Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 27 tháng 9 năm 2024  

Lão nông người Khmer gửi tặng đồng bào vùng lũ ở các tỉnh phía Bắc 4 tấn gạo

Thứ ba, ngày 24 tháng 9 năm 2024 | 14:30

Những ngày qua, hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng về việc hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở các tỉnh phía Bắc, các tầng lớp Nhân dân ở tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng vào cuộc, chung tay góp sức, hướng về đồng bào phía Bắc bằng những việc làm thiết thực đầy tình “tương thân tương ái”. Trong đó, có một lão nông người Khmer ở phường 5 (TP.Sóc Trăng) đã gửi tặng đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ 4 tấn gạo...

Gia đình ông Lâm Se gửi tặng 4 tấn gạo cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 vừa qua.

Sáng 24/9, ông Ngô Hùng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Chiều 23/9, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã tiếp nhận 4 tấn gạo từ hộ ông Lâm Se, người Khmer, ở khóm 2, phường 5 (TP.Sóc Trăng) gửi đến hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. 

Nhiều năm qua, người dân ở Sóc Trăng đều biết đến ông Lâm Se (65 tuổi),  vì ông là nông dân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cần cù, chịu khó, năng động trong sản xuất, kinh doanh, mỗi năm thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Trò chuyện cùng tôi, ông Lâm Se cho biết: Tôi xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống cách mạng. Năm 18 tuổi, tu học tại chùa Som Rong (phường 5-TP.Sóc Trăng), dạy chữ Khmer miễn phí cho các em người dân tộc trong chùa và trường học lân cận.  Năm 1987, tôi lập gia đình, hai vợ chồng ra riêng chỉ với vài công đất (khoảng 2.000m2) nhưng với đức tính chăm chỉ cần cù, tiết kiệm chi tiêu, vợ chồng tích lũy vốn mua được 10 công đất. Vừa làm ruộng vừa tranh thủ chạy xe ôm ròng rã gần chục năm trời để tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống, tiền lời từ bán lúa tôi tích lũy để mua thêm ruộng, đến nay gia đình có khoảng 12ha đất trồng lúa. Gia đình đã xây dựng được căn nhà khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Có được cuộc sống khá giả, sung túc là nhờ cả hai vợ chồng tần tảo lao động, bươn chải làm ăn, năng động, dám nghĩ, dám làm trong sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề.

Ban đầu làm ruộng, về sau ông làm thêm dịch vụ máy cày, máy gặt đập liên hợp, mua máy bay không người lái phun thuốc, làm dịch vụ cuộn rơm, mua rơm của bà con cuộn lại bán lại cho thương lái ở các tỉnh.

Ông Lâm Se là nông dân tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, cần cù, chịu khó, năng động trong sản xuất, kinh doanh, mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Lâm Se chia sẻ: Về làm lúa, năm nào thời tiết thuận lợi, tôi làm được 3 vụ lúa/năm, lợi nhuận thu được 300 triệu đồng/năm; còn năm nào thời tiết không thuận lợi, chỉ làm được 2 vụ, lợi nhận khoảng 200 triệu đồng/năm. Về máy gặt đập liên hợp, tôi có 2 máy, mỗi máy có thể làm được 1.000 công lúa (1 ha lúa), 2 máy là 2.000 công lúa. Giá dịch vụ 220.000 đồng/công, trừ chi phí, lãi 100 ngàn đồng/công. 

Nói về làm dịch vụ cuộn rơm, ông kể, năm 2017, ông gặp thương lái bên Trà Vinh sang Sóc Trăng thu mua rơm. Thương lái cho biết họ thu mua không giới hạn để làm nguyên liệu trồng nấm, thức ăn cho gia súc và ủ bón cho cây. Từ thông tin đó, ông nghĩ sao họ làm được mà mình lại không làm được, trong khi rơm ở Sóc Trăng rất nhiều. Vậy là ông sang Trà Vinh để học hỏi kinh nghiệm và quyết định khởi nghiệp với nghề cuộn rơm.

Về nhà, ông “liều” vay 300 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi để mua 1 máy cuộn rơm. Đây cũng là chiếc máy cuộn rơm đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, ông vận động người dân sau khi thu hoạch lúa, không đốt rơm mà bán lại cho ông vừa không bị ô nhiễm môi trường, lại vừa tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Thu nhập từ mua bán rơm, ông đầu tư mua thêm máy, đến nay, gia đình ông có 6 máy cuộn rơm. Vào mùa, bình quân 1 ngày thu gom được khoảng 500 cuộn rơm/máy, như vậy 6 máy làm được khoảng 3.000 cuộn rơm/ngày. Giá bán 25.000 đồng/cuộn rơm, cho lãi 1 nửa. Rơm của ông được người dân ở nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL đến mua về trồng nấm, làm thức ăn cho trâu - bò, ủ làm phân bón cây. 

Hiện tại, từ các dịch vụ nông nghiệp, gia đình ông Lâm Se tạo việc làm cho 20 người dân địa phương. Mỗi người có thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/tháng. 

Nhiều năm qua, ông Lâm Se được công nhận là nông dân sản xuất kinh, doanh giỏi cấp tỉnh. Ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen  trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Nói về việc gửi tặng đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ 4 tấn gạo, ông Lâm Se tâm sự: Xem ti vi, thấy bà con ngoài đó thiệt hại nặng nề do bão lũ, cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, thấy mà xót xa. Chúng ta cùng 1 cha, 1 mẹ; 1 Đảng, 1 Nhà nước nên thấy hoàn cảnh bà con như vậy, gia đình tôi gửi tặng 4 tấn gạo, của ít lòng nhiều, mong bà con vượt qua khó khăn để làm lại, xây dựng cuộc sống tốt hơn.

Được biết, ông Lâm Se gửi 4 tấn gạo thuộc giống lúa OM5451, giá thị trường hiện nay là 16 triệu đồng /tấn. Số gạo đó ông cho vào túi nhỏ với trọng lượng 10kg/túi để dễ dàng vận chuyển cũng như cấp phát cho bà con.

Hộ khó khăn có nhu cầu đi khám - chữa bệnh, cấp cứu, thăm người thân, ông Lâm Se hỗ trợ xe không thu tiền.

Đặc biệt, ông Lâm Se vừa mua 1 chiếc xe 7 chỗ hiệu Toyota Fortuner đời mới để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình và nếu bà con ở địa phương có nhu cầu đi cho khám - chữa bệnh, cấp cứu, thăm người thân...,  ông sẽ hỗ trợ không thu một khoản tiền nào với hộ khó khăn.
 

Cao Xuân Lương

Xem thêm

1 2[3]Trang cuối
Top