Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 27 tháng 1 năm 2019 | 15:54

Xung quanh chủ trương xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng

Thời gian gần đây, dư luận Quảng Ngãi xôn xao và có nhiều ý kiến trái chiều về việc chính quyền tỉnh này chủ trương để Tập đoàn Nguyễn Hoàng xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

Nhiều ý kiến trái chiều
 
Thời gian qua, chủ trương của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (Tập đoàn Nguyễn Hoàng - NHG) thực hiện xã hội hóa Trường Đại học Phạm Văn Đồng, đã gây xôn xao trong dư luận. 
Trường ĐH Phạm Văn Đồng.
Hơn 11 năm qua, Trường ĐH Phạm Văn Đồng luôn hoạt động ổn định và có nhiều tiến bộ vượt bậc trong công tác giảng dạy, đào tạo.

 

Từ năm 2017 đến nay, sau khi Tập đoàn Nguyễn Hoàng đề xuất đầu tư Trường Đại học Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều văn bản gửi các cấp ngành liên quan chỉ đạo về việc này. Văn bản số 319/TB-UBND, ngày 06/11/2018, thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, do ông Nguyễn Minh Đạo, Chánh văn phòng UBND tỉnh ký, nêu:  “UBND tỉnh cơ bản thống nhất phương án đầu tư phát triển Trường ĐH Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa do nhà đầu tư trình bày...”.
 
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết: Trên cơ sở sáp nhập 2 trường Cao đẳng Sư phạm và Cao đẳng Cộng đồng Quảng Ngãi, Trường ĐH Phạm Văn Đồng thành lập vào tháng 9/2007. Đây là cơ sở đào tạo bậc ĐH công lập duy nhất trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi. Hiện trường có 38 ngành đào tạo, gồm bậc ĐH là 11 ngành, cao đẳng 24 ngành, trung cấp chuyên nghiệp 3 ngành, với các hình thức chính quy, liên thông chính quy, vừa học vừa làm... Riêng năm học 2018-2019, các ngành chính quy do trường đào tạo là 121 lớp, với gần 3.000 sinh viên, trong đó có 3 lớp lưu học sinh của nước bạn Lào (114 sinh viên).
 
Hầu hết lưu học sinh Lào học tập tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng đều có ý thức rèn luyện, chiếm lĩnh tri thức, tiếp thu khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo.
Hầu hết lưu học sinh Lào học tập tại Trường ĐH Phạm Văn Đồng đều có ý thức rèn luyện, chiếm lĩnh tri thức, tiếp thu khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo.

 

Tiến sỹ Vũ khẳng định: Sau hơn 11 năm kể từ khi thành lập, hoạt động của trường luôn ổn định và có nhiều tiến bộ vượt bậc trong công tác giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà và một số tỉnh lân cận. Trong tổng số khoảng 20.000 sinh viên mà trường đã đào tạo, ước số tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định chiếm 80-90%.
 
Theo Tiến sỹ Vũ, ngoài khoản kinh phí ngân sách hoạt động mà tỉnh cấp hàng năm (năm 2018 là 25 tỷ đồng, năm 2019 là 24 tỷ đồng), thời gian gần đây, từ các nguồn thu khác, nhà trường đảm bảo cho cuộc sống của trên 190 cán bộ, giảng viên, nhân viên; duy trì các hoạt động khác của trường ổn định. Vì thế việc Tập đoàn Nguyễn Hoàng được chính quyền tỉnh cho chủ trương xã hội hóa Trường gây nhiều dư luận trái chiều, đặc biệt là sự lo lắng từ cán bộ, nhân viên của trường. 
 
Tiến sỹ Nguyễn Đăng Vũ bày tỏ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương chung xã hội hóa trong giáo dục và các lĩnh vực khác nói chung. Nhưng với cách như Trường ĐH Phạm Văn Đồng, tôi không đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, nếu tỉnh quyết làm và có văn bản yêu cầu Ban giám hiệu trường thực hiện, là đơn vị trực thuộc tỉnh, tôi chấp hành nhưng sẽ có ý kiến, quan điểm rõ ràng và cụ thể về vụ việc này”.
 
Tại cuộc gặp mặt báo chí đầu năm 2019, ông Đặng Ngọc Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: UBND tỉnh thành lập một tổ công tác do tôi phụ trách có chức năng nghiên cứu các phương án để báo cáo UBND tỉnh để trình Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phương án cho Trường ĐH Phạm Văn Đồng hoạt động tốt hơn. Xã hội hoá là chủ trương lớn của nhà nước, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa để tăng sức cạnh tranh, giảm nặng ngân sách và nhân lực để xây dựng hạ tầng; tạo hành lang mạnh mẽ cho các lực lượng xã hội có thể tham gia để nâng chất lượng dịch vụ.
 
Dư luận lo Tập đoàn Nguyễn Hoàng lấy toàn bộ cơ sở hạ tầng
 
Nhiều cán bộ hưu trí và người dân lo việc Tập đoàn Nguyễn Hoàng lấy toàn bộ cơ sở hạ tầng của Trường ĐH Phạm Văn Đồng, thì ngoài việc làm trường học còn dễ xảy ra việc làm kinh doanh bất động sản, chia đất, phân lô bán nền.
 
Có dư luận cho rằng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi ưu ái cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng  khi giao “đất vàng” cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng xây dựng Thành phố giáo dục tại TP Quảng Ngãi, rồi Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản thống nhất đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư việc Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Nguyễn Hoàng nhận chuyển nhượng dự án Khu du lịch biển Mỹ Khê. Nay lại tiếp tục “giao” Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho Tập đoàn Nguyễn Hoàng với hình thức xã hội hóa. 
 
Bà Trần Thuý Trâm Quyên, Giám đốc Truyền thông - Thương hiệu NHG, phân trần: Trong quá trình thực thi dự án Thành phố Giáo dục Quốc tế - IEC Quảng Ngãi, nhận thấy khả năng của Tập đoàn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao đổi về chủ trương xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017. Với mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho ngành giáo dục tỉnh nhà, sau khi đã triển khai thành công dự án Thành phố Giáo dục quốc tế - IEC Quảng Ngãi, Tập đoàn đã đề xuất và được UBND Tỉnh đồng ý để Tập đoàn nghiên cứu, khảo sát, lập đề xuất đầu tư phát triển Trường ĐH Phạm Văn Đồng theo hướng xã hội hóa, đúng với quy trình xây dựng các dự án đầu tư.
 
“Không thể có chuyện NHG lấy cơ sở hạ tầng của trường để kinh doanh bất động sản vì đây là đất phục vụ mục đích giáo dục, là tài sản của Nhà nước và do UBND tỉnh quản lý. Đây là một trong những cam kết của Tập đoàn được thể hiện rõ trong đề án. Việc minh bạch về tài chính, tài sản, chuyên nghiệp về quản trị và đào tạo là cách mà NHG tổ chức, vận hành tốt hệ thống giáo dục của mình”, bà Trần Thuý Trâm Quyên khẳng định.
 
Sau khi xã hội hóa, ĐH Phạm Văn Đồng có gì mới?
 
Đại diện NHG cũng khẳng định: Sứ mệnh đào tạo con em Quảng Ngãi của Trường ĐH Phạm Văn Đồng là không thay đổi. Điều thay đổi lớn nhất là chất lượng đào tạo sẽ được nâng cao nhờ định hướng đào tạo hội nhập quốc tế của trường và sự đầu tư bài bản của Tập đoàn. Những chi phí ngân sách trước đây dùng vào công tác vận hành nhà trường sẽ được dành cho việc phát triển các cấp học khác và các đối tượng ưu tiên. Về phía Tập đoàn, sẽ có nhiều học bổng khuyến khích học tập, hỗ trợ sinh viên nghèo, giúp các em có thêm điều kiện học tập. Ngoài ra, nhờ mối quan hệ đối tác với các trường đại học ở nước ngoài, sinh viên các trường thuộc Tập đoàn còn có cơ hội nhận học bổng du học đến các trường đại học ở các nước khác nhau.
 
Về tương lai của của cán bộ, giảng viên và nhân viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng sau khi xã hội hóa, đại diện NHG cho biết: Tập đoàn rất vui mừng, hoan nghênh nếu cán bộ, giảng viên của Trường gia nhập vào đội ngũ hiền tài của NHG để đưa chất lượng đào tạo vươn tầm quốc tế. Vì vậy, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường ĐH Phạm Văn Đồng không có lý do gì phải quan ngại đến việc làm nếu trường thuộc hệ thống đại học của Tập đoàn Nguyễn Hoàng.
 
Phát triển đội ngũ giảng viên giỏi sẽ đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục cho sinh viên. Bên cạnh đó, NHG thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo chương trình giảng dạy theo hướng chất lượng cao, hội nhập quốc tế cho giảng viên.
 
Các thầy cô còn có quyền chọn và luân chuyển giảng dạy, làm việc ở các trường đại học thành viên của NHG như Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU), Trường ĐH Hoa Sen (HSU), Trường ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu (BVU), Trường ĐH Gia Định (GDU). Nhu cầu tuyển dụng hàng năm của NHG vào khoảng 200 cán bộ, giảng viên.
 
Với xu thế hiện nay, xã hội hóa là cần thiết, nhưng hình thức làm toàn bộ một lần, hay từng phần thì cấp thẩm quyền cần tính toán và cân nhắc sao cho phù hợp.
 
 
Hải Yến
Ý kiến bạn đọc
Top