Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 9 tháng 1 năm 2016 | 11:14

Vaccine Quinvaxem có thực sự đáng sợ?

Vaccine Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào, nhưng đổi lại, tính kháng nguyên bảo vệ cao hơn so với vaccine dịch vụ tương ứng...

Câu chuyện về vaccine vẫn là một chủ đề “nóng” hiện nay vì nó liên quan đến mọi gia đình có con nhỏ. Trong khi vaccine dịch vụ Pentaxim đang đắt hàng như “tôm tươi” thì vaccine Quivaxem tiêm miễn phí trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng lại đang đứng trước những thách thức lớn, mặc dù cả hai đều là những vaccine phối hợp 5 trong 1. 

Vậy đâu là cái nhìn khách quan về vaccine khi cả 2 hệ thống tiêm chủng đang có những khác biệt?

vaccine quinvaxem co thuc su dang so? hinh 0
Chất lượng vắc xin Quinvaxem và vắc xin dịch vụ là như nhau

Những năm gần đây, ngày càng nhiều người dân tìm đến vaccine dịch vụ 5 trong 1, 6 trong 1, nhất là sau những sự cố về tiêm chủng mở rộng như tiêm nhầm thuốc, sốc phản vệ hoặc tử vong không rõ nguyên nhân sau tiêm vaccine Quinvaxem. Vì thế, vấn đề chất lượng vaccine Quinvaxem được đặc biệt quan tâm.

Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới nhiều lần khẳng định, những trường hợp tử vong thời qua không liên quan đến chất lượng vaccine Quinvaxem, nhưng dường như công bố này vẫn chưa thể làm yên lòng người dân. 

Bởi lẽ, Tổ chức Y tế thế giới đang hỗ trợ chuyên môn cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia và thực tế cho thấy, phản ứng sốt, đau tại chỗ tiêm của vaccine Quinvaxem nặng hơn so với vaccine dịch vụ tương ứng. Đây cũng chính là rào cản khi phụ huynh lựa chọn vaccine cho con em mình.

Tuy nhiên, theo bà Đặng Hồng Thuý, Giám đốc công ty nhập khẩu, phân phối độc quyền vaccine Pentaxim toàn miền Bắc thì việc người dân chưa tin tưởng vaccine Quinvaxem là do những thông tin về tai biến sau tiêm chủng thời gian qua chưa được thông tin kịp thời và thiếu minh bạch, khiến nhiều người hiểu lầm rằng, vaccine dịch vụ tốt hơn nên đổ xô chen lấn, đăng ký tiêm bằng được.

Bà Đặng Hồng Thuý khẳng định, chất lượng vaccine Quinvaxem và Pentaxim là như nhau. Theo thông tư 08 của Bộ Y tế, 100% các lô vaccine nhập khẩu vào Việt Nam đều phải đủ 3 giấy kiểm định chất lượng gồm kiểm định của nhà máy sản xuất, kiểm định của quốc gia sở tại và khi vào Việt Nam lại kiểm định một lần nữa nên về chất lượng vaccine Quinvaxem và Pentaxim đều như nhau, không thể nói Pentaxim tốt hơn.

Những chia sẻ của bà Đặng Hồng Thúy bị cho là “tự lấy đá ghè chân mình” vì hiếm có người kinh doanh vaccine dịch vụ nào lại nói tốt cho vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để ảnh hưởng đến doanh thu của mình. Từ đây cho thấy, trở ngại lớn nhất đối với vaccine Quinvaxem bây giờ là phản ứng sau tiêm nặng hơn so với vaccine dịch vụ.

vaccine quinvaxem co thuc su dang so? hinh 1
Bà Đặng Hồng Thúy- Giám đốc công ty nhập khẩu- phân phối vắc xin Petaxim toàn miền Bắc

Về vấn đề này, Tiến sỹ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đó là do vaccine Quinvaxem có thành phần ho gà toàn tế bào, nhưng đổi lại, tính kháng nguyên bảo vệ cao hơn so với vaccine dịch vụ tương ứng. Vaccine dịch vụ làm từ công nghệ vô bào nên khả năng bảo vệ yếu hơn do tính miễn dịch suy giảm theo thời gian.

Tiến sỹ Dương Thị Hồng khẳng định, sau tiêm chủng, nếu trẻ em không có biểu hiện sốt thì chưa chắc đã phải là điều tốt: “Tiêm vaccine vào cơ thể một cháu bé thì sau đó cháu bé đó phải hơi bị sốt và hơi kích thích một chút thì thực sự mới tốt. Còn nếu tiêm vài mũi vaccine, thậm chí cả những mũi nhắc lại mà cháu bé đó êm ả đến mức không có một biểu hiện gì khác với ngày thường thì hãy coi chừng liệu mũi vắc đó đã đủ gây đáp ứng miễn dịch cho cháu bé đó chưa. Đó là điều mà chúng ta cần cân nhắc. Việc cháu bé đó bị sốt và có một chút kích thích tại chỗ thì mới đảm bảo cơ thể có kháng thể phòng bệnh”

Còn theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, không có loại vaccine nào phòng bệnh được tuyệt đối, cũng như khi tiêm Quinvaxem hay bất kỳ loại vaccine nào cũng khó tránh khỏi một tỉ lệ nhất định tử vong do sốc phản vệ, tức là phản ứng quá mức của cơ thể đối với đặc tính vốn có của vaccine, gây nguy hiểm tính mạng, ngay cả khi loại vaccine đó được sản xuất, bảo quản, vận chuyển và chỉ định một cách chính xác.

Tỷ lệ tử vong do sốc phản vệ thường rất nhỏ, chỉ khoảng 4 ca/1 triệu trường hợp tiêm. Không chỉ tiêm vaccine mà kể cả việc uống thuốc cũng có khi gây ra tai biến không mong muốn. Thậm chí, ngay cả khi không tiêm vaccine, không uống thuốc thì trung bình mỗi ngày cả nước cũng có từ 30 đến 50 trẻ tử vong vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên không thể loại trừ khả năng, tử vong sau tiêm chủng trùng hợp ngẫu nhiên với các nguyên nhân khác.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, phản ứng nặng sau tiêm là điều không ai mong muốn, nhưng phải chấp nhận trong tiêm chủng mở rộng để tạo miễn dịch lớn cho cộng đồng, nếu không tỷ lệ tử vong do dịch bệnh còn lớn hơn gấp hàng nghìn, hàng triệu lần.

“Vaccine dịch vụ hiện nay chỉ chiếm gần 10% số trường hợp tiêm. Nếu tỷ lệ tiêm vaccine dịch vụ Petamxim nhiều như Quinvaxem thì tỷ lệ phản ứng sau tiêm chắc chắn sẽ nhiều không kém. Có ba nguyên nhân có thể dẫn đến phản ứng nặng, thậm chí tử vong cho trẻ sau tiêm chủng nói chung và sau tiêm Quinvaxem nói riêng. 

Một là sốc phản vệ, xác suất sự cố không may này rơi vào ai thì phải chịu. Hai là sốc phản vệ có thể cứu được nhưng mình không thể cứu được do ở vùng sâu vùng xa, điều kiện y tế còn hạn chế. Ba là trẻ đang bị mắc một bệnh trùng lắp nào đó như tim bẩm sinh, rối loạn miễn dịch, bệnh di truyền...” - Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

 Ngoài những nguyên nhân gây tử vong sau tiêm chủng như vừa nêu, còn có những nguy cơ tử vong liên quan đến sai sót trong tiêm chủng như: việc bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vaccine không đúng. Đây là những nguyên nhân chủ quan, có thể khắc phục được. Thời gian qua, Bộ Y tế chỉ đạo “siết chặt” quy trình tiêm chủng và tăng cường giám sát toàn hệ thống là một hướng đi đúng.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bất cập trong khâu khám sàng lọc trước khi tiêm chủng vì với trạm y tế xã khó có thể chẩn đoán được các bệnh lý tiềm ẩn của trẻ như: cơ địa dị ứng, bệnh tim mạch, suy giảm miễn dịch bẩm sinh và không phải bậc phụ huynh nào cũng nắm rõ tiền sử bệnh tật của con mình để thông báo với cán bộ tiêm chủng. 

Vì vậy, Bộ Y tế cần tổ chức nhiều hơn những điểm tiêm chủng đạt chuẩn, giám sát và cấp cứu kịp thời những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng; đồng thời sớm hoàn thiện hệ thống quản lý tiêm chủng trên quốc bằng phần mềm để cán bộ tiêm chủng thấy rõ tiền sử bệnh tật của trẻ và theo dõi được lịch sử tiêm chủng suốt đời, nhằm tránh tiêm vaccine cho những trẻ chống chỉ định và tránh sai sót, nhầm lẫn mũi tiêm…

Vẫn biết rằng mỗi lần có trường hợp tử vong sau tiêm chủng là một lần thêm áp lực cho ngành y tế nhưng chỉ có cách hạn chế thấp nhất những rủi ro xảy ra sau khi tiêm vaccine mới minh oan được cho vaccine Quinvaxem và đảm bảo được kết quả bền vững cho Chương trình tiêm chủng mở rộng./.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top