Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2019 | 20:45

Xét xử vụ án Cố ý gây thương tích: Nhiều mâu thuẫn cần làm rõ

TAND quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng) vừa đưa vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại 402 đường Lạch Tray ra xét xử công khai.

Điều đáng nói, trong quá trình xét xử, nhiều vấn đề mâu thuẫn chưa được Hội đồng xét xử làm sáng tỏ, thậm chí còn bỏ qua những tình tiết, chứng cứ quan trọng liên quan đến sự trung thực, tính khách quan để buộc tội bị cáo.
 
Bị đâm vào mắt hay chỉ là vết xước trên thành sống mũi trái nạn nhân?
 
Do có mâu thuẫn trong việc tranh chấp xây dựng nhà giữa gia đình ông Nguyễn Quốc Cường ở 404 và gia đình bà Hoàng Thị Thanh Nhàn ở 402 đường Lạch Tray (Hải Phòng), dẫn đến hai bên xảy ra xô xát.
 
dsc_4395.JPG
Bị cáo Nhàn và ông Cường (áo bộ đội) tại phiên tòa.
Theo Kết luận Điều tra vụ án hình sự của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận Ngô Quyền, bà Nhàn đã dùng cây sào tre phần đầu cắm thanh sắt đâm một nhát trúng ống đồng chân trái ông Cường, làm ông Cường khuỵu xuống ôm chân. Khi ngẩng đầu lên, ông Cường bị bà Nhàn đâm nhát thứ hai trúng hốc mắt trái ông Cường. Thanh sắt  này có kích thước 1400mm x 10mm x 10mm, được mài sắc, dẹt 1 đầu.
 
Đây cũng là cơ sở để Viện Kiểm sát nhân dân quận Ngô Quyền ra cáo trạng truy tố bà Hoàng Thị Thanh Nhàn với tội danh “Cố ý gây thương tích” vì đã dùng thanh sắt nêu trên đâm vào hốc mắt trái của ông Cường.
 
Theo Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm Pháp y Hải Phòng (số 463/2017/TgT), ông Cường có thương tích vùng mắt trái. Có 2 vết thương góc ngoài mắt trái liền sẹo nhẵn kích thước 0,5cm x 0,2cm và vết thương góc trong mắt trái kích thước 1,5cm x 0,2cm.
 
Với 02 vết thương rách da để lại sẹo nhỏ ở góc trong ngoài mắt trái không đủ tiêu chuẩn ảnh hưởng thẩm mỹ và có tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là 02%.
 
Tuy nhiên, tại Bản Kết luận giám định pháp y của Viện Pháp y Quốc gia (số 16/19/TgT ngày 7/1/2019), sẹo vùng mắt trong góc trái chạy về gốc mũi có sẹo hình vòng cung, đường lõm quay lên. Vết thương này lại có kích thước 1,6cm x 0,2cm, sẹo phẳng, di động. Thương tích 33%.
 
Theo kết luận giám định Viện Pháp y Quốc gia thì mẫu vật để giám định là thanh kim loại dài 1,41cm vuông, chiều rộng mỗi cạnh 1cm, một đầu mài dẹt chỗ rộng nhất là 0,1cm, nặng 110g. Mẫu vật này có thể gây nên được thương tích cho ông  Cường.
 
img_0108.JPG
Thanh sắt vuông 10mm x 10mm nhưng chỉ gây cho ông Cường vết thương 1,6cm x 02cm.
Tại phiên tòa, người bị hại là ông Nguyễn Quốc Cường đã khai với Hội đồng xét xử ông bị bà Nhàn dùng một cây sào có cắm thanh sắt với kích thước 1400mm x 10mm x 10mm  “đâm một lần” từ phía thái dương trái đâm sượt vào gây ra thương tích.
 
Hội đồng xét xử cũng đã đưa ra thanh sắt là vật chứng được cho là đã gây ra vết thương cho ông Cường ở mắt bên trái. Theo quan sát của phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, đây là một thanh sắt vuông kích thước 10mm x 10mm,  chiều dài khoảng 1,4m và trọng lượng  trên 1kg. 
 
Thanh sắt ở Tòa đã  được chủ nhân là ông Đặng Minh Tiên (chồng bị cáo) và luật sư chứng minh là không phải thanh sắt mà cơ quan điều tra thu giữ, nó đã bị tráo đổi. Về sự việc này, đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử không có ý kiến phản bác lại sự chứng minh và cáo buộc của luật sư.
 
Với một thanh sắt được mài sắc một đầu, trong quá trình xảy ra xô xát, ông Cường bị đâm một nhát vào hốc mắt trái nhưng vết thương chỉ có kích thước  1,6cm x 0,2cm (kết quả giám định của Viện Pháp y Quốc gia) hay vết thương có kích thước 0,5cm x 0,2cm và 1,5cm x 0,2 cm (kết quả giám định của Trung tâm Pháp y Hải Phòng) mà không bị tổn thương đến vùng xương mặt, cũng như tổn thương đến bất kỳ 1 bộ phận mắt của ông Cường (mắt vẫn còn nguyên vẹn) là điều vô lý.
 
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nhàn đã đặt câu hỏi đối với giám định viên của Trung tâm Pháp y Hải Phòng và đề nghị Hội đồng xét xử làm rõ vết thương trên được gọi là ở vùng mắt trái của ông Cường (theo cách gọi của giám định viên) do đâm hay chỉ là vết xước và nó nếu bị đâm vào vùng mắt thì vào bộ phận nào của mắt.
 
Trước Hội đồng xét xử, hai giám định viên ông Lê Văn Quảng và ông Nguyễn Văn Sáu không trả lời luật sư và cũng không xác định được đây có phải  là vết đâm hay không và từ chối trả lời câu hỏi vào bộ phận nào của mắt.
 
Những vết thương bất thường
 
Tại phiên tòa, người bị hại là ông Nguyễn Quốc Cường đã khai với Hội đồng xét xử, ông chỉ  bị “đâm một lần” vào vùng mặt sượt từ phía thái dương trái nhưng Bản kết luận giám định pháp y về thương tích (bổ sung)  số 16/19/TgT ngày 7/1/2019 của Viện Pháp y Quốc gia được trưng cầu giám định ngày 19/12/2018  đã  kết luận: “Thương tích do vật tày cứng có cạnh tác động trực tiếp vào vùng mắt trái theo hướng từ trước ra sau, hơi chếch từ phải qua trái gây nên tổn thương”. 
 
Với kết luận này của Viện Pháp y Quốc gia, khi được trưng cầu giám định lại thì vết thương trên mặt của ông Cường được hình thành so với  thật sự là điều vô lý.
 
Chưa kể đến trong quá trình khám, giám định và thực nghiệm lại thì các vết thương luôn luôn xuất hiện, tự biến mất và thay đổi một cách khó hiểu và bất thường. Trong tài liệu hồ sơ vụ án, cũng như luận cứ của luật sư thể hiện rõ:
 
Ông Nguyễn Quốc Cường “có phép phân thân ra làm 3” để cùng 1 lúc có mặt cả 3 nơi cách xa nhau hơn 100km.
img_0426.JPG
Bệnh án vào viện của ông Cường. 
 
 12 giờ 30 phút đến 10 giờ  10 phút  ngày 12/8/2017, tại Khoa mắt Bệnh viện Việt Tiệp – Hải Phòng xác định: Rách da góc trong, rách da góc ngoài, tổn thương nông vùng mắt, kích thước sâu 1cm X 1cm, nguyên nhân bị thanh sắt nhọn đâm. Trong phiếu phẫu thuật  có 4 vết khâu.  
 
Chiều 13 giờ cùng ngày 12/8/2017, ông Cường có mặt tại Bệnh viện Mắt trung ương - Hà Nội tại sổ khám bệnh ghi: “Sang chấn đụng dập nhãn cầu, tổn thương rách da mi góc trong ngoài đã khâu”.
 
Cũng trong chiều ngày 12/8/2017, tại Trung tâm Giám định pháp y Hải  Phòng, ông Nguyễn Quốc Cường cũng lại có mặt để khám chứng thương, cho dù bệnh án của Bệnh viện Việt Tiệp ngày 13/8/2017 mới có. Trong  giấy chứng thương của Trung tâm Giám định pháp y Hải phòng ghi rõ: “Khám trực tiếp nạn nhân và theo bệnh án của Bệnh viện Việt - Tiệp”.
 
 Ngày 13/8/2017, bệnh án của Bệnh viện Việt Đức ghi: Rách da góc trong, rách da góc ngoài, tổn thương nông vùng mắt. Nguyên nhân bị lưỡi hái đâm.
 
Ngày 15/8/2017, tại Bệnh viện Lão khoa trung ương, bệnh án ghi bị thương tại “vùng mặt ngay gốc mũi, nguyên nhân bị chém”.
 
Ngày 14/9/2017, tại Trung tâm Giám định pháp y Hải Phòng, các vết thương của các ngày trước biến mất mà xuất hiện vết thương mới được ghi trong kết luận giám định: “Sẹo góc trong, sẹo góc ngoài, kích thước 1,5cm x 0,2 cm, 0,5cm x 0,2 cm". Tại bản ảnh còn có thêm sẹo hình X kích thước mỗi cạnh dài 0,2cm chéo nhau.
 
Ngày 31/10/2017, tại Viện Pháp y Quốc gia, các vết thương của các ngày trước biến mất mà xuất hiện vết thương mới được ghi trong kết luận giám định: “Sẹo góc trong, vết xước da mặt 1,6cm x 0,2 cm; hình vòng cung, sẹo màu hồng, phẳng, di động ; phản xạ kém” nhưng vết thương này không có trong bản ảnh mà bản ảnh thể hiện thêm vết xước nhỏ chạy từ khóe mắt trái xuống gò má dài 2,1cm.
 
Ngày 7/1/2019, tại Viện Pháp y Quốc gia, các vết thương của các ngày trước biến mất mà xuất hiện vết thương mới được thể hiện trên bản ảnh bằng vết sẹo mờ không có kích thước.
 
Như vậy, ban đầu chỉ có 02 vết thương được Pháp y Hải Phòng ghi nhận trong kết luận giám định, nhưng sau nhiều lần khám và giám định lại thì các vết thương ban đầu không  còn. Thêm vào là các vết thương khác không đúng như vết thương ban đầu, hoặc không còn hoặc nằm đúng vị trí như thương tích ban đầu được xác thực trên bản ảnh giám định.
img_0428.JPG
Bị đâm vào hốc mắt nhưng trong bệnh án của ông Cường ghi là "bình thường"
 
Sự thật của các vết thương này, theo điều tra của phóng viên là  hốc mắt và nhãn cầu bình thường, đồng tử 3 mm phản xạ bình thường (điều này cho thấy mắt nạn nhân không tác động bởi bất cứ một vật tày nào dẫn đến tổn thương, do vậy không bị đâm). Trên mặt nạn nhân chỉ có 1 vết xước nông, dài 0,7cm nằm ở cạnh trái sống mũi cách khóe mắt trái 0,8cm. Hoàn toàn không nằm ở vùng mắt như cách nói của các kết luận giám định. Nguyên nhân giảm thị lực của ông Cường là cả 2 mắt đều bị thoái hóa võng mạc và đục thủy tinh thể (kết luận tại bệnh án ngày 15/8/2017 của Khoa mắt Bệnh viện Việt – Tiệp). Cả 2 nguyên nhân này đều bị các cơ quan giám định và cơ quan tiến hành tố tụng quận Ngô Quyền “bỏ quên”.
 
Còn nhiều mâu thuẫn khác mà trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa, khi luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, các cơ quan điều tra, giám định pháp y làm rõ và trả lời trước Hội đồng xét xử những chứng cứ và vật chứng có trong hồ sơ của vụ án đã có dấu hiệu bị làm giả, tráo đổi và  sai lệch, tuy nhiên những đề nghị này không được các cơ quan này trả lời.
 
Tranh tụng tại tòa là một phần trong trình tự xét xử của một phiên tòa, tranh tụng để các bên đưa ra những chứng cứ buộc tội và gỡ tội cho bị cáo, hay để phản bác lại những kết luận chưa chính xác của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử cân nhắc và đưa ra phán quyết cuối cùng. Luật Tố tụng hình sự quy định Hội đồng xét xử ra phán quyết trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa.
 
Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục phản ánh những mâu thuẫn có trong phiên xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” tại Tòa án nhân dân quận Ngô Quyền.
 
 
 
 
 
 
Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top