Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 10 tháng 10 năm 2018 | 1:13

Xử lý vi phạm tại số 2 Bà Triệu: Liệu có "đánh trống bỏ dùi”?

Hai quyết định cưỡng chế đều hết thời gian áp dụng nhưng vi phạm tại công trình số 2 Bà Triệu (phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn chưa bị xử lý.

UBND quận Hoàn Kiếm đã  hai lần ra quyết định yêu cầu khắc phục hậu quả và cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình số 2 Bà Triệu.
 
Trong khi cả hai quyết định đã hết hạn nhưng công trình vi phạm trên vẫn chưa dỡ bỏ các hạng mục xây sai với giấy phép xây dựng. Đã hai tháng kể từ ngày phóng viên báo Kinh tế nông thôn gửi giấy giới thiệu, đặt lịch làm việc nhưng UBND phường Tràng Tiền vẫn cố tình "né" làm việc với báo chí?!
 
Chỉ rõ vi phạm
 
Liên quan tới vi phạm tại công trình số 2 Bà Triệu (phường Tràng Tiền), do bà Vũ Thúy Nga làm chủ đầu tư, ngày 27/7/2018, UBND quận Hoàn Kiếm có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chỉ rõ, chiều cao công trình: lớp ngoài là 15,3m đến mái tầng 4; lớp trong 24 m đến mái tum thang. Tổng có 2 tầng hầm 6 tầng nổi tầng lửng tum thang.
 
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, bà Nga đã xây dựng sai phép, quy mô 1 tầng hầm 7 tầng nổi tầng lửng tum thang. Cụ thể, nâng chiều cao tầng 1 thành 6,6m/5,4m, trong đó chiều cao tầng lửng thành 3,3m/2,7m; đổ sàn BTCT tầng lửng diện tích 100,8m2/65,7m2. Chiều cao tầng 2,3,4 mỗi tầng thành 3,3m/3,2m. Nâng chiều cao tầng 5,6 mỗi tầng 3,3m/3,0m. Nới rộng diện tích xây dựng các tầng 2,3,4,5,6 không để mật độ theo giấy phép (chỉ để 5,3m2/37m2 được cấp phép).
1.jpg
Phần sai phép tại công trình số 2 Bà Triệu đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cùng với đó, cần làm rõ vi phạm của công trình 4 Bà Triệu cũng xây vượt tầng. 

 

Mở rộng tum thang thành tầng 7 cao 3,3m, diện tích 100,3m2/25,1m2, vượt 75,2m2 so với giấy phép được cấp. Xây dựng tum thang trên tầng 7 diện tích 30,1m2, cao 3,5m, không có trong giấy phép xây dựng.
 
Các hành vi vi phạm trên, Đội Thanh tra xây dựng quận Hoàn Kiếm đã lập 4 biên bản vi phạm hành chính. Ngày 28/12/2017, UBND phường Tràng Tiền ra quyết định đình chỉ thi công công trình vi phạm. Ngày 30/12/2017, chủ đầu tư có đơn gửi UBND phường cam kết sẽ hạ độ cao các tầng, để đảm bảo độ cao công trình theo đúng giấy phép được cấp. Nhưng sau đó, chủ đầu tư đã vi phạm cam kết và tiếp tục thi công sai phép.
 
 “Đánh trống bỏ dùi”?
 
Được biết, ngày 24/7/2018, UBND quận Hoàn Kiếm có Quyết định 2232/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm tại công trình số 2 Bà Triệu. Theo đó, bà Nga phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do đã có hành vi vi phạm hành chính. Biện pháp khắc phục hậu quả, bà Nga phải dỡ bỏ các hạng mục xây sai với giấy phép xây dựng. Thời gian khắc phục hậu quả 45 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.
2.jpg

 

20.jpg
Ngày 24/7/2018, UBND quận Hoàn Kiếm có Quyết định 2232/QĐ-KPHQ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm tại công trình số 2 Bà Triệu.

 

Tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí, ngày 21/8/2018, Văn phòng UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến Trúc thông báo ý kiến của ông Nguyễn Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội về vi phạm tại số 2 Bà Triệu.
 
Văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thực hiện đúng chỉ đạo tại Văn bản 5579/VP-ĐT ngày 19/7/2018, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật, quy hoạch và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đã được phê duyệt về các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc khi thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng.
 
Đôn đốc UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng theo đúng thẩm quyền, đúng quy định; Báo cáo thành phố kết quả thực hiện (đề xuất xử lý trong trường hợp vượt thẩm quyền); thông tin báo chí những nội dung thuộc thẩm quyền xử lý; tổng hợp tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố để báo cáo theo quy định.
3.jpg

 

30.jpg
Ngày 13/9/2018, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục ra Quyết định số 2661/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình số 2 Bà Triệu.

 

Ngày 13/9/2018, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục ra Quyết định số 2661/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình số 2 Bà Triệu. Trong quyết định có nêu, trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, bà Vũ Thúy Nga có trách nhiệm thực hiện quyết định. Nếu quá thời hạn mà bà Vũ Thúy Nga không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.
 
Điều đáng nói, cả hai quyết định do UBND quận Hoàn Kiếm ban hành đối với công trình số 2 Bà Triệu đều đã hết thời hạn theo quy định. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn “bình chân như vại”, dường như không hề có bất cứ hành động nào tác động đến công trình. Điều này khiến cho dư luận không khỏi bức xúc, hoài nghi: Liệu có tình trạng “đánh trống bỏ dùi”?
 
Đá bóng trách nhiệm!
 
Mới đây, liên quan đến xử lý vi phạm tại công trình số 2 Bà Triệu, phóng viên báo Kinh tế nông thôn có buổi làm việc với ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm. Ông Trung cho hay: “Ngày 26/7/2018, đã gửi Quyết định 2232/QĐ-KPHQ của UBND quận Hoàn Kiếm ban hành ngày 24/7/2018 cho chủ đầu tư công trình số 2 Bà Triệu, trong vòng 45 ngày chủ đầu tư tự khắc phục hậu quả, tính ra là đến ngày 10/9/2018 là hết thời gian tự khắc phục.
 
Ngày 13/9/2018, UBND quận ban hành Quyết định số 2661/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả có thời gian thực hiện là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, đến ngày 3/10/2018 là hết thời hạn.
 
Liên quan đến vấn đề này, UBND phường Tràng Tiền đã có báo cáo, hiện chủ đầu tư vẫn chưa có nội dung hoạt động tháo dỡ nào liên quan đến việc khắc phục hậu quả. Phường có báo cáo là đã ký hợp đồng với một công ty có pháp nhân để xây dựng phương án tháo dỡ và biện pháp thi công để thực hiện quyết định cưỡng chế này.
 
Trong quyết định đã nêu rõ, nếu bà Vũ Thúy Nga không tự khắc phục thì sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ, đơn vị chỉ là giám sát việc tháo dỡ công trình vi phạm của công ty này.
 
Liên quan đến công trình số 2 và số 4 Bà Triệu, anh có kiểm tra bên ngoài thì đang có biểu hiện hai công trình hợp khối với nhau. Qua trao đổi thì được biết hai công trình này là cùng một chủ.
 
Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã cố tình không hợp tác với chính quyền, không tự khắc phục hậu quả những lỗi vi phạm. Quận đã giao UBND phường Tràng Tiền tổ chức thực hiện kế hoạch tháo dỡ”.
 
Liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng tại số 2 Bà Triệu, trách nhiệm người để xảy ra sai phạm mà không kịp thời phát hiện xử lý theo quy định, ông Trung cho hay: “Trong quá trình nhận công tác tại đây, tôi đã làm đầy đủ các trình tự, thủ tục theo đúng quyết định liên quan đến xử lý. Về trách nhiệm người đứng đầu của đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, tôi đã yêu cầu cán bộ quản lý địa bàn báo cáo và trách nhiệm phải là Chủ tịch UBND phường trong việc thực hiện các quyết định của quận đã ban hành. Quan điểm của Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị và UBND quận Hoàn Kiếm là quyết liệt xử lý công trình vi phạm này”.
 
Để có thông tin khách quan về xử lý vi phạm tại công trình số 2 Bà Triệu, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn gửi giấy giới thiệu, đặt lịch làm việc 2 tháng nay nhưng UBND phường Tràng Tiền vẫn cố tình "né" làm việc với báo chí?!
 
 
 
Nhóm PV
Ý kiến bạn đọc
  • Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Chó thả rông, hiểm họa lớn

    Tình trạng chó thả rông cắn người gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng xảy ra không chỉ ở vùng nông thôn, ngoại thành, mà ngay cả ở các thành phố lớn. Rất nhiều người từ già đến trẻ bị chó thả rông tấn công dẫn đến tử vong hoặc mang thương tích.

  • Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Tình trạng tự phát cắm cọc nuôi vẹm trong đầm, vịnh: Tăng cường quản lý

    Thời gian qua, trong đầm, vịnh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, việc người dân tự phát cắm cọc, giăng dây nuôi vẹm xanh, vẹm đất ở ngoài vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản (NTTS) đã để lại nhiều hệ lụy. Cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương ven biển đang triển khai nhiều giải pháp nhằm vận động người dân tháo dỡ, không để phát sinh khu vực nuôi mới.

  • Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang xử lý 234 trường hợp vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều

    Bắc Giang tồn tại 234 trường hợp vi phạm về thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai. Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu các sở, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Top