Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 15 tháng 6 năm 2017 | 9:7

“Vượt bão” cùng ngành chăn nuôi lợn

KTNT - Giá thịt lợn thấp kỷ lục trong thời gian dài vừa qua đã khiến người chăn nuôi cả nước đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước phối hợp đưa ra nhiều biện pháp “giải cứu”. Agribank  tích cực, kịp thời vào cuộc, bằng những giải pháp hiệu quả,  đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp chăn nuôi lợn cả nước “vượt bão”. 
Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Làn sóng “giải cứu ngành chăn nuôi lợn” đang diễn ra mạnh mẽ tại các địa phương, là vấn đề thời sự được dư luận xã hội rất quan tâm. Giá lợn hơi có thời điểm rơi xuống đáy khi chỉ còn 15.000-18.000 đồng/kg. Người chăn nuôi lợn trên cả nước rơi vào tình trạng lao đao, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền, bộ ngành liên quan, từ ngân hàng...

Tại huyện Thống Nhất được xem là “thủ phủ” nghề chăn nuôi lợn của tỉnh Đồng Nai, đồng thời là địa phương có đàn lợn nhiều nhất cả nước, ông Nguyễn Quang Minh (xã Gia Tân 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), một hộ chăn nuôi lợn quy mô trang trại với khoảng 2.000 con cho biết: Tình hình khó khăn, nhưng tôi chăn nuôi lợn đã hai chục năm nay nên tạm thời còn vốn để tiếp tục duy trì đàn lợn này. Dù khó khăn nhưng bên cạnh đó, có sự hỗ trợ của Agribank nên tôi vẫn duy trì nghề chăn nuôi lợn. Cái chính là điều chỉnh giảm đàn cho phù hợp. Là hộ chăn nuôi được Agribank huyện Thống Nhất (Đồng Nai) đầu tư vốn từ nhiều năm nay và làm ăn có hiệu quả, ông Minh được Agribank cấp hạn mức 2 tỷ đồng và hộ chăn nuôi này đã chủ động giải ngân theo từng giai đoạn chăn nuôi. Ông Minh nói: Hiện nay, các đại lý cám không dám đầu tư cho người chăn nuôi vì sợ mất vốn, do đó một số hộ chăn nuôi đơn lẻ sẽ gặp khó khăn. Riêng tôi vẫn còn nguồn vốn vay từ ngân hàng nên vẫn chủ động được nguồn thức ăn cho đàn lợn và duy trì chăn nuôi để chờ giá thịt lợn tăng trở lại…
 

Agribank kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi lợn cả nước vượt qua khó khăn
 
Không chỉ riêng hộ gia đình ông Nguyễn  Quang Minh, mà tại nhiều địa phương khác trên cả nước, hàng trăm ngàn hộ, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn đang “vượt bão” cùng với sự đồng hành, tiếp sức từ Agribank.

Từng được mệnh danh là “thủ phủ” chăn nuôi lợn của khu vực phía Bắc, thấu hiểu tình trạng khó khăn của hơn chục nghìn hộ nông dân trong tỉnh do giá lợn hơi xuống thấp, trong đó hàng nghìn hộ khó có thể trả nợ vốn vay ngân hàng theo đúng kỳ hạn, là TCTD đầu tư cho lĩnh vực chăn nuôi lớn nhất với hơn 12.000 khách hàng vay nuôi lợn, dư nợ 1.456 tỷ đồng và 4 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi dư nợ 150 tỷ đồng, Agribank chi nhánh Hà Nam ngay lập tức đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xuống trực tiếp làm việc với các hộ chăn nuôi, nắm toàn bộ nợ gốc, nợ lãi và những khó khăn của bà con để có hướng tháo gỡ phù hợp, nhất là đối với những khách hàng thực sự khó khăn. Và đến nay, Chi nhánh đã cơ cấu lại nợ cho vay chăn nuôi hơn 34 tỷ đồng, bảo đảm cho các hộ chăn nuôi vẫn có thể duy trì nuôi lợn hoặc chuyển đổi sản xuất để có cơ hội trả cả gốc lẫn lãi.

Tương tự, tại Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Tuyên Quang và nhiều địa phương khác trên cả nước, các Chi nhánh Agribank đang tích cực phối hợp cùng các sở, ban, ngành, các địa phương triển khai, thực hiện nhiều biện pháp như rà soát, xem xét, xây dựng chính sách riêng đối với người chăn nuôi lợn, khoanh nợ, giãn nợ cũ, gia hạn thời gian trả nợ cho các đối tượng chăn nuôi lợn bị thua lỗ; đồng thời tiếp tục đồng hành cùng người nông dân, tiến hành thẩm định các dự án chăn nuôi, phát triển kinh tế có khả thi để đầu tư vốn cho vay có ưu đãi lãi suất theo các chương trình, chính sách của địa phương và Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.

Agribank đã ban hành văn bản chỉ đạo các Chi nhánh phối hợp với chính quyền địa phương và khách hàng, thực hiện nắm bắt tình hình, tiến hành rà soát, đánh giá xác định thiệt hại trong việc cho vay đối với ngành chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y trên địa bàn; đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả thua lỗ trong chăn nuôi sớm ổn định đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiếp tục tạo nguồn thu trả nợ như: Xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc và hoặc lãi tiền vay phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

Lời giải nào cho bài toán “giải cứu”

Từ kinh nghiệm gần 30 năm gắn bó đồng hành cùng thị trường tín dụng nông nghiệp, nông thôn, đã từng cùng ngành nông nghiệp và người nông dân cả nước nhiều lần “vượt bão”, “giải cứu” hàng hóa sản phẩm nông nghiệp nước nhà nhất là vào những thời điểm “được mùa, mất giá” như: hành tím, dưa hấu, thanh long, gạo, cao su… Agribank cho rằng để ngành chăn nuôi lợn và nền nông nghiệp Việt Nam nói chung phát triển theo hướng bền vững, cần có sự chung tay phối hợp đồng bộ từ các cấp các ngành có liên quan và người nông dân, trước tiên giải quyết những khó khăn vướng mắc trước mắt.
 

Agribank luôn kiên định mục tiêu vì "Tam nông" phát triển bền vững
 
Cho vay đầu tư, dư nợ đối với chăn nuôi lợn trong tổng dư nợ nói chung hoặc tính trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp nói riêng là con số rất lớn. Do vừa qua giá bán giảm thấp, một số bà con và doanh nghiệp không tiêu thụ được, chậm trả nợ, nợ xấu cũng đã bắt đầu xuất hiện, điều này vốn rất ít xảy ra trong ngành chăn nuôi lợn thời gian trước đây. Vì thế tìm lời giải cho bài toán “giải cứu” không chỉ đặt ra đối với ngành chăn nuôi, với Agribank, mà cả với các bộ ngành, địa phương, bản thân các hộ, doanh nghiệp tham gia quá trình này.

Vậy đâu là lời giải cho bài toán “giải cứu” đối với ngành chăn nuôi lợn nói riêng và hàng hóa nông sản Việt? Đáp số đúng của bài toán “giải cứu” này chỉ được tìm ra khi giải quyết được đồng bộ, chặt chẽ các khâu: Đảm bảo tính ổn định đối với đầu ra của sản phẩm. Cả nước và từng địa phương có quy hoạch vùng sản xuất chăn nuôi đảm bảo tính ổn định về sản lượng, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Công tác phòng chống dịch bệnh được kiểm soát. Sẽ có chính sách trợ giá cho người chăn nuôi trong trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan. Hoạt động của ngành chăn nuôi lợn cần tổ chức theo chuỗi liên kết theo mô hình đứng đầu chuỗi là các doanh nghiệp, tiếp đến  là các chủ trang trại hoặc thông qua các hợp tác xã đến các hộ chăn nuôi, tạo thành một chuỗi liên kết chặt chẽ nhằm vừa kiểm soát được chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm khi truy xuất, vừa chia sẻ được lợi nhuận và cân đối được cung – cầu.
 
Bên cạnh đó, các giải pháp khác cần được triển khai đồng bộ như: cung cấp thông tin kịp thời, chính xác để người chăn nuôi đưa ra quyết định kế hoạch sản xuất phù hợp, tránh tình trạng sản xuất chăn nuôi theo phong trào, không tính đến đầu ra của sản phẩm; tổ chức các điểm giết mổ lợn thịt đúng quy trình vệ sinh, tổ chức các điểm bán thịt lợn sạch cho người dân. Tổ chức chương trình kết nối giữa các doanh nghiệp và các vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến, cấp đông nhằm hỗ trợ tiêu thụ lợn thịt cho thị trường… Đặc biệt, cần triển khai trên diện rộng chính sách bảo hiểm nông nghiệp đóng vai trò “lối thoát” khi gặp rủi ro tiềm ẩn từ những tác động khách quan.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc hỗ trợ ngành chăn nuôi, người nông dân nuôi lợn cả nước “vượt bão” thành công, trước mắt, Agribank cần cơ chế đối với các khoản vay phục vụ sản xuất nông nghiệp bị rủi ro do nguyên nhân khách quan. Vì theo quy định hiện hành, việc TCTD miễn giảm lãi hay cơ cấu lại khoản vay nhằm tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, mà còn làm tăng tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro. Đây cũng là bài toán khó đối với các TCTD, nhất là Agribank trong giai đoạn hiện nay.

Gần 30 năm gắn bó, chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, thông qua cung ứng nguồn vốn kịp thời, Agribank góp sức cùng ngành Ngân hàng thực thi hiệu quả chính sách tiền tệ, các chương trình tín dụng, tiên phong thực hiện tín dụng chính sách, qua đó giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, góp phần tạo nên những thay đổi tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, ổn định các vấn đề kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn Việt Nam. Agribank hiện có hàng triệu khách hàng hộ sản xuất, hàng chục ngàn khách hàng doanh nghiệp. Xác định, tương lai của Agribank gắn liền với tương lai của nền nông nghiệp, Agribank cam kết luôn đồng hành, thủy chung cùng bà con nông dân. Trước tình hình hiện nay, Agribank sẵn sàng có những chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ vốn vay kịp thời giúp các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên cả nước vượt qua những khó khăn trước mắt để ngành chăn nuôi lợn, nền nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững.
 

Dư nợ toàn ngành ngân hàng cho chăn nuôi lợn tính đến thời điểm cuối tháng 4/2017 gần 30.000 tỷ đồng, với số lượng bà con hộ nông dân và doanh nghiệp  kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng đang còn dư nợ; dư nợ chủ yếu là của cá nhân, hộ gia đình, khoảng 25.800 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng gần 90% tổng dư nợ, 10% còn lại dành cho DN, HTX, mô hình liên kết. Riêng tổng dư nợ Agribank đối với ngành chăn nuôi lợn tính đến thời điểm 20/4/2017 đạt trên 27.000 tỷ đồng với 281.965 khách hàng, trong đó: dư nợ hộ gia đình và cá nhân trên 23.000 tỷ đồng (chiếm 85,84%/tổng dư nợ cho vay ngành chăn nuôi lợn); dư nợ còn lại là cho vay doanh nghiệp, trang trại, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất thuốc thú y… 

Đầu tư phát triển “Tam nông” luôn chiếm 70% tổng dư nợ của Agribank. Nguồn vốn Agribank chiếm 51% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng đầu tư nông nghiệp, nông thôn. Agribank hiện triển khai 07 chương trình tín dụng chính sách, 02 chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững. Chỉ tính riêng năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, Agribank đã 12 lần giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, đồng hành cùng hàng triệu khách hàng hộ sản xuất, khách hàng doanh nghiệp hướng dòng vốn vào phát triển sản xuất, kinh doanh

 
Viết Chung
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top