Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 23 tháng 12 năm 2016 | 1:55

“Ở đâu còn người nghèo, ở đó có NHCSXH”

Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường thị trấn là địa chỉ thân thuộc giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi ngay tại nơi cư trú, từ đó giúp họ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ phát huy tốt vai trò và thực hiện việc giải ngân vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng với tinh thần “Ở đâu còn người nghèo - ở đó có NHCSXH”, NHCSXH đã gắn chặt với cộng đồng người nghèo và trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của họ trên con đường xóa nghèo, xây dựng cuộc sống tươi đẹp.

Tại Điểm giao dịch xã Y Tịch, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng (ngoài cùng bên trái) đã lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của bà con; đề xuất, kiến nghị của cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương và đánh giá cao hoạt động của Tổ giao dịch lưu động thuộc NHCSXH huyện Chi Lăng.

Như thường lệ, cứ đến ngày giao dịch hàng tháng của NHCSXH, tất cả Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn xã Y Tịch của huyện Chi Lăng; xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng và xã Tràng Phái thuộc huyện Văn Quan của tỉnh Lạng Sơn lại tập trung về Điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND xã để giao dịch, nhận vốn vay, nộp lãi, trả gốc và gửi tiền tiết kiệm…

Vừa nhận được món vay 8 triệu đồng từ chương trình tín dụng hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn, chị Hoàng Thị Lít ở thôn Hòn Diềng, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan vui vẻ nói: Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn mà tôi được vay vốn đấy, mừng lắm. Ngày nghỉ mà NHCSXH vẫn làm việc nhiệt tình như ngày thường. Nhận số tiền này về, tôi sẽ bàn với chồng đầu tư ngay vào trồng cây hồi. Chắc chắn cuộc sống của gia đình tôi sẽ đổi đời từ đây.

“Nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ được NHCSXH giải ngân qua các điểm giao dịch tại xã với thủ tục vay vừa đơn giản, vừa thuận tiện, không phải mất nhiều thời gian đi lại và chi phí khác. Bà con chúng tôi cảm thấy hài lòng với sự phục vụ tận tình, chu đáo này. Không những vậy, tại điểm giao dịch xã, chúng tôi còn nắm bắt được những thông tin về mức vay, lãi suất cho vay, quy trình thủ tục vay vốn, các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước”, chị Lít phấn khởi cho biết.

Điểm giao dịch của NHCSXH  đã trở thành địa chỉ quen thuộc với đa số người nghèo ở xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng. Bởi nhờ đó, họ đã có cuộc sống mới, nhiều HSSV tiếp tục được đến trường nhờ vốn vay chính sách. Anh Lý Văn Thương ở thôn Hố Vạng là một ví dụ. Đã có thời điểm, gia đình anh là một trong những hộ nghèo nhất, nhì xã. Trong lúc chưa biết xoay xở thế nào để thoát nghèo, anh được Hội Nông dân xã giới thiệu đến Điểm giao dịch NHCSXH làm thủ tục vay vốn. Từ nguồn vốn vay cách đây 3 năm, anh đầu tư nuôi trâu sinh sản, rồi làm thuê tích cóp, đến nay đàn trâu của gia đình anh đã phát triển thành 5 con. Bằng sức lao động chịu thương, chịu khó, vợ chồng anh đã làm nên điều kỳ diệu, xây dựng được cơ ngơi khang trang, con cái học hành đến nơi chốn. “Gia đình có được cuộc sống khấm khá như hôm nay đều bắt đầu từ nguồn vốn của NHCSXH. Nếu không có sự giúp đỡ của NHCSXH, các cấp, ngành, không biết đến bao giờ nhà tôi mới thoát nghèo”, anh Thương bộc bạch.

Báo cáo với Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng về tình hình dư nợ vốn vay chính sách trên địa bàn trong chuyến thị sát mới đây, ông Hoàng Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến thông tin: “Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã hoạt động rất bài bản, hiệu quả, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Sau mỗi buổi giao dịch, cán bộ ngân hàng, các hội, đoàn thể, chính quyền xã đều tiến hành tổ chức họp giao ban để giải quyết những tồn tại, rút kinh nghiệm và cùng đưa ra những giải pháp thực hiện các chương trình vốn vay phù hợp. Từ những hoạt động như vậy, Điểm giao dịch xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban giảm nghèo xã, các tổ chức nhận ủy thác và NHCSXH được thường xuyên tiếp xúc với người nghèo và các đối tượng chính sách, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Là xã miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để NHCSXH phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Hiện, xã có 11 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ với NHCSXH là 7,5 tỷ đồng cho 369 hộ vay”.

Tại các điểm giao dịch, đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra hồ sơ, sổ sách lưu trữ, biên bản họp giao ban với các hội, đoàn thể. Đồng thời thăm hỏi, động viên cán bộ tín dụng NHCSXH huyện và bà con vay vốn trên địa bàn xã. Qua chứng kiến hoạt động tại điểm giao dịch, nghe báo cáo của tổ giao dịch lưu động, kiểm tra việc sử dụng vốn vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng và đồng chí Lê Ngọc Bảo, Trưởng ban Kiểm soát đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của Tổ giao dịch lưu động NHCSXH các huyện Hữu Lũng, Chi Lăng và Văn Quan trong việc quản lý, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các hội, đoàn thể chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi, động viên bà con vay, sử dụng hiệu quả đồng vốn đúng mục đích để thoát nghèo bền vững.

Lương Xuân

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top