Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  

Sức hút thị trường tỷ dân và tín hiệu mừng cho nông sản Việt

Chủ nhật, ngày 22 tháng 9 năm 2024 | 13:13

Trung Quốc luôn được xác định là thị trường xuất khẩu nông - lâm - thủy sản lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng, đây là những tín hiệu mừng.

Tín hiệu mừng

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, chia sẻ, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư, mở đường cho việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường 1,4 tỷ dân - Trung Quốc.

Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024 (năm đầu tiên sau khi ký kết Nghị định thư) và đưa tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng lên 3,2-3,5 tỷ USD.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định, nhu cầu nhập khẩu dừa tươi của thị trường Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, xuất khẩu chính ngạch được mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Khi sầu riêng đông lạnh được xuất khẩu sang Trung Quốc, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả có thể lên đến 7 tỷ USD ngay trong năm 2024.

Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm dừa sang một số thị trường với khoảng 30.000 tấn dừa tươi.

Đặc biệt, gần đây, tín hiệu vui đã đến với những người đang kiên trì với con cá sấu. Sau sầu riêng, dừa tươi thì cá sấu nuôi là mặt hàng tiếp theo của Việt Nam được ký kết nghị định thư xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng này ở Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi có tiềm năng và lợi thế rất lớn trong nuôi cá sấu. Vừa qua, việc xuất khẩu cá sấu gặp khó khăn, nên nhiều địa phương, cơ sở nuôi đã giảm quy mô sản xuất. Tuy nhiên, cá sấu được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng này có thể tiêu thụ thuận lợi.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tuy còn phải đáp ứng những quy chuẩn nghiêm ngặt nhưng tôi tin Đồng Tháp nói riêng và các địa phương ĐBSCL nói chung sẽ đáp ứng được để đẩy mạnh xuất khẩu cá sấu”.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, để xuất khẩu cá sấu sang thị trường Trung Quốc thuận lợi, các cơ sở, doanh nghiệp được phép gây nuôi phải xây dựng được vùng nuôi và chăm sóc cá sấu, phải đáp ứng được các điều kiện nêu ra trong Nghị định thư.

Ngoài các quy định về kiểm dịch động vật thì cá sấu còn được kiểm soát bởi cơ quan quản lý CITES - Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

“Chúng ta đã có Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chúng ta cũng đã thống nhất được mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch và đã được CITES cấp mã số cho các cơ sở xuất khẩu. Cái khó khăn nhất hiện nay là chúng ta phải chứng minh được cá sấu không mắc phải 3 loại bệnh: Thứ nhất là bệnh virus Tây sông Nile; thứ hai là bệnh Herpesviru; thứ ba là nhiễm Salmonella”, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) thông tin.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đánh giá: “Giá trị của con cá sấu rất lớn. Khi triển khai được nghị định thư này sẽ bổ sung cho sản lượng và giá trị xuất khẩu, đặc biệt là sau bão số 3. Có thêm con cá sấu cùng với dừa và sầu riêng đông lạnh thì chúng ta sẽ đảm bảo được chỉ tiêu xuất khẩu năm 2024”.

Hiện quy trình nuôi (chăm sóc, ấp nở cá sấu…), Việt Nam đã làm chủ. Thời gian tới, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất chuẩn bị tốt nhất cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cơ hội này đang mang đến hy vọng tươi sáng cho ngành hàng cá sấu Việt Nam.

Giải pháp để phát triển bền vững

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết, xuất khẩu chính ngạch là con đường xuất khẩu bền vững, giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh được những rủi ro về thay đổi chính sách biên mậu. Để thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch, doanh nghiệp cần nắm rõ và tuân thủ các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm và thủ tục hải quan của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, việc tận dụng các kênh thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch. Các nền tảng này giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng, giảm sự phụ thuộc vào các trung gian thương mại và thương lái. Thương mại điện tử cũng giúp minh bạch hóa các giao dịch, tạo điều kiện cho việc quản lý và kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 8/2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả  lớn nhất với gần 2,5 tỷ USD từ Việt Nam trong 7 tháng của năm 2024, chiếm 64% thị phần.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Trung cho biết, Bộ đang có lộ trình rõ ràng để tiếp tục đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thêm các loại trái cây khác của Việt Nam vào Trung Quốc. Sau quả dừa tươi và sầu riêng, Việt Nam sẽ đàm phán ký kết nghị định thư để quả chanh leo, quả ớt xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc trong thời gian tới.

“Với phương châm mở rộng sản phẩm cho một thị trường và đa dạng hóa thị trường, Bộ đã lên kế hoạch cụ thể đẩy mạnh xuất khẩu không chỉ đối với trái cây mà đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Với cách đó, cùng sự tham gia tích cực của các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi tin tưởng từ nay đến cuối năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản  nói chung và trái cây nói riêng sẽ đạt mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

 

Thanh Tâm

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top