Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 18 tháng 10 năm 2017 | 8:55

“Sóng ngầm” ở nhiều dự án bất động sản

Trên thị trường bất động sản (BĐS), việc nhiều chủ đầu tư dự án không thực hiện đúng cam kết đã ký với khách hàng, pháp lý dự án không rõ ràng dẫn đến tình trạng khách hàng khiếu kiện chủ đầu tư. Tuy nhiên, đối với những chủ đầu tư uy tín, đảm bảo tiến độ dự án, pháp lý rõ ràng nhiều khi cũng bị gây sức ép để thoả mãn lợi ích của cá nhân hoặc một nhóm người trong dự án. Tất cả cùng tô vẽ một bức tranh “sóng ngầm” ở chung cư trên thị trường BĐS.

Bùng phát tranh chấp

Gần đây, trên thị trường BĐS chứng kiến việc nhiều khách hàng đã mua căn hộ tại nhiều dự án khác nhau xuống đường căng băng rôn đòi quyền lợi. Việc công kích chủ đầu tư dự án thông qua các Group, Fanpage, chia sẻ trên nhiều trang diễn đàn, hội, nhóm đã trở lên quen thuộc mỗi khi xảy ra các tranh chấp đối với chủ đầu tư. Căn nguyên của vấn đề này được xác định do chủ đầu tư chưa hoàn thiện các hạng mục của dự án đã tiến hành bàn giao nhà cho khách hàng. Trong quá trình bàn giao nhà phát sinh nhiều vấn đề như diện tích căn hộ có sự sai lệch, tiện ích dự án bị thay đổi, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn tăng số tầng khi chưa thông qua ý kiến của cư dân cũng như chưa được sự đồng ý của ngành chức năng. Một nguyên nhân nữa khiến “phong trào xuống đường” của cư dân ngày càng tăng liên quan tới chất lượng công trình của dự án, chậm trễ trong thực hiện thủ tục cùng ngành chức năng cấp Giấy chứng nhận chủ quyền cho cư dân hoặc các vấn đề vi phạm liên quan tới pháp lý của dự án, sai phạm trong giải phòng mặt bằng, chưa hoàn thiện nghĩa vụ tài chính với cơ quan chức năng….

Đã đến lúc khách hàng phải tỉnh táo để loại bỏ những doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo để hạn chế tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” trên thị trường BĐS

Chưa dừng lại, một số chủ đầu tư dự án bội tín có dấu hiệu lừa đảo khi một căn hộ được đem bán cho nhiều người, căn hộ đã bán cho khách hàng vẫn mang đi thế chấp tại ngân hàng, xây dựng sai phép. Điển hình như dự án như Harmona (Tân Bình), chung cư Gia Phú (Thủ Đức), Thảo Điền Pearl (quận 2), các dự án của Kim Phát, Vạn Hưng Phát. Cá biệt có những chủ đầu tư có hành vi kinh doanh gian dối, có dấu hiệu lừa đảo và chiếm dụng tiền của khách hàng như tại dự án EcoSun tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai do Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát là đơn vị được uỷ quyền để bán cho khách hàng hoặc dự án Chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức) khi hành vi đem một căn hộ bán cho nhiều khách hàng, rõ ràng hành vi lừa đảo của chủ đầu tư là có chủ đích. Tuy nhiên, việc can thiệp của cơ quan thực thi pháp luật để bảo vệ cho quyền lợi của người mua nhà chưa triệt để dẫn đến việc khách hàng gây sức ép với chủ đầu tư bằng cách căng băng rôn, cung cấp thông tin cho báo chí, khiếu kiện để thoả mãn quyền lợi của mình là điều dễ hiểu.

Con sâu làm rầu nồi canh

Thị trường BĐS nói chung và doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh BĐS nói riêng đang đứng trước vấn đề “con sâu làm rầu nồi canh”. Những doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án làm ăn uy tín đang bị ảnh hưởng, bị đánh đồng bởi những doanh nghiệp “bội tín với khách hàng”. Đôi khi việc đánh đồng này lại phục vụ lợi ích của một cá nhân hoặc một nhóm người. Một câu chuyện thật như đùa được một chủ đầu tư phát triển hàng loạt dự án gây được tiếng vang trên thị trường BĐS trong thời gian qua chia sẻ. Cụ thể trong quá trình bàn giao nhà, một nhóm người luôn gây sức ép đối với phía chủ đầu tư, họ chủ động thành lập các hội nhóm kín để công kích chủ đầu tư thậm chí chia sẻ trên mạng xã hội bởi những lý do rất đơn giản và chủ quan như căn hộ không đẹp, vật liệu xây dựng kém….. đằng sau đó là những lời mời chào biết chỗ này, quen chỗ nọ trang trí nội thất uy tín, giá thành “mềm” đã vô hình chung vì lợi của mình làm xấu hình ảnh của chủ đầu tư dự án.

Trong quá trình bàn giao nhà, một nhóm người luôn gây sức ép đối với phía chủ đầu tư bởi những lý do rất đơn giản như căn hộ không đẹp, vật liệu xây dựng kém….. 

Cao tay hơn, có nhiều cá nhân thành lập nhóm, hội lúc nào cũng mạnh miệng tung hô đấu tranh vì quyền lợi của cư dân trong chung cư. Mọi sự việc dù lớn hay nhỏ, dù to hay bé cá nhân này luôn là người tiên phong với danh nghĩa bảo vệ quyền lợi cho cư dân. Khi thanh thế đã lên cao, được cư dân tín nhiệm, thông qua hội nghị nhà chung cư để chen chân vào Ban quản trị chung cư. Tiếp tục với danh nghĩa đảm bảo quyền lợi cho cư dân, o ép chủ đầu tư nhanh chóng bàn giao quỹ bảo trì chung cư 2%. Đối với những chung cư nhỏ thì con số này không lớn, nhưng với những dự án chung cư cao cấp thì số tiền quỹ bảo trì chung cư có khi lên vài chục hoặc hàng trăm tỷ đồng. Khi danh nghĩa vì quyền lợi của tập thể đã đạt được thì cũng là lúc quyền lợi của cá nhân được phát huy cao độ. Không ít những vụ việc cư dân tố Ban quản trị chung cư không minh bạch trong mua sắm, sử dụng quỹ bảo trì 2%. Thậm chí một số chủ đầu tư khẳng định đã xuất hiện nhiều vụ thành viên Ban quản trị móc nối nhau để rút ruột quỹ bảo trì hoặc ôm quỹ bỏ trốn. Rõ ràng vì động cơ cá nhân nhưng dưới danh nghĩa tập thể đã khiến không ít chủ đầu tư phải lao đao.

Trên thị trường BĐS nhiều chủ đầu tư có uy tín luôn trên tinh thần cầu thị, sẵn sàng bỏ thêm nhiều tỷ đồng để hoàn thiện, lắp đặt mới nhiều tiện ích để phục vụ cư dân. Tất cả không ngoài mục đích đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho cư dân và giữ gìn uy tín của doanh nghiệp trong con mắt của khách hàng. Đã đến lúc khách hàng cần tỉnh táo để không trở thành công cụ, con cờ trong tay một nhóm người dưới danh nghĩa tập thể để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Đã đến lúc cần nhìn nhận một cách khách quan những vụ việc cư dân xuống đường căng băng rôn, khẩu hiệu gây sức ép với chủ đầu tư để trả lại uy tín cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật. Tránh tình trạng đánh đồng các doanh nghiệp, tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” trên thị trường BĐS./.

Thái An  - Lại Hùng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top