Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  

Hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão

Thứ bảy, ngày 21 tháng 9 năm 2024 | 9:54

Để khắc phục hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo kế hoạch sản xuất với lúa, rau màu vụ mùa 2024 và cây ăn quả, Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khu vực phía Bắc khẩn trương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau mưa bão. Kinh tế nông thôn giới thiệu một số nội dung chính của văn bản này.

Tập trung khôi phục sản xuất

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết,  ở các tỉnh phía Bắc, hoàn lưu bão rất lớn, kéo dài nên nguy cơ thiệt hại khó lường. Tính đến ngày 15/9, trên 262 nghìn hecta lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết...

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung mọi nguồn lực thực hiện bơm thoát, tiêu úng không để ngập kéo dài, gây thiệt hại và hướng dẫn các địa phương khôi phục sản xuất một cách nhanh nhất.

Hiện nay, đa số các trà lúa đang ở thời kỳ làm đòng, chuẩn bị trổ là giai đoạn mẫn cảm tới sinh trưởng, phát triển, tùy thuộc với các trà lúa cần thực hiện các biện pháp phù hợp với từng giai đoạn.

Với diện tích lúa giai đoạn trỗ - chín sữa - chín sáp: Sau khi cạn nước trong ruộng, tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-4 gốc lại với nhau bằng dây chuối hoặc dây rơm nếp hay dây nylon thành hình chân kiềng để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín.

Đối với lúa làm đòng, chuẩn bị trổ: Tiến hành dựng lúa nếu bị đổ rạp; sau khi thời tiết tạnh ráo, tiến hành phun bổ sung phân bón lá kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi, đứng nhanh và thúc đẩy lúa trổ thoát.

Đối với diện tích lúa đến thời kỳ thu hoạch: Tập trung thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giải phóng đất để gieo trồng cây vụ đông ưa ấm như ngô, đậu tương, ớt và dưa, bí các loại theo phương châm gieo trồng càng sớm càng tốt.

Với các trà lúa chuẩn bị thu hoạch: Cần tính toán thời gian để làm bầu với nhóm cây ưa ấm cho phù hợp với thời gian thu hoạch lúa, tránh để cây con quá ngày trong bầu, khi trồng phục hồi chậm và bị còi cọc. Sau trồng, nếu thời tiết thuận lợi, sau 3 - 4 ngày cây bén rễ, cần tưới thúc ngay bằng phân NPK kết hợp nước phân chuồng loãng để thúc cây ra rễ nhanh.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi khơi thông, vét mương máng và tạo rãnh thoát nước kết hợp rãnh tưới quanh ruộng và bề mặt ruộng đề phòng mưa lớn gây úng cục bộ, tháo cạn nước mặt ruộng, giữ nước nông hệ thống kênh mương vùng lúa đã chín và sắp chín để tạo thuận lợi cho trồng cây vụ đông. Bố trí nguồn lực để tăng cường công tác tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gieo trồng cây vụ đông, các giải pháp làm đất tối thiểu, không làm đất với đậu tương, khoai tây, bí xanh, dưa chuột không giàn…;

Thiệt hại nông nghiệp rất lớn sau cơn bão số 3.

Mở rộng diện tích cây vụ đông  

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương phía Bắc tập trung tranh thủ, kịp thời thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thương phẩm để đảm bảo năng suất và chất lượng.

Những diện tích chưa đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại không có khả năng phục hồi: Sau khi nước rút tiến hành thu gom cây hoa, rau bị thiệt hại nặng để tiêu hủy, tranh thủ thời tiết thuận lợi, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường khi giáp vụ.

Đối với diện tích thiệt hại nhẹ: Chủ động kiểm tra, thoát nước kịp thời, không để nước đọng trên mặt luống, sau mưa, cần tiến hành dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa các thân cành bị giập, gãy sau mưa tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng, hạn chế nấm bệnh; sau khi nước rút, trời tạnh ráo, cần xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc và dựng cây.

Với vùng chuyên rau màu, màu: Cần khơi thông, nạo vét mương máng, rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi; khi đất khô ráo, cần xới vun kịp thời để tạo độ thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK...; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau, đồng thời mở rộng diện tích cây vụ đông nhằm bù đắp thiệt hại do bão số 3 gây ra.

Đối với các diện tích cây ăn quả, các tỉnh cần khẩn trương khơi, thoát nước ngay, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang gốc cây, gây hiện tượng úng cục bộ, tùy từng cây trồng mức độ ảnh hưởng cần thực thiện các biện pháp phù hợp.

Đối với cây chuối: Với những vườn chỉ bị rách lá, nghiêng cây và không bị gẫy thân, tiến hành cắt tỉa các lá bị gãy, vệ sinh vườn; khi đất đã se mặt, bón phân với liều lượng thích hợp để kích thích cây hồi phục, mọc rễ mới.

Với vườn bị gãy thân chính: Dọn và xử lý tàn dư cây gãy đổ; chọn 1-2 chồi khỏe nhất trong khóm để chăm sóc thành cây thay thế cây chính bị gãy đổ; cung cấp các dưỡng chất qua lá để tăng cường khả năng hồi phục của cây.

Đối với cây ăn quả: Cắt bỏ  cành gãy/bị tổn thương nặng do bão, ngập lụt. Khi trời ngừng mưa, đất se mặt, xới mặt đất (ở vùng tán cây) bằng cuốc răng (sâu 5 - 10cm) để phá váng, rễ cây có thể hút được ôxy; khi phá váng xong cần che phủ gốc bằng rơm rạ hoặc cỏ khô.

Sử dụng phân kích rễ tưới theo hình chiếu tán cây giúp phát triển rễ tơ mới; kết hợp phun phân bón lá giúp tăng cường khả năng hồi phục; tưới đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng, hanh khô, chống tình trạng cây mất nước. Khi đất se mặt, bón phân với liều lượng: 0,1- 0,2 kg urê + 0,1 - 0,2 kg kaliclorua/cây (tuỳ loại và tuổi cây) để kích thích cây hồi phục, mọc rễ mới.

Theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các tỉnh, thành tăng cường công tác dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại, bệnh hại trên các loại cây trồng sau bão. Phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Đối với lúa: Có biện pháp phòng trừ sự bùng phát của sâu bệnh hại như: rầy nâu, sâu đục thân, bệnh bạc lá, đạo ôn, lùn sọc đen...; Đối với bệnh lùn sọc đen: theo dõi, kiểm tra, lấy mẫu, giám định để kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu bệnh.

Tăng cường công tác phòng chống bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn trên các diện tích gieo cấy giống nhiễm nặng bằng các thuốc BVTV đặc hiệu. Đối với diện tích lúa bị đổ ngã: Kiểm tra mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng, theo dõi chặt chẽ diễn biến phát sinh của rầy để phòng trừ kịp thời nơi có mật độ cao.

Đối với sâu đục thân 2 chấm: Theo dõi chặt chẽ mật độ ổ trứng trên lúa giai đoạn đòng già - trỗ, nhất là trà lúa trỗ trung tuần tháng 9 để chủ động trong công tác chỉ đạo phòng chống.

Đối với rau màu, phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện các loại nấm bệnh thường phát sinh gây hại trên rau màu sau bão.

Đối với cây ăn quả: Thực hiện phun phòng trừ bệnh hại trên cây ăn quả, liều lượng phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất: bệnh loét bằng thuốc Bordeaux 1 - 2%; bệnh chảy gôm, loét bằng thuốc Ridomil MZ 72…

Bà con có thể có thể sử dụng nấm đối kháng Trichoderma ủ với phân hữu cơ và tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh để làm giàu hệ thống vi sinh vật đất, đặc biệt các vi sinh vật đối kháng.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương tập trung khẩn trương rà soát, phân loại diện tích cây trồng bị thiệt hại theo các mức độ để có giải pháp khắc phục phù hợp. Đề xuất chính sách hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại theo quy định để người dân kịp thời khôi phục sản xuất.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón và thuốc BVTV…); không để xảy ra tình trạng thiếu các loại vật tư nông nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Đăng Quang

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top