Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 4 năm 2018 | 14:23

Xuất khẩu rau quả: Gỡ nút thắt để tiến xa

Với giá trị xuất khẩu 3,45 tỷ USD, rau quả đã vượt qua cà phê để đứng hàng thứ 4 sau thủy sản, gỗ và điều trong top những mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam năm 2017.

152.jpg
Ngày 10/4, trái chôm chôm của Việt Nam đã được phép vào New Zealand.

 

Tuy nhiên, để đạt được thành tích xuất khẩu đó, chất lượng rau quả phải đáp ứng các điều kiện kiểm soát về dịch hại rất nghiêm ngặt.

Kỳ vọng nối dài kỳ tích

Thời gian gần đây, những tín hiệu khả quan về xuất khẩu rau quả vẫn tiếp tục, khi  trái vú sữa tươi của Việt Nam đã được Mỹ đồng ý nhập khẩu; xoài Việt cũng có mặt ở các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc…; vải thiều Lục Ngạn chính thức đến với người tiêu dùng Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản... Tính đến thời điểm này, rau quả của Việt Nam đã có mặt tại hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Mới đây nhất (ngày 10/4), trái chôm chôm của Việt Nam đã được phép nhập cảnh vào New Zealand. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, hai nước đã chính thức ký kết Chương trình đảm bảo xuất khẩu chôm chôm. Cụ thể, chôm chôm trồng tại vườn phải lập hồ sơ đăng ký và Cục Bảo vệ thực vật sẽ cấp mã số sau khi đáp ứng các biện pháp canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại, sản xuất theo đúng quy định và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách).

Có thể nói, năm 2017 là năm bứt phá của ngành hàng rau quả trong bức tranh tổng thể của nông nghiệp Việt Nam, khi xuất khẩu rau quả mang về 3,45 tỷ USD, vượt 500 triệu USD so với mục tiêu đề ra. Đây là mức kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay của ngành hàng rau quả. 

Không chỉ đạt dấu ấn tăng trưởng cao kỷ lục, đây cũng là năm đầu tiên ngành rau quả đã xuất siêu gần 2 tỷ USD, góp phần làm tăng giá trị trong ngành nông nghiệp Việt Nam, giúp nông dân tăng thu nhập và góp phần phát triển kinh tế đất nước. Với mức tăng 40,5% so với năm 2016, xuất khẩu rau quả hiện đã vượt xa một số mặt hàng nông sản chủ lực khác như gạo, cao su, chè, hạt điều... 

Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, ông Đinh Cao Khuê, cho rằng, rau quả Việt có nhiều tiềm năng để phát triển, trong đó để khẳng định vị thế và nâng giá trị hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp nên đẩy mạnh làm trái cây chế biến, giúp tăng giá trị của các sản phẩm lên 10 - 20 lần so với trái cây tươi.

Theo Zion Research, công ty chuyên đánh giá, dự báo thị trường nông sản thế giới, thị trường rau quả chế biến toàn cầu đang có mức tăng trưởng khoảng 8%/năm và có thể đạt quy mô 319,9 tỷ USD vào năm 2020. Các chuyên gia nhận định, tiềm năng xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn rất lớn. Nếu các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu khó tính, kiểm soát tốt chất lượng đầu vào thì kim ngạch xuất khẩu rau và trái cây của Việt Nam có thể lên tới 5 tỷ USD/năm ngay trong năm 2018.

Muốn đi xa, phải tuân thủ luật

Kết quả đáng mừng trên cho thấy, sản phẩm rau quả của Việt Nam đang đi từng bước vững chắc trong hành trình xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam” trên thị trường thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nông sản chủ lực truyền thống liên tiếp gặp khó khăn, thị trường thu hẹp thì bước tiến ngoạn mục ngành rau quả đã góp phần không nhỏ cho mục tiêu phát triển chung của ngành nông nghiệp Việt Nam. 

Đáng chú ý, các thị trường có yêu cầu về kiểm dịch thực vật khắt khe nhất thế giới (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đều đã mở cửa cho quả tươi của Việt Nam. Kết quả này góp phần nâng cao uy tín nông sản Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tiếp cận các thị trường khác trên thế giới, góp phần đa dạng hoá thị trường và tạo động lực cho người sản xuất theo hướng hàng hoá và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam. Bởi lẽ, quả tươi xuất khẩu được đi những thị trường này phải qua quá trình đàm phán từ 3 đến 10 năm.

Khi một loại quả tươi được các nước này cấp “visa” nhập khẩu tức là Việt Nam đã đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật từ vùng trồng, quá trình canh tác đến thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản, xử lý sau thu hoạch (chiếu xạ hoặc hơi nước nóng),… Còn lại, trên thương trường quốc tế, trái cây Việt phải cạnh tranh về mặt thương mại với các nguồn cung khác để có chỗ đứng trên thị trường.

Vì thế, việc trái cây Việt Nam có được chỗ đứng và xuất khẩu tăng trưởng tại các thị trường khó tính như Nhật (tăng trưởng hơn 69%), Mỹ (tăng gần 21%), Úc (tăng hơn 11%),… có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp ngành cây ăn quả thoát khỏi tình trạng phụ thuộc một thị trường. Đây là dòng sản phẩm cao cấp đòi hỏi cao về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm, rất khác biệt so với việc xuất khẩu trái cây dạng thô chỉ được đóng trong các sọt sơ sài do thương lái đảm nhận trước đây.

Tính từ năm 2008, khi Mỹ chính thức mở cửa cho quả thanh long tươi của Việt Nam, đến nay chúng ta đã có 10 năm khai phá thị trường khó tính nhưng sản lượng xuất khẩu đến các thị trường này vẫn còn rất khiêm tốn. Thống kê năm 2017, tổng thị phần xuất khẩu rau quả của 4 thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc  chỉ đạt khoảng 10%, trong khi Trung Quốc chiếm hơn 75% thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Điều này có thể khiến nhiều người lo ngại nhưng nếu có cách tiếp cận khôn ngoan thì đây chính là lợi thế của rau quả Việt Nam do vị trí gần Trung Quốc. Các doanh nghiệp trong nước cũng nhận ra, phân khúc trung và cao cấp của Trung Quốc vô cùng tiềm năng và lợi nhuận không kém việc xuất khẩu đi Mỹ, Úc. Vấn đề là, ngành rau quả Việt Nam phải xây dựng thương hiệu, định vị chất lượng cao và chủ động kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc không cần bên mua yêu cầu.

Hơn nữa, từ tháng 4, các công ty nhập khẩu trái cây Việt Nam sang Quảng Tây (Trung Quốc) cần cung cấp “Thông tin chất lượng sản phẩm và bao bì có thông tin truy xuất nguồn gốc” khi xin giấy phép nhập khẩu tại Văn phòng Xuất nhập khẩu Quảng Tây về Giám sát Chất lượng, Thanh tra và Kiểm dịch. Tức là họ sẽ bắt đầu kiểm soát từ vùng trồng chứ không “thoáng” như hiện nay. Chưa kể, nếu nước này siết vấn đề nhập khẩu qua đường mậu biên thì chỉ có 8 loại quả là: Thanh long, dưa hấu, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, chuối và mít được phép xuất khẩu chính ngạch; những loại quả còn lại phải chờ kết quả đàm phán mở cửa. Không những thế, ngay trên sân nhà, trái cây nội không còn độc chiếm mà người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn trái cây nhập khẩu. Vì vậy, ngành rau quả dù có thành tích xuất khẩu cao vẫn cần nhận ra điểm yếu để khắc phục trước khi quá trễ.

Để xuất khẩu rau quả đạt mục tiêu 7 tỷ USD

Trong báo cáo của Cục Trồng trọt, mục tiêu đến năm 2030 ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt khoảng 7 tỷ USD, trong đó riêng trái cây là 6 tỷ USD và vùng ĐBSCL  là chủ lực. Tuy nhiên, trước thách thức của biến đổi khí hậu sẽ tác động đến ĐBSCL thì để đạt được mục tiêu không dễ dàng.

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: “Dự báo này dựa trên tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất trái cây trong những năm qua và tốc độ tăng trưởng về thương mại cũng như nhu cầu thế giới. Để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần có những chuyển biến thực sự về đầu tư, tổ chức sản xuất và áp dụng khoa học công nghệ.

Thứ nhất, phải cải thiện cơ sở hạ tầng. Đối với các vườn cây ăn trái phải tạo hệ thống đê bao, hệ thống tưới tiêu chủ động để ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp nước tự nhiên, khắc phục được xâm nhập mặn hay tác động khác từ thủy triều.

Thứ hai, cần phải nghiên cứu tạo ra các giống cây ăn trái có khả năng chịu mặn tốt. Hiện nay, các viện nghiên cứu đang tiến hành áp dụng các biện pháp sử dụng các gốc ghép có nguồn gốc từ nguồn cây hoang dã để tăng khả năng chống chịu các điều kiện bất thuận, trong đó có hạn mặn.

Thứ ba, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật chăm sóc khác để tăng cường sinh trưởng cho cây trồng, giúp cây trồng có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện thời tiết bất thuận. Đồng thời, có thể nghiên cứu tập trung vào một số chủng loại cây trồng có khả năng chịu mặn tốt như cây dừa ở vùng ĐBSCL, tiềm năng phát triển còn rất rộng. Chúng ta có thể tiêu thụ trái cây tươi, thậm chí chế biến sâu như chúng ta đang làm hiện nay. Đây là những giải pháp cơ bản để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu giúp duy trì ổn định sản xuất.

Về mặt chuyển đổi cơ cấu cây trồng thì Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang vùng trồng cây lâu năm trong đó có cây ăn trái”.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, nếu chúng ta biết cách lựa chọn đúng đối tượng sản xuất thì chắc chắn vẫn thành công trong tái cơ cấu nền nông nghiệp. Rau quả nằm trong nhóm 10 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và sẽ được đẩy mạnh nâng giá trị trong thời gian tới. Năm 2017, gần 2.000 doanh nghiệp đổ vốn vào nông nghiệp. Ngành hàng rau quả còn rất nhiều dư địa trên thị trường thế giới, nếu gỡ được hai nút thắt quan trọng là phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chế biến sâu và mở rộng thị trường, xuất khẩu rau quả sẽ còn những bước tiến xa.       

Quý I/2018, xuất khẩu rau quả của cả nước ước đạt 970,09 triệu USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của xuất khẩu rau quả của Việt Nam khi đạt 726,62 triệu USD tăng 42% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 75% tổng kim ngạch xuất khẩu

Bên cạnh đó, các thị trường khác như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cũng đã có mức tăng trưởng tốt, lần lượt là 28,95 triệu USD (tăng 18,3%), 28,38 triệu USD (tăng 26,4%), 23,92 triệu USD (tăng 8,3%).

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Thủ tướng: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc

    Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.

  • Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Thành phố Điện Biên Phủ đặt tên đường Phạm Văn Đồng và các anh hùng Điện Biên

    Chiều 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án bảo tồn, tôn tạo Khu đề kháng Him Lam thuộc di tích quốc gia đặc biệt Điện Biên Phủ, lễ gắn biển tuyến đường mang tên cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và tuyến đường mang tên anh hùng Nguyễn Ngọc Bảo tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

  • Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Thủ tướng: Không bao giờ quên những người làm nên 'cột mốc vàng' lịch sử Điện Biên Phủ

    Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, chúng ta không bao giờ quên các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ "dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân" để góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử, sau 70 năm vẫn luôn là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức mạnh to lớn, niềm tin vững chắc cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta.

Top