Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 12 năm 2015 | 3:50

“Dân sống quanh rừng rất nghèo, còn tiền rơi túi ai không biết”

Sáng 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Mức tăng cao nhất 6%

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thuế suất thuế tài nguyên là công cụ quan trọng để cơ quan Nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật và góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành còn hạn chế trong việc góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời chưa đảm bảo phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3-2014 của Bộ Chính trị.

 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình sáng 10/12

Do đó, để tiếp tục thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên ở các nhóm: khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại, sản phẩm của rừng tự nhiên.

Theo tờ trình, ngoài một số tài nguyên giữ nguyên mức thuế suất hiện hành (bô xít, ni ken, nước mặt, yến sào thiên nhiên, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than), còn lại khoáng sản kim loại và không kim loại có mức tăng thấp nhất là 2%, cao nhất 6%. Sau điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên tăng khoảng 3.177,8 tỷ đồng so với số thu năm 2014.

Dân không đủ sống làm sao bảo vệ rừng!

Riêng về nhóm gỗ rừng tự nhiên, Chính phủ đề nghị giảm mức thuế suất thuế tài nguyên với Gỗ nhóm I từ 35% xuống 30%; Gỗ nhóm II từ 30% xuống 25%; Gỗ nhóm III, IV từ 20% xuống 18%; Gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác từ 15% xuống 12%.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban không nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và đề nghị giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành, vì hiện nay các sản phẩm gỗ nhóm I, II... đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên.

“Việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân. Đồng thời, với mức giảm thuế tài nguyên theo báo cáo của Chính phủ là không lớn (6,9 tỷ đồng)”, ông Hiển nói.

Thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Hội đồng Dân Tộc KSor Phước nhấn mạnh gỗ nhóm I,II,III chủ yếu nằm trong rừng bảo tồn, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên hay rừng phòng hộ, khi khai thác sẽ ảnh hưởng đến các cây, hệ thực vật khác xung quanh. Thuế suất cao với các nhóm gỗ này là để không khuyến khích sử dụng.

Ông Ksor Phước nhấn mạnh, phải nghĩ đến nguyên nhân vì sao rừng tự nhiên bị thu hẹp lại. Hiện tại, các mức thuế đối với tài nguyên rừng không đáp ứng cho người sống cạnh rừng và cán bộ quản lý rừng đủ sống.

“Trong khi đang thực hiện nghị quyết của Quốc hội để xem nguyên nhân rừng suy giảm là gì thì không nên thay đổi mức thuế” - KSor Phước nêu ý kiến.

 
Bà Trương Thị Mai nhấn mạnh phải có chính sách đảm bảo người dân sống được từ rừng thì mới bảo vệ được rừng

Đồng tình với quan điểm của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng phải có chính sách khuyến khích, đảm bảo mức sống để người dân để bảo vệ rừng, nếu không rừng ngày càng cạn kiệt.

“Tôi đi giám sát thấy người dân sống quanh vùng rừng nghèo xác xơ, còn tiền rơi vào túi ai không biết. Người ta sống với rừng mà không sống được từ rừng thì bằng cái gì? Còn việc anh quản lý không tốt là chuyện khác”, bà Mai nói.

Sau khi thảo luận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất giữ mức thuế suất thuế tài nguyên với gỗ nhóm I, II, III như hiện hành. Các nhóm khác có mức giảm như Tờ trình của Chính phủ./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top