Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 12 năm 2018 | 10:14

Vì sao Tuyên Quang khó xóa bỏ lò gạch thủ công?

Theo quyết định của UBND tỉnh Tuyên Quang, các lò gạch thủ công phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 31/12/2017. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn vẫn còn 128 lò gạch hoạt động.

Câu hỏi đặt ra là, do khó xử lý lò gạch thủ công hay chính quyền yếu kém?

1.jpgSau nhiều năm, Hàm Yên mới xóa bỏ được 9/101 lò gạch thủ công.

 

Vẫn còn 128 lò gạch đang hoạt động

Ngày 21/10/2013, UBND tỉnh Tuyên Quang  ban hành Quyết định 398/QĐ-UBND về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công đến năm 2020.

Quyết định nêu, đối với lò thủ công, lò thủ công cải tiến không cho phép phát sinh đầu tư mới. Các lò sản xuất gạch nằm trong khu vực thành phố, thị trấn, gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu (khoảng cách tính từ lò gạch đến khu dân cư, khu vực canh tác dưới 100m) phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 21/12/2014. Các lò sản xuất gạch nằm trong khu vực còn lại phải chấm dứt hoạt động chậm nhất trước ngày 31/12/2017.

UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện xóa bỏ dứt điểm, triệt để việc sản xuất gạch đất nung bằng lò thủ công. Lập phương án, lộ trình xóa bỏ đối với từng cơ sở, từng lò gạch ở từng khu vực cụ thể….

UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các chủ cơ sở ký cam kết chấm dứt hoạt động và tự tháo dỡ lò gạch trả lại mặt bằng theo đúng lộ trình đã cam kết. Sau thời hạn cam kết, nếu các chủ sở sản xuất chưa thực hiện việc tháo dỡ thì kiên quyết chỉ đạo thực hiện cưỡng chế tháo dỡ theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, dù đã quá thời hạn hoạt động, nhiều lò gạch thủ công vẫn vô tư hoạt động. Cụ thể, Sơn Dương vẫn còn 26/80 lò hoạt động (trong đó có 25 lò gạch thủ công cải tiến và 1 lò đứng - PV). Tại xã Thái Sơn (huyện Hàm Yên) còn 78 lò gạch thủ công hoạt động.

Được biết, Tuyên Quang hiện có 222 lò gạch thủ công, trong đó, có 128 lò gạch đang hoạt động, tập trung ở 3 huyện: Hàm Yên (92 lò), Sơn Dương (26 lò) và Yên Sơn (10 lò). Hầu hết những lò này đều sản xuất theo dây chuyền thủ công, chỉ dùng than và củi để nung đốt; các lò được xây dựng gần khu dân cư và khu sản xuất nông nghiệp nên ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất cây trồng và tài nguyên đất.

Chính quyền chưa quyết liệt?

Được biết,  128 lò gạch thủ công còn hoạt động tại Tuyên Quang đang giải quyết việc làm cho 1.179 lao động. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc chưa thể xóa bỏ hết lò gạch thủ công?!

Theo ông Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Thái Sơn, lò gạch đang mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm lao động địa phương, trung bình 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện, xã vẫn chưa có biện pháp nào để tạo thu nhập cho người dân nếu các lò gạch bị xóa bỏ.

Một nguyên nhân khác là sự vào cuộc của các cấp chính quyền chưa quyết liệt. Cụ thể, UBND tỉnh Tuyên Quang, Sở Xây dựng có nhiều văn bản đôn đốc việc xóa bỏ lò gạch thủ công, nhưng nhiều địa phương mới chỉ dừng lại ở việc thông tin, tuyên truyền mà chưa triển khai kế hoạch cụ thể. Chưa lập kế hoạch, lên phương án, lộ trình xóa bỏ từng cơ sở, từng lò gạch cụ thể; chưa xây dựng phương án cưỡng chế đối với các hộ đã cam kết nhưng quá hạn vẫn chưa tháo dỡ.

Bằng chứng là, ngày 8/8/2016, Báo Kinh tế nông thôn có bài: “Hàm Yên chậm trễ xóa bỏ lò gạch thủ công”, phản ánh vào tháng 8/2016, huyện Hàm Yên có 101 lò gạch thủ công, trong đó, riêng xã Thái Sơn có tới 79 lò.

Theo đề nghị của Sở Xây dựng Tuyên Quang, Hàm Yên cần xóa bỏ dứt điểm 55/101 lò gạch thủ công có khoảng cách đến khu dân cư, khu vực canh tác dưới 100m trước ngày 1/7/2016. Nhưng sau ngày 1/7/2016, số lò gạch nói trên vẫn hoạt động bình thường, còn UBND huyện thì kêu thiếu kinh phí, thiếu cơ chế hỗ trợ.

UBND huyện Hàm Yên thừa nhận hiện địa phương còn tới 101 lò gạch thủ công, rải rác khắp các xã, trong đó số lò gạch cách khu dân cư, khu vực canh tác dưới 100m là 55 lò; khoảng cách trên 100m là 46 lò, theo cam kết các lò gạch nói trên phải phá dỡ trước ngày 31/12/2017.

Đến nay, Hàm Yên vẫn còn 92 lò gạch đang hoạt động. Như vậy, hơn 2 năm qua kể từ ngày UBND huyện Hàm Yên kêu khó, huyện đã “vào cuộc quyết liệt” xóa bỏ được… 9/101 lò gạch.

Thiết nghĩ, UBND tỉnh Tuyên Quang cần có biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm 128 lò gạch đang hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đồng thời, làm rõ, xử lý trách nhiệm Chủ tịch UBND các huyện khi chưa thực hiện nghiêm Quyết định 398 của UBND tỉnh.

 

Đình Tùng
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top