Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 12 năm 2018 | 15:32

Vụ cấp đất rừng ở Thừa Thiên - Huế: Chủ sở hữu lên tiếng

Liên quan đến việc 24.000m2 đất rừng sản xuất được tách thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GNCQSDĐ) cho 15 cá nhân, một trong những chủ sở hữu đã lên tiếng về quy trình cấp đất, đồng thời “phản công” người tố cáo.

Sau khi báo Kinh tế nông thôn có bài “Thừa Thiên Huế: Cấp đất có đúng đối tượng?”, một trong số 15 chủ sở hữu các lô đất rừng sản xuất tại đây đã lên tiếng về quy trình, những căn cứ được cấp GCNQSDĐ, đồng thời, người này lên tiếng “phản công” ông Huỳnh Đăng Truyền – người gửi thư cầu cứu đến báo chí về việc thửa đất rừng ông bảo vệ, canh tác sản xuất nhiều năm và nhiều lần viết đơn xin cấp GCNQSDĐ đều bị từ chối, gần đây ông mới biết thửa đất này bỗng thành của… cán bộ. 

tth1.jpg
Bản đồ giải thửa của 15 lô đất (Lô đất của ông Cầu và bà Kim vợ ông được khoanh đỏ)

  

Ông Hồ Trọng Cầu, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, chủ sở hữu lô B5 (một lô nằm trong số 24.00m2 đất rừng được tách thửa, trao GCNQSDĐ), cho hay, nếu xét theo Luật Đất đai hiện nay, việc cấp đất rừng này là không đúng. Tuy nhiên, tại thời điểm cấp đất rừng (năm 1995) thì hoàn toàn phù hợp.

Về cơ sở pháp lý, ông Cầu dẫn chứng  Luật Đất đai năm 1993 và Nghị định 02 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Từ đây, ông  cho biết: “Lúc này (năm 1995) không phân biệt cán bộ hay dân. Có 03 đối tượng được cấp đất là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Trong đối tượng cá nhân không phân biệt, không nói rõ là cán bộ hay là dân. Nói tóm lại, trong giai đoạn này, những ai có nhu cầu cấp rừng nằm trong 03 nhóm đối tượng đó thì đều được Nhà nước giao đất”.

tth.jpg
Quyết định thu hồi đất Lâm nghiệp năm 1995 của UBND huyện Phú Lộc

 

Về cơ sở thực tiễn, ông Cầu thông tin, rừng dương sản xuất hiện nay (trước đây là rừng phòng hộ - PV) đã có từ trước. Từ năm 1975 - 1986, đây là rừng phòng hộ chống cát bay.

Cũng trong giai đoạn này, nhận thấy rừng bị tàn phá mạnh do người dân đến chặt làm củi đốt, khoảng năm 1986 – 1995, khu vực này được giao lại HTX Bình Dương (gồm 02 thôn Bình Dương và Cảnh An) quản lý với mục đích bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng dương.

Nhưng, việc quản lý của HTX Bình Dương cũng không hiệu quả. Vì vậy, năm 1995, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu UBND huyện thu hồi đất và giao cho công đoàn một số cơ quan, hộ dân, cá nhân có nhu cầu. Tuy nhiên, lúc này đa phần người dân tập trung trồng trọt khoai, sắn,… để kiếm sống, không ai mặn mà với việc trồng rừng. Do đó, UBND huyện quyết định giao cho các tổ chức công đoàn quản lý và công đoàn UBND huyện là một trong số này. Tổng diện tích 24.000m2 được công đoàn tiến hành phân thửa cho từng đoàn viên và cụ thể đã giao cho 15 đoàn viên, tương ứng mỗi đoàn viên quản lý 1.600m2 (16m bề ngang và 100m chiều dài theo hướng mặt đường đến giáp biển Cảnh Dương).

Sau khi được phân, các đoàn viên  đã đóng góp tiền mua cây giống trồng rừng.

Liên quan đến chuyện trồng rừng, trước thắc mắc của người dân xung quanh rằng, tại sao không thấy các chủ sở hữu này vào bảo vệ, trồng rừng, ông Cầu giải thích, do các cá nhân này ở xa, “thỉnh thoảng mới vào trồng rừng, vì vậy, người dân làm sao biết được”.

Quay trở lại chuyện chuyển đổi mục đích sử dụng 24.000m2 đất rừng thôn Cảnh Dương, ông Cầu cho hay, sau nhiều lần chuyển đổi, đến năm 2007, với mục tiêu quan trọng nhất nhằm hướng đến thu hút đầu tư phát triển cho Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, đồng thời, nhận thấy tính chất xung yếu không cần thiết nên diện tích rừng này đã được chuyển thành rừng sản xuất. Và, như thông tin đã đưa, đến năm 2010 thì 24.000m2 đất rừng này đã được phân lô, giải thửa và cấp GCNQSDĐ cho 15 cá nhân.

Với những cơ sở pháp lý và thực tiễn như trên, ông Cầu đưa ra kết luận, việc ông Huỳnh Đăng Truyền đề nghị được cấp GCNQSDĐ một phần trong diện tích rừng này là không hợp lý.

Bên cạnh đó, ông Cầu đã đưa ra bình luận “phản công” lại đối với ông Truyền rằng, ông này lấn chiếm đất đai. Ông lý giải, diện tích rừng này được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý (trong đó không có ông Truyền), vậy, việc ông Truyền canh tác trên đất này là hành động lấn chiếm.

Liên quan đến việc tại sao ông Truyền nhiều lần gửi đơn xin cấp GCNQSDĐ đều bị chính quyền từ chối với lý do, diện tích rừng này thuộc quản lý của xã nên không thể cấp cho cá nhân, nói thêm, mặc dù đất đã được cấp cho cá nhân từ năm 1995?. Ông Cầu cho hay, đây là do UBND xã chưa nắm cụ thể thông tin nên phản hồi chưa chính xác.

Một câu chuyện, nhưng đang có nhiều “ngã rẽ” giữa các bên liên quan, vì vậy, dư luận đang còn nhiều câu hỏi chờ  câu trả lời từ phía cơ quan chức năng. Trong đó, điều người dân dân quan tâm là, trong chuyện này ai đúng, ai sai? Nếu phát hiện sai phạm, chính quyền địa phương sẽ xử lý như thế nào?

Báo Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

 

 

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
Top