Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 3 năm 2018 | 14:24

Yên Minh: Thu nhập của người sản xuất là mục tiêu chủ đạo

Chú trọng và linh hoạt trong việc khơi dậy sức dân, huyện Yên Minh (Hà Giang) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

huyen-yen-minh.JPG
Tổ chức ra quân mở mới đường giao thông tại xã Du Già.

Xác định công tác dân vận là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có tính quyết định đến việc thực hiện chương trình, ngay từ khi triển khai, Đảng bộ huyện Yên Minh đặc biệt chú trọng và đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức. Với đặc thù huyện vùng cao, việc phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, cấp ủy, chính quyền địa phương đã linh hoạt trong việc lựa chọn các đầu điểm công việc theo phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”, đồng thời lồng ghép có hiệu quả từ các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn. Các hội, đoàn thể tích cực vào cuộc bằng những việc làm thiết thực như Đoàn Thanh niên tham gia tu sửa một số tuyến đường; Hội Phụ nữ thực hiện phong trào hộ gia đình phụ nữ nông thôn đạt “5 không 3 sạch”...

Nhờ đó, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã có sự đồng thuận cao, tích cực tham gia. Tính từ năm 2015 đến nay, nhân dân trong huyện đã hiến 90.000m2 đất, đóng góp 105.794 ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi; mở mới 68,83km đường giao thông (liên thôn, liên cụm dân cư); sửa chữa, nâng cấp, mở rộng đường giao thông được 395,9km; với tổng kinh phí đã huy động là 170.962,7 triệu đồng. Trong đó, vốn huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân đóng góp là trên 43 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đến nay, huyện đã có 2 xã đạt 19 tiêu chí, 3 xã đạt từ 7-8 tiêu chí, 12 xã đạt từ 4-6 tiêu chí; góp phần đưa diện mạo nông thôn huyện đổi thay rõ nét.

Ông Nguyễn Đình Duẩn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Minh, cho biết, trong XDNTM, việc nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo luôn là một tiêu chí khó, nhất là đối với huyện vùng cao núi đá, giao thông cách trở như Yên Minh. Chính vì vậy, huyện tập trung dựa vào những lợi thế sẵn có để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chuyển từ sản xuất nông hộ, quy mô nhỏ, lẻ sang hình thức gia trại, trang trại...

Theo đó, Yên Minh tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển cây ăn quả, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nâng cao năng lực kinh tế tập thể.

Đối với phát triển chăn nuôi, phấn đấu trên 2.460 hộ có từ 3 - 4 con trâu, bò; trên 1.240 hộ có từ 5 đến dưới 10 con; phát triển 23 gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn và dê. Chuyển đổi 30ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi; trồng mới 130ha cây ăn quả và mở rộng thành vùng sản xuất tập trung. Ngoài ra, chuyển đổi 2 HTX nông - lâm nghiệp theo Luật HTX 2012 và nâng cao năng lực hoạt động của các HTX thôn, bản đã thành lập.

Sau 1 năm thực hiện kế hoạch TCC, huyện đã đạt và vượt nhiều mục tiêu đặt ra, như: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 6,01%, riêng lĩnh vực chăn nuôi tăng trên 11%, sản lượng lương thực đạt gần 43.000 tấn, tăng trên 630 tấn so với năm trước; trồng mới được 150ha cây ăn quả; chuyển đổi 32ha đất trồng ngô sang trồng cỏ; giải ngân theo Nghị quyết 209 được gần 10 tỷ đồng, tăng trưởng đàn gia súc đạt trên 6.700 con; thành lập mới 6 HTX nông -  lâm nghiệp, hoàn thành chuyển đổi 2 HTX theo kế hoạch.

Tiếp nối những kết quả trên, ngay từ đầu năm 2017, huyện Yên Minh ban hành kế hoạch TCC năm thứ 2, với nhiệm vụ trọng tâm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi, như: Phát triển 57 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng mới 62ha cây dược liệu, 70ha cây ăn quả, giúp tỷ trọng chăn nuôi tăng 10%, tăng giá trị sản xuất lên 37,4 triệu đồng/ha, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 6%...

“ Sau gần 2 năm TCC, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện thực hiện có hiệu quả 3 nội dung lớn là tổ chức lại sản xuất cho người dân bằng việc nâng cao hoạt động các hình thái kinh tế tập thể; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thông qua phát triển các loại cây ăn quả thế mạnh như xoài, hồng không hạt và tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa hàng hóa, chuyển một số diện tích đất trồng lúa không chủ động được nước tưới sang chuyên canh rau. Đồng thời chú trọng phát triển đàn đại gia súc, đàn ong... Từ đó, giá trị kinh tế trên một diện tích ngày càng tăng cao như mô hình ứng dụng công nghệ nhà lưới vào sản xuất rau cho thu nhập bình quân trên 80 triệu đồng/ha; vùng cây ăn quả tổng hợp, xen canh trên 30 ha ở xã Hữu Vinh cho thu nhập bình quân 160 triệu đồng/ha”, ông Duẩn cho biết thêm.

Cũng theo ông Duẩn, với những điều kiện khách quan về trình độ nhận thức của người dân; sản xuất nông nghiệp phụ thuộc lớn vào thời tiết, vì vậy, khi xây dựng kế hoạch TCC, huyện đã xác định rõ các cây, con thế mạnh, phù hợp điều kiện thực tế của các địa phương để tập trung phát triển. Nhưng, sự chuyển biến còn chậm, dù có sản phẩm hàng hóa nhưng chưa sản xuất được lượng hàng hóa lớn đáp ứng thị trường; một số sản phẩm chăn nuôi, cây ăn quả cần có thời gian đánh giá thêm bởi giá thành bấp bênh, vụ thu hoạch kéo dài... Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển sản xuất theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, lấy giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác và thu nhập của người sản xuất là mục tiêu chủ đạo.

 

 

 

Kiều Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top