Không chỉ giả mạo chữ ký, ăn chặn tiền của dân, Trưởng thôn thôn Tam, xã Liêm Cần (Thanh Liêm - Hà Nam) còn mắc nhiều sai phạm trong dồn điền đổi thửa, khai khống số liệu, bán vật liệu, rút ruột công trình…
Ông Nguyễn Xuân Hòa , Đảng viên đang sinh hoạt tại thôn, bức xúc chỉ những con đường bị bớt xén vật liệu (đường ra bãi rác). |
Giả mạo chữ ký, ăn chặn tiền của dân
Theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP, Nhà nước hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước. Theo đó, người dân thôn Tam được hỗ trợ trong thời gian nửa năm 2012 và năm 2013 là 27.000 đồng/sào lúa nước. Tổng số tiền được hỗ trợ của cả thôn là hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chi trả, cán bộ thôn mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân.
Trong đơn tố cáo gửi chính quyền các cấp và cơ quan báo chí, đại diện nhân dân thôn Tam nêu rõ: Ông Nguyễn Văn Mạnh (nguyên trưởng thôn Tam) đã có hành vi giả mạo chữ ký, ký khống tiền hỗ trợ để trục lợi. Nhiều hộ bị giả mạo hai tên như Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Khanh, Hà Văn Tuấn… Đặc biệt, có người đã chết cách đây hàng chục năm vẫn có chữ ký như cụ Lê Văn Quýnh (chết trước 1993)...
Ngoài ra, “quan thôn” Nguyễn Văn Mạnh còn bị tố khai tăng số mét đường giao thông nội đồng.
Anh Hà Văn Chính cho biết: Dân thôn Tam xin làm con đường từ Quốc lộ 21A ra bãi rác dài khoảng 200m nhưng chính quyền không cho mà chỉ cho làm một nửa. Tuy nhiên, do bị ăn bớt vật liệu nên đường mới làm đã bị lún, nứt và xuống cấp. Còn con đường đi vào thôn, anh Chính xin được tự nguyện đóng góp toàn bộ nguyên vật liệu để làm nhưng chính quyền xã và thôn không đồng ý, không giải phóng mặt bằng khiến con đường này nằm trong tình trạng dang dở. Trong khi đó, đoạn đường bê-tông từ Quốc lộ 21A đến cống ngầm được trưởng thôn Nguyễn Văn Mạnh kê khống lên đến 200m nhằm bán xi măng do nhà nước hỗ trợ bỏ túi riêng. Khi dân phát hiện thì ông báo cáo còn 120m. Nhưng trên thực tế người dân đo đạc lại chỉ có 87m chiều dài.
Không dừng lại ở đó, trong quá trình dồn điền đổi thửa, nhiều hộ gia đình bị chia thiếu diện tích, nhận ruộng không đúng vị trí, không đúng số như đã thống nhất ban đầu. Diện tích ruộng của các tổ chức đoàn thể trong thôn và diện tích đất chia thêm cho các hộ dân có ruộng xấu đều bị thu hồi lại. Tổng số hơn 16 mẫu nhưng không biết số ruộng này biến đi đâu, vào tay ai?
Xã thờ ơ, bao che?
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Liêm Cần, cho biết, tiền hỗ trợ lúa nước nửa năm 2012 và cả năm 2013, xã đã thanh toán theo hình thức xã trả thôn, thôn trả dân và đã trả đủ từ năm 2013. Quá trình chi trả được xã chỉ đạo thôn ký đến tận các hộ gia đình. Song trưởng thôn đã tự ý chuyển số tiền này sang làm thủy lợi nội đồng. Việc có đơn kiến nghị, tố cáo là do Trưởng thôn mâu thuẫn với một số thành phần trong thôn (!?).
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi xã có kiểm soát được danh sách và diện tích đất lúa nước được hỗ trợ của các thôn không thì ông Hải trả lời: Xã không thể thẩm định được mà chỉ dựa vào danh sách các hộ và diện tích đất được hỗ trợ do thôn đưa lên. Còn việc trưởng thôn tự ý ký vào danh sách thay các hộ là để kịp thời gian quyết toán với xã. Xã không lường được việc này…
Khi phóng viên đề cập tới vấn đề thất thoát đất nông nghiệp ở thôn Tam trong dồn điền đổi thửa như đơn thư phản ánh, ông Hải cho biết: Xã chưa tổng hợp và bây giờ mới tiến hành đo đạc lại. Nhưng ông Hải không e ngại khẳng định rằng: “Vẫn đủ và đã chia đủ cho dân, không có cơ sở để xác định thừa 16 mẫu”.
Tương tự, việc trưởng thôn bán bớt xi măng làm đường lấy tiền bỏ túi riêng được ông Hải khẳng định là có thật và số xi măng là khoảng hơn 3 tấn. Nhưng khi được hỏi việc này xã đã xử lý ra sao thì ông lại trả lời: Công an đang điều tra (!?).
Đề nghị các cơ quan chức năng huyện Thanh Liêm sớm làm rõ những sai phạm của ông Mạnh, tránh để bức xúc trong dư luận kéo dài.
Nhóm PV
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.