Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 5 năm 2018 | 22:7

Xúc tiến thương mại, công nghệ và thu hút vốn phát triển HTX

Chiều 18/5, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ tổ chức Hội thảo Xúc tiến thương mại, công nghệ và thu hút vốn phát triển hợp tác xã Việt Nam 2018.

Hội thảo quy tụ hơn 200 HTX tiêu biểu cả nước cùng các nhà đầu tư, đối tác tài chính, các chuyên gia hàng đầu Việt Nam và các chuyên gia đến từ Pháp, Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Đồng thời kết nối các nguồn lực nhằm tìm ra mô hình phát triển bền vững cho kinh tế hợp tác, HTX ở Việt Nam.

img_19901.JPG

Các diễn giả tọa đàm tại hội thảo

Phát triển HTX là xu hướng tất yếu

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Ra đời năm 1895, trải qua hơn 120 năm, mô hình hợp tác xã không ngừng đổi mới, phát triển và khẳng định rõ phát triển HTX là xu hướng tất yếu. Với hơn 1 tỷ thành viên trên toàn thế giới, tạo ra doanh số hơn 3.000 tỷ đô la mỗi năm, tạo ra 250 triệu việc làm ổn định, phong trào hợp tác xã ngày càng chứng tỏ sức mạnh và tiếng nói của mình. Trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, doanh số các hợp tác xã là 266 tỷ đô la; ngân hàng và tài chính 236 tỷ đô la; bảo hiểm 403 tỷ đô la; bán sỉ và lẻ 309 tỷ đô la. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế hợp tác xã đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đến nay cả nước có hơn 20.000 hợp tác xã đang hoạt động, với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên. Kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động; doanh thu, lợi nhuận tăng theo từng năm.

Xác định kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một loại hình kinh tế quan trọng, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thường xuyên tổ chức tham quan, khảo sát, trao đổi, học tập từ thực tiễn và kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới để triển khai xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới cho các hợp tác xã thành viên. Những mô hình mới đã mang lại thành công cho hàng nghìn hợp tác xã, tạo công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho hàng trăm nghìn thành viên trên cả nước.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng không ít hợp tác xã của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn nội tại, đặc biệt là trong giai đoạn mới, khi phong trào khởi nghiệp quốc gia, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp được Chính phủ phát động.

Tại Hội thảo, các diễn giả Việt Nam và nước ngoài đã chia sẻ các mô hình hợp tác xã thành công tại Việt Nam như: Liên hiệp Các hợp tác xã Thương mại TP.Hồ Chí Minh (SaiGon Co.op), Hợp tác xã Miến Việt Cường, Hợp tác xã Y tế An Phước…; mô hình Hợp tác xã nông nghiệp theo chuỗi giá trị Groupe Limagrain (Pháp)… Một số diễn giả quốc tế cũng trình bày xu hướng phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trên thế giới, các xu hướng quan trọng trong việc phát triển thị trường xuất khẩu cho các hợp tác xã Việt Nam...

Từ chia sẻ của các đại biểu đến từ quốc tế cho thấy, đến nay hợp tác xã vẫn là mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Thông qua hợp tác xã, các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn và tránh các nguy cơ thua lỗ cao. Tuy nhiên, trong tình hình mới, mô hình hợp tác xã cần phải đặt trong chuỗi giá trị sản phẩm, tập trung đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu.

 

Giải bài toán thiếu vốn

Theo thống kê, mới chỉ khoảng 2% số HTX tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay xở. Thiếu vốn khiến nhiều HTX không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản, còn những HTX muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao lại gặp rất nhiều khó khăn. Lý do khiến các HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay là do họ không có tài sản đảm bảo và không đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ từ các ngân hàng.

Để giải được bài toán về vốn, nhiều đại biểu cho rằng: trước hết, các HTX phải chuyển đổi mô hình hoạt động, giải quyết được những hạn chế về nhân lực, xây dựng được mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả năng áp dụng công nghệ… Khi những điểm nghẽn này được giải quyết, những khó khăn về vốn sẽ được hóa giải.

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Ngân hàng HTX Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Cường, cho biết: “Tổ chức tín dụng HTX gồm Ngân hàng HTX và Quỹ tín dụng nhân dân, thành lập năm 1993, năm 1995 đi vào hoạt, đến nay, sau hơn 20 năm phát triển, Quỹ tín dụng nhân dân Trung ương đã thành ngân hàng đa năng, quy mô 3.000 tỷ đồng, chủ yếu vốn hỗ trợ của Nhà nước, với 32 chi nhánh trên toàn quốc; gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân, quy mô trên 1.000 tỷ đồng, cho vay khoảng 8.000 tỷ đồng. Dịch vụ ngân hàng không có ý nghĩa kinh tế mà có ý nghĩa xã hội: Tạo công ăn việc làm, giúp ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa….”

Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn, cho biết: “Nếu thành viên vay vốn ngân hàng khó, chúng tôi đề xuất liên kết chuỗi sản xuất, cung cấp phân bón, bao tiêu đầu ra, chính đầu ra là trả nợ cho ngân hàng. Vốn hỗ trợ, chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Đài Loan, họ đã ủng hộ, hỗ trợ cho xí nghiệp, nhà máy, hoặc thông qua Ngân hàng SCB, hiện chúng ta có 6,5 triệu thành viên, hoạt động trong nhiều ngành nghề, chúng ta phải nâng bài toán vốn cho thành viên, khẳng định kinh tế hợp tác sẽ xóa đi ngăn cách giàu nghèo”.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: Thời gian tới, Liên minh sẽ tư vấn và hỗ trợ đến 200 triệu đồng cho mỗi mô hình chuỗi giá trị để làm bước đệm ban đầu, bao gồm việc đào tạo nhân lực, trang bị công cụ, tìm nhà tư vấn, làm thương hiệu, xúc tiến thương mại và ký kết các hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Với nhu cầu lớn từ nền kinh tế, cách làm này chỉ cần vốn mồi ban đầu và các HTX sau đó có thể tự thu hút các nguồn lực khác để hoạt động và phát triển.

 

 

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
Top