Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  

Ngành gỗ nỗ lực nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Thứ hai, ngày 23 tháng 9 năm 2024 | 15:56

Ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam đang có những bước đi mạnh mẽ để khai thác các giá trị mới nhằm duy trì sự tăng trưởng cũng như nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhiều DN chế biến gỗ Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực để khai thác tốt hơn các giá trị.

Đầu tư mạnh cho thiết kế

Từ kinh nghiệm nhiều năm trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch AA Corporation nhận định, ngành nội thất Việt Nam đã hội tụ chuỗi giá trị với đầy đủ các thành tố, từ trồng rừng, khai thác sơ chế nguyên liệu, sản xuất, chế biến, nguyên phụ liệu, công nghiệp phụ trợ, hệ thống DN sản xuất vệ tinh… Đây chính là thế mạnh rất lớn, giúp ngành gỗ xuất siêu trong nhiều năm liền và thậm chí chiếm trên 20-30% trên tổng xuất siêu của quốc gia.

Trên nền tảng chuỗi cung ứng của ngành, thời gian qua, nhiều DN chế biến gỗ Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực để khai thác tốt hơn các giá trị. Trong đó, khâu thiết kế vốn là điểm yếu trong nhiều năm liền thì nay đã được nhiều DN chú trọng đầu tư và mang lại kết quả tích cực.

Năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên ngành gỗ Việt Nam có gian hàng tại sự kiện hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thiết kế nội thất, thời trang – Milan Design Week (Italia). Với 35 DN Việt Nam tham gia trưng bày sản phẩm, sánh ngang với các thương hiệu lớn, các nhà thiết kế hàng đầu thế giới, sự kiện cho thấy một bước tiến lớn trong việc khẳng định giá trị sáng tạo của ngành nội thất và mỹ nghệ Việt Nam tại sân chơi quốc tế. Qua đó tạo động lực đưa ngành gỗ, mỹ nghệ Việt Nam chuyển đổi từ sản xuất gia công (OEM) sang phát triển các sản phẩm có thiết kế riêng (ODM) để nâng cao giá trị.

Ghi nhận tại các hội chợ quốc tế về đồ gỗ và nội thất tổ chức tại Việt Nam trong thời gian qua cũng cho thấy sự tăng trưởng về số lượng các sản phẩm do DN tự thiết kế được giới thiệu, trưng bày. Bởi ngày càng nhiều gian hàng Việt Nam tại hội chợ có treo biển “No camera” (cấm chụp ảnh) để tránh nguy cơ bị sao chép mẫu.

Công ty D’Furni là một ví dụ điển hình về việc đạt được những kết quả vượt trội nhờ đầu tư mạnh mẽ cho thiết kế. Ông Vũ Tiến Thập, CEO của D’Furni cho biết, bất chấp những biến động của thị trường trong 5 năm qua, D’Furni vẫn liên tục tăng trưởng. Riêng thị trường Bắc Mỹ, tăng trưởng luôn duy trì ở mức trên 2 con số.

Mô hình hoạt động của D’Furni có điểm khác biệt so với nhiều DN khác trong ngành. Cụ thể, D’Furni kinh doanh theo mô hình xuất khẩu dự án, tức là bán sỉ cho các nhà thầu dự án. “Đây là thị trường vô cùng lớn trên thế giới” – ông Thập nói. Tuy nhiên, để thành công trong mảng này không phải là dễ. Khâu thiết kế phải được đầu tư rất lớn. Bởi mỗi dự án đều phải có có một thiết kế riêng và tiêu chuẩn của nội thất dự án luôn cao hơn so với nội thất cho người tiêu dùng. Nhưng bù lại, mô hình này lại có giá trị gia tăng vượt trội hơn hẳn. Như tại D’Furni, ông Thập tiết lộ, doanh số xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2024 của công ty đạt khoảng 18 triệu USD, nhưng giá trị gia tăng luôn ở mức ấn tượng trên 50%.

Ông Vũ Tiến Thập cũng chia sẻ, trong năm 2026, Mỹ sẽ chủ trì cùng với Canada và Mexico tổ chức World Cup. Để chuẩn bị cho sự kiện lớn này, dự kiến nhiều nhà hàng, khách sạn sẽ được sửa chữa, nâng cấp để chuẩn bị đón khách. Theo đó, ông Thập kỳ vọng đây sẽ là cơ hội lớn cho D’Furni cũng như các DN xuất khẩu gỗ, nội thất của Việt Nam gia tăng doanh số.

Lợi thế từ nguồn nguyên liệu bản địa

Bên cạnh nỗ lực gia tăng giá trị từ khâu thiết kế, các DN ngành gỗ cũng không ngừng chú trọng khai thác các giá trị bản địa để có nguồn nguyên liệu bền vững cho sản xuất. Ông Trần Lam Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty Thiên Minh cho biết, gỗ acasia (keo tràm) và cỏ năn tượng là hai nguồn nguyên liệu bền vững nếu khai thác tốt sẽ trở thành thế mạnh của ngành thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ Việt Nam.

Các DN ngành gỗ chú trọng khai thác các giá trị bản địa để có nguồn nguyên liệu bền vững cho sản xuất.

Acasia (keo tràm) là loại gỗ phổ biển nhất trong các loại gỗ rừng trồng của Việt Nam, với lượng gỗ khai thác có thể lên đến 20 triệu m3/năm. Với tính ứng dụng cao, sản phẩm làm từ gỗ acasia hiện khá phong phú, từ sản xuất nội thất đến làm ván lạng, gỗ dán, dăm gỗ, viên nén… Thời gian qua, nhiều DN sản xuất nội thất, từ khối FDI lẫn khối DN nội đều đã dùng keo tràm làm nội thất xuất khẩu và được người dùng thế giới đón nhận. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, trong đó có gỗ acasia được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới là cơ hội rất tốt cho các DN sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu này.

Trong khi đó, vùng nguyên liệu cỏ năn tượng tập trung ở khu vực ĐBSCL. Với đặc tính có thể chịu mặn, loại cỏ này hoàn toàn phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn của khu vực này. Do đó, vùng nguyên liệu này có thể dễ dàng có được chứng chỉ FSC cũng như đáp ứng các tiêu chí của EUDR (Quy định chống phá rừng của EU). Đặc biệt, cỏ năn tượng có thể chống được mối mọt, phơi nắng càng lâu càng lên màu đẹp.

Theo ông Lai Trí Mộc, Giám đốc Vietnam Housewares, những sản phẩm từ cỏ năn tượng không những đẹp, tinh xảo mà còn có tuổi thọ trung bình khoảng 5 năm. Nếu dùng trong nhà, điều kiện khí hậu thuận lợi như ở thị trường châu Âu, độ bền sản phẩm còn kéo dài hơn nữa. Do vậy, khi mang sản phẩm ra nước ngoài được khách hàng đón nhận khá nhiệt tình. Hiện, sản phẩm đã có mặt tại các chuỗi siêu thị nội thất lớn ở châu Âu, Mỹ...

Ông Trần Lam Sơn cho biết, với diện tích ước tính khoảng 1,8 triệu ha, mỗi năm cho thu hoạch 3 vụ, loại cỏ này có giá trị lên tới khoảng 9 tỷ USD. Thậm chí, cỏ năn tượng hoàn toàn có thể ứng dụng kết hợp với gỗ để làm đồ nội thất.

Các DN cho biết, trong bối cảnh các nguyên liệu như tre, trúc, lục bình đang bị cạnh tranh rất lớn từ Trung Quốc, thậm chí giá lục bình bị đẩy lên rất cao, cỏ năn tượng đang là nguồn nguyên liệu mới được kỳ vọng sẽ tạo lợi thế cạnh tranh riêng cho các DN Việt Nam.

Đón đầu cơ hội mới

Theo các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng để gia tăng đơn hàng những tháng cuối năm 2024 và đón đầu cơ hội năm 2025.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình xuất khẩu ghi nhận sự khả quan nhất định, dự đoán từ nay đến cuối năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất đạt 14,5-15 tỷ USD.

Nhận định về tình hình xuất khẩu của ngành trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho hay, tình hình xuất khẩu ghi nhận sự khả quan nhất định, dự đoán từ nay đến cuối năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất đạt 14,5-15 tỷ USD.

Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành hy vọng, sau cú huých về đầu tư công của Chính phủ và các doanh nghiệp bất động sản có sự phục hồi thì sang năm 2025, ngành gỗ và nội thất nội địa sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn.

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là thị trường chính. Các thị trường này đã đổ một lượng lớn tiền để gom mua mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA thông tin, cho đến thời điểm này, đơn hàng xuất khẩu của AA đã ổn định và ngày càng gia tăng với các công trình nội thất ở nước ngoài như: Mỹ, Trung Đông và các khu du lịch nổi tiếng thế giới. Mặc dù đơn hàng chưa đạt như năm 2022, nhưng rất khả quan so với những tháng đầu năm.

“Về thị trường trong nước, tình hình đơn hàng trong 6 tháng đầu năm còn chậm, nhưng chúng tôi đang hy vọng sang năm 2025 sẽ khả quan hơn. Do đó, trong lúc thị trường còn khó, doanh nghiệp đẩy mạnh đa dạng sản phẩm, tăng cường tiếp thị… để thu hút nhiều khách hàng hơn”, ông Khanh chia sẻ.

Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh ngành xây dựng trong nước chào đón đợt tăng trưởng đầu tiên sau 4 năm trì trệ, ngành xây dựng quốc tế liên tục đổi mới bám sát mục tiêu net zero, Triển lãm Nội thất và Xây dựng Việt Nam (VIBE) được giới chuyên môn nhận định sẽ phát triển chuỗi cung ứng ngành toàn diện dành cho thị trường nội địa và tiếp tục mở rộng ra quốc tế trong các kỳ tiếp theo.

Triển lãm diễn ra từ ngày 2 - 5/10, được tổ chức bởi Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cùng Hiệp Hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM (SACA), với sự đồng hành của các đối tác uy tín trong nước và quốc tế.

Theo đó, triển lãm hội tụ 150 nhà triển lãm hàng đầu trong các lĩnh vực nội thất, xây dựng và công nghệ như Nippon, Takara Standard, Vicostone, Phúc Mỹ Gia, Nhà Xinh, Bo Concept… và đạt quy mô hơn 500 gian hàng.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, sự kiện quy tụ chọn lọc những doanh nghiệp sở hữu cá tính thương hiệu đặc thù, đa dạng lĩnh vực và phong cách riêng. Đồng thời, tại VIBE có hoạt động B2D2C (Business to Designer to Consumers) - mô hình trong đó doanh nghiệp thông qua cộng đồng kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, nhà thầu, đối tượng chuyên môn để cung cấp trực tiếp dịch vụ, sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng. Áp dụng mô hình này, VIBE 2024 sẽ trở thành nền tảng triển lãm toàn diện, quy tụ các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành.

Đồng tình với ý kiến, ông Nguyễn Quốc Thống, Phó chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam (VNIA) chia sẻ: “Thông qua triển lãm lần này, nhóm doanh nghiệp thiết kế sản phẩm của VNIA sẽ kết hợp với Hawa và các Hiệp hội thủ công mỹ nghệ khác để đưa sản phẩm nội thất có hàm lượng thiết kế của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm mang bản sắc Việt ra thị trường trong và ngoài nước.”

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam tính từ đầu năm đến giữa tháng 8/2024 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023./.

 

Thanh Tâm (t/h theo haiquanonline.com.vn, baodautu.vn...)

Xem thêm

1[2] 3Trang cuối
Top