Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 2 năm 2019 | 13:0

Xây dựng nông thôn mới và mong ước của người dân

Không thể phủ nhận kết quả mà Chương trình XDNTM  đem lại đối với nông dân trên khắp mọi vùng miền Tổ quốc. Tuy nhiên, người dân ở nhiều địa phương vẫn mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí đã đạt và tháo gỡ những khó khăn mới phát sinh.

ong-le-hong-thai.jpg
Ông Lê Hồng Thái với giống gà Đông Tảo nổi tiếng của quê hương mình.

Đừng để ô nhiễm môi trường ảnh hưởng cuộc sống người dân

Theo quy định, địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM phải hoàn thành 19/19 tiêu chí. Trong đó, muốn đạt tiêu chí môi trường, phải hoàn thành 5 nội dung, gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia đạt 75%; 100% số cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường, có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Để tìm hiểu về thực hiện tiêu chí môi trường trong XDNTM, chúng tôi về thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội (Đông Anh – Hà Nội), gặp một người phụ nữ trung tuổi đang chăm sóc cho ruộng rau vụ đông. Bà giới thiệu tên là Nguyễn Thị Như, người địa phương. Bà chia sẻ, xã tôi đã đạt chuẩn NTM. Kể từ khi đạt được danh hiệu này, đời sống của người dân đã thay đổi rất nhiều, chất lượng cuộc sống được nâng cao, điện sinh hoạt ổn định hơn trước, đường làng ngõ xóm không còn cảnh lầy lội như trước kia.

Khi được hỏi về mong muốn của bà sau khi xã đạt chuẩn NTM, bà Như cho biết, mong muốn thì có nhiều, nhưng cá nhân tôi chỉ mong sao chính quyền giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Bà Như cho biết, trước đây rơm rạ sau khi thu hoạch lúa được nông dân mang về nhà làm chất đốt, thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông để đảm bảo sức kéo, nhưng nay không sử dụng nữa. Bà con đốt rơm, rạ ngay tại ruộng. Vào mùa thu hoạch, cánh đồng rộng lớn mù mịt khói,  hôm nóng nực, trời oi bức, rất khó chịu, không khí ngột ngạt, vì vậy, chính quyền cần sớm có biện pháp giải quyết tình trạng ô nhiễm này.

Chủ tịch UBND xã Dương Xá (Gia Lâm – Hà Nội), ông Nguyễn Tiến Thoại, cho biết: Dương Xá đã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM năm 2015. Nhưng, ô nhiễm môi trường vẫn là thực trạng khó giải quyết.

Ông Thoại cho rằng, trước kia hệ thống ao, hồ, kênh, mương thông với nhau. Chính vì vậy, khả năng tiêu thoát nước rất nhanh khi có mưa lớn, không gây ô nhiễm môi trường.

Nay, hệ thống ao, hồ bị san lấp để xây dựng các công trình dân sinh và nhà ở. Nước thải sinh hoạt được xả trực tiếp qua các hệ thống thoát nước trong địa bàn thôn, xóm lộ thiên. Rác mặc dù đã được thu gom nhưng chậm xử lý dẫn đến việc môi trường ô nhiễm, nhất là vào mùa hè.

Muốn xử lý được vấn nạn này cần phải có một sự đầu tư lớn cho hệ thống thoát nước, hệ thống xử lý rác thải dân cư, sinh hoạt. Tuy nhiên, để đầu tư được hệ thống thoát nước, công trình xử lý rác khu vực nông thôn, kinh phí khá lớn, ngoài sức của chính quyền địa phương và nhân dân, vì vậy, rất mong được nhà nước đầu tư, hỗ trợ xây dựng, giúp  bảo đảm môi trường trong sạch.

Tích tụ đất đai để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Văn Giang (Hưng Yên)  là địa phương tiêu biểu trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chủ yếu chuyển từ gieo cấy lúa sang trồng cây cảnh.

Ông Nguyễn Văn Bình ở Phụng Công (Văn Giang) cho biết. Gia đình đã chuyển từ làm ruộng sang trồng cây cảnh khá lâu. Trước kia, khi mới chuyển đổi, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, nhưng bây giờ thì đỡ hơn khá nhiều.

Nhờ trồng cây cảnh, ông Bình thu nhập  tiền tỷ mỗi năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa trước kia.

Điều mà ông trăn trở sau khi xã đạt chuẩn NTM là chưa có quỹ đất phát triển kinh tế trang trại. Muốn mở rộng cũng khó vì diện tích đất nông nghiệp của gia đình chỉ có hạn, thuê thêm thì chi phí khá cao.

Ông Lê Hồng Thái ở thôn Đoàn Kết, xã Đông Tảo (Khoái Châu – Hưng Yên) chia sẻ: “Gia đình bây giờ không còn trồng lúa nữa. Từ khi triển khai XDNTM, nhiều người trong xã chuyển sang nuôi lợn. Đây là một trong những nơi cung cấp lợn thịt cho cơ sở chế biến thực phẩm trên cả nước.  Ngoài chăn nuôi lợn, tôi còn nuôi gà Đông Tảo, giống gà nổi tiếng của quê hương. Chăn nuôi nhỏ lẻ không thể đảm bảo vệ sinh môi trường nhưng để phát triển thành trang trại chăn nuôi tập trung thì cần phải có đất để xây dựng”.

 

gà-đông-tảo.jpg
Do diện tích đất có hạn nên việc chăn nuôi không thể mở rộng như mong muốn.

 

Cùng chung với suy nghĩ của ông Bình, ông Lê Hồng Thái cũng mong trong quá trình nâng cao chất lượng XDNTM, xã có thêm quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho chăn nuôi, trồng trọt, giúp người dân có điều kiện đầu tư sản xuất quy mô lớn.

Cần có chính sách phù hợp

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Tôi không muốn nêu thành tích quá nhiều, mà chủ yếu tôi muốn nói những bất cập, tồn tại để chúng ta khắc phục, làm sao tốt hơn trong thời gian tới”.

Đó là đầu tư cho nông nghiệp còn khá thấp trong khi số dân làm nông nghiệp khá cao; số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp, trong đó đa phần là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; việc huy động vốn, tiếp cận các dịch vụ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, chi phí vốn cao; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp nhìn chung còn yếu, công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giá trị chất xám trong giá thành sản phẩm nông nghiệp chưa cao, dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao; vẫn còn tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu quá mức, không đúng quy định trong nông nghiệp, đặc biệt là việc kiểm soát dự lượng kháng sinh, chất cấm.

Luật Đất đai năm 2013 có những tác động tích cực, tuy nhiên, việc giao đất bình quân khiến đất nông nghiệp trở nên manh mún, quy mô nhỏ, khó có thể cơ giới hóa, hiện đại hóa và tiến hành thực hiện nền sản xuất lớn (quy mô trang trại của hộ gia đình Việt Nam vào loại nhỏ nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới). Canh tác quy mô nhỏ, manh mún và phân tán vẫn còn phổ biến (trung bình 0,18 ha/thửa đất và 2,5 thửa đất/hộ gia đình). Dịch vụ phát triển chưa đủ mạnh để thu hút khu vực nông nghiệp chuyển dịch nhanh hơn. Số địa phương đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp. Thu nhập của một bộ phận người dân nông thôn còn khó khăn.

Cần khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khi đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Phải đặt vấn đề thị trường trước khi sản xuất để hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh: Kết quả khảo sát xã hội mới đây cho thấy có tới 4/14 vấn đề lo lắng của người dân trong cuộc sống liên quan đến ngành Tài nguyên và Môi trường, trong đó có vấn đề rác thải.

Phát biểu tại cuộc họp tổng kết năm 2018, đề ra nhiệm vụ giải pháp của Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương quán triệt tinh thần bứt phá, toàn diện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Nghị quyết số 01 của Chính phủ khi triển khai 2 Chương trình MTQG về XDNTM và giảm nghèo bền vững. Theo đó, hoàn thành và vượt 50% số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu 70 huyện và xem xét một số tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; bảo đảm không có hộ gia đình người có công thuộc diện hộ nghèo.

Ngoài ra, các bộ ngành cụ thể hoá các chỉ tiêu giảm nghèo, các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo XDNTM kiểu mẫu, XDNTM ở các vùng khó khăn; giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong năm 2019.

Chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng đã phần nào nói lên được tâm tư và nguyện vọng của nông dân. Hy vọng, các cơ quan chức năng cần sớm rà soát, hoàn thiện  cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khi đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Có như vậy, chủ trương XDNTM mới thành công trọn vẹn.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top