Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 3 năm 2019 | 11:14

Việt Nam được rất nhiều sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Việt Nam “được rất nhiều” sau khi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2.

m-t.jpg

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh sự tự hào khi nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều chọn Việt Nam cho cuộc gặp mặt quan trọng được cả thế giới quan tâm. Điều này khẳng định vai trò của Việt Nam với hòa bình thế giới và khu vực.

Việt Nam đã đảm bảo tốt nhất những gì có thể cho sự kiện này. Trong thời gian rất gấp nhưng nước chủ nhà đã làm rất tốt, chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

“Vị thế, vai trò, công tác chuẩn bị, tổ chức của Việt Nam được hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên, cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tại phiên Chính phủ họp thường kỳ tháng 2 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc diễn ra sáng cùng ngày, Thủ tướng cho rằng, dù Mỹ và Triều Tiên chưa ký được thỏa thuận tại Hà Nội, song Hội nghị lần này vẫn là điều tốt để tới kết quả tích cực trong tương lai, trong việc thúc đẩy hòa bình tại Bán đảo Triều Tiên.

“Sự kiện đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của người dân Việt Nam trong các sự kiện quốc tế. Dù gấp gáp, nhưng công tác chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh được thực hiện rất tốt, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Vị thế, vai trò, công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam được các nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên cũng như dư luận, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn lại lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Dịp này, Việt Nam đã quảng bá ra thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Đồng thời quảng bá hiệu quả về đất nước Việt Nam với nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, mến khách.

Lan tỏa hình ảnh Thủ đô Hà Nội - Thành phố vì hòa bình

Tại buổi giao ban ngày 1/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết cỗng tác chuẩn bị tổ chức phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là việc đột xuất, không nằm trong kế hoạch công tác tháng 2 của TP. Hà Nội nhưng đây là sự kiện rất quan trọng và Hà Nội được đánh giá là đã làm tốt, hiệu quả công tác phục vụ, tổ chức Hội nghị, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

 

trump_phuc_mvtw.jpg

Tại Trung tâm Báo chí của Hội nghị, toàn bộ hơn 3.000 phóng viên quốc tế và trong nước được phục vụ rất chu đáo trong quá trình đưa tin về Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên. Ngoài ra, các phóng viên được hơn 12 địa chỉ ẩm thực nổi tiếng của Hà Nội phục vụ tại Trung tâm Báo chí. Đây là điều chưa từng có tiền lệ ở các hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở trong nước và các quốc gia khác. Mỗi phóng viên chính là sứ giả quảng bá hình ảnh Việt Nam, Hà Nội, nói lên sự thân thiện của con người Việt Nam.

Cũng trong tháng 2/2019, UBND Thành phố chủ trì hơn 30 cuộc kiểm tra để chỉ đạo, rà soát, giao nhiệm vụ, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ Hội nghị, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ như tổ chức trang trí các tuyến đường, khu vực quan trọng liên quan đến phục vụ cho hội nghị; hoàn thiện toàn bộ công tác vệ sinh môi trường; công tác tuyên truyền quảng bá hình ảnh của Hà Nội; bảo đảm công tác trật tự an toàn giao thông, phân luồng giao thông, công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn trong mọi tình huống, mọi trường hợp.

Thành phố đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ cung cấp hậu cần cho Trung tâm báo chí quốc tế; chuẩn bị một số địa điểm các đoàn sẽ đến thăm…

Sau 2 tuần chuẩn bị, dù thời gian rất gấp nhưng các nhiệm vụ theo phân công với một khối lượng công việc lớn đã được các đơn vị triển khai nghiêm túc, hoàn thành theo đúng thời gian, kế hoạch đề ra; kết quả đã được Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, nhân dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội an toàn, thân thiện, mến khách, “Thành phố vì hòa bình” đã được truyền đi khắp thế giới với tần suấ rất cao.

Sức hấp dẫn Việt Nam

Hà Nội – Việt Nam đã trở thành tâm điểm chú ý của thế giới, là “điểm nóng” truyền thông khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vượt qua hàng nghìn kilomet đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai.

Với Việt Nam, sự kiện này không còn là “chuyện của người ta”, bởi những nỗ lực đóng góp của nước chủ nhà cho Thượng đỉnh Mỹ - Triều không chỉ mang ý nghĩa về đối ngoại chính trị đơn thuần, mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người và niềm năng của Việt Nam.

 

trump_kim_2_vfki_kitw.jpg
Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều dùng bữa tối tại Hà Nội.

Con số khoảng 2.600 phóng viên quốc tế có mặt tại Việt Nam để đưa tin về sự kiện vô cùng quan trọng này đồng nghĩa với việc hai chữ “Hà Nội”, “Việt Nam” liên tục xuất hiện trong các bản tin, bài viết, hình ảnh trên các hãng thông tấn lớn, nổi tiếng trên thế giới. Và chắc hẳn, mỗi phóng viên cũng như quan khách khi đến đây đều có sự tìm hiểu về đất nước Việt Nam như một phần không thể thiếu trong khâu chuẩn bị để thực hiện nhiệm vụ. Giá trị từ quảng bá hình ảnh Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là vô cùng lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump – một nhân vật nổi tiếng không chỉ vì lãnh đạo quốc gia siêu cường, mà trên mạng xã hội, những “tweet” của ông luôn “hot” khi lượng người theo dõi rất “khủng”, trong đó có không ít phóng viên báo chí bám sát để đưa tin.  Trong hai ngày dự Thượng đỉnh, thông điệp mà người đứng đầu Nhà Trắng truyền đi luôn chất chứa một sự yêu mến dành cho Hà Nội – Việt Nam.  

“Vừa đặt chân đến Việt Nam. Cảm ơn tất cả mọi người vì sự đón tiếp tuyệt vời ở Hà Nội. Đám đông thật hoành tráng, và thật nhiều yêu thương", ông Trump viết trên tài khoản Twitter của cá nhân mình khi từ sân bay Nội Bài về khách sạn. Và chỉ hơn nửa tiếng sau, tweet này nhận được hơn 5.000 trả lời, hơn 5.000 lượt tweet lại và gần 30.000 "tim" yêu thích. Đúng một ngày sau, Hà Nội – Việt Nam lại tiếp tục được ông tweet khi nói về "cuộc gặp và bữa tối tuyệt vời với Kim Jong Un”.

Những điều trên có ý nghĩa rất lớn nếu xét ở góc độ kinh tế - du lịch, song chưa phải là quan trọng nhất. Hà Nội – Việt Nam sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ được nhắc đến với giá trị cao hơn nhiều. “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” đón lãnh đạo hai nước đối đầu cùng đến để thương thảo. Dù chưa đạt thỏa thuận như mong muốn, song chính Nhà Trắng khẳng định hai bên đã đạt được những bước tiến thực sự và tầm nhìn về phi hạt nhân hóa “xích lại gần hơn” so với một năm trước, sẽ mang ý nghĩa quan trọng trong cải thiện quan hệ hai nước cũng như cho sự hòa bình khu vực và trên thế giới.

Thủ đô ngàn năm văn hiến cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác của Việt Nam như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng chắn chắn được nhắc đến với ấn tượng của sự thân thiện, mến khách, an toàn. Một Việt Nam từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, giờ đây cho bạn bè quốc tế cảm nhận “thật nhiều yêu thương” như dòng tweet của Tổng thống Donald Trump – người đứng đầu quốc gia từ cựu thù trở thành Đối tác toàn diện.

Hà Nội sẽ là cái tên thân thương với các bạn Triều Tiên khi Chủ tịch Kim Jong Un trải qua hàng nghìn kilomet đến Việt Nam – quốc gia có quan hệ truyền thống và đang tiếp tục được tăng cường, trên chuyến tàu mang hy vọng hòa bình, thịnh vượng. Tại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nói rất cảm ơn Việt Nam đã tổ chức đón tiếp chu đáo, nồng hậu và tỏ ra xúc động khi bước ra khỏi tàu thấy xung quanh là cờ hoa với hàng trăm người vẫy tay chào. Ông Kim Jong Un đã hạ cửa kính ô tô vẫy tay chào người dân bên đường.

Việc Thủ đô Hà Nội của Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên lần thứ hai là một minh chứng rõ nét cho thấy vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Sự kiện này góp phần hiện thực hóa phương châm “Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” đã được Đảng ta triển khai từ Đại hội Đảng XI (2011).

Với sự quan tâm chỉ đạo, đôn đốc sát sao từ các cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Việt Nam đã hoàn thành trọng trách của mình, dù chỉ có khoảng 10 ngày để chuẩn bị từ công tác hậu cần, viễn thông, giao thông, an ninh và nghi lễ giữa các bên... Nhiều phóng viên quốc tế đánh giá công tác chuẩn bị của Việt Nam thuộc hàng tốt nhất trên thế giới và rất chuyên nghiệp. Cảm ơn Việt Nam vì sự hiếu khách chính là điều mà ông Trump đã nói trong cuộc họp báo, trước khi trở về Mỹ.

Khi luôn là thành viên có trách nhiệm, tận tâm, tận lực với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ trở thành địa chỉ tin cậy cho nhiều vấn đề quốc tế, hội nghị quốc tế lớn của khu vực và toàn cầu trong tương lai. Hà Nội – Việt Nam sẽ được nhớ tới với giá trị như thế. Điều đó nhân lên “sức mạnh mềm” Việt Nam.

Truyền thông quốc tế đánh giá cao 

Là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2, Việt Nam đã nỗ lực, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho Hội nghị. Chính vì thế, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội - Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về niềm tin, sự thân thiện, hiếu khách trong lòng bạn bè quốc tế.

 

m-t1.jpg
Các nhà báo quốc tế tại Trung tâm báo chí ở Hà Nội.

 

Từ chiều 28/2, nhiều hãng thông tấn, báo chí trong nước và quốc tế đăng tin "không có thỏa thuận chung nào" đạt được giữa hai nhà lãnh đạo sau cuộc hội đàm tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 ở Hà Nội. Tuy nhiên, sự mến khách, an ninh đảm bảo và sự phục vụ tận tình của nước chủ nhà Việt Nam đã mang đến cảm giác tuyệt vời cho các phóng viên nước ngoài và du khách.

Trong khi đó, nhiều cơ quan báo chí lớn của quốc tế đều nêu bật vai trò của Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị.

Tờ nhật báo The Australian của Australia đăng bài viết về vai trò của nước Việt Nam khi là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2. Theo bài báo, dù Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un không đạt thỏa thuận ở Hà Nội, nhưng Hà Nội đã để lại ấn tượng mạnh mẽ về niềm tin, sụ thân thiện hiếu khách trong lòng bạn bề quốc tế. 

Bài viết cho rằng, thông qua việc được chọn là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên trong hai ngày 27 và 28/2,  Hà Nội đã có cơ hội quảng bá hình ảnh của mình ra thế giới. Những sự kiện diễn ra trong tuần này đã giúp Việt Nam được cả thế giới dõi theo và gặt hái nhiều thành quả.

Các cơ quan truyền thông và báo chí lớn của Séc như:  Đài Truyền hình, Báo Tin tức, Nhật báo, Tin tức hằng ngày, Báo Nghị viện Séc, Nhật báo Séc đăng bài viết với tiêu đề “Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên: Thành công của Việt Nam,” trong đó nhấn mạnh việc Hà Nội được chọn làm địa điểm tổ chức sự kiện quan trọng này đã khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trong khu vực cũng như trên thế giới, đồng thời chứng tỏ Việt Nam có khả năng đóng góp vào các vấn đề quốc tế.

Các bài báo cũng nhấn mạnh đây là cơ hội quý báu để Việt Nam quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người và những thành tựu phát triển của mình trên tất cả các lĩnh vực, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy du lịch.

Trong khi đó, báo chí Nhật Bản như: Báo Nikkei Asian Review và báo Nhật Bản ngày nay (Japan Today) đã bình luận rằng, việc Việt Nam đảm nhận vị trí chủ nhà, cung cấp địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh là nhằm thể hiện mong muốn đóng góp cho hòa bình, ổn định của thế giới. Trong những năm gần đây, Việt Nam không chỉ tăng cường quan hệ với các nước láng giềng mà còn thúc đẩy quan hệ với nhiều nước phát triển, trong đó có Hoa Kỳ và Nhật Bản, nhằm phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh đất nước.

Gần 3.000 nhà báo quốc tế có mặt tại Hà Nội , Việt Nam và liên tục cập nhật thông tin về Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2. Trong đó, nhiều phóng viên, nhà báo quốc tế đã đưa ra những nhận xét khá tích cực về Hà Nội - Việt Nam; tỏ ra bất ngờ trước những thay đổi ngoạn mục của Việt Nam về kinh tế, hạ tầng... và tin tưởng Việt Nam sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa về mọi mặt trong thời gian không xa.

 

 

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top