Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 10 tháng 2 năm 2017 | 1:36

Việt Nam trở thành “công xưởng chế biến tôm” của thế giới: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Lần đầu tiên, đích thân Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một cuộc họp bàn giải pháp phát triển ngành tôm, đủ cho thấy sức mạnh của loài thủy sản này đối với quá trình phát triển của ngành nông nghiệp cũng như của nhiều địa phương. Tiềm năng rất lớn, thị trường rộng mở, điều còn lại là làm thế nào để chúng ta đưa con tôm vươn xa hơn, trở thành “công xưởng chế biến tôm” của thế giới như kỳ vọng của Thủ tướng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm khu vực trưng bày tôm giống.

Vai trò chủ lực

Báo cáo về hiện trạng và giải pháp phát triển ngành tôm, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, cho biết, tôm nước lợ là đối tượng nuôi trồng thủy sản (NTTS) chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản, chiếm khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch.

Được biết, chỉ sau 10 năm thực hiện Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 08/12/1999 phê duyệt Chương trình phát triển NTTS thời kỳ 1999-2010 và Nghị quyết 09/2000NQ-CP ngày 15/6/2000 về một số chủ trương và chính sách về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, diện tích nuôi tôm đã tăng từ 228.610ha lên 639.115ha (gấp 2,8 lần), sản lượng tôm tăng từ 97,628 tấn lên 443,714 tấn (gấp 4,5 lần).

Năm 2016, dù gặp nhiều khó khăn do tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt tại ĐBSCL, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại khoảng 188.000ha nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các doanh nghiệp, người nuôi với các giải pháp phù hợp, ngành tôm đã đạt được những kết quả khả quan: Tổng diện tích thả nuôi đạt 694.645ha (bằng năm 2015), tổng sản lượng thu hoạch đạt trên 657.000 tấn, tăng 9% so với năm 2015. Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2015.

Cả nước đã hình thành vùng sản xuất tôm giống tập trung tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nam bộ như Cà Mau, Bạc Liêu. Hiện số lượng cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ là 2.422 cơ sở.

 Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp PTNT Nguyễn Xuân Cường, dư địa để phát triển con tôm là rất lớn. “Thị trường tôm tới đây và những năm tới chưa có giới hạn về đầu ra. Cho đến nay không có con gì nuôi mà tốc độ sinh khối, giá trị thu nhập cao như con tôm nếu làm đúng. Hiện tại, chúng ta đã tạo dựng được những yếu tố cơ bản ban đầu cho hình thành ngành công nghiệp tôm. Tiềm năng phát triển con tôm không chỉ trên 3 tỷ USD, không chỉ 700.000ha như hiện nay”, ông Nguyễn Xuân Cường nhận định.

Vẫn còn khó khăn, tồn tại

Cũng theo ông Vũ Văn Tám, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, ngành tôm nước ta vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ để phát triển bền vững. Cụ thể, tôm giống có vai trò hết sức quan trọng đối với ngành tôm nhưng hiện nay nước ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm nước ta vẫn đang phải nhập khẩu từ 180.000-260.000 con tôm chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải nhập ngoại).

Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ. Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.  Phần lớn hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo. Hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS chủ yếu vẫn dùng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bài học từ Ecuador

Là doanh nghiệp dẫn đầu về chế biến xuất khẩu tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, chia sẻ: “Tôi đã làm nghề tôm trên 35 năm. Tuy nhiên, vừa rồi tôi sang Ecuador thì mới nhận ra tất cả kiến thức về tôm mà tôi đã học sai hết. Ecuador có 175.000ha nhưng sản lượng tôm bằng nước ta 700.000ha. Nếu như sản lượng tôm nuôi chúng ta bằng sản lượng bằng 2/3 tôm nuôi của Ecuador thì nước ta có khả năng xuất khẩu 14 tỷ USD về tôm. Họ nuôi tôm với mật độ thấp, vừa sức tải môi trường, nuôi tôm kháng bệnh nên giá thành rất thấp”.

Ông Quang cũng cho biết doanh nghiệp đang triển khai mô hình doanh nghiệp xã hội tôm - rừng (sau đó chuyển sang tôm quảng canh, tôm - lúa, tôm công nghiệp). Tôm rừng đước là tôm sinh thái, tôm hữu cơ, sạch kháng sinh và giá bán rất cao. Thế nhưng, trên thị trường thế giới chúng ta không bán được vì chưa có chứng nhận quốc tế. 

Theo ông Quang, muốn có chứng nhận quốc tế phải truy xuất nguồn gốc, mà các hộ sản xuất tôm rừng nhỏ lẻ không thể nào làm được. Cách giải quyết là phải xem mỗi hộ nuôi tôm như một ao của doanh nghiệp và doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình nuôi của tất cả các hộ. 

Trong khi đó, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Việt Úc kiến nghị Chính phủ mạnh dạn đưa ra chiến lược cụ thể rõ ràng biến Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới. “Nền tảng chúng ta đã có; tuy nhiên, chúng ta cần phải có thương hiệu mạnh, phải có chính sách hỗ trợ thương hiệu hàng đầu”, ông Tuấn đề xuất.

Hình thành công nghiệp sản xuất tôm

Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định ngành tôm đặc biệt có tiềm năng lợi thế, cần phát triển thành ngành hàng sản xuất công nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững và thân thiện với môi trường theo 2 hướng: Phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp; Phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như: tôm rừng, tôm lúa,... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái. Phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu tôm đạt trên 4,5 tỷ USD; đạt 8-10 tỷ USD vào năm 2030.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ngành tôm được khẳng định cả về mặt quản lý và khoa học có thể phát triển thành ngành mũi nhọn của đất nước. Mục tiêu đặt ra là, chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 10 tỷ USD. Ngành tôm Việt Nam phấn đấu đạt khoảng 10% GDP cả nước.

Về tầm nhìn đối với ngành tôm, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam, trước hết là Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao trên toàn thế giới. Từ đây, chúng ta sẽ chứng kiến những thương hiệu toàn cầu về tôm, đưa Việt Nam trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới.

Định hướng cho ngành tôm thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần khảo sát để quy hoạch những vùng phù hợp để phát triển nuôi tôm, không để tình trạng tự phát. Công tác quy hoạch phải đi liền với nhiệm vụ bảo tồn các điều kiện tự nhiên nhằm bảo vệ sinh thái cho tôm và các loài sinh vật có giá trị kinh tế khác.

Khẳng định “nuôi tôm chính là nuôi nước”, Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước cần mạnh dạn áp dụng, đưa tiến bộ kỹ thuật vào xử lý nguồn nước cấp, nước nuôi và nước thải. Đồng thời phải kiểm soát tình trạng độc quyền nhóm trong việc cung cấp con giống và thức ăn của ngành tôm. Kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường này, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT phải nhanh chóng tìm được câu trả lời về giống và thức ăn cho tôm ở đâu để cung cấp, đáp ứng đầy đủ.

Thủ tướng đề nghị các nhà chuyên môn phải chỉ ra được từng địa phương phù hợp với loại tôm nào, tiêu chuẩn, chất lượng ra sao, thị trường tiêu thụ từng loại. Bộ Nông nghiệp và PTNT, các viện nghiên cứu cần tham vấn chặt chẽ cho người dân về vấn đề này. Xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm dựa trên đặc thù, lợi thế tự nhiên của địa phương.

Các cơ quan Nhà nước cần chú trọng hỗ trợ cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp về tình hình cung, cầu, giá cả thị trường để người dân, doanh nghiệp cân đối kế hoạch nuôi tôm hợp lý, tránh chạy theo thông tin truyền miệng, không chính thống. Cần chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung hay phụ thuộc quá lớn vào một thị trường dẫn đến rủi ro khi thị trường đó gặp khó khăn hay biến động.

Nhân dịp này, Thủ tướng nhắc nhở khâu trung gian: Làm gì cũng phải nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng tham bát bỏ mâm. Chính phủ tuyên chiến với các hành vi bơm tạp chất vào tôm cũng như các vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam ở mọi khâu.

Nhắc lại câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, Thủ tướng mong muốn các nhà sản xuất trong ngành phải đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, “đừng vì phát triển mà phá nhau không lành mạnh”.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quý I trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về con tôm để phát triển bền vững, hình thành một ngành công nghiệp sản xuất tôm Việt Nam.

Anh Thơ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top