đặc điểm của các loại này thường là dạng thân thảo, kích thước nhỏ, gọn gàng (chiều cao từ 15-30cm) để khi treo lên không nặng nề, thô kệch.

Ngoài ra, đất trong chậu treo phải có số lượng ít để đảm bảo an toàn và thẩm mỹ. Tuy nhiên, không vì thế mà các loại hoa treo đơn điệu, kém phong phú. Ngược lại hoa kiểng treo rất đa dạng từ hình dáng cây, dáng hoa đến màu sắc. Tại thị trường TP Cần Thơ, hoa treo được bán với nhiều loại.

Từ loại cho nhiều hoa: Dừa cạn, dạ yên thảo, cúc sao băng, thu hải đường, mai địa thảo, hoa  chuông, mắt huyền... đến các loại kiểng lá như: trầu bà, giọt mưa cẩm thạch, lan trái tim, dương xỉ, môi son, thiên môn, ngọc ngân, phú quý... 

 Theo giới kinh doanh, sự phong phú về chủng loại, màu sắc của hoa treo trên thị trường đáp ứng đa dạng sở thích, điều kiện thời tiết cũng như vị trí gia chủ cần treo. Chẳng hạn, thu hải đường có thân mọng nước nên chịu nóng tốt; hoa mắt huyền thích hợp với ánh nắng nhẹ hoặc nửa bóng râm, cho ra hoa hầu hết các tháng trong năm.

Chị Lê Thị Mức, chủ  cơ sở Hoa kiểng-Cây cảnh Cô Mức Đồng Tháp, quận Cái Răng, cho biết: “Các loại hoa treo được người dân thành phố ưa chuộng bởi ngoài đáp ứng nhu cầu ngắm hoa, tạo không gian xanh, hoa treo còn giúp tiết kiệm không gian đối với nhà phố.

Nếu thích nhiều hoa, khách hàng hàng có thể chọn loại chuyên ra hoa như: Dừa cạn, dạ yên thảo, cúc sao băng, thu hải đường, mai địa thảo... còn thích ngắm màu xanh mướt của lá nên mua trầu bà, giọt mưa cẩm thạch, lan trái tim, dương xỉ, môi son, thiên môn...

Hoa treo sử dụng treo trong nhà nên chọn các loại kiểng sẽ bền hơn và cây sống tốt trong môi trường thiếu sáng, thiếu nắng và giảm công chăm sóc. Hoa treo trên sân thượng, cửa sổ, ban công... nơi có nắng, gió gia chủ nên mua dừa cạn, dạ yên thảo, hoa mười giờ”. 

Khi chọn được giỏ hoa ưng ý, vấn đề chăm sóc thế nào để hoa bền đẹp với thời gian cần được chủ nhân lưu tâm. Ông Đỗ Thanh Hùng, phường An Cư, quận Ninh Kiều, người có thâm niên trồng hoa treo, chia sẻ: Khâu tưới nước đóng vai trò vô cùng quan trọng, chúng ta nên dùng bình phun sương để tưới nhẹ nhàng cho từng giỏ hoa.

Mùa nắng tưới 2 lần/ngày, mùa mưa hạn chế số lần tưới và lượng nước tưới. Ngoài ra, tùy theo loại từ 15 – 30 ngày, chủ nhân bổ sung dinh dưỡng phù hợp cho hoa. Khi cây hoa treo xuất hiện lá vàng, cành khô hay hoa tàn, chủ nhân nên dùng kéo cắt bỏ để tạo sự thông thoáng, tránh sâu bệnh và thúc đẩy cho cây phát triển tốt.

 Vị trí treo thường trên cao, nơi đón gió. Tuy nhiên, nếu gió lớn, giỏ hoa bị gió tác động mạnh liên tục thì khó phát triển lá, hoa bị rách, nhanh rụng. Trường hợp này, chúng ta có thể giăng lưới che nắng để hạn chế gió, nắng,…

Tại thị trường TP Cần Thơ, hiện giá bán các loại hoa treo không cao, dao động từ 40.000-100.000 đồng/giỏ. Chính vì vậy, nhiều khách hàng “mạnh tay” mua nhiều giỏ hoa khác loại treo xen kẽ để cho hoa quanh năm. Cụ thể, hoa dừa cạn 50.000 đồng/giỏ, dạ yên thảo từ 50.000-60.000 đồng/giỏ, cúc sao băng 50.000-70.000 đồng/giỏ, lan trái tim 100.000 đồng/giỏ, môi son 40.000-50.000 đồng/giỏ, thiên môn 70.000 đồng/giỏ, ngọc ngân 40.000-60.000 đồng/giỏ,

 

Sông Mã: Sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững   

Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã (Sơn La) tích cực chuyển đổi cây trồng, lương thực kém hiệu quả trên vườn đồi đất dốc, tập trung phát triển cây ăn quả, trong đó, nhãn là cây chủ lực, được sản xuất, tiêu thụ theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế và làm giàu cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện.

nhan-s-la-9199.JPGNhân dân xã Chiềng Khoong (Sông Mã) trồng nhãn ghép theo quy trình VietGAP.

 

Để sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững, huyện Sông Mã đã lồng ghép và sử dựng hiệu quả các nguồn vốn, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng nhãn theo quy trình sản xuất hàng hóa; thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quả an toàn, quy trình sản xuất VietGAP làm tăng năng suất, chất lượng nhãn quả, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Theo thống kê, Sông Mã hiện có 6.098 ha nhãn, trồng tại 19 xã, thị trấn, gồm các giống nhãn chín muộn Hưng Yên (PH-M99-1; PH-M99-2); giống chín muộn T6 (Đại Thành, Hà Nội).

Trong đó, 4.500 ha nhãn ghép (4.223 ha đã cho thu hoạch), tổng sản lượng hơn 40.000 tấn quả. 9 HTX trồng nhãn của huyện bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP, với 166 ha, sản lượng 930 tấn, gồm: Bảo Minh, Hoàng Tuấn, Đoàn Kết (Chiềng Khoong); An Thịnh, Duy Tuấn, Toàn Thắng, Phúc Vinh (Nà Nghịu); Hưng Lộc (Chiềng Khương); Tiên Cang (Chiềng Cang).

Về cách thức sản xuất và tiêu thụ nhãn, ông Lương Văn Vịnh, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện, cho hay: Hiện nay, nhãn Sông Mã đã được cấp Giấy chứng nhận và chỉ dẫn địa lý nên có nhiều thuận lợi trong quá trình tiêu thụ. Do vậy, huyện tập trung mở rộng diện tích, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền cho người trồng nhãn cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, lấy chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm là tiêu chí hàng đầu, tuyệt đối không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc, bảo quản.

Cùng với đó, tăng cường kết nối giao thương với các địa bàn có nhu cầu tiêu thụ nhãn ở các thành phố lớn; chú trọng phân phối qua hệ thống  siêu thị chuyên kinh doanh hoa quả trong cả nước; cung cấp thông tin về sản phẩm nhãn tới người tiêu dùng; tích cực, chủ động tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu các thị trường xuất khẩu có tiềm năng để thúc đẩy hoạt động quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm nhãn.

Đặc biệt, chú trọng việc kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh, xuất nhập khẩu hoa quả với các hợp tác xã, hộ trồng nhãn trên địa bàn, hỗ trợ xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. 

Tìm hiểu thêm về thực hiện quy trình VietGAP trong thâm canh diện tích nhãn, tại HTX nông nghiệp Hưng Lộc, ở bản Cỏ, xã Chiềng Khương được biết, Ban quản lý HTX phân công các thành viên phụ trách từng công việc cụ thể, từ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đến lai ghép, nhân giống các loại nhãn; hướng dẫn cách bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu hợp lý để không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, bảo vệ được môi trường, tuyệt đối  không sử dụng chất kích thích, chất cấm trong quá trình chăm sóc; áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất, chất lượng quả nhãn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đưa quả nhãn trở thành hàng hóa không chỉ làm giàu cho các thành viên trong HTX, mà còn nhiều hộ dân trên địa bàn đến học tập và làm theo, góp phần đưa thương hiệu “nhãn Sông Mã” trở thành đặc sản được mọi người biết đến, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc HTX, cho hay: Sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP bảo đảm được năng suất, chất lượng và mẫu mã quả nhãn, được thị trường ưa chuộng, bán được giá cao hơn 40 - 50% so với nhãn sản xuất đại trà. Vụ nhãn năm nay, nhiều thương lái đã tìm đến đặt hàng, nên nhãn của chúng tôi đã được tiêu thụ hết, không còn bị ép giá như những năm trước. Nhiều thành viên trong  HTX có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha, như gia đình các ông: Trần Văn Lộc, Bùi Sơn Hậu, Trần Văn Chiến, Trần Văn Phát, Nguyễn Thế Vĩnh... 

Tập trung sản xuất, tiêu thụ nhãn theo hướng bền vững đang là hướng đi hiệu quả, Sông Mã phấn đấu đến năm 2020 có trên 7.000 ha nhãn, trong đó tập trung trồng nhãn ghép, mở rộng và triển khai xây dựng các vùng sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng VietGAP, GlobalGAP... để quả nhãn và sản phẩm nhãn Sông Mã chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top