Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 2 năm 2018 | 11:9

Ươm cây, nuôi bò nhốt, sống tập trung để thoát nghèo

Tích cực ươm cây ăn trái, cây lâm nghiệp; nuôi bò nhốt và sống tập trung để dễ đầu tư cơ sở hạ tầng… Xuân mới 2018, bà con 3 tỉnh miền núi phía Bắc đã hết nghèo.

Phú Thọ: Ươm cây ăn trái, cây lâm nghiệp để xóa nghèo

Giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội ở xã nông nghiệp như Phú Hộ, thị xã Phú Thọ (Phú Thọ). Vì thế, những năm qua, chính quyền địa phương nơi đây đã có nhiều giải pháp, việc làm thiết thực giúp người dân giảm nghèo, nâng chất lượng cuộc sống.

 

pt-33-1.jpg

Nghề ươm cây giống giúp đem lại thu nhập cao  cho gia đình chị Nguyễn Thị Tình,  xã Phú Hộ.

 

Vườn ươm cây giống của gia đình chị Nguyễn Thị Tình khu 19, đang vào mùa đâm chồi nảy lộc. Hơn 1 vạn cây ăn quả như: Ổi, chanh, bưởi đến các giống cây lâm nghiệp như: Keo lai, xoan, bồ đề được sắp xếp thành từng luống gọn gàng. Từ vườn ươm này, mỗi năm chị thu lãi gần trăm triệu đồng, kinh tế nhờ thế ngày một khấm khá. Khu 19 hiện có khoảng 70% số hộ làm nghề ươm cây giống, có hộ quy mô ươm trồng vài vạn cây, đây là nghề xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong khu.

Bên cạnh nghề ươm cây giống mang lại thu nhập ổn định cho người dân khu 19 cũng như các khu khác, chính quyền địa phương còn tận dụng lợi thế đất đồi gò thấp để khuyến khích người dân phát triển kinh tế trang trại VACR; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản mang lại giá trị cao hơn trên cùng đơn vị diện tích.

Đặc biệt xã còn có làng nghề sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh với trên 150 hộ trồng chè, doanh thu hàng năm đạt trên 2,5 tỷ đồng. Trong đó, 15 hộ của làng nghề đã thành lập Hợp tác xã sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh, ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với Công ty TNHH Hải Yến thuộc huyện Hạ Hòa. Từ hoạt động làng nghề phát triển thành hợp tác xã đã giúp nâng cao thu nhập của các thành viên lên gấp 2-3 lần so sản xuất thông thường. 

Ngoài ra, Phú Hộ còn tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như: Trồng chè giống mới, chăn nuôi gà, các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến chè… với kinh phí đầu tư trong 5 năm trở lại đây khoảng 1 tỷ đồng.

Việc xây dựng các mô hình trồng cây, nuôi con giống chất lượng cao, tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn đã góp phần cải thiện đáng kể thu nhập của người dân. Ngoài thời gian sản xuất nông nghiệp, người dân còn linh hoạt làm một số nghề phụ như: Mộc dân dụng, gò hàn, cơ khí, chế biến nông sản, kinh doanh dịch vụ và làm trong các công ty, doanh nghiệp.

Hiện, toàn xã có trên 7.300 người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, trong đó tỷ lệ có việc làm ổn định thường xuyên trên 95%. Nếu năm 2012, thu nhập bình quân trong xã chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm thì năm 2017 đã nâng lên hơn 31 triệu đồng/người/năm. 

Bên cạnh những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân, xã Phú Hộ còn quan tâm đến việc dạy nghề, tạo việc làm cho người nghèo bằng cách thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, ưu tiên lao động hộ nghèo, người khuyết tật và người bị thu hồi đất thuộc các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng. Các nghề được đào tạo chủ yếu là: May công nghiệp, chế biến lâm sản, điện công nghiệp… 

Những năm gần đây, nhờ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ các chương trình, dự án, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã khiến bộ mặt Phú Hộ có sự đổi thay rõ rệt. Nhiều công trình thiết yếu như: Trường học, nhà văn hóa xóm, đường giao thông nông thôn… được cải tạo, nâng cấp, xây mới, góp phần phục vụ các nhu cầu thiết yếu của nhân dân trong huyện. Các tuyến giao thông được bê tông hóa rộng rãi, khang trang giúp người dân đi lại dễ dàng, việc giao lưu, mua bán, trao đổi hàng hóa cũng thuận tiện hơn.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo trên địa bàn nên tỷ lệ giảm nghèo ở Phú Hộ những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 3,11%; cận nghèo còn 5,08%. Đây là tín hiệu vui tạo động lực cho xã nông nghiệp ven thị xã tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong những năm tới.

Bắc Quang: Nuôi bò nhốt, thoát nghèo nhanh

Nhờ triển khai những chính sách đồng bộ, toàn diện của tỉnh về khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển cây trồng chất lượng cao, nuôi bò nhốt, đã mang đến sinh kế thoát nghèo bền vững cho hàng nghìn hộ dân ở Bắc Quang (Hà Giang).

 

hg-33-2.jpg

                           Nuôi bò nhốt hộ anh Vương Trí Thanh xã Việt Vinh

 

Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Tỉnh, huyện Bắc Quang đã chỉ đạo chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân về chính sách, thủ tục vay vốn ưu đãi, hỗ trợ không lãi suất để chuyển đổi dần sang trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung. Đồng thời, đôn đốc các tổ thẩm định phát huy trách nhiệm cao trong việc thẩm định hồ sơ và tiến hành giải ngân cho các gia đình, tổ chức, cá nhân sớm được tiếp cận nguồn vốn.

Hiện, toàn huyện Bắc Quang có 355 hộ được vay vốn mua trâu, bò nuôi nhốt với 1.447 con và 28,7 tỷ đồng. Ngoài ra, còn cho vay 6tỷ để thâm canh vườn chè với 50 hộ dân, vườn cam 251 hộ, và 1 nhà máy chế biến chè, xây dựng chuồng trại chăn nuôi và nuôi ong.
Sự kịp thời và đúng mục đích sử dụng nguồn vốn đã thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ở các xã, thị trấn dựa theo thế mạnh sẵn có từng vùng. Cụ thể, xã Việt Vinh có 55 hộ được vay vốn với số tiền 4,79 tỷ đồng, nhờ đó, người dân có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi trâu bò, trồng cam Vietgap. Những chính sách hỗ trợ đã đáp ứng sự mong mỏi, nhu cầu chính đáng của bà con, giúp người dân thoát nghèo nhanh.  

Đáng ghi nhận nhất là mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt đang trở thành nguồn lực kinh tế quan trọng của xã và có tốc độ phát triển nhanh với tổng đàn 1.341 con; toàn xã có 4 mô hình trên 10 con trâu, bò; 1 mô hình 30 con trâu, bò.

Đến thăm gia đình anh Vương Trí Thanh, thôn Tân Thành, xã Việt Vinh, anh Thanh cho biết, gia đình anh đã vay đã1 tỷ đồng để mua trâu, bò sinh sản và thương phẩm. Khi có vốn trong tay, anh mạnh dạn mua 27 con bò lai Sind và 3 con trâu, 2 con ngựa bạch; trồng 6 ha cỏ làm thức ăn chăn nuôi; xây dựng hệ thống chuồng trại kiên cố gồm sân và chuồng nuôi nhốt với diện tích 5.000m².

Khi thời tiết lạnh giá, anh phải tích trữ thêm rơm, ngô, tinh bột để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cho đàn gia súc. Hàng ngày, dùng vôi khử trùng chuồng trại, phối hợp với cán bộ thú y xã phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi theo định kỳ. Sắp tới, anh Thanh dự định mua thêm 20 con bò, phấn đấu trở thành gia trại chăn nuôi hàng hóa tập trung đầu tiên của xã.

Ở xã Tân Lập, địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Quang, nhưng có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc, vì vậy, đã có 16 hộ được tiếp cận vốn vay, với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng, để nuôi trâu, bò; 1 hộ vay trồng 3,4 ha chè; 1 hộ vay 500 triệu đồng xây dựng nhà máy chế biến chè. Với diện tích tự nhiên lớn, nguồn lao động dồi dào, đây là cơ hội giảm nghèo nhanh từ lợi thế sẵn có của địa phương.

Nguyên Bình: Sống tập trung, quây quần để dễ đầu tư hạ tầng…

Chỉ trong một thời gian ngắn, nhờ bà con về bản sống tập trung, ổn định, Nhà nước dễ bề đầu tư cơ sở hạ tầng nên xóm Nặm Bjoóc, xã Thể Dục, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), đã thay đổi mạnh mẽ. Đó là cảm nhận chung của những người xa quê khi đến thăm xã Thể Dục.

Trưởng xóm Nặm Bjoóc, Đặng Quầy Phin, cho biết, ngày trước, cuộc sống của bà con trong xóm khổ lắm, vì các hộ dân sống rải rác, phân tán nên muốn đầu tư cũng khó. Ngay như con đường này, năm 2017 đi lại còn khó khăn, đón xuân mới Mậu Tuất 2018, bà con đã có đường mới đi lại làm ăn, trao đổi buôn bán rất thuận tiện.

Xóm Nặm Bjoóc có 50 hộ, trên 270 nhân khẩu, 100% là dân tộc Dao. Vài năm trở lại đây, nhờ các dự án đầu tư xây dựng mô hình kinh tế và cây trồng có giá trị như dong riềng, mía, lê nên nhiều hộ không những xây được nhà mà con sắm được nhiều vật dụng đắt tiền như ti vi, xe máy, và có của ăn, của để. Nặm Bjoóc có ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực không nhỏ của người dân và hỗ trợ của Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

 

cb-33.jpg

Người dân xóm Nặm Bjoóc cùng nhau  làm đường giao thông nông thôn.

 

Hiện, xóm có trên 100ha diện tích đất canh tác nên ngoài phát triển cây ngô, lúa bà con còn tập trung phát triển một số cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Trong đó, có 10ha cây trúc, trên 1,5ha cây dong riềng, 2ha mía và đặc biệt còn phát triển cây lê với diện tích 5ha, đã cho thu nhập cao.

Bà Đặng Mùi Ghển - một trong những người đầu tiên trồng và phát triển cây lê, cho biết: Năm 2015, nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây lê nên gia đình tôi mạnh dạn đầu tư trên 1ha với 200 gốc lê. Do chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên cây phát triển tốt. Năm 2016, từ bán lê đem lại thu nhập cho gia đình gần 100 triệu đồng. Hiện, chúng tôi đã nâng diện tích lê thêm 1.000 m2.

Bên cạnh việc phát triển cây trồng hàng hóa, nhiều hộ dân trong xóm còn đầu tư phát triển chăn nuôi. Theo đó, xóm có trên 250 con lợn, 175 con trâu, 30 con bò. Những năm trước, một số hộ mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt, nên hiện nay đã có trên 90% hộ dân trong xóm nuôi theo hình thức này.

Anh Phùng Văn Khuôn, một trong những hộ nuôi trâu vỗ béo, chia sẻ: Năm 2017, gia đình tôi bán được 2 lứa trâu vỗ béo, mỗi lứa 2 con, sau khi trừ chi phí, thu lãi từ 20 - 30 triệu đồng. Hiện, gia đình tôi đang nuôi 3 con trâu vỗ béo. 

Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, nỗ lực lớn của người dân nên đời sống bà con xóm Nặm Bjoóc đã được nâng cao, xóm hiện chỉ còn 4/50 hộ nghèo; nhiều năm liên tục đạt Làng văn hóa; 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; đón Xuân mới 2018, 100% xóm được sử dụng điện lưới quốc gia…

 

 

 

An Như (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top