Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024 | 10:51

250 đại biểu sẽ tham dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Hà Nội lần thứ IV

Với chủ đề “Cộng đồng các dân tộc thành phố Hà Nội đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập, phát triển Thủ đô nhanh, bền vững, văn hiến, văn minh, hiện đại”, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Hà Nội lần thứ IV diễn ra từ ngày 4-5/11, tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

Thông tin được ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Dân tộc TP. Hà Nội cho biết tại cuộc họp báo diễn ra ngày 22/10.

Thực hiện theo Văn bản số 1302/UBDT-DTTS ngày 27/7/2023 của Uỷ ban Dân tộc về việc hướng dẫn tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ IV năm 2024; Văn bản số 561/UBDT-TCCB ngày 08/4/2024 của Uỷ ban Dân tộc về việc hướng dẫn công tác khen thưởng tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện lần thứ IV năm 2024, Thành uỷ Hà Nội ban hành Thông tri số 08-TT/TU ngày 14/3/2024 của Ban Thường vụ Thành uỷ về việc lãnh đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp thành phố lần thứ IV năm 2024; Kế hoạch số 04/KH-BCĐ ngày 01/7/2024 của Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố lần thứ IV năm 2024 về việc tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số Thành phố lần thứ IV năm 2024.

Quang cảnh cuộc họp báo.

Tham dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức đại diện cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Thủ đô. Trong đó có 101 đại biểu được chọn cử từ Đại hội các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức; 139 đại biểu được chọn cử từ các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố và 10 đại biểu do Ban Chỉ đạo Đại hội Thành phố chỉ định.

Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.329 km2, có 30 quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn thành phố hiện nay gần 9 triệu người, trong đó có trên 107 nghìn người  dân tộc thiểu số (DTTS), thuộc 50/53 thành phần DTTS, chiếm khoảng 1,3% dân số thành phố, đồng bào DTTS sinh sống đan xen cùng người dân tộc Kinh ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày 17,81%, dân tộc Thái 6,61%, dân tộc Nùng 5,85%, dân tộc Dao 4,32%; còn lại là các DTTS khác.

Đồng bào DTTS của thành phố cư trú tập trung theo cộng đồng tại 119 thôn, thuộc 14 xã  của 05 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ với trên 55.000 người, chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao, chiếm 51% người DTTS toàn Thành phố.

Diện tích tự nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là 33.458 ha, chiếm khoảng 10% diện tích thành phố, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS. 100% xã vùng đồng bào DTTS&MN đạt chuẩn nông thôn mới. 

Giai đoạn 2019-2024, thành phố đã bố trí nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó Chương trình xây dựng NTM thành phố đã bố trí trên 5.000 tỷ đồng; đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, thành phố đã uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên 8.000 tỷ đồng. Thành phố đã đầu tư 1.255 tỷ đồng đầu tư cho 89 dự án.

Tính từ năm 2019 đến tháng 6/2024, thành phố đã bố trí 302,7 tỷ đồng cho vay các chương trình tín dụng. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, tổng nguồn vốn dự kiến theo Kế hoạch là 2.144.523 triệu đồng.

Kết quả thực hiện theo Nghị quyết 88/2019/QH14 đã hoàn thành cơ bản 32/35 chỉ tiêu, còn 3/35 chỉ tiêu tiếp tục thực hiện. Các chỉ tiêu theo Kế hoạch số 235/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND tành phố đã hoàn thành 13/16 chỉ tiêu, đến nay còn 03/16 chỉ tiêu tiếp tục thực hiện, phấn đấu hoàn thành vào năm 2025.

Thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS&MN năm 2018 là 35 triệu đồng, năm 2024 đã tăng lên 65 triệu đồng, có xã trên 70 triệu đồng.

Mỗi DTTS trên địa bàn thành phố có phong tục, tập quán, sắc thái văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong nền văn hoá dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng kế thừa và chịu ảnh hưởng của văn hóa các dân tộc khác, nhưng tựu chung đều có lòng yêu nước nồng nàn, anh dũng trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cùng với người dân tộc Kinh đoàn kết thống nhất chung tay xây dựng Thủ đô và đất nước giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn đặt câu hỏi tại cuộc họp báo.

Tại buổi họp báo, phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn đặt câu hỏi với lãnh đạo Ban Dân tộc thành phố Hà Nội nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới về việc phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại đối với đồng bào dân tộc trên địa bàn, để nâng cao đời sống của đồng bào có thu nhập tương đương với mức thu nhập của nhân dân ở các huyện.

Đối với việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thông, nhiệm kỳ này có chủ trương, chính sách như thế nào để phát huy nhưng vẫn bảo tồn được văn hoá truyền thống của đồng bào?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Dân tộc thành phố, cho biết: Câu hỏi của phóng viên Tạp chí Kinh tế nông thôn đặt ra rất đúng, rất trúng và rất chính xác. Việc phát triển kinh tế của đồng bào đều gắn với việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Trong thời gian qua, từ nguồn vốn đầu tư của thành phố, quan tâm của chính quyền địa phương, đồng bào đã xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế vườn, kinh tế trang trại như mô hình trồng cây ăn quả, mô hình vườn thuốc Nam, hình thành các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của đồng bào các dân tộc.

Hiện nay, các điểm du lịch này đang hoạt động và cho hiệu quả khá cao, thành phố đã có quy hoạch phát triển du lịch, trong đó phải gắn với việc phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng dân tộc thiểu số miền núi. Nhiều dự án đầu tư hạ tầng để phát huy các mô hình trang trại, kinh tế vườn, điều này một lần nữa khẳng định thành phố rất quan tâm đến sự phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái gắn với việc bảo tồn văn hoá các dân tộc.

Nhiệm kỳ tới, Ban Dân tộc xác định việc khai thác kinh tế du lịch gắn với việc bảo tồn phát triển văn hoá đồng bào các dân tộc, để nâng cao đời sống Nhân dân, đồng thời tạo điều kiện cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, từ đó khai thác có hiệu quả và tiêu thụ được các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của đồng bào.

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân, việc xây dựng cơ chế, chính sách để đầu tư cho hạ tầng, cho liên kết vùng, cho phát triển kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, để đồng bào phát triển kinh tế bền vững, xoá đói, giảm nghèo là một trong những điểm mới, sáng tạo mới của nhiệm kỳ này. Ban Dân tộc thành phố sẽ tiếp tục triển khai, trước mắt là xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Như vậy, công tác dân tộc, chính sách dân tộc cần có sự thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của vùng đồng bào dân tộc miền núi của Hà Nội.

Đại hội đại biểu các DTTS thành phố Hà Nội lần thứ IV là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn thành phố. Đại hội tiếp tục khẳng định đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, đại đoàn kết dân tộc; khơi dậy lòng yêu nước, xây dựng, củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận của đồng bào DTTS vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời là dịp tổng kết, đánh giá chính xác thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn DTTS và miền núi từ Đại hội lần thứ III, năm 2019 đến nay. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm, xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc ở các địa phương và của Thành phố giai đoạn 2024 – 2029; biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, động viên, cổ vũ đồng bào DTTS tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp và văn minh.

Đại hội sẽ tiến hành vinh danh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển của vùng dân tộc, miền núi và xây dựng Thủ đô Hà Nội thời gian qua.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Hội thi pháo đất Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Hội thi pháo đất  Vĩnh Bảo - bảo tồn nét đẹp truyền thống

    Sáng 23/11, tại nhà thi đấu thể dục thể thao huyện, UBND huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tổ chức Hội thi pháo đất năm 2024 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian truyền thống.

  • Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Phú Yên trưng bày nhiều hiện vật từ những chuyến Tàu Không số

    Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).

  • Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên

    Sáng 22/11, Thị ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thị xã Duy Tiên long trọng tổ chức Kỷ niệm 555 năm danh xưng Duy Tiên (1469 - 2024) và 95 năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Duy Tiên (11/1929 - 11/2024).

Top