Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 25 tháng 3 năm 2019 | 11:40

Xuất khẩu cá tra: Nhiều cơ hội bứt phá

Năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD.

2.jpg
Các tỉnh ĐBSCL đề nghị kiểm soát chặt vùng nuôi cá tra, không mở rộng ào ạt tránh thừa nguyên liệu, dẫn tới rớt giá. Ảnh: Huỳnh Lợi

Để đạt được mục tiêu trên, các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, tập trung vào nâng cao chất lượng con giống, mở rộng thị trường xuất khẩu...

Tăng trưởng ngoạn mục

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2018, cá tra là ngành hàng có sự đột phá lớn, dành thắng lợi trọn vẹn, từ vùng nuôi, thu mua chế biến và xuất khẩu, chất lượng được nâng lên, thị trường đầu ra mở rộng.

Cụ thể, đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp đưa ngành hàng cá tra tăng trưởng vượt bậc với tính liên kết tăng cao, sản phẩm đa dạng (hơn 80 mặt hàng). Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi khoảng 5.400ha cá tra thương phẩm (tăng 3,25%); trong đó, diện tích nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP đạt 3.834ha; sản lượng thu hoạch hơn 1,42 triệu tấn (tăng 13,6%).

Năm 2018, giá cá tra thương phẩm dao động khoảng 29.000 đồng/kg, cao hơn bình quân năm 2017 là 4.000 đồng/kg. Riêng thời điểm tháng 10/2018, giá cá tra cao đỉnh điểm, đạt 35.000 - 36.000 đồng/kg. Nhờ giá duy trì mức cao, đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt 2,26 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cá tra có tăng trưởng vượt bậc bởi nhiều yếu tố như: các doanh nghiệp chế biến đã nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức sản xuất theo chuỗi từ con giống đến chế biến, tiêu thụ giúp các doanh nghiệp chủ động nguồn cung để đưa ra thị trường.

Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm (FSIS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đề xuất công nhận cá tra, basa Việt Nam có hệ thống kiểm soát chất lượng tương đương cá da trơn Mỹ và đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời, thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm giúp thị trường quan trọng này tăng trưởng vượt bậc. Theo đó, nhờ giá trị tăng trưởng tốt của một số thị trường lớn truyền thống, như: Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN… đã kéo tổng giá trị xuất khẩu cá tra tăng lên.

Bà Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư Tỉnh ủy An Giang, cho biết, năm 2018, ngành hàng cá tra của An Giang đã có sự tăng trưởng mạnh cả về diện tích nuôi, sản lượng thu hoạch và kim ngạch xuất khẩu. Những năm tới, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, địa phương và người nuôi, chắc chắn con cá tra sẽ tiếp tục phát triển, bơi xa vươn tầm thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, việc quản lý cá tra khá đồng bộ trên các mặt. Đặc biệt, từ người nuôi đến doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp xuất khẩu…, ai tham gia vào ngành hàng cá tra “đều cùng cười”. Có thể nói, ngành cá tra đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc trên nhiều mặt, tính liên kết tăng cao; sản phẩm ngày càng được đa dạng với hơn 80 mặt hàng, trong đó có những sản phẩm giá trị cao.

“Hiện, các doanh nghiệp đã vượt qua được những tiêu chuẩn mà các thị trường khó tính đặt ra. Nhiều doanh nghiệp nhận định rất rõ thời cơ và thách thức để ứng phó phù hợp; tích cực đầu tư lâu dài vào cá tra từ con giống tốt, vùng nuôi tiêu chuẩn… Có được kết quả nói trên là cả một quá trình kiên trì phát triển hơn 20 năm qua của ngành cá tra”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần đổi mới tư duy

Năm 2019, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra với sản lượng 1,51 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỷ USD.

Theo ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, để phát triển bền vững ngành cá tra không nên mở rộng diện tích, sản lượng quá nhiều, tránh xảy ra cung vượt cầu. Bây giờ cần tập trung đầu tư nâng cao chất lượng; tiếp tục mở rộng thị trường, chú ý khôi phục thị trường EU và phát triển thị trường Ấn Độ….

Ông Tới cho biết, Công ty cổ phần Nam Việt vừa khởi công Dự án Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú, rộng 600ha, tổng vốn đầu tư  4.000 tỷ đồng. Dự án được đầu tư trang thiết bị đồng bộ, công nghệ hiện đại, chuyên sâu mang tầm cỡ khu vực. Hướng đến hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín bền vững ngành cá tra. Từ đó, tăng thị phần xuất khẩu cá tra tại các thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới…

Đồng quan điểm, ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản  cho biết, Tổng cục đang cùng doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cá tra phi lê chất lượng cao; nghiên cứu, bổ sung thêm hàm lượng các chất dinh dưỡng, để chất lượng cá tra phi lê cao hơn; cải tiến quy trình công nghệ chế biến, để sản phẩm cá tra phi lê xuất khẩu chất lượng tốt hơn.

Theo các chuyên gia, người nuôi và doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển công nghệ thông minh. Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Giống là khâu then chốt

Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, cần nhanh chóng đầu tư sản xuất con giống đang thiếu hụt hiện nay. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát những nơi không có quy hoạch phát triển cá tra trước đây, nhưng nay đầu tư nuôi cá tràn lan sẽ dễ dẫn tới nguy cơ thừa nguyên liệu, rớt giá….

Cùng quan điểm này, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết, Hiệp hội đang thúc đẩy cải thiện chất lượng ngành hàng cá tra theo hướng tập trung vào việc cải thiện chất lượng con giống như quy trình ương nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học, vắc-xin… để tăng sức đề kháng cho cá giống.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý: Sau 3 năm tăng trưởng, nguy cơ bùng nổ diện tích, dịch bệnh trên cá tra là rất lớn, cần đề phòng ngay từ bây giờ. Giải pháp lúc này là không nuôi tự phát tràn lan; cần đẩy mạnh liên kết để siết chặt kiểm soát, quản lý…

Tập trung ứng dụng những công nghệ mới nhất vào ngành hàng cá tra trên các mặt; trong đó giống là khâu then chốt của chuỗi cá tra, cần đầu tư mạnh hơn và chủ động con giống. Tiến tới xây dựng ngành hàng cá tra theo hướng tập trung, chất lượng, hiệu quả, bền vững…

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các địa phương, doanh nghiệp, người nuôi cá tra cần tuân thủ quy định liên quan đến quản lý ngành cá tra, đặc biệt là việc kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đảm bảo chất lượng con giống, chất lượng vật tư thủy sản và sản phẩm được kiểm soát tốt. Những công nghệ mới nhất cần được ứng dụng vào ngành hàng cá tra; trong đó, giống là khâu then chốt của chuỗi cá tra.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, quan điểm của tỉnh là không phát triển tràn lan, không chạy theo số lượng… mà tập trung đầu tư chất lượng từ khâu con giống, quy hoạch vùng nuôi hợp lý có đầu tư, bao tiêu giữa doanh nghiệp với nông dân.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đầu tư khoảng 146 tỷ đồng để thực hiện “Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao”, diện tích 400ha ở các huyện Hồng Ngự, Châu Thành, Cao Lãnh và thị xã Hồng Ngự. Đây được xem là hướng đi bền vững cho ngành cá tra.

Với với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỷ USD năm 2019 là rất khả thi.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top