Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 28 tháng 12 năm 2018 | 14:23

Xuất khẩu trái cây năm 2018 tiếp tục tăng trưởng

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật để trái cây vào được các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc... Tuy nhiên, về lâu dài, cần tập trung vào khâu chế biến nhằm đẩy mạnh xuất

tr7.jpg
Năm 2018, tỉnh Bắc Giang có 30.000ha vải, nhờ  đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nên vải đã được tiêu thụ tốt, không phải giải cứu.

 

Chinh phục 60 thị trường

Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, năm 2017, trái cây xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Năm 2018, đạt trên 4 tỷ USD. Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm khá cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Song song đó là tính hiệu quả của xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam cũng như sự kết nối, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu và với chuỗi tiêu thụ của các nước.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), mất 7 năm nộp hồ sơ và đáp ứng các điều kiện đặt ra của nước sở tại, chôm chôm Việt Nam mới được cấp phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand. Đối với thị trường Mỹ, mất đến 10 năm đàm phán, quốc gia này mới mở cửa cho Việt Nam xuất khẩu trái vú sữa.

“Để vào được các thị trường khó tính, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề gồm kiểm dịch, an toàn (không được còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) trái cây. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải và đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng 7 nhà máy chế biến với quy mô vùng và khu vực”, ông Hoàng Trung cho biết.

Chiếm 1% thị phần thị trường trái cây thế giới

Trong nhóm hàng nông nghiệp, kim ngạch quả - rau chỉ đứng sau thủy sản và vượt qua mặt hàng cà phê. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển cho trái cây Việt Nam còn rất lớn vì mới chiếm 1% thị phần thị trường trái cây thế giới. Việt Nam vẫn có thể nâng cao con số này trong tương lai, nếu khắc phục được những vướng mắc tồn đọng và giải quyết được bài toán về giá thành.

Theo Cục Xuất - Nhập khẩu (Bộ Công Thương), các loại quả xuất khẩu chính của Việt Nam vẫn là thanh long, nhãn, xoài, sầu riêng, dưa hấu. Hiện, các thị trường xuất khẩu của Việt Nam gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc; ngoài ra còn có Malaysia, Thái Lan, Liên minh châu Âu (EU)...

Tại thị trường Mỹ, đến nay, đã có 6 loại trái cây tươi Việt Nam được phép nhập khẩu, song lượng không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 3% thị phần. Thị trường EU, nhu cầu tiêu thụ trái cây khoảng 70-80 triệu tấn/năm. Lý do trái cây tươi Việt Nam chưa có mặt nhiều tại thị trường EU là do mặt hàng này kém cạnh tranh so với các đối thủ khác có vị trí địa lý gần hơn và các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á về giá, chất lượng, thời gian giao hàng.

Cuộc đua khắc nghiệt

Là đơn vị xuất khẩu gần 1.000 container/năm thanh long, nhãn, chôm chôm vào thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty T&T Vina, cho biết, thông thường, trong 10 tấn sản phẩm thì chỉ lựa được vài ba tấn hàng đáp ứng thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ một phần trong các điều kiện cần, doanh nghiệp còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng.

Trái cây Việt Nam muốn xuất khẩu thu được giá trị cao cần làm tốt công nghệ bảo quản, như Nhật Bản có công nghệ bảo quản đông lạnh tế bào, giữ được trái cây tươi cả năm, chất lượng vẫn đảm bảo. 

Tuy nhiên, trên thực tế, để đưa được trái cây vào thị trường khó tính, nhiều doanh nghiệp phải trả giá để có được bài học kinh nghiệm và hoàn thiện dần ưu thế cạnh tranh.

Ông Tùng cho rằng, mặc dù Mỹ kiểm soát chặt chẽ trái cây tươi nhập khẩu về dư lượng thuốc trừ sâu, các tác nhân gây bệnh, vi khuẩn nhưng nếu doanh nghiệp tuân thủ các quy định thì sẽ được thông quan hàng hóa rất nhanh. Nhưng chỉ cần một lần sản phẩm bị phát hiện có chứa chất bảo quản không cho phép, nhiễm nấm bệnh, sẽ bị kiểm tra toàn bộ lô hàng khiến cho thời gian tồn giữ trái cây bị kéo dài, mất cơ hội tiêu thụ, và thậm chí có nguy cơ mất luôn thị trường.

Ông Huỳnh Quang Đấu, Giám đốc Công ty Rau quả thực phẩm An Giang, cho rằng, ứng dụng công nghệ trong bảo quản có ý nghĩa rất lớn đối với ngành xuất khẩu trái cây. Đơn cử như trái bưởi hiện mới chỉ có 30% sản lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Con số này sẽ tăng lên 70-80% nếu có đầu tư về chế biến, bảo quản.

Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nếu có được sự hỗ trợ về vốn để đầu tư ứng dụng công nghệ mới có đủ tiềm lực để liên kết với nông dân, xây dựng chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và gắn thương hiệu cho sản phẩm. Điều quan trọng, các bộ, ngành tiếp tục là cầu nối cho doanh nghiệp xâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu, từng bước khẳng định vị trí trái cây Việt Nam tương xứng với tiềm năng.

Đâu là lối ra?

Mặc dù tăng trưởng khá cao nhưng Bộ Công Thương cho biết, ngành rau quả vẫn đang phải đối mặt với một số vấn đề như sản xuất phân tán, tỷ lệ hao hụt lớn, giá thành sản phẩm cao, công nghệ chế biến bảo quản còn hạn chế nên chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát, dễ bị cảnh báo. Bên cạnh đó, gặp cạnh tranh cao từ Thái Lan, Indonesia, Myanmar..., thậm chí ngay tại thị trường trong nước. Công tác mở cửa thị trường phức tạp, mất nhiều thời gian (thường mất từ 5-8 năm và phải đánh đổi tương đương).

Theo Bộ Công Thương, trước mắt, doanh nghiệp Việt cần tăng cường quảng bá và tận dụng tốt hơn nữa hình thức giao dịch thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo tổ chức lại sản xuất trên cơ sở rà soát quy hoạch, đánh giá tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng, miền, tiến tới xây dựng cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng thúc đẩy phát triển các chuỗi giá trị nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.

Nhiều chuyên gia nhận định, Việt Nam cần tận dụng thị trường EU và Mỹ để gia tăng xuất khẩu. Để làm được điều này, theo ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất, để đảm bảo nguyên liệu đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nên quy hoạch các vùng sản xuất VietGAP và áp dụng thao tác bọc trái, quản lý vùng sản xuất theo mã số...

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Thời gian qua, chúng ta  bước đầu có giải pháp hiệu quả, thông qua đẩy mạnh chế biến, tăng cường xuất khẩu quả tươi. Chẳng hạn, tỉnh Bắc Giang có 30.000ha vải trong thời điểm chín rộ, Bộ đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế. Do vậy, vải đã được tiêu thụ tốt, không phải giải cứu.

Về lâu dài, phải tập trung chế biến, đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng muốn tham gia khâu chế biến nhưng có khó khăn vì diện tích trồng phân tán, chất lượng chưa đồng đều. Tình trạng này sẽ được giải quyết dần dần”.

Lạc quan về tình hình xuất khẩu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cường cho biết, năm 2018, toàn ngành đã đạt 40 tỷ USD, trong đó xuất khẩu rau quả đạt trên 4 tỷ USD.

 

 

 

V.N
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

Top