Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành Du lịch vùng ĐBSCL

Thứ hai, ngày 23 tháng 9 năm 2024 | 14:32

Hiện, vùng ĐBSCL có khoảng 150.000 lao động trong ngành Du lịch nhưng trong đó số lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm 51%. Trước thực trạng trên, nhiều giải pháp đã được các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đưa ra để khắc phục nguồn nhân lực trong thời gian tới.

Vừa thiếu vừa yếu

Ông Trần Đức Vinh, Tổng Biên tập Báo Công lý cho biết, thời gian qua, du lịch ĐBSCL đã phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có, kết hợp đẩy mạnh các hoạt động liên kết - hợp tác và xúc tiến - quảng bá du lịch toàn vùng nên đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sau thời gian vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch trong tình hình mới theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, hoạt động du lịch toàn vùng từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển.

ĐBSCL có nhiều điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sông nước, du lịch miệt vườn.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của vùng đang được xem là chưa tương xứng với tiềm năng, một trong những nguyên nhân đó là trình độ lao động qua đào tạo vùng ĐBSCL vẫn thuộc một trong hai vùng thấp nhất trong cả nước. Do đó, việc xây dựng sản phẩm, công tác tổ chức, liên kết hợp tác, vận hành hoạt động cung cấp dịch vụ đến du khách còn bộc lộ nhiều hạn chế. Mục tiêu đặt ra là cần tập trung xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nhằm thu hút, phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng nói chung và nhân lực chất lượng cao cho ngành Du lịch nói riêng để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch Vùng trong bối cảnh mới.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thông tin cho biết, theo số liệu thống kê, hiện cả nước có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng số lao động cả nước và chỉ 42% được đào tạo về du lịch. 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ, trong đó vùng ĐBSCL tổng lao động du lịch khoảng 150.000 người, với số lượng lao động chưa qua đào tạo chiếm 51%, lao động có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ không đáng kể khoảng 8%.

Trong đó, Bến Tre chiếm 20,6% tổng số lao động trực tiếp ngành Du lịch của cả vùng và chủ yếu là lao động mùa vụ và chưa qua đào tạo về du lịch. Cần Thơ, Tiền Giang, Kiên Giang và An Giang chiếm gần 50% tổng số lao động còn lại, do được phân bố chủ yếu ở các khách sạn, cơ sở ăn uống, khu vui chơi, giải trí tập trung trên địa bàn nên chất lượng đội ngũ lao động các tỉnh này khá tốt, bởi vì được học và làm việc ở môi trường tập trung, điều kiện và có hoạt động du lịch nổi bật hơn.

Năm 2023, ĐBSCL đón hơn 42,5 triệu lượt du khách, đạt doanh thu hơn 35,2 nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, nhưng hiện nay đội ngũ nguồn nhân lực chưa phát triển xứng tầm, chưa đáp ứng nhu cầu mới.

Nhìn chung, vùng ĐBSCL số lao động du lịch có chuyên môn, kỹ năng cao, chất lượng vừa thiếu vừa yếu nhưng số lượng chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa. Ngoài vấn đề chuyên môn du lịch thì một trong những khó khăn của ngành Du lịch hiện nay là thiếu nguồn nhân lực đáp ứng đủ yêu cầu ngoại ngữ và công nghệ thông tin, trong đó có khoảng 30 - 40% hướng dẫn viên du lịch, điều hành tour và 70 - 80% nhân viên lễ tân nhà hàng không đạt chuẩn về ngoại ngữ.

Cùng với đó là hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động cung cấp dịch vụ, tiện ích về du lịch đến du khách, khi mà thời đại bùng nổ về công nghệ, nước ta đang trong quá trình đổi mới toàn diện, công nghiệp hóa - hiện đại hóa và tích cực hội nhập khu vực cũng như kinh tế quốc tế, nhằm bắt kịp làn sóng phát triển đồng thời đảm bảo tăng trưởng kinh tế, phát huy các tiềm lực về văn hóa, du lịch, tạo dựng thế mạnh cạnh tranh quốc gia.

Theo thống kê, hiện nay các trường đạo tạo về du lịch trong vùng hàng năm mới chỉ đáp ứng được khoảng 50 - 60% nhu cầu, trong khi một trong những chỉ tiêu phát triển ngành mục tiêu đến năm 2030, vùng ĐBSCL sẽ cần khoảng 450 nghìn lao động, trong đó khoảng 150 nghìn lao động trực tiếp. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay phần đông sinh viên ra trường đều mới chỉ nắm được phần nào về cơ sở lý thuyết, chưa có kỹ năng chuyên sâu, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, trong khi du lịch là ngành đòi hỏi sự chi tiết và tỉ mỉ và sự thuyết phục bằng giao tiếp lịch thiệp, chu đáo, sự am hiểu về văn hóa bản địa, tâm lý…

Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng, hiện nay, tổng số lao động trong ngành Du lịch ĐBSCL có khoảng 150.000 người, trong đó, có khoảng 40% chưa qua đào tạo, đồng thời, số lao động có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ không đáng kế, khoảng 8%; làm ảnh hưởng nhiều đến công tác phát triển du lịch. Có thể nói vùng ĐBSCL, số lao động trong ngành Du lịch có chuyên môn, kỹ năng tốt, hoạt động chất lượng… còn thiếu rất nhiều.

Ngành Du lịch ĐBSCL có khoảng 150.000 người, trong đó, có khoảng 40% chưa qua đào tạo.

Ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh có nhiều tài nguyên văn hóa bản địa, tiềm năng để phát triển du lịch sông, biển, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng… Những năm gần đây, du lịch Trà Vinh đã có nhiều khởi sắc. Năm 2023, Trà Vinh đón hơn 2,1 triệu lượt khách, đạt doanh thu trên 1.706 tỷ đồng; trong 6 tháng đầu năm 2024 trên 1,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành Du lịch trên 1.000 tỷ đồng. Mặc dù hiện nay, Trà Vinh có 02 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch (Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn thuộc Trường Đại học Trà Vinh và Khoa Kinh tế - Văn hóa - Du lịch thuộc Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh) nhưng hàng năm chỉ đào tạo khoảng 30 sinh viên. Nguồn nhân lực du lịch của Trà Vinh vẫn thiếu và yếu.

Thực trạng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Trà Vinh chưa theo kịp so với điều kiện phát triển của ngành Du lịch. Phần lớn lao động trực tiếp đang phục vụ trong ngành Du lịch đều là lao động phổ thông, lao động trong gia đình chưa qua đào tạo nghề du lịch, đa số không biết ngoại ngữ, hoặc chỉ được đào tạo các lớp nghiệp vụ ngắn hạn do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, tay nghề còn thấp, ông Thiện cho biết thêm.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Theo ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, để tương lai gần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu ngành Du lịch ĐBSCL cần thực hiện các giải pháp, như: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội, về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phát triển du lịch nói chung và phát triển nguồn nhân lực du lịch nói riêng. Nghị quyết số 13 ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh: “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực số, gắn với ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ”.

Nghị quyết 82 ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, đã nêu: “Phát triển nguồn nhân lực du lịch hướng tới mục tiêu đủ số lượng, cân đối cơ cấu ngành nghề, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với các định hướng phát triển sản phẩm và tổ chức không gian du lịch”.

Số lao động có trình độ đại học và sau đại học chiếm tỷ lệ không đáng kế, khoảng 8%.

Thành lập Ban Điều phối du lịch có nhiệm vụ điều phối hoạt động du lịch chung của vùng ĐBSCL, với tinh thần là: Xây dựng kế hoạch phát triển du lịch của từng địa phương (từng tỉnh, thành) phải phù hợp, phải thống nhất với kế hoạch định hướng phát triển du lịch Vùng theo hướng đặc thù nhằm tránh tình trạng na ná nhau, dẫn đến nhàm chán. Trong đó, Ban Điều phối du lịch có chương trình liên kết, hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng ĐBSCL.

Đối với lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực yêu cầu tăng cường liên kết, hợp tác giữa cơ sở đào tạo, với doanh nghiệp và địa phương (liên kết nhiều mặt, liên kết toàn diện, liên kết trước - trong và sau đào tạo). Mặt khác, đẩy mạnh liên kết, hợp tác kể cả trong vùng và ngoài vùng. Chỗ nào liên kết có hiệu quả thì liên kết. Có như vậy, mới phát triển nhanh bền vững. Nâng cao chất lượng đào tạo như cải tiến, đổi mới chương trình, nội dung và hình thức; đồng thời tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và ứng dụng công nghệ thông tin,… Về cơ chế chính sách nên có cơ chế, chính sách phù hợp trong phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách như xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư, có cơ chế, chính sách đãi ngộ nhân tài…

Theo bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Cần Thơ, một trong những giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch ĐBSCL, là hợp tác Nhà trường - Nhà nước - Nhà sử dụng lao động du lịch: “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch là một trong những giải pháp quan trọng bậc nhất, quyết định phát triển nguồn nhân lực du lịch. Để nâng cao hiệu quả hoạt động đào tạo du lịch, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo du lịch, đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo, đổi mới nội dung đào tạo và phương pháp đào tạo, cần chú trọng mối liên kết giữa “ba nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà sử dụng lao động du lịch.

Theo các doanh nghiệp cần triển khai nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng mối liên kết giữa “ba nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà sử dụng lao động du lịch, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đó, Nhà nước luôn phải đóng vai trò dẫn dắt, kết nối, chỉ huy hoạt động hợp tác giữa ba nhà, thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách hành lang pháp lý đảm bảo quyền và lợi ích, nghĩa vụ của các bên trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Nhà trường đóng vai trò xây dựng nên các nội dung học phần phù hợp với thực tiễn, mang tính ứng dụng cao hơn so với các tính lý thuyết như trước đây. Nhằm tránh các trường hợp sinh viên học nhiều năm ra trường nhưng hoàn toàn không có kinh nghiệm và tác phong của người làm du lịch.

Nhà sử dụng lao động du lịch, hay còn gọi là doanh nghiệp du lịch, bên cạnh cần có các kế hoạch đặt hàng đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng thực tế, còn cần phải tích cực tham gia vào công tác giảng dạy phần thực hành qua học kỳ doanh nghiệp ở năm học cuối.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Vietravel đã và đang tham gia rất tốt với các trường Đại học để chuẩn hóa công tác tạo nguồn đầu vào cho doanh nghiệp, theo đó, phối hợp chặt chẽ với các trường có đào tạo chuyên ngành Du lịch trong việc hỗ trợ các chương trình thực tập, thực tế, nhằm giúp đội ngũ sinh viên mới có cơ hội tiếp cận và cọ sát với môi trường thực tế. Có kế hoạch tuyển dụng sử dụng lao động một cách rõ ràng. Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần cạnh tranh phát triển giữa các học viên để có các suất việc làm ngay từ trong quá trình học tập, bà Thy cho biết.

Ông Phạm Xuân Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, việc tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cả về trình độ, kỹ năng các nghề du lịch cũng như kiến thức và tinh thần tuân thủ pháp luật là rất cần thiết. Để đạt được hiệu quả, rất cần sự chung tay của cả hệ thống, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp chính quyền, sự quan tâm tham mưu chính xác, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý du lịch; sự chung tay của hệ thống doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh du lịch, các hiệp hội, tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông tích cực tham gia đưa tin, hỗ trợ phổ biến thông tin rộng rãi và sự chủ động, mong muốn của người lao động trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh du lịch.

Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa trong điều kiện cho phép để mở thêm nhiều lớp đào tạo kỹ năng nghề, bồi dường kiến thức quản lý, tập huấn về các quy định mới của pháp luật cho các địa phương trong vùng, qua đó tạo sự lan tỏa thông qua các học viên đã được bồi dưỡng tiếp tục chủ trì ở các cấp độ tiếp theo, ông Thủy cho hay.

Tổng hợp từ nguồn: Baoxaydung.com.vn; Baocongly.vn.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)

Xem thêm

4[5] 6
Top