Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 30 tháng 12 năm 2017 | 8:27

Xử lý nghiêm vi phạm cho thuê đất mương thoát nước tại Hà Nội

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp xử lý vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng, sử dụng các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô trên địa bàn thành phố Hà Nội.

>> Mương Phan Kế Bính bị “xẻ thịt”

Thông báo kết luận nêu rõ, theo quy định của pháp luật về đất đai thì mương thoát nước là đất xây dựng công trình công cộng, thuộc trường hợp Nhà nước giao để quản lý mà không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, việc UBND thành phố Hà Nội ra quyết định cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mương thoát nước Phan Kế Bính (thời hạn 20 năm), mương thoát nước Nghĩa Đô (thời hạn 50 năm) cho doanh nghiệp với hình thức sử dụng riêng, trong đó mương thoát nước Phan Kế Bính đã được quy hoạch sử dụng để mở rộng đường Phan Kế Bính là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và quy hoạch.

Các doanh nghiệp được thuê đất mương thoát nước để "cống hóa" làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ nhưng phần lớn diện tích đất mương sau khi "cống hóa" đã được cho thuê xây dựng showroom, văn phòng, nhà hàng, một phần diện tích bị chuyển nhượng, diện tích đất dành cho trồng cây xanh lại sử dụng làm sân bê tông là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đất đai và xây dựng.

Chủ trương của UBND thành phố Hà Nội về dùng quỹ đất sạch, quỹ đất 20% trong các khu đô thị và quỹ đất khác tương đương với giá trị công trình mà doanh nghiệp đã xây dựng trên mương thoát nước Phan Kế Bính để giao cho Công ty cổ phần Đa Quốc Gia thực hiện dự án đầu tư kinh doanh và giao cho Công ty này làm chủ đầu tư dự án mở rộng đường Phan Kế Bính là không có cơ sở pháp luật, có nguy cơ thất thoát nguồn lực của Nhà nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẩn trương kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm nói trên theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

- Thu hồi các quyết định cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô đã cấp cho doanh nghiệp; xử lý đối với đất sử dụng sai mục đích, các công trình xây dựng không phép, sai phép và giải quyết các vấn đề phái sinh, liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

- Dự án mở rộng đường Phan Kế Bính phải công khai để Nhân dân biết, giám sát và phải thực hiện đấu thầu dự án minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật.   

- Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật đối với các cơ quan, cá nhân có liên quan đến các vi phạm trong việc cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các mương thoát nước Phan Kế Bính, Nghĩa Đô và quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện các ý kiến chỉ đạo nêu trên trước ngày 01/4/2018./.

Quán bia hơi Hải Xồm chiếm trọn một góc phố Phan Kế Bính.

Trước đó, báo Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, tại khu đất rộng hàng nghìn mét vuông nằm ở đầu đường Phan Kế Bính thuộc địa bàn phường Cống Vị từ nhiều năm nay liên tục mọc lên các nhà hàng kinh doanh. Điều này hoàn toàn trái ngược với mục đích sử dụng của khu đất vì nơi đây được TP.Hà Nội chủ trương xây dựng bãi đỗ xe.

Cụ thể, năm 2008, khu vực mương Phan Kế Bính được UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho Công ty CP Đa quốc gia đầu tư thực hiện dự án cống hóa mương Phan Kế Bính. Ngày 24/2/2009, UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đa quốc gia (với Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103001928 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp lần đầu ngày 03/3/2003) với tổng diện tích 6.078m2.

Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ mục đích sử dụng đất để cống hoá mương Phan Kế Bính sử dụng làm bãi đỗ xe và công trình phụ trợ (đất giao thông có kinh doanh). Cụ thể, ô số 1 = 537,6m2; ô số 2 = 1,287m2 để làm bãi để xe ô tô; ô số 3 = 4.253,4m2 để làm bãi để xe ô tô, dịch vụ, nhà rửa xe và công trình phụ trợ. Thời hạn sử dụng đất là 20 năm, kể từ ngày 24/6/2008. Vậy nhưng, cho tới nay, chỉ có ô đất số 01 được sử dụng làm bãi đỗ xe. Toàn bộ phần diện tích còn lại “biến tướng” thành nhà hàng, quán nhậu…

Nhà hàng Hải sản Phố hoạt động rầm rộ ở phố Phan Kế Bính.

Ghi nhận tại thực địa thấy, tại ô đất số 3 là nhà hàng Hải sản Phố có diện tích khá lớn và nhiều công trình kiên cố khác nằm xung quanh. Tại ô đất số 2 xuất hiện nhà hàng bia hơi, khu đất trống nằm bên cạnh được sử dụng làm bãi để xe cho khách vào quán bia này, cạnh đó là nhiều cửa hàng kinh doanh.

Đáng nói hơn, từ cuối tháng 4/2017 có chỉ đạo từ Chính phủ, hàng nghìn mét vuông mương Phan Kế Bính vẫn tiếp tục bị “xẻ thịt”.

Vi phạm trên diễn ra nhiều năm, khu đất này ở vị trí đắc địa, lại nằm đối diện UBND quận Ba Đình, thế nhưng, các cấp chính quyền phường Cống Vị, quận Ba Đình lại có dấu hiệu “làm ngơ” giúp “con voi” chui lọt lỗ kim, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tự ý chuyển nhượng, dẫn tới dấu hiệu sai phạm mục đích đầu tư của dự án mà không bị “tuýt còi”, xử lý triệt để.

P.V

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top