Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 28 tháng 7 năm 2010 | 2:9

Vụ mất 27 GCNQSDĐ tại (Gia Lâm-Hà Nội): Công tác quản lý hồ sơ quá lỏng lẻo

Điều đáng nói ở đây là, làm thế nào mà hàng chục tấm giấy chứng nhận đó trót lọt vượt qua các thủ tục để vay vốn ngân hàng?

Theo Công an huyện Gia Lâm: tháng 2/2010, bà Đặng Thị Ngọc trú tại số 16, tổ 1 Khương Thượng (Đống Đa - Hà Nội) mang ba sổ đỏ tới Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm để đề nghị cung cấp thông tin về chủ sở hữu 3 mảnh đất trên địa bàn. Sau khi kiểm tra, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm khẳng định các sổ đỏ trên không do UBND huyện Gia Lâm phát hành. Tuy nhiên, cả 3 mẫu phôi giấy GCNQSDĐ đó đều là mẫu phôi thật. Điều đó dẫn tới khả năng những mẫu phôi GCNQSDĐ thật đã bị rút khỏi sự quản lý của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm để đối tượng xấu giả mạo chữ ký, con dấu trên đó.

Thuý và Quỳ đã cầm cố nhiều thửa đất của người khác bằng GCNQSDĐ giả mạo.

Bà Lại Thúy Nga, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm cho biết, khi vụ việc xảy ra, Phòng Tài nguyên - Môi trường đã tiến hành ra soát và phát hiện việc thiếu nhiều mẫu phôi GCNQSDĐ nhưng vẫn chưa rõ bị mất vào thời điểm nào.

Ngay sau đó, Công an huyện Gia Lâm vào cuộc và cho biết, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm báo bị mất 27 mẫu phôi. Sau một thời gian thu thập chứng cứ, ngày 19/5/2010, Công an huyện Gia Lâm đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 76; đồng thời, xác định hai đối tượng liên quan trực tiếp đến vụ án là Phùng Văn Thúy (sinh năm 1979) và Lê Bá Quỳ (sinh năm 1967).

Đối tượng Phùng Văn Thúy vốn là nhân viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm. Sau khi thôi việc ở đây, Thúy đã lấy trộm các phôi sổ đỏ trên và tuồn cho Quỳ giả mạo con dấu, chữ ký, chức danh một số cán bộ huyện Gia Lâm để đem thế chấp ngân hàng, cá nhân và các tổ chức tín dụng khác.

Hiện chưa có con số thống kê cuối cùng số tiền mà các đối tượng này đã thu được từ việc đem thế chấp, song chắc chắn nhiều tỉ đồng đã được cho vay từ các ngân hàng, cá nhân và tổ chức tín dụng từ các GCNDQSDĐ giả mạo trên.

Theo quy định của các ngân hàng, tài sản được thế chấp là bất động sản phải được cán bộ ngân hàng kiểm tra thực tế, có xác nhận của Phòng Tài nguyên - Môi trường quận (hoặc UBND huyện) về tình trạng thửa đất, được đem công chứng thì mới đủ điều kiện cho vay. Trong khi đó, những chiếc sổ đỏ giả mạo do hai đối tượng Thúy, Quỳ sử dụng vẫn vô tư lọt qua các “cửa ải” hành chính? Rõ ràng, cần phải xem lại trách nhiệm của những cán bộ trực tiếp xác nhận những GCNQSDĐ giả mạo trên.

Ngày 26/7/2010, phóng viên báo Kinh tế nông thôn đã trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Huy Việt, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm về trách nhiệm của cán bộ quản lý Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện trong việc để mất hàng chục phôi GCNQSDĐ, ông Việt cho rằng, cán bộ cấp dưới được giao nhiệm vụ quản lý mẫu phôi, khi anh ta nghỉ việc và cố tình trộm GCNQSDĐ thì làm sao lường được (!?).

Công tác điều tra vụ án tới nay đã gần hoàn tất, Công an huyện Gia Lâm đã ra quyết định khởi tố bị can đối với hai đối tượng Phùng Văn Thúy và Lê Bá Quỳ tội danh làm giả con dấu, tài liệu cơ quan, tổ chức. Chúng tôi được biết, thời gian tới sẽ diễn ra Đại hội lần thứ XX Đảng Bộ huyện Gia Lâm, bà Lại Thúy Nga vẫn tiếp tục có tên trong danh sách lấy tín nhiệm cấp ủy mặc dù đã để xảy ra những thiếu sót trong công tác quản lý, điều hành Phòng TN -MT, dẫn tới hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là một số ngân hàng và cá nhân bị hai bị can Thúy và Quỳ lừa đảo số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng.

Đề nghị các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội sớm làm rõ trách nhiệm của Phòng TN -MT và trách nhiệm của bà Lại Thúy Nga đối với việc để mất 27 mẫu phôi GCNQSDĐ và chứng nhận để các đối tượng sử dụng sổ đỏ giả mạo thế chấp ngân hàng, cá nhân và các tổ chức tín dụng khác với mục đích lừa đảo.

Lâm Hùng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top