Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  

Nông dân Lai Châu thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Thứ ba, ngày 10 tháng 12 năm 2024 | 11:22

Thời gian qua, nhiều nông dân, địa phương ở Lai Châu đã tích cực tham gia phong trào sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nông dân, làm giàu cho quê hương.

Nông dân sản xuất giỏi

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Giàng A Díu ở bản Sin Páo Chải, xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu), là một trong những người đi đầu phát triển kinh tế ở bản. Nhờ sự năng động, dám nghĩ, dám làm, nhất là thay đổi tư duy sản xuất anh Díu đã nâng cao thu nhập từ việc buôn bán nông sản như: thóc, ngô, gia súc, gia cầm, nuôi trâu vỗ béo. Với cách làm này đã mang lại cho gia đình anh thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Anh Díu chia sẻ: Được sự tuyên truyền vận động của cán bộ Hội Nông dân xã, tôi đã thay đổi nếp nghĩ cách làm, nhờ đó nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Tương tự, gia đình anh Chẻo Lao Lử ở bản Cư Nhà La với việc nuôi ngựa, trồng dong riềng, làm dịch vụ san ủi đất ruộng, ao, trồng cây ăn quả bán ra thị trường, nhiều năm nay gia đình anh thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Không những phát triển kinh tế gia đình anh Lử còn tạo việc làm cho 3 lao động địa phương với mức thu nhập từ 2 – 11 triệu đồng/tháng.

Anh Liều A Tỉnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Sùng Phài chia sẻ: Hội Nông dân xã luôn xác định phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" là phong trào lớn mang tính quyết định đến sự phát triển của tổ chức hội; tạo niềm tin, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia sinh hoạt vào tổ chức hội. Thời gian qua, Hội Nông dân xã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Tạo không khí thi đua sôi nổi; tích cực thu hút các nguồn đầu tư, hợp tác hỗ trợ hội viên, nông dân; mạnh dạn đưa các mô hình giống cây, con mới vào sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các nguồn vốn hỗ trợ thông qua việc ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) để hội viên, nông dân đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng quy mô trang trại, tạo công ăn việc làm cho lao động dư thừa tại chỗ.

Anh Chẻo Lao Lử - bản Cư Nhà La chăm sóc đàn ngựa.

Hằng năm, Hội Nông dân xã xây dựng kế hoạch triển khai phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", giao chỉ tiêu thi đua cho 13/13 chi hội và phát động phong trào sâu rộng đến 100% cán bộ, hội viên nông dân gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Căn cứ vào kết quả thực tế để bình xét, công nhận và đề nghị công nhận hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi hằng năm. Đến nay, trên địa bàn xã có 62 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (trong đó, cấp thành phố 11 hộ, cấp cơ sở là 51 hộ) với thu nhập đã trừ chi phí đạt từ 100 - trên 300 triệu đồng/năm.

Hội Nông dân xã chủ động tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi theo các chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH hướng dẫn hội viên nông dân xây dựng dự án vay vốn giải quyết việc làm, học sinh sinh viên, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến nay, tổng dư nợ trên 8,7 tỷ đồng duy trì 8 chương trình cho vay với 4 tổ tiết kiệm và vay vốn với 176 hộ vay. Ngoài ra, hội viên nông dân trên địa bàn xã còn được hưởng lợi nguồn vốn vay ưu đãi từ "Quỹ hỗ trợ nông dân" với tổng số tiền là 800 triệu đồng với 2 dự án, cho 11 hộ vay. Thành lập một tổ vay vốn Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn 16 hộ vay với tổng dư nợ 1,3 tỷ đồng .

Tiếp tục duy trì hoạt động 2 tổ hợp tác rượu ngô truyền thống Gia Khâu I, thêu dệt thổ cẩm xã Sùng Phài với  24 thành viên tham gia, hoạt động của 2 chi hội nghề nghiệp với 24 thành viên tham gia, hoạt động tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi trâu thương phẩm với 6 thành viên tham gia.

Cùng với tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, Hội Nông dân xã vận động 375 hội viên nông dân tham gia lớp 12 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, trồng rau an toàn, trồng và chăm sóc chè mắc-ca, thêu dệt thổ cẩm. Kết quả 100% học viên được cấp chứng chỉ đào tạo nghề.

Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" góp phần không nhỏ vào thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho hội viên nông dân và nhân dân. Khẳng định vai trò trung tâm của Hội Nông dân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội ở địa phương.

Bản Hon nỗ lực giảm nghèo

Nhờ triển khai, thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia cùng với hướng đi thích hợp trong phát triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân xã Bản Hon (huyện Tam Đường) luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, nỗ lực giảm nghèo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Qua đó, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, tiền đề bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian qua xã Bản Hon triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Qua đó, khơi dậy tính tự lực, tự cường của người dân trong việc chung tay giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Nhờ vậy, số hộ nghèo giảm dần qua từng năm, bộ mặt nông thôn xã không ngừng khởi sắc, nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên san sát, đường làng ngõ bản sạch sẽ.

Đến thăm gia đình chị Tao Thị Ún ở bản Đông Pao II (xã Bản Hon) là 1 trong 12 hộ thoát nghèo của bản trong năm 2024. Trong câu chuyện với chị Ún chúng tôi được biết, năm 2023 gia đình chị được nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với nguồn vốn của gia đình chị đã mua 2 con trâu sinh sản. Được cán bộ hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, đến nay đàn trâu sinh trưởng, phát triển tốt đã phát triển thành 3 con. Cùng với đó, chồng chị chăm chỉ lao động, đi làm thuê để có nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống gia đình nên cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Người dân bản Đông Pao II (xã Bản Hon) chăm sóc trâu sinh sản để phát triển kinh tế.

Bản Đông Pao II là một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã Bản Hon, 100% đồng bào dân tộc Lự sinh sống, những năm qua được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, các hộ dân của bản được hỗ trợ mua trâu sinh sản, lợn, giống chanh leo, mắc-ca... Từ đó, người dân trong bản tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, chịu khó học hỏi kĩ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, phòng tránh đói, rét cho vật nuôi, năm 2024 bản có 12 hộ thoát nghèo, hiện nay bản chỉ còn 6 hộ nghèo.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hăng hái lao động sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; hỗ trợ phương tiện sản xuất, hỗ trợ cây, con giống (trâu sinh sản, lợn, giống chanh leo…). Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhận thức của nhân dân đã có chuyển biến tích cực, nhiều hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp tích cực trồng trọt, chăn nuôi, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực của xã đạt 535ha; tổng sản lượng lương thực ước đạt 2.429 tấn. Bình quân lương thực 841kg người/năm, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 7,2%. 

Hiện nay, tổng diện tích chè của xã là 122,25ha, sản lượng chè búp tươi thu hoạch ước đạt 1.161 tấn. Đồng thời, chỉ đạo nhân dân tập trung thực hiện, chăm sóc diện tích chanh leo hiện có ở các bản: Bản Hon, Đông Pao I, II, Hoa Dì Hồ, Chăn Nuôi; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đăng ký trồng mới diện tích chanh leo, tính đến thời điểm này nhân dân trồng mới 6ha chanh leo, 4ha bơ sáp. Chú trọng chăm sóc đàn gia súc, tổ chức tiêm vắc-xin 2 đợt cho gia súc, gia cầm trên địa bàn với tổng số 2.880 liều, hiện xã có 1.880 con gia súc, trên 9.200 con gia cầm... Các chương trình, dự án được triển khai đã góp phần giúp tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5-6%/năm, đặc biệt năm 2024 tỷ lệ giảm nghèo của xã đạt 8,4% (vượt kế hoạch đề ra), thu nhập bình quân đạt 45 triệu đồng/người/năm.

Với những chính sách hiệu quả, thiết thực của Đảng, nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của nhân dân, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Bản Hon đã từng bước được nâng lên, tạo đà cho kinh tế - xã hội trên địa bàn xã phát triển, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đẩy mạnh sản xuất gắn với chế biến nông sản

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nhân rộng các mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, nhà màng, nhà lưới công nghệ cao; chăn nuôi an toàn sinh học - đã và đang là những giải pháp huyện Tân Uyên triển khai hiệu quả trong những năm gần đây. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau, quả của Công ty TNHH MTV Trọng Nghĩa ở bản Tân Bắc (xã Pắc Ta). Thời điểm này, đơn vị đang thu hoạch dưa lê vàng, dưa leo baby, bí hạt dẻ, cải xoăn (cải kale). Nhìn những hàng dưa chín vàng căng mọng; hàng dưa leo sai trĩu quả; hàng bí hạt dẻ tốt tươi được trồng trong nhà màng, chúng tôi như lạc vào khu vườn cổ tích, đầy sức cuốn hút và hấp dẫn. Phía ngoài nhà màng là các thửa ruộng trồng súp lơ san hô, cải xoăn xanh ngát một màu. 

Anh Lê Văn Phượng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Trọng Nghĩa ở thị trấn Tân Uyên phấn khởi chia sẻ: Hiện nay, đơn vị chúng tôi mở rộng được 8.000m2 nhà màng ở thị trấn Tân Uyên và xã Pắc Ta, chủ yếu trồng cà chua, dưa leo baby, dưa lê vàng. Đặc biệt năm nay trồng thử nghiệm 1.000 cây bí hạt dẻ trong nhà màng và hơn 2.000m2 trồng cải xoăn, súp lơ san hô. Đây là những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao. Để đảm bảo năng suất, chất lượng rau, quả, đơn vị áp dụng khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap; đến nay hầu hết các sản phẩm đều đạt theo tiêu chuẩn này. Vì vậy, giá thành khi bán ra thị trường rất cao. Như bí hạt dẻ 50.000 đồng/kg, cải xoăn 30.000 đồng/kg, dưa lê vàng 60.000 đồng/kg... Thị trường tiêu thụ nông sản của đơn vị chủ yếu là siêu thị, nhà hàng, cửa hàng ở Thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hải Dương, Phú Thọ; ngoài ra, bán lẻ tại các huyện, thành phố trong tỉnh. Bình quân, mỗi năm doanh thu từ bán chuối, rau quả lên đến vài tỷ đồng; trừ chi phí, thuê nhân công, thu lãi trên 200 triệu đồng.

Công ty TNHH MTV Trọng Nghĩa thu hoạch bí hạt dẻ trồng trong nhà màng.

Tân Uyên được biết đến là địa phương giàu tiềm năng về đất đai với các cánh đồng tập trung lớn, khí hậu ôn hoà. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất như: thủy lợi, giao thông được đầu tư đồng bộ nên có nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và nông sản hàng hóa nói riêng; nguồn lao động dồi dào. Xác định, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Vì vậy, để nâng cao giá trị sản xuất của ngành, thời gian qua, huyện Tân Uyên lãnh, chỉ đạo hiệu quả nghị quyết, đề án của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung giai đoạn 2021-2025 gắn với Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Tân Uyên giai đoạn 2020 - 2025 nhằm khai thác những lợi thế sẵn có.

Theo đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất lúa hàng hóa, trồng chè, cây ăn quả, chăn nuôi, trồng rừng; tổng hợp nhu cầu của nhân dân để xây dựng kế hoạch thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mạnh dạn thay đổi tư duy, lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, năng suất cao vào sản xuất; chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích nhà màng, nhà lưới công nghệ cao; trồng chè, cấy lúa, rau, quả theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ nhằm nâng cao giá trị nông sản. 
Mặt khác, huyện lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết 07 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ vốn, giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, tạo động lực cho các hộ, doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển nông nghiệp. 

Trao đổi P.V, anh Chu Văn Thanh - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: Năm 2024 hầu hết các chỉ tiêu của ngành Nông nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch được giao, nhất là giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương tăng lên rõ rệt. Trong đó, chỉ tiêu trồng cây ăn quả đạt 150/150ha, trồng chè đạt 81,9ha/80ha. Nổi bật là huyện đã phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhà màng, trong năm đã mở rộng hơn 3ha (đạt 222% kế hoạch), nâng tổng diện tích nhà màng lên 5,23ha, dự kiến năm 2025 đạt 7,23/7ha so với chỉ tiêu đề án giao. Hiện nay, các nhà màng, nhà lưới thực hiện theo quy trình VietGAP với các sản phẩm: dưa lưới, dưa leo, dưa baby, cà chua, rau ăn lá, đều phát triển tốt, thị trường tiêu thụ ổn định. Việc sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ được bà con, doanh nghiệp chú trọng, vì thế giá trị tăng trên 1 diện tích đất so với trước kia canh tác truyền thống tăng gấp 2-3 lần.

Bên cạnh đó, chăn nuôi đại gia súc hướng an toàn sinh học, nhân rộng các mô hình trang trại, gia trại được các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con chú trọng thực hiện. Ngoài tăng số lượng đàn nuôi, nuôi gối lứa, nhân dân quan tâm đảm bảo đủ chất dinh dưỡng từ nhiều nguồn thức ăn xanh, thức ăn thô, tinh bột; chủ động công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Nhờ đó, mấy năm nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra dịch bệnh lớn, người dân yên tâm đầu tư chăn nuôi. 

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, năm 2024, toàn huyện Tân Uyên gieo trồng gần 6.000ha cây lương thực; tổng sản lượng lương thực ước đạt trên 29.977 tấn; trồng 370ha rau màu các loại. Thời điểm này, nhân dân đang chăm sóc, bảo vệ, thu hái hơn 3.668ha chè, sản lượng chè búp tươi ước đạt 30.500 tấn; gần 1.006ha cây ăn quả, 1.185ha cây dược liệu; phát triển đàn vật nuôi trên 301.000 con, 204 lồng cá, 4.560 thùng ong... Tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp huyện năm 2024 ước đạt 893 tỷ đồng. Qua đó, nâng thu nhập bình quân của địa phương lên 51 triệu đồng/người/năm 2024. 

Theo baolaichau.vn

 

V.N (tổng hợp)

Xem thêm

[4] 5 6Trang cuối
Top