Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 4 năm 2018 | 14:17

Yên Phong: XDNTM là không có điểm cuối

Yên Phong (Ý Yên - Nam Định) bắt tay vào XDNTM với nhiều thuận lợi khi địa bàn xã nằm trên Quốc lộ 38B, thuận lợi cho giao thương, trao đổi hàng hóa.

một-trong-những-con-đường-giao-thông-nông-thôn-tại-xã-yên-phong-huyện-ý-yên-tỉnh-nam-định.JPG
Giao thông nông thôn tại xã Yên Phong.

Ngay từ năm 2007, khi chưa có Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, xã đã hoàn thành việc cấp nước sạch đô thị cho người dân. Bên cạnh đó, sự đồng thuận của hệ thống chính trị và người dân cũng là điều kiện tiên quyết giúp Yên Phong về đích NTM.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Yên Phong, cho biết, khi mới triển khai Chương trình XDNTM, xuất phát điểm của Yên Phong khá thấp (mới đạt 7/19 tiêu chí), đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, ruộng đồng manh mún (7 - 9 thửa/hộ, cá biệt có thôn 12 thửa/hộ); cơ sở vật chất không đảm bảo.

“Chúng tôi xác định muốn XDNTM thành công, phải xác định khó khăn mấu chốt, từ đó tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, tăng cường phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để có thêm kinh phí hoàn thiện các công trình hạ tầng”, ông Thọ nói.

Từ chủ trương này, Yên Phong xác định, dồn điền đổi thửa sẽ là khâu đột phá nên tập trung xây dựng đề án để triển khai. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đồng thuận, bà con đã hiến 14.020m2 đất ngoài đồng để làm giao thông đồng ruộng, sau dồn đổi mỗi hộ chỉ còn 1-2 mảnh.

“Sau dồn đổi ruộng, Yên Phong thực hiện các tiêu chí khác rất thuận lợi, được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ý Yên đánh giá cao và đã tổ chức hội nghị đầu bờ cho các xã trong toàn huyện tham khảo. Với thành tích này, xã được UBND huyện tặng Giấy khen và UBND tỉnh tặng Bằng khen”, ông Thọ cho biết.

Dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, nhất là áp dụng cơ giới hóa. Năm 2017, tổng diện tích gieo trồng cả năm đạt 952,3ha, năng suất bình quân ước đạt 46,1 tạ/ha, tỷ lệ giống lúa lai, lúa thuần bố trí hợp lý theo từng mùa vụ.

Đến nay, diện mạo NTM ở Yên Phong đã hình thành rõ nét. Giao thông nông thôn, giao thông nội đồng cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế; 100% đường giao thông liên thôn, liên xã được cứng hóa bằng nhựa và bê tông, nhân dân đã hiến 532m2 đất ở để làm đường thôn, xóm; cứng hóa được 23,3/31,75km đường giao thông trục chính nội đồng.

Cơ sở vật chất được tu sửa, xây dựng mới khang trang như trụ sở làm việc, trường học, trạm y tế, nghĩa trang liệt sĩ. Tình hình chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân năm 2017 đạt 41 triệu đồng/người;  hộ nghèo còn 68 hộ, tương đương 3,64%.

Đặc biệt, Yên Phong tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các điểm công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, xã đã có 3 doanh nghiệp đi vào hoạt động. Với lợi thế thợ xây dựng Yên Phong có tay nghề cao, đã xây dựng nhiều công trình ở khắp cả nước, hiện toàn xã có 4 công ty xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút nhiều lao động địa phương.

Bên cạnh đó, xã còn có nhiều tổ xây dựng, tổ nghề đá xây dựng, tổ thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập 6 - 9 triệu đồng/người/tháng. Thương mại dịch vụ phát triển, tổng thu từ lao động ngành nghề và dịch vụ, vận tải, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 130 tỷ đồng, giúp trên 90% lao động trên địa bàn có việc làm thường xuyên.

Mặc dù đã đạt chuẩn NTM nhưng theo ông Thọ, XDNTM là không có điểm dừng, không có điểm cuối. Để giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí, xã sẽ thường xuyên củng cố Ban chỉ đạo cũng như phân công rõ trách nhiệm cho các thành viên; tổ chức rà soát các tiêu chí để có giải pháp và lộ trình thực hiện. Năm 2018, xã sẽ xây dựng thí điểm vùng chủ động được nguồn nước, vùng thường xuyên bị ngập đưa vào sản xuất 10ha theo mô hình 1 vụ lúa 1 vụ cá; thí điểm mô hình sản xuất theo chuỗi sản phẩm lúa Dự Hương ở vùng Nam Phong.

Về vấn đề nợ đọng kinh phí trong xây dựng hạ tầng, ông Thọ cho rằng, các địa phương trong huyện Ý Yên nói chung đều là xã nghèo, rất khó khăn về ngân sách, trong khi nhu cầu kinh phí để xây dựng các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm là rất lớn, vì vậy, để đáp ứng tối thiểu hoạt động này, nhiều địa phương phải nợ đọng kinh phí xây dựng cơ bản nhưng ở mức cho phép, có khả năng trả nợ.

“Để tháo gỡ vấn đề này, hoàn thành Chương trình XDNTM, phải công khai, minh bạch nợ đọng, tiết kiệm chi, khai thác triệt để các nguồn thu, thực hiện tốt công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch giãn dân, các cụm điểm công nghiệp, thương mại dịch vụ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện, từ đó có kinh phí trả nợ. Còn kinh phí hỗ trợ XDNTM của tỉnh, huyện thì công khai phân bổ theo từng hạng mục công trình, ưu tiên những công trình thiết yếu  trước”, ông Thọ nói.

 

 

 

Kiều Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top