Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 1 năm 2016 | 10:44

XK nông - lâm - thủy sản: Cần lưu ý tác động của phá giá nông sản

2015 là năm bản lề đối với giao thương nông, lâm, thủy sản (NLTS); năm toàn ngành nỗ lực chuẩn bị “hành trang” để bước vào “thị trường phẳng” toàn cầu, khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA và TPP) đã ký kết hoặc vừa kết thúc đàm phán, Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời… Thế nhưng, sóng gió dồn dập khiến xuất khẩu (XK) NLTS của Việt Nam lần đầu tiên suy giảm sau gần 2 thập kỷ liên tục tăng trưởng mạnh.

Sức bật của rau quả, đồ gỗ

Sản xuất các sản phẩm đồ gỗ để xuất khẩu  (Ảnh An Hiếu-TTXVN).

Những mảng sáng trong bức tranh XK NLTS được vẽ nên bởi: rau quả, tiêu, điều, sản phẩm gỗ… Nhờ khai thông mở cửa thị trường, ngành hàng rau quả đã tạo ra sức bật đột phá với kim ngạch XK 1,83 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng ngoạn mục 23,4%  so với năm 2014. Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, tăng 139% so với năm ngoái, chiếm 64,2% tổng kim ngạch XK rau quả nước ta. Đáng chú ý là thị trường Campuchia, tăng trưởng mạnh nhất, tới 215,7%. Nhiều loại trái cây như: nhãn, vải, xoài đã tiếp cận thị trường  Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản…  Việc tiếp cận được những thị trường khó tính là do, thời gian qua, nước ta có nhiều diện tích rau quả đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ngành hàng gỗ và lâm sản cũng có một năm thắng lớn, XK tăng trưởng ngoạn mục với kim ngạch lên tới 6,77 tỷ USD, tăng 8,7% so với năm 2014. Các thị trường có giá trị tăng mạnh như: Ấn Độ tăng 64,45%, Hoa Kỳ tăng 17,8%, Đức tăng 10,04%. Thành công có được là nhờ các doanh nghiệp (DN) kinh doanh đồ gỗ biết tận dụng ưu thế nhân công và kỹ thuật, chớp lấy cơ hội thị trường khi châu Âu đang giảm sản xuất đồ gỗ. Đồng thời, trong bối cảnh Trung Quốc, quốc gia sản xuất đồ gỗ nhiều nhất hế giới, đang bị áp lực về thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ thì Việt Nam đã tận dụng ưu thế để giành lấy thị trường.

Các mặt hàng tiêu, điều vẫn giữ được đà tăng trưởng. XK điều năm 2015 đạt 328.000 tấn với kim ngạch 2,39 tỷ USD, tăng 8,3% về khối lượng và 20,2% về giá trị so với năm 2014. Với ngành hàng tiêu, do nhu cầu của thế giới tăng cao nên giá tiêu XK cao chưa từng thấy. Giá hạt tiêu đen XK của Việt Nam năm nay lên mức kỷ lục, 9.300 - 9.700 USD/tấn. Chớp lấy thời cơ đó, nước ta XK 135.000 tấn tiêu, đem về 1,26 tỷ USD trong năm 2015, giảm 13% về khối lượng nhưng tăng 5% về giá trị so với năm 2014. 

Nhiều sóng gió

Cho dù nhiều vệt sáng, nhưng mảng tối vẫn là gam màu chủ đạo trong bức tranh XK NLTS năm 2015. Ngành lúa gạo đã trải qua một năm long đong, khi suốt nửa đầu năm, các hợp đồng XK ký kết được rất thấp, khiến DN trong nước chỉ thu mua lúa cầm chừng. Cho dù về cuối năm, thị trường lúa gạo sôi động trở lại nhờ trúng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines và 1 triệu tấn gạo cho Indonesia đã giúp XK gạo tăng 5,8% về khối lượng nhưng do ảnh hưởng của giá giảm, kim ngạch XK gạo vẫn giảm 2,9% so với năm trước, với kết quả 6,7 triệu tấn và 2,85 tỷ USD trong năm vừa qua.

Ngành hàng cà phê đã trải qua một năm bết bát. Giá cà phê XK giảm, kéo theo giá nội địa thu mua từ nông dân bị đẩy xuống đáy vực, từ mức 41 triệu đồng/tấn đầu vụ thu hoạch xuống chỉ còn 32-33 triệu đồng/tấn. XK cà phê năm 2015 được 1,28 triệu tấn với tổng giá trị 2,56 tỷ USD, giảm 24,6% về khối lượng và giảm 28,1% về giá trị so với năm 2014. Ngành hàng cao su cũng không khá khẩm hơn, tuy khối lượng XK đạt 1,13 triệu tấn, tăng 6,1% nhưng kim ngạch chỉ còn 1,52 tỷ USD, giảm 14,4% về giá trị so với năm 2014. Giá cao su XK bình quân cả năm 2015 đã giảm khá mạnh, giảm tới 18,74% so với năm trước.

2015 cũng là một năm không thuận lợi của ngành thủy sản Việt Nam. Giá trị XK thủy sản cả năm 2015 chỉ đạt 6,53 tỷ USD, giảm 16,5% so với năm 2014.

Hầu hết các mặt hàng NLTS Việt Nam đã bị giảm năng lực cạnh tranh về giá khi các đối thủ cạnh tranh lớn phá giá. Những năm trước đây, gạo Việt Nam có giá bán khá cạnh tranh so với gạo của Thái Lan và Ấn Độ, nhưng do tác động của chính sách tỉ giá trong và ngoài nước nên giá bán trong năm 2015 xấp xỉ bằng nhau. Nếu như năm 2014, Trung Quốc nhập hơn 60% gạo Việt Nam thì năm 2015 có tới 12% thị phần trong số này đã bị Thái Lan, Campuchia và Pakistan chia nhau giành lấy.

Năm 2015, Việt Nam cũng đánh mất nhiều thị phần XK tôm trên thị trường Mỹ vào tay các nước Ấn Độ, Indonesia... cũng bởi giá tôm của các nước đó xuống thấp hơn.

Đối với thị trường cà phê, giá cà phê Arabica của Brazil và Colombia giảm mạnh do nội tệ hai nước trên giảm giá. Điều này đã tác động trực tiếp tới XK cà phê Robusta của Việt Nam.

Trước ngưỡng cửa thị trường phẳng toàn cầu

Một vấn đề nóng lên trên khắp các diễn đàn, các cuộc hội thảo về giao thương nông sản trong năm qua là ngành nông nghiệp sẽ chịu tác động như thế nào khi hội nhập sâu và rộng với thế giới.  Năm 2015, Việt Nam đã ký các FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á- Âu (EEU), kết thúc đàm phán FTA Việt Nam-EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đặc biệt, Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời vào cuối năm 2015, theo cam kết trong khối, thuế xuất nhập khẩu hầu hết các mặt hàng NLTS giữa các nước sẽ trở về 0%. Hiệp định về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) cam kết đến năm 2018, chỉ còn 67 dòng sản phẩm NLTS còn duy trì thuế, toàn bộ 80 sản phẩm áp thuế 5% sẽ giảm xuống 0%. Cam kết tại VJFTA với Nhật Bản, có 93 dòng nông sản cắt giảm thuế còn 5-10%. 

TS.Trần Công Thắng, Phó viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), cho hay, hiện XK NLTS của Việt Nam vào thị trường các nước thành viên TPP chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch của ngành hàng này. Các sản phẩm còn nhiều dư địa để giảm thuế quan, đem lại lợi thế XK là gạo, rau quả thô, rau quả chế biến, thủy sản chế biến. Đối với rau quả, cam kết TPP sẽ xóa bỏ thuế quan ngay với quả tươi; lộ trình giảm 3-5 năm với quả chế biến. Với thủy sản, phần lớn các sản phẩm XK ở dạng nguyên liệu hoặc sơ chế hiện đã có thuế suất thấp tại TPP, nên dư địa để tăng tốc không cao. Nhưng chúng ta còn nhiều dư địa giảm thuế ở các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng lớn. Ở mặt hàng gạo, khi TTP có hiệu lực, Việt Nam có nhiều cơ hội tăng tốc XK vào Mỹ, Australia, Mexico, Uruguay vì các nước này có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trong 8-10 năm. Ở mặt hàng cà phê, các nước TPP đều cam kết đưa thuế suất nhập khẩu về 0%, chỉ riêng Mexico là đưa ra thuế suất 20% khi nhập khẩu Robusta của Việt Nam. Việt Nam XK rất mạnh đồ gỗ ngoại thất, nội thất vào Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… Thuế suất nhập khẩu của nhóm gỗ và sản phẩm gỗ trong khu vực TPP sẽ gần bằng 0%, nên ngành gỗ nước ta hưởng lợi lớn.

Tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức

Trên cơ sở phân tích những biến động của kinh tế thế giới, Ipsard cho rằng, XK NLTS Việt Nam trong năm 2016 và những năm tới cần lưu ý tác động của việc phá giá nông sản­ đến từ các đối thủ cạnh tranh ngày càng lớn; mức cầu của thế giới về nông sản giảm do dư nguồn cung. Trong ngắn hạn có thể tận dụng thị trường Mỹ do đồng USD có mức giá cao, xúc tiến thương mại đẩy mạnh XK các mặt hàng Việt Nam có lợi thế vào thị trường này như: thủy sản, cà phê, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ. Cần kết nối các hợp đồng xuất khẩu gạo sang các thị trường Indonesia,  Malaysia, Philippines vì các nước này có thể thiếu hụt nguồn cung trong năm 2016. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường XK gạo, chú ý tới các thị trường Bờ Biển Ngà, Ghana, Mỹ, UAE. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển chính ngạch thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng có thể XK như sắn, rau quả, cao su, điều, gỗ và sản phẩm gỗ, tôm. Hướng đi của cà phê nên mở rộng ở các thị trường Hàn Quốc, Ailen, Nga, Australia, Thái Lan… Rau quả nên mở cửa thêm ở Anh, Đức, UAE.

Kim ngạch thủy sản suy giảm mạnh trong năm 2015 cho thấy giá trị XK đã tới ngưỡng khó vượt qua. “Tôi cho rằng Việt Nam có thể đẩy mạnh nuôi cá biển. Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã nghiên cứu 3 năm nay. Nếu có được 1 triệu tấn cá biển bằng công nghệ nuôi công nghiệp trong 5 năm từ bây giờ đến 2020, chúng ta sẽ có từ 5 - 7 tỷ USD XK”, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhận định.

PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, cạnh tranh hàng NLTS không chỉ ở giá và chất lượng, mà còn ở kênh phân phối. Các DN nước ta thay vì phó mặc kênh phân phối cho các đối tác nước ngoài, thì cần gấp rút thiết lập kênh phân phối sản phẩm ở các nước. Nếu chúng ta cải cách thể chế chậm thì sẽ mất năng lực tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế. Thuế nhập khẩu từ đối tác thấp, nhưng nếu thủ tục XK phức tạp quá, nhiều giấy phép chuyên ngành không thực sự cần thiết thì chi phí XK vẫn cao, khó cạnh tranh. Bởi vậy, Nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục thông quan, ưu đãi thuế cho các DN có thành tích XK tốt.

Với thành tích XK đạt gần 31 tỷ USD vào năm 2014, tăng 11,2% so với năm 2013, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra mục tiêu XK 32 tỷ USD NLTS trong năm 2015. Thế nhưng, kết quả không như kỳ vọng, kim ngạch XK của toàn ngành nông nghiệp trong năm vừa qua chỉ được 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với năm 2014.  Bức tranh XK NLTS đan xen giữa những mảng sáng và khoảng tối.

  Chu Khôi

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top